Công lý cho Myanmar : Việt Nam cần ngừng việc trợ giúp chính quyền quân sự Myanmar !
RFA, 20/10/2023
Tổ chức nhân quyền Công lý cho Myanmar (Justice for Myanmar- JFM) kêu gọi Việt Nam ngừng việc trợ giúp tài chính và quân sự cho chính quyền quân sự Myanmar đồng thời thúc giục quốc tế trừng phạt nhiều doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam, vì tiếp tay cho Quân đội Myanmar vi phạm nhân quyền.
Ông Nguyễn Hồng Sơn – Tổng Giám đốc OSB Group chia sẻ về việc tham gia Triển lãm Vietnam Defence 2022 - OSB
JFM đưa ra lời kêu gọi sau khi Văn phòng công tố ở thành phố Ravensburg (Đức) mở cuộc điều tra hình sự đối với doanh nghiệp ND SatCom GmbH vì cung cấp thiết bị liên lạc cho Quân đội Myanmar để quân đội nước này sử dụng trong việc trấn áp đối lập và thực hiện hành vi diệt chủng đối với người thuộc sắc tộc Rohingya. Một doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia trợ giúp quân đội Myanmar hoặc đóng vai trò trung gian trong vụ mua bán thiết bị liên lạc nói trên.
JFM cho biết ND SatCom GmbH là một tập đoàn truyền thông vệ tinh của Đức có trụ sở tại Immenstaad với năng lực cung cấp tất cả các năng lực cốt lõi cần thiết cho việc thiết kế, cung cấp chìa khóa trao tay và hỗ trợ hậu cần cho các hệ thống vệ tinh quân sự.
Điều tra của JFM cho thấy, từ năm 2016, ND SatCom đã cung cấp hỗ trợ đáng kể cho hệ thống liên lạc vệ tinh của Quân đội Myanmar, bao gồm phần cứng và phần mềm liên lạc vệ tinh 5G để sử dụng trong trung tâm Meiktila, trạm cố định và thiết bị thông tin của người lính liên lạc trong quân đội.
Vẫn theo JFM, thiết bị ND SatCom đã được gửi từ Việt Nam đến quân đội Myanmar gần đây nhất là vào tháng 10 năm 2021.
Tham gia vào việc cung cấp này là doanh nghiệp có tên Com & Com Company Limited- là liên doanh giữa công ty tư nhân Terabit Wave Company Limited của Myanmar và Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ OSB (OSB) của Việt Nam có trụ sở ở Hà Nội. Công ty liên doanh này cung cấp các dịch vụ vệ tinh quân sự và dân sự, bao gồm cả việc bảo trì thiết bị ND SatCom cho Quân đội Myanmar.
JFM còn cho biết công ty của Singapore có tên Dịch vụ Kỹ thuật Interspace Pte. Ltd cũng tham gia cung cấp thiết bị ND Satcom cho quân đội Myanmar. Công ty này thuộc sở hữu của Nguyễn Hồng Sơn, người đồng sáng lập, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của OSB và cũng là Giám đốc của Com & Com.
Về vai trò của thiết bị ND SatCom, thông cáo báo chí của JFM ngày 18/10 viết :
"Quân đội Myanmar chịu trách nhiệm về tội diệt chủng, tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người, được thực hiện hoàn toàn không bị trừng phạt, được hỗ trợ bởi công nghệ truyền thông ND SatCom".
Theo JFM, ND SatCom cải thiện khả năng liên lạc của Quân đội Myanmar và giúp lực lượng này "giết người bừa bãi, tra tấn, hãm hiếp, san bằng toàn bộ các ngôi làng, phá hủy thực phẩm và buộc dân thường phải di dời hàng loạt".
JFM kêu gọi Đức và các quốc gia thuộc Liên hiệp Châu Âu (EU) trừng phạt các doanh nghiệp và cá nhân có liên quan đến việc trợ giúp Quân đội Myanmar và đồng lõa với các tội ác quốc tế của nước này, trong đó có Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ OSB, cũng như các giám đốc và chủ sở hữu của doanh nghiệp này.
Thông cáo nói Việt Nam và Singapore, hai quốc gia đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp quốc kêu gọi "tất cả các quốc gia thành viên ngăn chặn dòng vũ khí sang Myanmar", cần chấm dứt ngay mọi hoạt động chuyển giao vũ khí, thiết bị, công nghệ và kinh phí cho chính quyền quân sự.
Trong email gửi Đài Á Châu Tự Do (RFA), Phát ngôn nhân Yadanar Maung của JFM nói :
"Việt Nam là nước hỗ trợ chính trong khu vực cho quân đội Myanmar bất hợp pháp và tàn bạo, cung cấp nguồn tài chính thông qua Viettel, cũng như cung cấp thiết bị và công nghệ quân sự thông qua các công ty trong đó có OSB.
Mặc dù đã bỏ phiếu tán thành nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc trong việc ngăn chặn dòng vũ khí đến Myanmar và là thành viên ASEAN, Việt Nam đang lựa chọn trợ giúp chính quyền quân sự thực hiện tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người, tiếp tục hoạt động kinh doanh khiến người dân Myanmar phải trả giá.
Chúng tôi kêu gọi Việt Nam ngừng trợ giúp tài chính và quân sự cho chính quyền quân sự hiện nay, phù hợp với trách nhiệm nhân quyền quốc tế của họ".
