Quan hệ Mỹ-Việt nâng cấp ảnh hưởng gì đến Biển Đông ?
VOA, 27/09/2023
Mỹ sẽ lên tiếng ủng hộ Việt Nam trước sự o ép của Trung Quốc trên Biển Đông nhưng Hà Nội không lợi dụng điều này để thách thức Trung Quốc trong khi Bắc Kinh cũng sẽ không chùn bước trong các hành động trên Biển Đông, các nhà phân tích nói với VOA.
Các tàu hải cảnh Trung Quốc thường xuyên quấy rối trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam
Tuyên bố chung giữa Tổng thống Joe Biden và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm 10/9 về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Mỹ-Việt có vài dòng đề cập đến Biển Đông, trong đó khẳng định lập trường của hai nước là tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phù hợp với luật quốc tế.
Yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, mà họ gọi là ‘chủ quyền lịch sử’, xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) và yêu sách này đã bị Tòa thường trực Quốc tế (PCA) bác bỏ hồi năm 2016 vì ‘không có cơ sở pháp lý’.
"Hai nhà lãnh đạo khẳng định ủng hộ nhất quán việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, cũng như tự do hàng hải và hàng không, thương mại hợp pháp không bị cản trở ở Biển Đông", tuyên bố chung nêu.
Gần đây Bắc Kinh đã có những hành động quấy rối trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và Philippines trên Biển Đông nhưng hành động của Bắc Kinh cản trở hải quân Philippines tiếp tế cho tàu chiến của họ mắc cạn trên bãi Cỏ Mây đã bị Washington lên án.
Mỹ sẽ ủng hộ gì ?
Ông Bill Hayton, chuyên viên của Viện Nghiên cứu Chatham House ở London, Anh, người theo dõi tình hình Biển Đông trong nhiều năm, nói với VOA rằng ‘khó có khả năng Bắc Kinh thay đổi cách hành xử của họ trên Biển Đông’.
"Lý do thứ nhất là Bắc Kinh cho rằng họ nắm lẽ phải. Giới chức Bắc Kinh tin vào những lời tuyên truyền của họ về chủ quyền trên Biển Đông và điều này khiến họ hành xử như là chân lý là của họ", ông giải thích.
"Thứ hai là Bắc Kinh không tin rằng Việt Nam sẽ thật sự có hành động gì đó để thách thức họ. Trung Quốc có sức mạnh kinh tế và quân sự để làm những gì họ muốn và họ biết rằng Việt Nam sẽ không liên minh với Mỹ để chống lại họ", ông nói thêm.
Trên thực tế, mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Mỹ được xác định là ‘vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững’ và không hề nhắc đến Trung Quốc trong tuyên bố chung.
Dựa trên những cam kết của Mỹ đối với Việt Nam như ‘tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ’ và ‘ủng hộ Việt Nam hùng mạnh, thịnh vượng, độc lập và tự cường’, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, vốn giảng dạy về chính trị và quan hệ quốc tế ở Đại học VinUni ở Hà Nội, cho rằng Washington ‘sẽ có tiếng nói trong việc bảo vệ Việt Nam trong các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và sẽ có những hỗ trợ cụ thể’.
Trong khuôn khổ quan hệ mới này, ông Hải dự đoán hợp tác quốc phòng-an ninh giữa hai nước ‘sẽ đi vào chiều sâu hơn’, từ mua sắm vũ khí, hợp tác công nghiệp quốc phòng, đến chia sẻ thông tin tình báo. Tuy nhiên, ông cho rằng việc hợp tác này ‘trên hết và trước hết là phục vụ bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc của Việt Nam’ trên Biển Đông chứ không phải là nhằm vào Trung Quốc.
Chính quyền Biden đang đàm phán với Việt Nam về thỏa thuận chuyển giao vũ khí lớn nhất trong lịch sử giữa hai nước, Reuters mới đây đưa tin, trong đó có thương vụ bán một phi đội máy bay chiến đấu F-16 cho Việt Nam.
