Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

06/10/2023

BOT đặt sai vị trí, sao lấy thuế dân đóng để xử lý ?

RFA tiếng Việt

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản gửi Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất chính phủ chi hơn 10 ngàn tỷ để xử lý 8 dự án BOT đặt sai vị trí.

bot1

Trạm thu phí BOT Cai Lậy ở tỉnh Tiền Giang. RFA

Trong báo cáo được truyền thông nhà nước đăng tải hôm 29/9/2023, Bộ Giao thông vận tải khẳng định đã lấy ý kiến đầy đủ các bộ, ngành và các địa phương để làm rõ những bất cập tại các dự án BOT và tìm giải pháp cho 8 dự án BOT đặt sai vị trí. Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông vận tải đề xuất dùng ngân sách nhà nước 10.342 tỷ đồng để xử lý bất cập các dự án BOT này.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường từ năm 2002 đến năm 2007, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này hôm 6/10/2023, nhận định :

"Hoàn toàn không hợp lý, bởi vì tất cả những dự án BOT đều dựa trên nhà nước với tư nhân. Thế thì hãy xem xem hợp đồng đó ai là người ký sai, thì người đó phải chịu trách nhiệm. Người ký đại diện nhà nước mà làm sai, thì phải bồi thường, phải chi ra để giải quyết cái sai. Chứ còn không thể làm vô trách nhiệm, rồi lại lấy ngân sách nhà nước để bù đắp vào số vô trách nhiệm đó. Còn phía tư nhân sai thì tư nhân phải chịu, chứ nhà nước không có chuyện trợ giúp ở đây. Bởi vì ngân sách nhà nước là ngân sách của toàn dân, không thể chi ẩu được".

Trong 8 dự án Bộ Giao thông vận tải nêu, có 5 dự án được đề xuất mua lại gồm : BOT Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 3 dự kiến 2.850 tỷ đồng ; BOT nâng cấp, cải tạo quốc lộ 91, Thành phố Cần Thơ với 1.754 tỷ đồng ; BOT vành đai phía Tây Thành phố Thanh Hóa với 892 tỷ đồng ; BOT nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh qua Đắk Lắk với 745 tỷ đồng và BOT cầu đường sắt Bình Lợi và cải tạo luồng sông Sài Gòn với 571 tỷ đồng. Theo Bộ Giao thông vận tải, sau khi chính phủ dùng ngân sách mua lại các dự án này sẽ xóa trạm thu phí.

Đối với 3 dự án còn lại, Bộ Giao thông vận tải đề xuất xem xét tiếp tục hợp đồng và kéo dài thời gian hoàn vốn, chính phủ hỗ trợ không vượt quá 49% tổng vốn đầu tư công trình. Đó là Dự án BOT hầm đường bộ Đèo Cả dự kiến bổ sung 2.280 tỷ đồng, kéo dài thời gian thu phí khoảng 28 năm ; BOT cầu Thái Hà (Thái Bình, Hà Nam) được đề xuất bố trí 717 tỷ vốn ngân sách, thời gian hoàn vốn kéo dài 35 năm, nhà đầu tư cam kết giảm 50% tỉ suất lợi nhuận ; Dự án BOT cầu Việt Trì - Ba Vì dự kiến bổ sung 533 tỷ đồng, kéo dài thời gian hoàn vốn 22 năm.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002, khi trao đổi với RFA liên quan vấn đề này, nói :

"Phải có một cơ chế khác để đền bù thiệt hại này, không nên lấy ngân sách để đền bù sai lầm của các quan chức. Ngân sách hiện đang thiếu hụt nghiêm trọng mà để đình chỉ một quyết định sai lầm thì lại lấy tiền ngân sách ra bù. Tôi nghĩ cần tìm cơ chế để người nào ra quyết định sai đó phải tìm cách để bù tiền. Tôi không đồng ý và không có điều luật nào cho phép chi ngân sách một cách tùy tiện như vây vì ngân sách Việt Nam có những điều luật quy định khá rõ ràng về việc này".

bot2

Trạm BOT thuộc huyện Trảng Bom, Đồng Nai. RFA Photo.

