Tại phiên họp của Ban chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, sáng 26/11/2023, Thủ tướng Việt Nam – Phạm Minh Chính yêu cầu không để các quy định chồng chéo cản trở Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện cơ chế đặc thù.
Thành phố Hồ Chí Minh đứng trước cơ hội với nhiều chính sách vượt trội là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững - Ảnh : Hà Phương
Nghị quyết 98 gồm 44 nhóm chính sách với 7 lĩnh vực, được ban hành từ 6/2023, trong đó thí điểm một số cơ chế đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh, kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp tại thành phố.
Trước đây sáu năm, đã có Nghị quyết 54/2017/QH 14 ‘Về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh’ do Chủ tịch Quốc hội lúc đó là bà Nguyễn Thị Kim Ngân ký ban hành, nhưng rồi Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa có cơ chê đặc thù như mong muốn.
Vì sao kêu gọi nhiều năm, nhưng Thành phố Hồ Chí Minh vẫn không có cơ chế đặc thù ? Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường từ năm 2002 đến năm 2007, hôm 27/11/2023 nhận định với RFA :
"Hiện nay Việt Nam không chỉ Thành phố Hồ Chí Minh, mà luật Thủ đô được coi là một khung pháp luật đặc thù cho Hà Nội. Bên cạnh đó Thành phố Hồ Chí Minh thì vẫn là nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù. Thế nhưng hiện nay cái vướng mắc trong các cơ chế đặc thù cho địa phương là khung pháp luật của cả nước. Vì những gì đặc thù cho địa phương sẽ mâu thuẫn với luật ban hành cho cả nước, đó chính là câu chuyện đang được thảo luận nhiều nhất. Nếu cho cơ chế đặc thù khác với khung pháp luật của cả nước thì triển khai sẽ như thế nào ? Có xung đột pháp luật không ?"
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, một khung pháp luật đặc thù riêng cho một địa phương thì hoàn toàn có thể hình thành được. Ông Võ nói tiếp :
"Hiện nay có hai luồng ý kiến, một là ủng hộ, hai là không ủng hộ có khung pháp luật riêng. Hai ý kiến cực tả và cực hữu này chưa rõ bên nào sẽ phù hợp ? Theo tôi thì phải có một giải pháp trung dung, tức là giải pháp không phải tả, cũng không phải hữu, để có được một khung pháp luật phù hợp với cả địa phương và phù hợp với cả nước. Ví dụ như chung thì địa phương và cả nước cùng một khung luật chung, nhưng có các giới hạn cho phép của chính sách này hay chính sách kia, thì với mỗi địa phương độ co giãn khác nhau".
Trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh nhìn từ cầu Tân Thuận hôm 22/9/2022. AFP.
Cũng tại cuộc họp ngày 26/11/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng đã gọi cơ chế đặc thù nhưng còn chồng chéo rừng quy định, chờ thống nhất với nhau thì ‘không còn là cơ chế đặc thù nữa’.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002, khi trả lời RFA hôm 27/11/2023 từ Việt Nam cho rằng :
"Thành phố Hồ Chí Minh luôn là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, vì vậy cho nên việc tăng quyền tự chủ cho Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những bước đi đầu tiên mà sắp tới đây Hà Nội cũng sẽ được noi theo… Vấn đề đối với Thành phố Hồ Chí Minh là cần thu hút được những lực lượng ưu tú, cần thu hút và phát triển những doanh nghiệp lớn của kinh tế tư nhân… để có thể tạo ra một năng lực cạnh tranh, một chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa sang kinh tế số, sang chính phủ điện tử".
Tuy nhiên theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cho đến nay việc thu hút nhân tài của Thành phố Hồ Chí Minh mới chỉ bắt đầu và việc nới lỏng nới rộng quyền hạn của thành phố trong việc thu ngân sách và sử dụng ngân sách cũng chỉ mới bắt đầu. Ông Doanh nhận xét thêm về cơ sở hạ tầng của Thành phố Hồ Chí Minh :
"Về cơ sở hạ tầng của Thành phố Hồ Chí Minh thì hiện nay thành phố đang tiếp tục đầu tư mở rộng và tạo điều kiện để phát triển cả về đường không, đường bộ và thúc đẩy vai trò của thành phố là trung tâm kinh tế của Đồng bằng sông Cửu Long. Tôi được biết Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay đang thúc đẩy liên kết chặt chẽ với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để liên kết về chuỗi giá trị, liên kết qua các doanh nghiệp… để tạo điều kiện cho quá trình hợp tác kinh tế được tiến hành một cách rất chặt chẽ từ doanh nghiệp tới doanh nghiệp, giữa thành phố với thành phố…"
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết, ông hy vọng Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi để tiếp tục giữ vị trí đầu tàu.
Trước đó vào tháng 12/2022, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị đã cho ý kiến về Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu đến năm 2030 Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố dịch vụ – công nghiệp hiện đại, dẫn đầu về kinh tế số, xã hội số, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ, văn hóa của khu vực Đông Nam Á...
Làm sao Thành phố Hồ Chí Minh có thể đạt được mục tiêu Bộ Chính trị đề ra ? Tiến sĩ Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, trả lời RFA khi đó liên quan vấn đề này, cho rằng :
"Điều đó phụ thuộc vào sự đồng bộ của cơ chế và sự sáng tạo đột phá của người dân. Có thể nhanh hoặc chậm hơn, nhưng ở đây cần nhấn mạnh một điểm, đó là tạo lòng tin của nhà đầu tư và sự đóng góp của người dân vào sự nghiệp chung của Thành phố Hồ Chí Minh. Chúng ta thấy, nếu cơ chế đủ thoáng, sức sáng tạo của người dân được giải phóng đầy đủ, thì mục tiêu đó không phải là ghê gớm. Có thể chính phủ thấy trong thời gian tới có thể đáp ứng được, thì mục tiêu đó cũng không có gì là ghê gớm, nhưng nếu không đáp được các điều kiện cần và đủ thì nó sẽ lâu hơn".
Chính phủ Việt Nam trước đây cũng đã đề ra ba khâu đột phá quan trọng : một là nỗ lực vượt bậc thiết lập thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa ; thứ hai là xây dựng kết cấu hạ tầng ; thứ ba là nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực. Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cả ba khâu đột phá đó cho đến nay cũng chỉ làm được rất khiêm tốn.
Nguồn : RFA, 27/11/2023