Tại phiên họp của Ban chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, sáng 26/11/2023, Thủ tướng Việt Nam – Phạm Minh Chính yêu cầu không để các quy định chồng chéo cản trở Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện cơ chế đặc thù.
Thành phố Hồ Chí Minh đứng trước cơ hội với nhiều chính sách vượt trội là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững - Ảnh : Hà Phương
Nghị quyết 98 gồm 44 nhóm chính sách với 7 lĩnh vực, được ban hành từ 6/2023, trong đó thí điểm một số cơ chế đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh, kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp tại thành phố.
Trước đây sáu năm, đã có Nghị quyết 54/2017/QH 14 ‘Về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh’ do Chủ tịch Quốc hội lúc đó là bà Nguyễn Thị Kim Ngân ký ban hành, nhưng rồi Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa có cơ chê đặc thù như mong muốn.
Vì sao kêu gọi nhiều năm, nhưng Thành phố Hồ Chí Minh vẫn không có cơ chế đặc thù ? Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường từ năm 2002 đến năm 2007, hôm 27/11/2023 nhận định với RFA :
"Hiện nay Việt Nam không chỉ Thành phố Hồ Chí Minh, mà luật Thủ đô được coi là một khung pháp luật đặc thù cho Hà Nội. Bên cạnh đó Thành phố Hồ Chí Minh thì vẫn là nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù. Thế nhưng hiện nay cái vướng mắc trong các cơ chế đặc thù cho địa phương là khung pháp luật của cả nước. Vì những gì đặc thù cho địa phương sẽ mâu thuẫn với luật ban hành cho cả nước, đó chính là câu chuyện đang được thảo luận nhiều nhất. Nếu cho cơ chế đặc thù khác với khung pháp luật của cả nước thì triển khai sẽ như thế nào ? Có xung đột pháp luật không ?"
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, một khung pháp luật đặc thù riêng cho một địa phương thì hoàn toàn có thể hình thành được. Ông Võ nói tiếp :
"Hiện nay có hai luồng ý kiến, một là ủng hộ, hai là không ủng hộ có khung pháp luật riêng. Hai ý kiến cực tả và cực hữu này chưa rõ bên nào sẽ phù hợp ? Theo tôi thì phải có một giải pháp trung dung, tức là giải pháp không phải tả, cũng không phải hữu, để có được một khung pháp luật phù hợp với cả địa phương và phù hợp với cả nước. Ví dụ như chung thì địa phương và cả nước cùng một khung luật chung, nhưng có các giới hạn cho phép của chính sách này hay chính sách kia, thì với mỗi địa phương độ co giãn khác nhau".
Trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh nhìn từ cầu Tân Thuận hôm 22/9/2022. AFP.
Cũng tại cuộc họp ngày 26/11/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng đã gọi cơ chế đặc thù nhưng còn chồng chéo rừng quy định, chờ thống nhất với nhau thì ‘không còn là cơ chế đặc thù nữa’.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002, khi trả lời RFA hôm 27/11/2023 từ Việt Nam cho rằng :
"Thành phố Hồ Chí Minh luôn là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, vì vậy cho nên việc tăng quyền tự chủ cho Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những bước đi đầu tiên mà sắp tới đây Hà Nội cũng sẽ được noi theo… Vấn đề đối với Thành phố Hồ Chí Minh là cần thu hút được những lực lượng ưu tú, cần thu hút và phát triển những doanh nghiệp lớn của kinh tế tư nhân… để có thể tạo ra một năng lực cạnh tranh, một chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa sang kinh tế số, sang chính phủ điện tử".
Tuy nhiên theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cho đến nay việc thu hút nhân tài của Thành phố Hồ Chí Minh mới chỉ bắt đầu và việc nới lỏng nới rộng quyền hạn của thành phố trong việc thu ngân sách và sử dụng ngân sách cũng chỉ mới bắt đầu. Ông Doanh nhận xét thêm về cơ sở hạ tầng của Thành phố Hồ Chí Minh :
"Về cơ sở hạ tầng của Thành phố Hồ Chí Minh thì hiện nay thành phố đang tiếp tục đầu tư mở rộng và tạo điều kiện để phát triển cả về đường không, đường bộ và thúc đẩy vai trò của thành phố là trung tâm kinh tế của Đồng bằng sông Cửu Long. Tôi được biết Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay đang thúc đẩy liên kết chặt chẽ với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để liên kết về chuỗi giá trị, liên kết qua các doanh nghiệp… để tạo điều kiện cho quá trình hợp tác kinh tế được tiến hành một cách rất chặt chẽ từ doanh nghiệp tới doanh nghiệp, giữa thành phố với thành phố…"
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết, ông hy vọng Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi để tiếp tục giữ vị trí đầu tàu.