Tiến sĩ Hải lưu ý chính sách ngoại giao của Hà Nội ngoài ‘bốn không’ còn có ‘một tùy’, tức là ‘tùy theo diễn biễn của tình hình và trong điều kiện cụ thể để tăng cường hợp tác quốc phòng nhằm bảo vệ lợi ích của mình’.
"Việt Nam sẽ luôn hoan nghênh sự hiện diện cũng như những đóng góp của Mỹ vào việc duy trì hòa bình và ổn định ở vùng biển này", ông nói với VOA.
Bắc Kinh tiếp tục gây sức ép
Trao đổi với VOA, Tiến sĩ Zachary Abuza, chuyên gia về chính trị Việt Nam tại Trường Chiến tranh Quốc gia ở thủ đô Washington D.C., nhận định rằng Bắc Kinh nghĩ rằng Việt Nam sẽ tiếp tục nhường nhịn họ trên Biển Đông bất chấp quan hệ mới với Mỹ.
"Bắc Kinh có đủ cách gây sức ép với Việt Nam nếu họ nghĩ rằng giới lãnh đạo Việt Nam hành xử có hại cho lợi ích của họ", ông Abuza nói và chỉ ra cách hành động mà Bắc Kinh có thể làm như đơn phương cấm đánh bắt, khảo sát địa chất, thăm dò dầu khí, sử dụng lực lượng dân quân biển, chặn Việt Nam đặt cáp quang ở đáy biển, đóng cửa khẩu đối với hàng hóa Việt Nam…
Trong bối cảnh đó, Mỹ vẫn sẽ tiếp làm những gì mà họ vẫn đang làm lâu nay là tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông (FONOP) để thách thức yêu sách chủ quyền quá mức của Trung Quốc cũng như của các nước tranh chấp khác và Việt Nam cũng sẽ tiếp tục củng cố các thực thể mà họ đang nắm giữ, cũng theo Giáo sư Abuza.
"Nhưng sẽ không có tập trận chung, tuần tra chung", ông dự đoán và giải thích rằng ưu tiên cao nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam là ‘bảo vệ đảng và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa’.
Cũng như ông Nguyễn Hồng Hải, ông Abuza chỉ một lĩnh vực mà Việt Nam có thể hợp tác với Mỹ trên Biển Đông là ‘mua vũ khí’ để đa dạng hóa nguồn cung vũ khí ngoài Nga. Tuy nhiên, ông cho rằng Hà Nội vẫn sẽ không ngưng mua vũ khí từ Nga, nhất là tàu chiến và máy bay chiến đấu.
"Mỹ sẽ bắt đầu bán vũ khí cho Việt Nam, nhưng hiện nay chủ yếu là cho lực lượng cảnh sát biển", ông nhận định.
Trả lời phỏng vấn của VOA bên lề chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thủ đô Washington D.C. hôm 19/9, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper nói rằng trong khuôn khổ mối quan hệ mới, Mỹ sẽ đảm bảo lực lượng cảnh sát biển Việt Nam ‘có đầy đủ phương tiện để bảo vệ lợi ích của họ trên biển, cho dù đó là lợi ích tài nguyên thiên nhiên hay lợi ích trong vùng đặc quyền kinh tế’.
Đại sứ Knapper chỉ rằng hội chợ quốc phòng Hà Nội hồi cuối năm ngoài đã có một số công ty Mỹ tham dự. "Chúng tôi trông đợi có cơ hội trong tương lai cho các nhà thầu quốc phòng Mỹ làm việc với chính quyền Việt Nam để giúp họ đa dạng hóa nguồn cung và hiện đại hóa quân đội".
"Tôi cho rằng Việt Nam và Hoa Kỳ chia sẻ quan điểm về tầm quan trọng của việc đảm bảo Biển Đông vẫn tự do và mở, cho dù đó là tự do hàng hải, tự do giao thương, tự do bay, và cũng để đảm bảo rằng không một quốc gia nào có thể tùy ý đơn phương thay đổi hiện trạng, rằng luật pháp quốc tế phải được tôn trọng, nhất là Công ước Quốc tế về Luật Biển để bất cứ nước nào cũng không bị o ép và có thể đưa ra những quyết định phù hợp với lợi ích quốc gia của họ", ông Knapper nói với VOA.
VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam để hỏi Việt Nam sẽ có những hợp tác gì với Mỹ trên Biển Đông trong khuôn khổ mối quan hệ mới nhưng không nhận được phản hồi.
Nguồn : VOA, 27/09/2023
******************************
Mỹ, Việt Nam tăng cường hợp tác tuần duyên sau chuyến thăm của Tổng thống Biden
VOA, 26/09/2023
Một nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cho biết lực lượng bảo vệ bờ biển của Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ mở rộng mối quan hệ hợp tác trên biển sau chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Joe Biden hồi giữa tháng này.
Buổi lễ chuyển giao tàu lớp Hamilton của Tuần duyên Mỹ cho Việt Nam hôm 25/5/2017.
Giám đốc cấp cao Hội đồng An ninh Quốc gia khu vực Đông Á và Châu Đại dương của Mỹ, bà Mira Rapp-Hooper, đưa ra thông tin trên trong một buổi họp báo trực tuyến cùng với Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper hai ngày sau khi Tổng thống Biden rời Việt Nam.
"Hoa Kỳ và Việt Nam có một mối quan hệ đối tác an ninh lâu dài trên nhiều lĩnh vực", bà Rapp-Hooper, cũng là trợ lý đặc biệt của tổng thống Mỹ, nói với các phóng viên tạibuổi họp báo được Bộ Ngoại giao Mỹ đăng tải chi tiết trên trang web chính thức hôm 13/9.
Bà Rapp-Hooper cho biết Mỹ và Việt Nam "đã cùng nhau thực hiện nhiều công việc quan trọng để xây dựng năng lực trong các lĩnh vực như lực lượng bảo vệ bờ biển và lĩnh vực hàng hải" cũng như "mong muốn tiếp tục phát triển mối quan hệ trong các lĩnh vực đó".
Theo thông tin được Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đưa ra, Hoa Kỳ đã chuyển giao 3 tàu tuần tra lớp Hamilton đã qua sử dụng cho Việt Nam kể từ năm 2017, được xem là một phần của sự hỗ trợ an ninh và bán quân sự trị giá hàng chục triệu đô la của Washington dành cho Hà Nội trong những năm gần đây.
Bà Rapp-Hooper nói rằng chính quyền Biden đã xây dựng một loạt các liên minh và quan hệ đối tác trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó "mối quan hệ đối tác Hoa Kỳ-Việt Nam đang chiếm vị trí xứng đáng" trong điều mà bà gọi là "thánh đường của những mối quan hệ đáng kinh ngạc".
"Mỹ và Việt Nam ngày càng thống nhất về các mục tiêu của nhau trong khu vực, bao gồm luật pháp trên các tuyến đường thủy quốc tế như Biển Đông, chuỗi cung ứng an toàn và linh hoạt cho các công nghệ mới nổi cũng như trật tự kinh tế sôi động, rộng mở và dựa trên luật lệ", bà Rapp-Hooper nói tại cuộc họp báo.
Theo người phát ngôn của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Kirah Wurst, được tờ báo tin tức quân sự MỹStars and Stripes trích lời cho biết hôm 19/9, lực lượng tuần duyên của Mỹ và Việt Nam đang hợp tác về an ninh hàng hải trong khu vực.
"Chúng tôi đã cung cấp tàu tuần tra, cơ sở bảo trì và đào tạo cho Cảnh sát biển Việt Nam", bà Wurst nói. "Công việc của chúng tôi với Cảnh sát biển Việt Nam tập trung vào việc chống buôn lậu bất hợp pháp và chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU)".
Mặc dù Việt Nam, giống như Philippines và Nhật Bản, phải đối mặt với sự gây hấn thường xuyên của lực lượng tuần duyên Trung Quốc trong các tranh chấp lãnh thổ trên biển, nhưng theo các quan chức Mỹ, mối quan hệ thân thiết hơn giữa Washington và Hà Nội không nhằm thách thức Trung Quốc.
