Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

08/11/2023

Làm sao kiểm soát được quyền lực khi mọi người đều tham nhũng ?

RFA tổng hợp

Việt Nam có thể kiểm soát quyền lực trong hoạt động tố tụng ?

RFA, 08/11/2023

Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam hôm 7/11 ban hành Quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

quyenluc1

Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội. AFP PHOTO

Không đúng pháp luật

Quy định mới này, theo tin từ truyền thông nhà nước, bao gồm bốn chương với 14 điều. Trong đó quy định về kiểm soát quyền lực trong hoạt động tố tụng và các hoạt động khác có liên quan, nhấn mạnh cần bảo đảm mọi quyền lực được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế.

Nói về kiểm soát việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các hoạt động tố tụng, thi hành án trong quy định mới này, luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài từ Đức quốc 8/11 cho rằng :

"Chúng ta đã biết một trong những bài học quan trọng nhất để kiểm soát quyền lực là phải có tam quyền phân lập… là cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp kiểm soát lẫn nhau. Nhưng cả ba cơ quan này đều đứng dưới Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam".

Còn trong lĩnh vực tư pháp, luật sư Đài phân tích tiếp, lại do ông Nguyễn Phú Trọng ngoài đứng đầu Đảng, còn đứng đầu Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng và ban này điều tra tất cả các vụ án…

Do đó, theo luật sư nhân quyền từ Đức Quốc :

"Nó sẽ không đảm bảo tính khách quan, cũng như hiệu lực đối với những người nằm bên ngoài luật pháp Việt Nam… như là những người ở trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cũng như Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng".

Liên quan đến Quy định mới của Việt Nam, luật sư Nguyễn Văn Miếng, người đang "lánh nạn" tại Hoa Kỳ, hôm 8/11 nói với RFA ý kiến của ông :

"Cơ quan Đảng ra quyết định 132 để điều chỉnh các hành vi tố tụng, thì tôi cho rằng quyết định này là không đúng pháp luật. Tại vì Đảng chỉ có điều hành trong nội bộ của Đảng thôi. Họ nói áp dụng quyết định này cho các tổ chức của Đảng và những người tham gia tố tụng. Nhưng thực chất Bộ Luật Tố tụng Hình sự là Hệ thống Pháp luật Hình sự, mà về nguyên tắc không một cơ quan nào có quyền đứng vô can thiệp vào Bộ luật đó, chỉ căn cứ trên pháp luật thôi… Và khi tòa án xử thì cũng có quy định tòa án là độc lập xét xử, không có một cơ quan nào có quyền can thiệp".

Việc Bộ Chính trị đưa ra quyết định 132 để kiểm soát quyền lực ở trong quá trình tố tụng theo luật sư Nguyễn Văn Miếng là "vô pháp, không đúng quy định pháp luật". Ông Miếng phân tích :

"Về vấn đề kiểm soát những người tham gia tố tụng, tôi cho rằng một người tham gia trong quá trình tiến hành tố tụng là đảng viên, thì họ chỉ tuân theo vấn đề sinh hoạt đảng với tư cách đảng viên trong một chi bộ. Còn cá nhân khi đã tham gia quá trình thì họ phải theo quy định của pháp luật về hình sự. Nếu họ viện dẫn căn cứ theo quyết định 132 của Bộ chính trị, thì theo tôi bản án đó là không đúng, bởi không thể căn cứ vào chỉ thị của đảng, để áp dụng vô một bản án hình sự được".

quyenluc2

Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh - AFP photo.

Tô đậm tính chất "đảng trị"

Nội dung trong Quy định mới (số 132-QĐ/TW) còn có đoạn ghi "Bảo đảm công khai, minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan, không có vùng cấm, không có ngoại lệ".

Liên quan vấn đề này, nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già hôm 8/11 từ Sài Gòn cho RFA biết ý kiến :

"Quy định 132 của Bộ chính trị cùng với Nghị định 73 của Chính phủ về việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm… thì thứ nhất tôi thấy cách tiếp cận vấn đề giữa Bộ chính trị và Chính phủ có một sự mâu thuẫn rõ ràng. Bởi vì cả hai văn bản này sử dụng những câu chữ rất mơ hồ ví dụ như ‘kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý, không có vùng cấm’… thì những câu chữ này mơ hồ lắm".