Trước đó vào tháng 12/2022, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị đã cho ý kiến về Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu đến năm 2030 Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố dịch vụ – công nghiệp hiện đại, dẫn đầu về kinh tế số, xã hội số, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ, văn hóa của khu vực Đông Nam Á...
Làm sao Thành phố Hồ Chí Minh có thể đạt được mục tiêu Bộ Chính trị đề ra ? Tiến sĩ Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, trả lời RFA khi đó liên quan vấn đề này, cho rằng :
"Điều đó phụ thuộc vào sự đồng bộ của cơ chế và sự sáng tạo đột phá của người dân. Có thể nhanh hoặc chậm hơn, nhưng ở đây cần nhấn mạnh một điểm, đó là tạo lòng tin của nhà đầu tư và sự đóng góp của người dân vào sự nghiệp chung của Thành phố Hồ Chí Minh. Chúng ta thấy, nếu cơ chế đủ thoáng, sức sáng tạo của người dân được giải phóng đầy đủ, thì mục tiêu đó không phải là ghê gớm. Có thể chính phủ thấy trong thời gian tới có thể đáp ứng được, thì mục tiêu đó cũng không có gì là ghê gớm, nhưng nếu không đáp được các điều kiện cần và đủ thì nó sẽ lâu hơn".
Chính phủ Việt Nam trước đây cũng đã đề ra ba khâu đột phá quan trọng : một là nỗ lực vượt bậc thiết lập thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa ; thứ hai là xây dựng kết cấu hạ tầng ; thứ ba là nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực. Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cả ba khâu đột phá đó cho đến nay cũng chỉ làm được rất khiêm tốn.
Nguồn : RFA, 27/11/2023
Cần thiết và phải khả thi !
Một tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội Việt Nam liên quan thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh vừa được Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Việt Nam ông Nguyễn Chí Dũng trình bày hôm 26/5/2023 tại phiên họp thứ năm, Quốc hội Việt Nam khóa 15.
Nội dung chính của dự thảo Nghị quyết có bảy nhóm cơ chế, chính sách với 44 nội dung cụ thể, bên cạnh đó là các chính sách mới lần đầu được quy định với bốn nhóm vấn đề là đầu tư ; tài chính - ngân sách ; quản lý đất đai, quy hoạch và tổ chức bộ máy.
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, thông qua nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Cần cơ chế thật sự đặc thù
Hôm 26/5 từ Sài Gòn, ông Bùi Kiến Thành, kinh tế gia, cựu cố vấn về kinh tế, phát triển và hội nhập của Chính phủ Việt Nam thời kỳ trước đây, đưa ra bình luận về diễn biến trên với Đài Châu Á Tự Do :
"Cơ chế đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh là rất cần thiết, vì trong cả đất nước, thành phố này có cả một lịch sử, có sẵn cả một hệ thống xã hội, kinh tế đặc biệt, để có thể áp dụng những phương pháp tân tiến nhất và dân chủ nhất đối với vấn đề phát triển. Như vậy là có một nền tảng để xây dựng nên một điều gì mới.
Nhưng đó là điều mà nhà nước Việt Nam cần phải làm, song làm như thế nào thì cần phải nói rõ, còn gần như những gì mà Nhà nước đưa ra và Quốc hội trước đây thảo luận gần như là xào nấu lại những công thức cũ, do đó chưa đạt. Bây giờ cơ chế mới đặt ra với Thành phố Hồ Chí Minh phải thực sự thuyết phục rằng đó là những cơ chế thật sự đặc thù, mà hiệu quả, khả thi, bền vững, chứ không phải là xào đi, xào lại những tiếp cận, phương pháp đã cũ rích rồi".
