Ông Phạm Minh Chính yêu cầu đại diện Mỹ ‘ưu tiên’ nguồn lực ngành bán dẫn cho Việt Nam
VOA, 08/12/2023
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính trong buổi tiếp Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) hôm 7/12 đã yêu cầu phía Mỹ "tập trung nguồn lực, trí tuệ, ưu tiên cho một số lĩnh vực là trọng tâm của Việt Nam, đặc biệt ngành công nghiệp bán dẫn", TTXVN đưa tin.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (phải) tiếp ông John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ, tại Hà Nội vào ngày 7/12/2023.
Ông John Neuffer và lãnh đạo các công ty về bán dẫn lớn của Hoa Kỳ như Intel, Qualcom, Ampere và ARM, đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Đây là chuyến thăm thứ 2 của ông đến Việt Nam kể từ sau khi hai nước Việt - Mỹ nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện, mở ra nhiều tiềm năng hợp tác lớn về công nghệ, trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn.
Trước đó, ông Neuffer đã đến Việt Nam làm việc vào tháng 1/2023, và sau đó vào tháng 10/2023.
Tại buổi tiếp ông Neuffer và SIA vào ngày 7/12, Thủ tướng Việt Nam nói trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện mới được thiết lập gần đây, Việt Nam và Hoa Kỳ đã nhất trí coi khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo là trụ cột mới quan trọng trong mối quan hệ giữa hai nước. Vì vậy, cần huy động nguồn lực, trí tuệ và ưu tiên một số lĩnh vực trọng điểm cho Việt Nam, đặc biệt là ngành bán dẫn mà Việt Nam có tiềm năng và lợi thế đáng kể, TTXVN tường thuật.
Việt Nam được xem là trung tâm của chiến lược tìm kiếm các lựa chọn thay thế của Mỹ nhằm giảm bớt dần sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong lĩnh vực cung cấp nguyên liệu thô và sản xuất các thành phần chính trong chuỗi cung ứng công nghệ, đặc biệt là chất bán dẫn, trong khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc về công nghệ và an ninh quốc gia ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, theo Wired, nhiều chuyên gia về chuỗi cung ứng ở cả Washington và Hà Nội đều cảnh báo rằng Việt Nam không thể sớm thay thế quy mô, kỹ năng sản xuất công nghệ, cũng như lực lượng lao động của Trung Quốc.
Vào đầu tháng 10, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã gặp đại diện của Amkor, một công ty Mỹ chuyên lắp ráp chip mới thành sản phẩm đang hoạt động, để khánh thành nhà máy lắp ráp và thử nghiệm chip trị giá 1,6 tỷ USD gần Hà Nội. Ông Chính đã kêu gọi tăng tốc đầu tư để giúp Việt Nam đạt được mục tiêu mở rộng lực lượng lao động bán dẫn gấp 10 lần vào năm 2030.
Wired dẫn lời một chuyên gia cho biết, theo ước tính, Việt Nam hiện có khoảng 5.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực thiết kế bán dẫn, hầu hết nằm rải rác ở 36 công ty sản xuất chip không phải của Việt Nam, và công nhân Việt Nam chủ yếu đảm nhận những vị trí có tay nghề thấp.
Tại cuộc gặp hôm 7/12, Thủ tướng Phạm Minh chính nói với Chủ tịch SIA rằng Việt Nam đang xây dựng chiến lược và dự án phát triển nguồn nhân lực cùng với các ưu đãi phù hợp để thu hút các nhà sản xuất, thiết kế và phát triển chất bán dẫn hàng đầu nước ngoài vào nước.
Ông nói hiện Việt Nam có khoảng 6.000 kỹ sư làm việc trong ngành bán dẫn cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước, và đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư có tay nghề cao từ nay đến năm 2030, đặc biệt tập trung vào thiết kế chip bán dẫn.
Ông Phạm Minh Chính cũng đề nghị SIA thúc đẩy để Hoa Kỳ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam và loại bỏ các biện pháp kiểm soát mà ông nói là "không cần thiết" trong việc chuyển giao công nghệ.
Về phía đại diện Mỹ, ông Neuffer nói Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư Mỹ trong ngành bán dẫn và có thể đóng vai trò là đối tác chiến lược trong việc cung cấp lực lượng lao động. Ông nói các doanh nghiệp Mỹ đang rất nóng lòng chờ đợi chiến lược bán dẫn quốc gia của Việt Nam, và ông tin rằng Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong chuỗi cung ứng toàn cầu, theo Sài Gòn Giải Phóng.
Nguồn : VOA, 08/12/2023
************************
Nvidia của Mỹ sắp bàn thảo các thỏa thuận về chip ở Việt Nam vào tuần tới
Reuters, VOA, 08/12/2023
Hãng khổng lồ về chip của Mỹ Nvidia sẽ bàn thảo các thỏa thuận hợp tác về hàng bán dẫn với các công ty công nghệ và các cơ quan chính quyền Việt Nam trong một cuộc họp vào ngày thứ Hai 11/12 tại Hà Nội, theo một thư mời gửi tới những người tham gia mà Reuters xem được.
CEO Nvidia, ông Jensen Huang, tại Malaysia ngày 8/12 - Ảnh : Nikkei Asia
Việt Nam ở Đông Nam Á có các nhà máy lắp ráp chip lớn trong đó có cả cơ sở lớn nhất trên toàn cầu của Intel. Đất nước này đang cố gắng mở rộng sang lĩnh vực thiết kế chip và có thể là sản xuất chip vào lúc căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tạo ra những cơ hội cho Việt Nam trong ngành chiến lược này.