Chúng tôi có gọi điện cho Công ty Đầu tư và Công nghệ OSB để kiểm chứng thông tin mà JFM đưa ra. Một nhân viên nữ của công ty, người từ chối nêu danh tính và chức vụ, nói rằng OSB có tham gia đấu thầu ở Myanmar những năm 2015-2016 nhưng không trúng thầu và không có hoạt động gì ở quốc gia này từ năm 2017.
Phóng viên có gửi email cho công ty này để hỏi thêm chi tiết nhưng chưa nhận được phản hồi.
Phóng viên cũng gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đại Sứ quán Đức ở Hà Nội với đề nghị bình luận về lời kêu gọi của JFM nhưng cũng chưa nhận được hồi âm.
Trên trang web của mình, OSB tuyên bố là doanh nghiệp đi đầu trong nền tảng công nghiệp quốc phòng mới, có chương trình nghiên cứu-phát triển riêng và cung cấp thông tin liên lạc quốc phòng an toàn trên toàn cầu.
Công ty này tham gia nhiều triển lãm quốc phòng thế giới, trong đó có Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022
OSB là doanh nghiệp thứ hai của Việt Nam bị JFM cáo buộc có liên quan đến Quân đội Myanmar. Cuối năm 2020, JFM đưa ra báo cáo trong đó tố cáo Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội của Việt Nam (Viettel), cổ đông lớn nhất của Công ty viễn thông Mytel của Myanmar, trợ giúp cho những hoạt động tham nhũng và tội ác quốc tế của lực lượng này.
Nguồn : RFA, 20/10/2023
**************************
Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc phản đối Việt Nam tham gia tập trận cùng quân đội Myanmar và Nga
RFA, 20/10/2023
Hai báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền và khủng bố của Liên Hiệp Quốc hồi đầu tháng này công bố bức thư gửi Chính phủ Việt Nam, phản đối việc Việt Nam tham gia những tập trận chung chống khủng bố cùng quân đội Myanmar vì cho rằng những cuộc tập trận này nhắm vào các tổ chức đối lập và dân thường.
Các tư lệnh không quân ASEAN bao gồm Tư lệnh Không quân Myanmar Htun Aung (thứ ba từ phải sang) chụp hình chung tại Hội nghị các tư lệnh không quân ASEAN lần thứ 20 ở Naypyidaw, Myanmar hôm 13/9/2023 - AFP
Bức thư đề ngày 7/8/2023 và được công bố trên website của Liên Hiệp Quốc sau 60 ngày theo quy định khi không nhận được phản hồi từ Chính phủ Việt Nam.
Theo nội dung thư, Việt Nam gần đây đã tham gia các hoạt động do Nhóm làm việc về chống khủng bố của các chuyên gia trong Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (gọi tắt là ADMM - Plus). Đáng chú ý là Nhóm làm việc chống khủng bố này hiện do quân đội Myanmar và Hội đồng Hành chính Nhà nước Myanmar (SAC) và Liên bang Nga đồng chủ trì. SAC đã lật đổ chính phủ dân chủ của Myanmar hồi năm 2021.
Một hội nghị lên kế hoạch của Nhóm làm việc đã được tổ chức vào tháng sáu vừa qua ở Khabarovsk, Nga với sự tham gia của các nước ASEAN cùng hai đối tác của ADMM-Plus là Trung Quốc và Ấn Độ. Năm đối tác khác của ADMM-Plus không tham dự hội nghị này là Mỹ, Úc, Nhật, New Zealand và Hàn Quốc.
Theo lịch trình của nhóm làm việc, SAC sẽ tổ chức cuộc tập trận bàn tròn ở Myanmar vào tháng 8/2023 và Liên Bang Nga sẽ tổ chức tập trận thực địa ở Nga vào tháng 9 năm nay.
Theo bức thư của các chuyên gia Liên Hiệp Quốc, "việc tham gia tập trận sẽ giúp nâng cao khả năng tác chiến của SAC. Hội đồng Hành chính Myanmar (SAC) bị cáo buộc đã sử dụng vị trí của mình trong Nhóm làm việc như một cơ hội tuyên truyền để tấn công Chính phủ Đoàn kết Quốc gia và các nhóm ủng hộ dân chủ khác ở Myanmar, gọi họ là các tổ chức khủng bố".
Trên website của mình, SAC liên tục cáo buộc các lực lượng đòi dân chủ ở Myanmar bao gồm Chính phủ đoàn kết quốc gia (NUG), các Tổ chức Cách mạng Dân tộc (ERO) và Lực lượng Phòng vệ Nhân dân (PDF) là các tổ chức khủng bố.
Tại ADMM-Plus, SAC liên tục đưa các thông tin tuyên truyền sai lệch về các tổ chức này, bức thư của các chuyên gia Liên Hiệp Quốc viết.
Với những nội dung nêu trên, các chuyên gia Liên Hiệp Quốc nhắc Việt Nam về nghĩa vụ với quốc tế và theo luật quốc tế khi tham gia vào các hoạt động tập trận chống khủng bố.
Các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc thúc giục Chính phủ Việt Nam cấm SAC tham gia vào các hoạt động quốc phòng của ASEAN và không tham gia vào các cuộc tập trận do SAC và Liên bang Nga tổ chức.
Các chuyên gia Liên Hiệp Quốc cũng yêu cầu Chính phủ Việt Nam làm rõ về ý định tham gia vào các cuộc tập trận tương tự với SAC trong tương lai và cung cấp thông tin về các hoạt động tập trận chung đã nêu trong thư, chính sách của Chính phủ Việt Nam liên quan đến quân đội Myanmar và các biện pháp chống khủng bố mà quân đội Myanmar đang áp dụng.
Nguồn : RFA, 20/10/2023