Vậy khía cạnh nào cần quan tâm đầu tiên trong cơ chế đặc thù này nếu xét từ kinh nghiệm quốc tế, khu vực hay nước ngoài, mà Quốc hội Việt Nam và những nhà hoạch định chính sách cần lưu ý, Kinh tế gia Bùi Kiến Thành nói tiếp :
"Vấn đề thứ nhất là cơ chế về luật pháp, rồi cơ chế về hành chính, trong đó có những vấn đề về quản lý nhà nước, những vấn đề về quản lý tài chính, mà đó là kinh nghiệm từ các cơ chế đặc thù với nhiều nơi khác ở quốc tế và khu vực mà Việt Nam cần nghiên cứu. Ví dụ như cơ chế đặc thù của Thâm Quyến, của Phố Đông, Thượng Hải ra sao v.v. Điều quan trọng là nghiên cứu, tham khảo để làm sao khi ra cơ chế, Thành phố Hồ Chí Minh không bị gò bó vào những cái cứng nhắc của thể chế hiện nay. Phải tạo ra được những điều kiện để thành phố này thoát ra khỏi những thể chế mà không tạo được sức mạnh của Thành phố Hồ Chí Minh, và thay bằng những thể chế mới, trong đó có những vấn đề như hành chính, tài chính, thuế má, và một điều quan trọng nữa mà không riêng của Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng với thành phố này cực kỳ quan trọng, đó là vấn đề đất đai, nếu đổi mới trong quyền sở hữu về đất đai như một thí điểm, thì chỉ riêng một vấn đề đó, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiến bộ rất nhiều.
Nhân đây, tôi xin nói thêm rằng chính quyền và ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam của Thành phố Hồ Chí Minh cần phải làm một điều là soi rõ ra những trách nhiệm và quyền hạn của mình như thế nào, để thực hiện tới nơi, tới chốn tất cả những vấn đề gì trong quyền hạn của mình để thành phố có thể phát triển một cách tốt. Hiện nay, một phần lớn những người làm trong chính quyền không chịu lãnh trách nhiệm, không có sự sáng tạo, có nhiều khi sợ sệt, không dám làm gì để khỏi bị tội này, tội kia v.v., đó là một hệ lụy rất lớn, mà nếu không giải quyết ngay vấn đề tâm lý, tinh thần này, cứ để kéo dài như thế, thì thành phố này không thể ngóc đầu dậy nổi".
Qua đó, kinh tế gia Bùi Kiến Thành cho rằng ban lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh không nên chờ thụ động, mà cần phải có sự quyết đoán để đột phá trong vấn đề quản lý nhà nước, để mọi người đều hăng hái hơn và lãnh trách nhiệm với những việc mình đang làm.
Cựu cố vấn về kinh tế, phát triển và hội nhập của Chính phủ Việt Nam cũng thẳng thắn góp ý rằng :
"Đừng như vị lãnh đạo Đảng cấp cao nào nói rằng ‘anh không làm được, thì tự lùi ra để người khác làm’. Nói như thế là chưa chuẩn, chưa đúng, chưa đủ, bởi vì trong việc công vụ này, không phải là để cho ai tùy tiện mà làm, mà rút. Đã là người quản lý thì phải quyết được rằng ‘anh này làm được, anh kia không làm được’, những ai mà không làm được, thì lãnh đạo phải quyết và chủ động đưa họ ra một bên, để thay người khác vào làm. Lãnh đạo là phải làm như thế, chứ không có chuyện như tôi vừa nói là người nào đó làm không được, thì bảo rằng tự họ đứng ra một bên. Tức là tôi muốn nói rằng trong quản lý đảng và nhà nước, cần phải có sự quyết liệt hơn, và người lãnh đạo thì cần phải có khả năng có những hành động quyết đoán, chuẩn xác và chính xác hơn trên vị trí của người lãnh đạo".
Mong muốn đã từ hơn hai chục năm
Cũng trong dịp này, từ Sài Gòn, ông Trường Quân, một nhà nghiên cứu chính sách và pháp luật nêu quan điểm từ góc độ cá nhân với Đài Châu Á Tự Do :
"Từ lâu Thành phố Hồ Chí Minh đã muốn có một cơ chế riêng và theo tôi được biết người ta đã nêu vấn đề này từ khoảng chừng hơn 20 năm nay rồi. Theo mô hình ở Việt Nam tất cả các thành phố đều có một mô hình chung, đó là có Ủy ban Nhân dân, có Hội đồng Nhân dân, đều giống như nhau, trong khi thực tiễn thì các thành phố khác nhau rất nhiều.
Có thể so sánh để thấy Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm kinh tế, thương mại, văn hóa, xã hội lớn của cả nước, thậm chí là lớn nhất nước, nếu mà quản trị một thành phố lớn nhất nước như thế, thì không thể quản trị giống như với một tỉnh heo hút như ở miền núi phía Bắc của Việt Nam được.