Đại sứ Knapper cho biết tại buổi họp báo rằng "mối quan hệ này không liên quan đến ai khác cả".
"Đó là về hai nước (Mỹ và Việt Nam) và giá trị nội tại mà mối quan hệ này mang lại xét về mặt thịnh vượng chung, an ninh chung, lợi ích chung của chúng tôi ở một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở cũng như một Biển Đông tự do và rộng mở".
Tổng thống Biden hôm 10/9, khi phát biểu tại Hà Nội, nói rằng mối quan hệ được thắt chặt hơn giữa Mỹ và Việt Nam không nhằm khơi mào một "cuộc chiến tranh lạnh" với Trung Quốc và rằng ông muốn thấy Trung Quốc "thành công" nhưng "theo luật lệ".
Nguồn : VOA, 26/09/2023
************************
Trung Quốc phản ứng trước thông tin Mỹ sẽ cấp máy bay F-16 cho Việt Nam
VOA, 26/09/2023
Trước thông tin Washington và Hà Nội đang đàm phán một thương vụ chuyển giao vũ khí lớn, trong đó có máy bay chiến đấu F-16, Trung Quốc nói họ muốn "các nước liên quan" không "chạy đua vũ trang" khi hợp tác quốc phòng.
Reuters hôm 24/9 trích dẫn các nguồn tin riêng cho biết một thỏa thuận chuyển giao vũ khí được xem là lớn nhất trong lịch sử giữa Mỹ và Việt Nam đang được Chính quyền Tổng thống Joe Biden đàm phán với Hà Nội. Hai người biết về thỏa thuận này nói với Reuters rằng một gói vũ khí, có thể đạt được vào năm tới, bao gồm một thương vụ bán một phi đội máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ cho Việt Nam trong lúc quốc gia Đông Nam Á đang có những căng thẳng với Trung Quốc ở Biển Đông.
Thông tin được đưa ra sau khi Tổng thống Biden có chuyến thăm tới Hà Nội và cùng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố nâng cấp quan hệ lên tầm cao nhất, trong đó Mỹ trở thành đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, ngang hàng với Trung Quốc và Nga.
Khi được đề nghị đưa ra bình luận về thông tin Mỹ đàm phán cung cấp vũ khí, trong đó có máy bay F-16, cho Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói hôm 25/9 rằng "các nước Châu Á chia sẻ mong muốn ổn định, hợp tác và phát triển".
"Chúng tôi hy vọng rằng khi thúc đẩy quan hệ song phương và tiến hành hợp tác quân sự, các nước liên quan sẽ tuân thủ các chuẩn mực cơ bản điều chỉnh quan hệ quốc tế, từ bỏ tâm lý bá quyền và Chiến tranh Lạnh, kiềm chế đối đầu và chạy đua vũ trang", ông Uông nói khi trả lời câu hỏi của phóng viên hãng thông tấn nhà nước Nga TASS trong cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh.
Trong phần trả lời, được Bộ Ngoại giao Trung Quốc đăng tải trên trang chính thức, ông Uông không gọi đích danh Mỹ và Việt Nam nhưng kêu gọi "các nước liên quan" trong thương vụ chuyển giao vũ khí không "gây nguy hiểm cho hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng trong khu vực".
Theo Reuters, thỏa thuận vũ khí mà Mỹ và Việt Nam đang đàm phán mới ở giai đoạn đầu và có thể không đạt được sự đồng thuận. Nhưng hãng tin Anh cho rằng một thỏa thuận vũ khí lớn giữa hai cựu thù có thể khiến Trung Quốc, nước láng giềng lớn hơn của Việt Nam, thêm khó chịu khi nước này vốn đang cảnh giác với những nỗ lực của phương Tây nhằm kiềm chế Bắc Kinh.