Điểm thứ hai theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già, hai văn bản 132 và 73 hầu hết đã được quy định trong Bộ Luật Hình sự, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng chống Tham nhũng… vì vậy hai văn bản này chỉ tô đậm thêm tính chất đảng trị, chứ còn nó xóa nhòa đi tính chất pháp trị. Ông Già cho rằng điều này có nghĩa, hai văn bản này trở nên thừa thãi, không cần thiết vì luật đã quy định hết. Điểm thứ ba theo ông Già, đối chiếu giữa hai văn bản có sự xung đột lớn trong quan điểm về chống tham nhũng, nhất là vào khi đang có vô số các vụ trọng án tham nhũng vô cùng phức tạp đã và đang diễn ra. Do đó, vị nhà báo này khẳng định :

"Cả hai văn bản này nội dung của nó xa rời thực tế với đời sống của gần 100 triệu dân, bởi vì nạn tham nhũng tràn lan, và rất nhiều vấn đề an sinh xã hội khác… Nó càng phơi bày ra rằng Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay không biết người dân cuộc sống ra sao ? Người dân đang cần gì ? Thành ra Quy định 132 cũng như Nghị định 73 bộc lộ rõ khả năng kỷ trị phản khoa học của Đảng cộng sản Việt Nam. Và nó cũng không đạt được yếu tố đức trị".

Ông Già cho rằng, một xã hội mà ba yếu tố pháp trị, đức trị, cho tới kỷ trị đều không có thì chỉ làm cho người dân mệt mỏi, điêu tàn, bởi sự hành hạ dân chúng trên mọi lĩnh vực, và hồi kết của nó theo ông vẫn còn bỏ ngỏ…

RFA, 08/11/2023

***********************

Có thể có ‘cán bộ vi phạm’ mà ‘không vụ lợi’ ?

RFA, 07/11/2023

Bộ Nội vụ hôm 6/11 đề nghị các cơ quan tố tụng phân loại các sai phạm và khoan hồng đối với cán bộ vi phạm nhưng không vụ lợi cá nhân. Trong cùng ngày, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cũng đề nghị xây dựng chính sách xử lý nghiêm người tham nhũng, nhưng giảm nhẹ hình phạt cho tội phạm tham nhũng nếu ‘không vụ lợi’.

quyenluc3

Các lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội ngày 23/10/2023. AFP PHOTO

Đề xuất mang "tính vụ lợi"

Cựu trung tá quân đội Vũ Minh Trí, hôm 7/11 nhận định với RFA về đề xuất của Bộ Nội vụ và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao :

"Tôi nghĩ đây là những đề xuất hoàn toàn bất chấp pháp luật. Bởi vì những hành vi của người cán bộ công chức đều đã được quy định bởi các điều luật có liên quan. Ví dụ như luật về công chức, viên chức, thậm chí luật hình sự… Thế nhưng bây giờ lại đi đề nghị những điều ngoài phạm vi pháp luật, như vậy tôi nghĩ đấy thật sự là bất hợp lý và rõ ràng những đề xuất này đều mang tính vụ lợi. Cụ thể tạo ra những hành lang pháp lý, hoặc tạo ra những vỏ bọc, những hàng rào che chắn cho những cán bộ làm sai".

Theo cựu trung tá Vũ Minh Trí, Việt Nam đã có nhà nước pháp quyền, có các bộ luật… nếu mà các hành vi "vi phạm hoặc không vi phạm", thì đều được soi chiếu bởi các khoản mục trong các luật hiện hành. Do đó, theo ông Trí :

"Nếu như các điều luật hiện hành không quán xuyến, không bao quát được các hành vi đấy (hành vi vi phạm - PV)… thì phải bổ sung vào luật, thậm chí phải sửa luật… Chứ không thể đưa ra những đề nghị có tính chất vượt lên trên pháp luật, ngoài pháp luật như thế được".