Nó khác nhau rất nhiều, trong khi theo mô hình ở Việt Nam thì đều như nhau hết và điều này dẫn đến việc cản trở của sự phát triển. Tôi còn nhớ hồi ông Nguyễn Minh Triết còn làm Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ông nói là Hà Nội xây được bao nhiêu cây cầu bắc qua sông Hồng, trong khi Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa xây được cây cầu nào mới ra hồn nào bắc qua sông Sài Gòn, để cho thấy đầu tư công ở thành phố này rất ít, trong khi thành phố này thu ngân sách ‘khủng’ nhất nước, với trung bình một ngày thu một ngàn tỷ đồng, nhưng mà mãi đến vừa rồi Thành phố Hồ Chí Minh mới đấu tranh để giữ lại được cho mình 18% trên tổng ngân sách thu được, trước khi nộp đi".
Bày tỏ quan tâm về khía cạnh nhân sự lãnh đạo của thành phố như một điểm lưu ý, ông Trường Quân nói thêm :
"Nhân đây tôi muốn nói thêm mấy vấn đề nữa của thành phố cũng rất quan trọng, đầu tiên là trường hợp của ông Lê Thanh Hải, nguyên Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, thì ông ta đã bị kỷ luật, đương nhiên là kỷ luật ở trong một nhiệm kỳ của ông ta thôi. Ông ta nắm hai nhiệm kỳ Bí thư thành ủy này, thì một nhiệm kỳ ông ta đã chịu kỷ luật, nhưng về việc nhân sự không nên phụ thuộc vào một người. Mặc dù như bây giờ chúng ta biết rằng ông Bí thư Nguyễn Văn Nên cũng được nhiều người đánh giá cao, nhưng chẳng lẽ một sự phát triển của một thành phố rộng lớn như Thành phố Hồ Chí Minh lại chỉ phụ thuộc vào một người, như thế tôi nghĩ cũng không đúng. Mà nó phải có một cơ chế cho nhiều người, như thế mới tồn tại, mới phát triển được, còn phụ thuộc vào một người thì khi người đó có vấn đề gì, thì cũng rất khó, và kinh nghiệm đã cho thấy vấn đề đó.
Song tôi nghĩ cơ chế đặc thù như tờ trình hôm nay được báo cáo trước Quốc hội, nếu có được thông qua cuối cùng, thì nó cũng chỉ là bước đầu tiên, và cách làm ở Việt Nam vẫn luôn là thận trọng, nên có thể người ta sẽ ‘mở cửa’ chút xíu, tí ti ban đầu, sau đó mới đánh giá, xem xét, rút kinh nghiệm. Thành công rồi, họ mới bắt đầu mở tiếp, mỗi lần mở như thế, có khi phải mất nhiều năm, có trường hợp tới cả vài chục năm. Cho nên không nên kỳ vọng vào chuyện có ngay một cơ chế đặc thù, mà sẽ phải mất thời gian chờ đợi, chuyện này cũng đúng thôi vì cái gì cũng có tính hai mặt. Trong trường hợp này, hiệu quả hợp lý, tốt, thì sẽ tốt, còn nếu không thì do quy mô của Thành phố Hồ Chí Minh rất lớn, nếu có vấn đề gì, nó sẽ ảnh hưởng ngay tới cả nước. Chính vì vậy, người ta thận trọng cũng có thể cần thiết và hiểu được, nhưng tôi xin nhắc lại, cũng không nên quá kỳ vọng vào một cơ chế có ngay được".
Khi được hỏi, vậy trước mắt, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh nên ưu tiên vấn đề trọng tâm nào, nhà nghiên cứu chính sách và pháp luật Trường Quân từ Thành phố Hồ Chí Minh nói :
"Để vực dậy một nền kinh tế ở một thành phố lớn nhất nước như thế mà đang gặp những khó khăn như hiện nay, thì có rất nhiều việc cần phải làm và làm ngay. Thành phố Hồ Chí Minh sau dịch Covid-19 đã mở cửa trở lại và trong đó có mở nhiều mặt bằng, nhưng gần đây rất nhiều mặt bằng và những cửa tiệm đã phải đóng cửa, vì nền kinh tế vẫn còn khó khăn, do đó người dân phải thắt lưng buộc bụng. Thành phố vẫn còn có nhiều tiền, nhưng để giải quyết những khó khăn, có rất nhiều việc phải làm, trong đó có một lĩnh vực có sức thúc đẩy mạnh là khu vực bất động sản, nhưng lĩnh vực này không chỉ của riêng Thành phố Hồ Chí Minh để mà quyết, mà nó đụng tới cả trung ương, tức là tất cả những vấn đề về luật lệ, chính sách đều đụng chạm tới trung ương, mà riêng thành phố ra thì không thể làm được.