Jensen Huang, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Nvidia, vào ngày 11/12 sẽ gặp các đại diện của chính phủ Việt Nam và các công ty của đất nước này để thảo luận về những cách thức "thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn" ở Việt Nam và "mối quan hệ đối tác tiềm năng của Nvidia với các công ty công nghệ Việt Nam", theo nội dung thư mời tham dự sự kiện có thành phần khách mời hạn chế.
Một nguồn tin trong ngành nắm công tác chuẩn bị cho cuộc họp nói rằng có dự báo là Nvidia sẽ đi đến thỏa thuận chuyển giao công nghệ với ít nhất một công ty Việt Nam.
Người này từ chối nêu tên vì không được phép phát biểu công khai về vấn đề này.
FPT, VinGroup - tức hãng mẹ của nhà sản xuất xe điện VinFast, và tập đoàn viễn thông nhà nước Viettel cho biết họ sẽ tham dự cuộc họp hôm 11/12 với Nvidia nhưng từ chối bình luận về thỏa thuận có thể đạt được.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, nơi sẽ tổ chức sự kiện này, đã không trả lời ngay cho lời đề nghị đưa ra bình luận.
Nvidia, hãng sản xuất chip trí tuệ nhân tạo (AI) và bộ xử lý đồ họa, đã hợp tác với các công ty công nghệ hàng đầu của Việt Nam để triển khai AI trong các ngành điện toán đám mây, ô tô và chăm sóc sức khỏe, một tài liệu được Nhà Trắng công bố hồi tháng 9 cho thấy, đó là thời điểm Washington nâng cấp quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Reuters
Nguồn : VOA 08/12/2023
******************************
Apple chuyển nguồn lực kỹ thuật quan trọng của iPad sang Việt Nam
VOA, 08/12/2023
Apple lần đầu tiên phân bổ nguồn lực phát triển sản phẩm iPad sang Việt Nam, một bước tiến quan trọng nhằm củng cố vị thế của quốc gia Đông Nam Á như một trung tâm sản xuất thay thế bên ngoài Trung Quốc, Nikkei dẫn các nguồn tin am tường cho biết hôm 8/12.
Một người dùng sử dụng thiết bị iPad trong quán cà phê ở Hà Nội. Hãng tin Nikkei hôm 8/12/2023 cho biết Apple lần đầu tiên phân bổ nguồn lực phát triển sản phẩm iPad sang Việt Nam.
Theo hãng tin này, Apple hiện đang hợp tác với công ty BYD của Trung Quốc, một nhà lắp ráp iPad quan trọng, để chuyển nguồn lực giới thiệu sản phẩm mới (NPI) sang Việt Nam. NPI là quy trình sản xuất bao gồm nhiều bước từ lên kế hoạch, phác thảo ý tưởng đến lắp ráp sản phầm. Đây là lần đầu tiên Apple chuyển nguồn lực NPI sang Việt Nam.
Các nguồn tin của Nikkei cho hay quá trình xác minh kỹ thuật để sản xuất thử nghiệm mẫu iPad sẽ bắt đầu vào khoảng giữa tháng 2 năm sau, và mô hình này sẽ có mặt trên thị trường vào nửa cuối năm tới.
BYD cũng là nhà cung cấp đầu tiên của Apple giúp gã khổng lồ công nghệ Mỹ chuyển dây chuyền lắp ráp iPad lần đầu tiên sang Việt Nam vào năm 2022, Nikkei đưa tin trước đó.
Sự thay đổi nguồn lực kỹ thuật NPI này tập trung vào các mẫu máy cấp thấp, hơn là iPad Pro cao cấp hơn.
NPI yêu cầu nguồn lực đáng kể từ cả công ty công nghệ và nhà cung cấp, chẳng hạn như kỹ sư và việc đầu tư vào thiết bị phòng thí nghiệm để thử nghiệm các tính năng và chức năng mới.
Hầu hết NPI của Apple được thực hiện tại Trung Quốc, với sự hợp tác của các kỹ sư ở Cupertino, California, để tận dụng kinh nghiệm sản xuất phần cứng kéo dài hàng thập niên của nước này. Nhưng những bất ổn về địa chính trị đang buộc công ty phải suy nghĩ lại về cách tiếp cận này. Nikkei cho biết trước đó rằng Apple cũng có kế hoạch gửi một số quy trình NPI cho iPhone tới Ấn Độ.
Dữ liệu IDC cho thấy Apple là nhà sản xuất máy tính bảng lớn nhất thế giới, với thị phần 36,6% trong ba quý đầu năm 2023. Theo Counterpoint Research, chỉ có khoảng 10% tổng số iPad được sản xuất tại Việt Nam trong năm nay nhưng phần lớn vẫn ở Trung Quốc.
Việt Nam đã nổi lên như một trung tâm sản xuất công nghệ quan trọng nhất của Apple bên ngoài Trung Quốc. Gã khổng lồ công nghệ có trụ sở tại Cupertino đã yêu cầu các nhà cung cấp xây dựng công suất mới cho gần như tất cả các sản phẩm của mình từ AirPods và MacBook cho đến đồng hồ Apple và iPad, ngoại trừ iPhone, tại quốc gia Đông Nam Á. Nikkei dẫn lời các chuyên gia và giám đốc điều hành cho biết việc có nguồn lực NPI ở nước ngoài có nghĩa là các trung tâm ngoài Trung Quốc sẽ trở thành cơ sở sản xuất thay thế thực sự.
Nguồn : VOA, 08/12/2023