Trong khi đó, hôm 7/11, truyền thông Nhà nước dẫn lời Bộ trưởng Công an Tô Lâm rằng "Công an chưa bắt ai liên quan đến các vụ án tham nhũng mà không nhận hối lộ".

Nói về các đề xuất, phát biểu của giới chức Việt Nam mới đây, một nhà báo không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 7/11 cho rằng :

"Đây là cuộc chiến chống tham nhũng, những người nào vi phạm mà lại không có vụ lợi… thì hầu như không có. Mình hiểu rằng họ nói đây là lỗi không mong muốn, nhưng trong thực tế những chuyện này hầu như không có. Nói như vậy có nghĩa là ở những vị trí đó, không thấy có bằng chứng mới xảy ra chuyện ‘vi phạm mà không gắn với lợi ích vật chất’. Nó buồn cười vì chuyện đã không có bằng chứng thì kết án người ta đâu được".

Tạo tiền lệ xấu

Trước đó, khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội vào ngày 20/3/2023, ông Lê Minh Trí cũng từng đề nghị giảm phạt tù, tăng phạt tiền đối với người đứng đầu có sai phạm, nhưng không có mục đích vụ lợi.

quyenluc4

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí. Courtesy kiemsat.vn

Theo nhận định của giới luật sư lúc bấy giờ đề xuất của vị Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là hoàn toàn đi ngược với mọi nỗ lực bảo đảm về quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật đã được ghi nhận theo hiến pháp và bộ luật hình sự.

Các luật sư còn cho rằng, không chỉ dưới khía cạnh pháp luật, mà thực tế, đề xuất của ông Trí còn bị cho là có vẻ như tạo môi trường thuận lợi hơn cho nạn tham nhũng hoành hành trong xã hội. Vì người tham nhũng biết rõ, cứ tham nhũng, nếu bị phát hiện thì chỉ cần trả lại là thoát tội !

Vào thời điểm đó, luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài từ Đức Quốc nói với RFA rằng về mặt bản chất, bất kỳ một việc gì gây thiệt hại cho tài sản của nhà nước, thì thế nào cũng liên quan đến động cơ vụ lợi :

"Phải khẳng định 100% quan chức Việt Nam khi giành được quyền lực ở bất kỳ vị trí nào, thì đều đạt được hai tiêu chí, là quyền và lợi ích gắn liền với vị trí đó. Cho nên những vụ án mà cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án cho rằng quan chức cộng sản đó không vụ lợi, thì chẳng qua họ không thể chứng minh được những quan chức này đã nhận hối lộ. Vì việc đưa và nhận hối lộ rất kín đáo, cho nên họ đành phải nói quan chức này không vụ lợi mà thôi. Chứ về mặt bản chất, bất kỳ một việc gì gây thiệt hại cho tài sản của đất nước, người dân… thế nào cũng liên quan động cơ vụ lợi".

Theo luật sư Nguyễn Văn Đài, cơ quan chức năng đưa ra đề xuất này để họ biện minh cho những yếu kém của các cơ quan điều tra, truy tố và xét xử ở Việt Nam. Ông Đài nói tiếp :

"Theo tôi không nên làm như vậy, vì sẽ tạo ra tiền lệ rất xấu cho những công chức yếu kém về năng lực cũng như đạo đức, họ sẽ vẫn cố tình ngồi trên ghế quyền lực đó để gây thiệt hại cho lợi ích của nhà nước và của người dân".

Khoản C Điều 40, Bộ luật Hình sự 2015 quy định người bị kết án tử hình về tội tham ô, mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, thì không thi hành án tử hình. Điều luật này trước đây chỉ được áp dụng riêng cho những ‘tham quan’ bị tuyên án tử hình, nhưng sau đó đã được sửa đổi bằng Nghị quyết 3/2020, bất kể mức án tham nhũng nào cũng được áp dụng việc không thi hành mức án cao nhất khung nếu nộp lại 3/4 tài sản tham nhũng.

RFA, 07/11/2023

Quay lại trang chủ
Read 308 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)