Thứ hai là có những ngân sách để giúp đỡ người nghèo, thậm chí là hỗ trợ về nhà ở xã hội, nhưng không giải ngân được, chỉ vì thủ tục quá nhiêu khê, đó là vấn đề phải gỡ ngay. Có tiền để giúp đỡ người nghèo, giúp đỡ doanh nghiệp đấy, chứ không phải là không có, mà không sài được vì quy chế, vì quy định, vì chính sách, cái đó tôi xin nhắc lại là phải làm để tháo gỡ ngay".
Ngoài ra, trong nhiều điều cần thiết khác mà lãnh đạo TP lớn nhất nước nên lưu ý đó là cần tạo môi trường tốt cho các doanh nghiệp phát triển. Bởi lẽ theo ông Quân, hiện nay các doanh nghiệp bị nạn tham nhũng tấn công, trong một ma trận thủ tục kinh khủng, khiến doanh nghiệp bị ‘hút máu’, mà như thế thì họ không thể sống được, mà doanh nghiệp, doanh nhân không sống được, thì thành phố này và người dân của nó sẽ bị ảnh hưởng và đất nước Việt Nam cũng bị ảnh hưởng theo.
Quốc Phương
Một quốc gia mà từ hệ thống chính trị đến hệ thống công quyền vừa đặt bẫy, dựng hàng rào để tạo ra vô số "khó khăn, vướng mắc" rồi cũng chính các hệ thống đó vừa thúc giục thành viên trong các hệ thống "dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm", thậm chí...
Một billboard ở ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh chào mừng 90 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam. Hình minh họa.
Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vừa gửi Quốc hội Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dự thảo nghị quyết liên quan tới "thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh" với "27 điểm" được gọi là "mới, đột phá" (1).
Trong ba thập niên vừa qua, hai cụm từ "đặc thù" và "đột phá" xuất hiện thường xuyên không chỉ trên môi miệng nhiều viên chức hữu trách mà còn liên tục được lặp đi, lặp lại ở nhiều nghị quyết và đủ loại văn bản. Nếu chỉ tính riêng Thành phố Hồ Chí Minh thì "đặc thù" và "đột phá" đã được ngắt ra, gắn vào nhu cầu ổn định và phát triển của đô thị lớn nhất Việt Nam này ít nhất cũng hàng chục năm. Cần lưu ý, hồi 2017, Quốc hội Việt Nam từng ban hành nghị quyết dành riêng cho Thành phố Hồ Chí Minh cơ chế "đặc thù" để "đột phá" nhưng sau sáu năm, giờ lại sắp phải "nhất trí thông qua" một nghị quyết nữa ! Giống như nhiều lĩnh vực, nhiều nơi ở Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trước nay, những "đặc thù" và "đột phá" chỉ mang lại kết quả duy nhất là càng ngày càng nát !
***
Theo một số cơ quan truyền thông tại Việt Nam thì nghị quyết mà các đại biểu quốc hội khóa 14 (2016 – 2021) thông qua hồi 2017 nhằm tạo cơ chế "đặc thù", giúp Thành phố Hồ Chí Minh "đột phá" không đi đến đâu vì "vướng mắc" đủ thứ.
Chắc chắn lần này, ở Kỳ họp thứ 5, các đại biểu quốc hội khóa 15 (2021 – 2026) sẽ biểu quyết để ban hành một nghị quyết khác nhưng liệu "27 điểm mới",được khẳng định là đột phá" có khiến tình hình khả quan hơn không ?
Dường như là không ! Hồi thượng tuần tháng trước (4/2023), khi tham dự cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội quý 1 do UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, ông Nguyễn Văn Nên – Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh nhận định :Nếu mỗi quý là một trận đấu thì Thành phố Hồ Chí Minh đã thua đậm trận đầu. Dù đã dự đoán sẽ đối diện với nhiều khó khăn, thách thức nhưng không thể ngờ kết quả (tốc độ tăng tổng sản phẩm – GRDP – trong quý 1 năm nay của Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạt 0,7%) lại tụt xuống sâu như vậy (2) !
Đến trung tuần tháng trước, ông Phạm Minh Chính - Thủ tướng Việt Nam dẫn một phái đoàn vào làm việc với chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh "nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh".