Trong một bài xã luận đăng hôm 24/9, tờ Hoàn cầu Thời báo của nhà nước Trung Quốc nói rằng thương vụ vũ khí tiềm năng của Mỹ và Việt Nam là nhằm "phục vụ mục tiêu bá quyền của Mỹ trong việc kiềm chế Trung Quốc".
Tờ báo ngôn luận của Đảng Cộng sản ở Bắc Kinh nhắc đến việc Reuters đề cập đến căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam về vấn đề Biển Đông khi cho rằng đây là lý do Việt Nam nên cân nhắc mua máy bay chiến đấu của Mỹ. Theo Hoàn cầu Thời báo, việc Mỹ cấp máy bay F-16 cho Việt Nam sẽ "khuấy động những rắc rối, phá hoại hòa bình, ổn định ở khu vực". Nhưng một chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh có tên Ngụy Đông Húc được tờ báo trích lời nói rằng "Việt Nam sẽ không dễ dàng chấp nhận điều đó".
Khi phát biểu tại Hà Nội, Tổng thống Biden hôm 10/9 nói rằng Mỹkhông muốn kiềm chế Trung Quốc và rằng mối quan hệ bền chặt hơn giữa Washington với Hà Nội không phải nhằm mục đích khơi mào một "cuộc chiến tranh lạnh" với Bắc Kinh. Theo tổng thống Mỹ, đây là một phần nỗ lực rộng lớn hơn của Washington nhằm mang lại sự ổn định toàn cầu thông qua các mối quan hệ của Hoa Kỳ trên khắp Châu Á.
Trong tuyên bố chung đưa ra khi nâng cấp quan hệ Mỹ-Việt lên đối tác chiến lược toàn diện, Hoa Kỳ cam kết "tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển năng lực phòng thủ tự lực phù hợp với nhu cầu của Việt Nam và các cơ chế đã được thiết lập".
Nguồn : VOA, 26/09/2023
****************************
Việt Nam phản đối Trung Quốc đặt trạm nhận dạng tàu thuyền ở Hoàng Sa
VOA, 26/09/2023
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng đã lên tiếng phản ứng hôm 25/9 về việc Trung Quốc "lắp đặt và đưa vào sử dụng hai trạm nhận dạng tàu thuyền tự động tại Đá Bắc và Đá Bông Bay" trên quần đảo Hoàng Sa.
Như những lần phản đối trước liên quan tới Biển Đông, trang web của Bộ Ngoại giao (MOFA) dẫn lời bà Hằng nói rằng việc làm của Trung Quốc "vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa".
Nữ phát ngôn viên này nói thêm rằng "mọi hoạt động trên quần đảo Hoàng Sa mà không được phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và hoàn toàn không có giá trị".
"Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng đầy đủ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, không tái diễn những vi phạm tương tự", bà Hằng nói, theo MOFA.
Trước lần lên tiếng này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam từng nhiều lần nói rằng "Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa".
Theo quan sát của VOA tiếng Việt, tới tối ngày 26/9, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa lên tiếng trước phản ứng của phía Việt Nam.
Tờ South China Morning Post hôm 20/9 dẫn lại tin từ CCTV, đài truyền hình nhà nước Trung Quốc, nói rằng nước này đã xây dựng hai trạm mặt đất cho hệ thống vệ tinh BeiDou ở Hoàng Sa.
Tin cho hay, các trạm này được kết nối với hệ thống nhận dạng tự động tàu biển trên đất liền của Trung Quốc.
Việt Nam lên tiếng phản đối hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông sau khi Philippines, nước cũng có tuyên bố chủ quyền trên vùng biển tranh chấp này, tháo phao chắn dài 300 mét do Bắc Kinh lắp đặt tại bãi cạn Scarborough.
Theo Reuters, hôm 26/9, Philippines tuyên bố sẽ không lùi bước trước nỗ lực của Trung Quốc nhằm ngăn cản ngư dân nước này đi vào bãi cạn trong vòng tranh chấp quyết liệt ở Biển Đông.
Nguồn : VOA, 26/09/2023