Thời gian qua, nhiều trạm BOT bị cho là cố tình đặt sai vị trí để tối đa hóa lợi nhuận. Đơn cử như trạm BOT thuộc huyện Trảng Bom, Đồng Nai bị người dân cho rằng đặt sai vị trí và mức phí quá cao.

Một người sinh sống tại Đồng Nai không muốn nêu tên vì lý do an toàn, khi trả lời RFA cho biết bất cập của Trạm BOT thuộc huyện Trảng Bom, Đồng Nai :

"Thực tế trạm thu phí quá cao, trạm thu phí đặt không đúng vị trí. Tại vì đúng ra trạm thu phí đó đặt ở đường tránh Võ Nguyên Giáp. Nhưng mà họ đặt cao quá, cách xa lên đó cả 6-7 km gì đó. Em cũng ít đi đường đó, cái trạm đó mắc quá. Ăn gì đâu mà em đi qua đi lại tự nhiên mất 7 chục ngàn. Mắc quá ! Nhiều khi nhà người ta ở đó chạy qua chạy lại cũng vẫn thu phí".

Bộ Giao thông – Vận tải Việt Nam vào năm 2020 cũng đã từng gửi Quốc hội kỳ họp thứ 9 đề xuất liên quan các trạm thu phí BOT giao thông đường bộ đặt sai vị trí khiến giới tài xế và người dân phản đối, có ý đề nghị Thủ tướng bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để ‘đền’ cho các nhà đầu tư khi phải xóa trạm BOT nào đó.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia trả lời RFA khi đó cho rằng, việc đặt trạm sai thì Bộ Giao thông phải thúc đẩy các doanh nghiệp BOT phải khắc phục, tự bỏ tiền ra sửa lỗi :

"Sai phạm chủ yếu đặt ở chỗ, không làm đường mà vẫn đặt để lấy tiền người ta, người ta hoàn toàn không sử dụng dịch vụ BOT mà vẫn lấy tiền người ta, rồi cố tình đặt ở chỗ làm sao cho thu được nhiều tiền nhất. Những cái đó rất vô lý nên phải tự mình khắc phục cái sai của mình chứ sao lại bắt nhà nước bồi thường cho mình về cái sai của mình được ? Lẽ ra ngay khi người ta phát hiện (sai phạm) và người ta kêu như vậy thì Bộ Giao thông phải buộc các doanh nghiệp BOT ai làm sai, đặt trạm sai phải đặt lại đúng chỗ và tự chịu phí đó".

Theo Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, dù không biết rõ những nội dung trong hợp đồng mà Bộ Giao thông – Vận tải đã ký kết với các doanh nghiệp BOT, nhưng bà cho rằng khi Bộ Giao thông- Vận tải thay mặt nhà nước thỏa thuận thì cần phải xét đến tất cả các điều kiện mà nhà đầu tư BOT phải thực hiện :

"Theo thỏa thuận thì hai bên phải làm tròn trách nhiệm của mình, kể cả các nhà đầu tư BOT cũng phải làm đúng trách nhiệm, nếu sai phải chịu phạt, không phải sai để cho nhà nước sửa giúp họ hoặc bỏ tiền cho họ sửa. Đó là nguyên tắc rất sơ đẳng của các hợp đồng. Nếu giữa các doanh nghiệp làm ăn với nhau thì hợp đồng đều theo nguyên tắc ai sai, ai vi phạm hợp đồng người đó phải chịu khắc phục, thậm chí còn chịu phạt".

Theo Bách khoa Toàn thư Mở, BOT là chữ viết tắt của tiếng Anh : Build-Operate-Transfer, có nghĩa : Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao. Chính phủ có thể kêu gọi các công ty tư nhân bỏ vốn xây dựng trước thông qua đấu thầu, sau đó khai thác vận hành một thời gian và sau cùng là chuyển giao lại cho nhà nước sở tại.

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, BOT là hình thức làm tăng hạ tầng, nhưng có một nhược điểm là làm cho chi phí giao thông trên hạ tầng đó lại tăng lên rất cao. Vì vậy Giáo sư Đặng Hùng Võ dẫn ý kiến nhiều nhà khoa học cho rằng, cần phải có cân đối giữa đầu tư công và BOT để sao cho đừng đội chi phí cho giao thông lên quá cao, làm ảnh đời sống người dân và doanh nghiệp.

Nguồn : RFA, 06/10/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 222 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)