Tuy "Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu của kinh tế trên các lĩnh vực, có ảnh hưởng, tác động lớn đến toàn quốc. Nếu địa phương phát triển tốt thì cả nước nhận được tác động lan tỏa, nếu khó khăn, cả nước cũng bị ảnh hưởng khó khăn" (3) nhưng cứ như những tuyên bố, nhận định của các viên chức hữu trách từ trung ương đến địa phương thì khó khăn chủ yếu khiến kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh không những không thể phát triển mà còn lụn bại là vì "vướng mắc", mà "vướng mắc" lại do chính các cá nhân và hệ thống tạo ra kể cả khi ai cũng biết "môi hở, răng lạnh" (Thành phố Hồ Chí Minh là nơi mức độ đóng góp xấp xỉ 30% ngân sách quốc gia) !
Cách nay khoảng nửa tháng, một số người sử dụng mạng xã hội chuyển cho nhau bản tóm tắt phát biểu của hai nhân vật có liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh rồi đặt chúng cạnh nhau để độc giả tự so sánh(4).
Cả hai phát biểu đều là phát biểu chính thức, trong đó, ông Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư (Kế hoạch và đầu tư), nhận định thế này khi giải trình với Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam :Riêng năm 2022, Thành phố Hồ Chí Minh hỏi Bộ Kế hoạch và đầu tư 584 văn bản, Bộ phải trả lời 604 văn bảnnhưng các vấn đề đó không quan trọng, điều quan trọng là các nội dung hỏi đều thuộc thẩm quyền của thành phố. Đó mới là điều quan trọng, cho thấy hiện tượng né tránh, đùn đẩy, đá bóng lên trên rồi lại ngồi chờ(5)...
Ít ngày sau, Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh, đáp trả thế này :Thứ nhất, có những vấn đề thực tiễn của thành phố phát sinh mà quy định pháp luật chưa có nên phải hỏi. Thứ hai, có những nhóm vấn đề đã có quy định nhưng luật này khác, luật kia khác cần phải hỏi. Thứ ba, đã có quy định rồi nhưng cách hiểu khác nhau nên phải hỏi.Thứ tư, có những vấn đề rõ rồi nhưng do nghiên cứu chưa chắc ăn nên hỏi, nếu quy nhóm này sợ không dám làm là trúng nhưng các nhóm còn lại phải hỏi. Trong hơn 600 văn bản trả lời đó, có rất nhiều nội dung trả lời không rõ, căn cứ vào trả lời cũng không biết làmsao(6).
***
Một quốc gia mà từ hệ thống chính trị đến hệ thống công quyền vừa đặt bẫy, dựng hàng rào để tạo ra vô số "khó khăn, vướng mắc" rồi cũng chính các hệ thống đó vừa thúc giục thành viên trong các hệ thống "dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm", thậm chí còn toan ban hành văn bản lập quy để khen thưởng, động viên các cá nhân đạp lên, vượt qua chủ trương, chính sách, quy định pháp luật(7), ngoài chỉ đạo "vướng mắc tới đâu, tháo gỡ tới đó", lãnh đạo các hệ thống không thấy, không nghĩ, không thể làm gì khác hơn thì làm sao giữ được sự ổn định để phát triển ? Chỉ với hệ thống chính trị, hệ thống công quyền như vậy mới có "đặc thù", mới có "đột phá", mới có "tự hào" vì tạo ra cơ chế "đặc thù". Cứ "đột phá" như thế bao nhiêu lần nữa thì.. tan tành ?
Chú thích
(1) https://vnexpress.net/chinh-phu-trinh-quoc-hoi-27-co-che-dac-thu-dot-pha-cho-tp-hcm-4609750.html
(3) https://vietnamnet.vn/thu-tuong-tp-hcm-gap-kho-khan-ca-nuoc-cung-bi-anh-huong-2133149.html
Dư luận đang sôi sùng sục sau khi Sở Giao thông và vận tải Thành phố Hồ Chí Minh công bố ý tưởng thiết lập 34 "cổng thu phí" trước những lối vào khu vực trung tâm thành phố này để thu từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng/lượt đối với các loại xe bốn bánh, đồng thời nâng phí đậu xe với những loại xe này lên ít nhất là năm lần so với hiện nay để chống ùn tắc… trong nội ô.
Dân tự tổ chức đếm xe qua trạm BOT Ninh Lộc. BOT cũng là một phương tiện để bóp cổ vặt lông ? Hình minh họa.
Tờ Lao Động "khen" Sở Giao thông và vận tải Thành phố Hồ Chí Minh là "kiên trì" với ý tưởng thu phí như một giải pháp chống ùn tắc.
Năm 2017, Sở Giao thông và vận tải Thành phố Hồ Chí Minh từng giới thiệu kế hoạch thu phí chống ùn tắc nhưng kế hoạch này chết yểu. Chẳng riêng dân chúng mà ngay cả những người đại diện cho khối đại đoàn kết toàn dân (Mặt trận tổ quốc) ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ trích kịch liệt. Ý tưởng thu phí chống ùn tắc bị xem là âm mưu phạm pháp vì vi phạm Luật Phí và Lệ phí (1)…
Bây giờ, sau khi Thành phố Hồ Chí Minh đã được hưởng "cơ chế đặc thù" (có quyền tự quyết trong một số lĩnh vực liên quan đến phát triển), kế hoạch này đội mồ đứng dậy sáng lòa !
***
Trên mạng xã hội, Đào Tuấn gọi kế hoạch thu phí chống ùn tắc là "lá cờ của chị Hồng Phúc". "Cơ chế đặc thù" cho phép Giám đốc Sở Giao thông và vận tải Thành phố Hồ Chí Minh chỗ dựa vững chắc để khẳng định : Tuy không có qui định nào cho phép thu phí chống ùn tắc nhưng trung ương đã cho Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng "cơ chế đặc thù" thành ra chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh vận dụng điều này để thu phí chống ùn tắc.
Tuấn kể thêm những vận dụng "cơ chế đặc thù", biến thành "cơ hội" như : Tăng phí đậu xe, tăng phí đối với nước thải công nghiệp,… và dự đoán sẽ còn nhiều thứ thuế, phí nữa ra đời nhờ "cơ chế đặc thù" và nhận định : Nói như kiểu chị "Hồng Phúc của dân tộc" thì "cờ đã đến tay", đã có "cờ", cứ thế mà phất. Nếu "đặc thù" trở thành "cờ" như thế, chẳng biết cờ sẽ đỏ màu gì nữa (2) ? !.
Ngô Nguyệt Hữu xem kế hoạch thu phí chống ùn tắc cũng giống như chuyện ông Lê Thanh Hải – cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh – kêu gọi… chống tham nhũng. Chống ùn tắc bằng cách dựng 34 trạm thu phí là một giải pháp buồn cười vì chắc chắn, ùn tắc sẽ nghiêm trọng hơn do chặn đường thu phí. Hữu nhắc ông Trần Ngọc Lâm – tân Giám đốc Sở Giao thông và vận tải Thành phố Hồ Chí Minh - nên tìm cách hoàn thành sớm những hạng mục cải tạo đường (như đường Cao Lỗ), cải tạo cầu (như cầu chữ Y), các giải pháp chống ngập,… gỉam ùn tắc chứ không nên "xách thòng lọng đi lang thang".
Facebooker đồng thời cũng là nhà báo này lưu ý, Công ty Tiên Phong (ITD) đã tiềm phục từ năm 2012 để thực hiện cho bằng được kế hoạch tổ chức thu phí tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều thế hệ lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã liên tục gạt ý tưởng "xàm xí đú" ấy đi, ngay cả Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân cũng lắc, tại sao bây giờ Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Thành Phong lại đồng ý ? Gật đầu là vì ai, vì ITD hay vì dân (3) ?
Cũng nhìn kế hoạch thu phí chống ùn tắc như Ngô Nguyệt Hữu, Võ Đức Phúc cho rằng, cứ gọi thẳng kế hoạch này là "bóp cổ" sẽ khiến người nghe cảm thấy dễ chịu hơn là phân biện theo kiểu "giảm ùn tắc, chống kẹt xe". Phúc thắc mắc, giới lãnh đạo Sở Giao thông và vận tải Thành phố Hồ Chí Minh có "ăn uống" gì với ITD không mà đời nào cũng chăm chăm nhắm vào việc thực hiện kế hoạch bóp cổ dân thu phí ?
Theo Phúc, mạng trạm thu phí sẽ vây nội ô như một hệ thống đồn bót, dồn dân tới chỗ phải đưa cổ để bị bóp. Ai dám cam kết thu phí chống ùn tắc sẽ khiến nội ô không kẹt xe. Xe hơi giảm nhưng còn xe hai bánh gắn máy đổ vào nội ô thì sao ? Tiền thu được từ các trạm thu phí chống ùn tắc sẽ dành vào việc gì ? Để xây những công trình "rửng mỡ" như nhà hát ở Thủ Thiêm hay để bù vào khoản 26.000 tỉ mà Thanh tra của chính phủ vừa buộc Thành phố Hồ Chí Minh nộp lại ?.. Phúc khuyên, muốn khai thác "cơ chế đặc thù" cũng phải lường tới cảm xúc và nỗi khổ của dân chúng. Bóp cổ kiếm tiền thì chỉ nên bóp một lần, ví dụ thêm thuế, thêm phí khi đăng ký xe. Ngày nào cũng bóp thì ngay cả "lon" và "lu" cũng sống không nổi, nói gì tới dân (4).
Giống như nhiều facebooker khác, Hoàng Nguyên Vũ than rằng, Thành phố Hồ Chí Minh càng ngày càng… lạ ! Hết "đội lu" chống ngập giờ lập cả bầy "đội thu" chống tắc đường. Tiếng là chống ùn tắc nhưng Sở Giao thông và vận tải Thành phố Hồ Chí Minh chỉ xoáy vào một chuyện, rằng sẽ chỉ mất chừng hai năm là thu hồi đủ 250 tỉ đầu tư vào thiết lập 34 trạm thu phí ! "Thông minh" đến thế này thì dân tộc này "hồng phúc" quá ! Cứ "thôn làm" mà "đội thu" thế này, có mà mở nát cả lon cũng không hết ùn ứ đâu, các ông bà "đội lu", "đội thu" ạ (5) !
***
Bất bình, thậm chí phẫn nộ nhưng khó có cửa chặn kế hoạch thu phí chống ùn tắc, rõ ràng "cơ chế đặc thù" giống như một tấm bùa hộ mạng cho kế hoạch này và nhiều kế hoạch tương tự. Dân chúng Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có "cơ hội" hưởng thêm "hồng phúc". Đó là loại "cơ hội" không muốn cũng bị buộc phải đón nhận. Nhân kế hoạch thu phí chống ùn tắc, Phuong Ngo, một facebooker khác, mới phác lại diện mạo của "cơ hội" ấy qua câu chuyện liên quan tới Trạm thu phí An Sương (6).
Tuy đã hết thời hạn được phép thu phí nhưng các phương tiện qua lại vẫn phải trả tiền cho Trạm thu phí An Sương vì có thêm bốn cây cầu trên đoạn An Sương - An Lạc. Bởi chi phí xây dựng bốn cây cầu này nằm trong gói 26.000 tỉ giải quyết ùn tắc, rồi Sở Giao thông và vận tải Thành phố Hồ Chí Minh tự tiện chuyển thành dự án BOT để duy trì Trạm thu phí An Sương nên dân chúng đòi phải dẹp bỏ.
Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền vừa trả lời yêu cầu dẹp bỏ ấy bằng bản án 18 tháng tù dành cho Văn Ngọc Hoàng. Hoàng – 35 tuổi là một tài xế lái xe chở container. Tối 5 tháng 3, khi lái xe ngang Trạm thu phí An Sương, giống như nhiều người dân khác, tin rằng trạm thu phí này chặn đường đòi mãi lộ bất hợp pháp, Hoàng không chịu trả tiền và vì bị cản đường, Hoàng cho xe tông gãy thanh chắn... Hồi đầu tuần này, Tòa án xác định Hoàng phạm tội "cố ý gây hư hỏng tài sản" (7)…
Thôi thì ráng chấp nhận tình trạng mà Bich Nguyen X gọi là bị "vặt lông". Bich bảo rằng, có rất nhiều cách để hạn chế xe bốn bánh vào nội ô, ví dụ như dựng hệ thống biển cấm – cấm hẳn. Ví dụ như chỉ cho xe có biển số chẵn được vào nội ô những ngày chẵn hoặc ngược lại sẽ hạn chế khoảng 50% lưu lượng,… tại sao không chọn mà dứt khoát phải chi 250 tỉ, thiết lập 34 trạm thu phí ? Đó chẳng phải là "vặt lông" để làm cho túi đầy hơn sao (8) ?
***
Bóp cổ thì sao ? Vặt lông thì sao ? Muốn phản kháng cứ nhìn vào án tù đã dành cho nhiều người chống lạm thu. "Hồng phúc dân tộc" đã ban, ráng mà tận hưởng "cơ hội" !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 23/07/2019
Chú thích
(1) https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/thien-la-dia-vong-744702.ldo ?
(2) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=2423992247623343&set=a.101602139862377&type=3&theater
(3) https://www.facebook.com/ngonguyethuu/posts/2884969388243601
(4) https://www.facebook.com/NgocBaoChau9999/posts/768324760285938
(5) https://www.facebook.com/permalink.php ?story_fbid=10205875088912668&id=1721755473
(6) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=439962143525085&set=a.124904255030877&type=3&theater
(8) https://www.facebook.com/bich.nguyenx/posts/2412905832102113