Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

07/12/2023

Việt Nam thu hẹp không gian dân sự, bịt miệng báo chí tự do

RFA tổng hợp

Không gian dân sự ở Việt Nam ngày càng bị thu hẹp, các tổ chức có đăng ký cũng gặp nguy hiểm

RFA, 07/12/2023

Không gian dân sự ở Việt Nam bị thu hẹp trong nhiều năm qua và không chỉ giới bất đồng chính kiến mà các tổ chức xã hội dân sự có đăng ký với nhà nước cũng là đối tượng đàn áp bởi nhà nước độc đảng, theo Tiến sĩ khoa học Nguyễn Quang A.

bitmieng3

Trang bìa báo cáo mới nhất về không gian dân sự của CIVICUS - CIVICUS Monitor

Phát biểu được Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS (đã tự giải thể) đưa ra hôm 07/12 sau khi tổ chức Liên minh xã hội dân sự toàn cầu (CIVICUS) ra báo cáo mang tựa đề People Power under Attack 2023 (tạm dịch : Sức mạnh của dân chúng trước sự tấn công 2023).

Tổ chức có trụ sở ở Johanesburg (Nam Phi) cho biết Việt Nam là một trong tám quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á có không gian dân sự đóng.

Trên bình diện toàn cầu, 27 quốc gia khác cũng bị xếp loại như quốc gia độc đảng ở Đông Nam Á, đồng nghĩa với việc nhà nước không tôn trọng các quyền tự do ngôn luận, hội họp ôn hòa và lập hội của dân chúng.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A có đánh giá cho rằng, không gian dành cho xã hội dân sự trong khoảng thời gian sáu năm qua bị thu hẹp lại một cách rất nghiêm trọng. Ông nói qua điện thoại với RFA :

"Điều mà dễ nhìn thấy nhất là các vụ bắt giữ người hoạt động xã hội dân sự. Trước đây, lãnh đạo của các tổ chức phi chính phủ có đăng ký hoạt động một cách hợp pháp theo luật Việt Nam là những tổ chức có những cơ hội hợp tác, thậm chí hợp tác với chính quyền Việt Nam một cách rất tích cực".

Theo ông, mọi việc trở nên xấu đi bắt đầu bằng việc bắt giữ nhà báo độc lập Mai Phan Lợi và luật sư Đặng Đình Bách vào tháng 7/2021, và hiện nay, lãnh đạo các tổ chức xã hội dân sự có đăng ký cũng là mục tiêu trấn áp của chính quyền độc đảng ở Việt Nam.

"Lãnh đạo của các tổ chức xã hội dân sự như thế cũng có thể bị bắt, từ cái vụ của ông Mai Phan Lợi, ông (Đặng Đình) Bách, cho đến bà Nguỵ Thị Khanh, luật sư Hoàng Ngọc Giao, rồi bà (Hoàng Thị Minh) Hồng".

Cho tới nay, đã có năm nhà hoạt động xã hội dân sự có đăng ký bị bắt và kết án về tội danh "trốn thuế" với mức án từ 18 tháng đến năm năm, trong khi Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển Hoàng Ngọc Giao bị bắt vào cuối năm ngoái về cùng cáo buộc nhưng vẫn còn bị tạm giam.

Ông Josef Benedict, chuyên gia vận động cho không gian dân sự khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của CIVICUS cho rằng, Việt Nam là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, tuy nhiên lại không thể hiện mình là một thành viên góp sức vào mục tiêu cải thiện nhân quyền toàn cầu.

Trong tin nhắn gửi Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngày 06/12, ông nói :

"Hơn một năm kể từ khi Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, rõ ràng Việt Nam đã đi ngược lại những cam kết của mình nhằm đảm bảo việc người dân được hưởng thụ tốt hơn các quyền con người và các quyền tự do cơ bản.

Thay vào đó, những gì chúng ta đã thấy là những nỗ lực liên tục nhằm hình sự hóa và bỏ tù những người bảo vệ nhân quyền, bao gồm các nhà hoạt động môi trường và các nhà hoạt động vì quyền của người thiểu số, sử dụng một loạt điều luật an ninh quốc gia sau những phiên tòa xét xử không công bằng".

Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế không nhắm mắt làm ngơ trước những vi phạm này và hành động để buộc chính quyền Việt Nam trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị và bãi bỏ mọi điều luật hạn chế quyền con người.

Lạm dụng cáo buộc "trốn thuế"

Ông cho biết CIVICUS vô cùng lo ngại về việc Chính phủ Việt Nam tiếp tục sử dụng cáo buộc "trốn thuế" có động cơ chính trị đối với những người bảo vệ quyền đất đai và môi trường ở Việt Nam, nhằm hạn chế các hoạt động bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu của họ. 

Báo cáo của CIVICUS nhắc đến trường hợp nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng – người bị kết án ba năm tù giam, và luật sư Đặng Đình Bách, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật & Chính sách Phát triển Bền vững (LPSD), bị kết án năm năm cũng về tội danh "trốn thuế" và đang bị đối xử tàn tệ trong Trại giam số 6 của Bộ Công an.

"Kể từ năm 2021, chiến thuật như vậy ngày càng được sử dụng nhiều hơn. Nếu Việt Nam nghiêm túc trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu thì phải phóng thích tất cả các nhà hoạt động, nhà vận động và chuyên gia môi trường ngay lập tức", ông Benedict nói.

Đàn áp xuyên quốc gia

Báo cáo của CIVICUS cũng nhắc đến vụ bắt cóc blogger Đường Văn Thái, người sang Thái Lan tị nạn từ 2018 và được Văn phòng Cao ủy về Người tị nạn của Liên Hiệp Quốc cấp quy chế.

Ông Benedict nói về tình trạng đàn áp xuyên quốc gia mà lực lượng an ninh Việt Nam đã thực hiện :

"Có những lo ngại nghiêm trọng rằng Việt Nam hiện đang sử dụng biện pháp đàn áp xuyên quốc gia nhắm vào những người bất đồng chính kiến và người chỉ trích chế độ ở nước ngoài với vụ bắt cóc Đường Văn Thái bởi nhân viên an ninh Việt Nam khi đang sống lưu vong ở Thái Lan".

Ông kêu gọi các quốc gia láng giềng của Việt Nam, đặc biệt Thái Lan, phải bảo đảm rằng các nhà hoạt động có quy chế tị nạn được bảo vệ và họ không bị cưỡng bức quay trở lại.

Báo cáo của CIVICUS đánh giá và theo dõi các quyền tự do cơ bản ở 197 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ngoài 28 quốc gia và vùng lãnh thổ có không gian dân sự đóng, 50 quốc gia và vùng lãnh thổ có không gian dân sự "bị kiềm chế" và 40 nước có không gian dân sự bị xếp hạng "cản trở", 43 quốc gia có không gian dân sự "thu hẹp" và chỉ có 37 quốc gia và vùng lãnh thổ có không gian dân sự mở.

Phóng viên có gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam với đề nghị bình luận về đánh giá của CIVICUS, nhưng chưa nhận được ngay phản hồi. Bộ Ngoại giao Việt Nam thường không trả lời câu hỏi báo chí của RFA.

Nguồn : RFA, 07/12/2023

**************************

Đàn áp xuyên biên giới : Các chính phủ độc tài cố gắng bịt miệng các phóng viên bao gồm Việt Nam

RFA, 06/12/2023

Theo báo cáo của tổ chức Freedom House công bố ngày 06/12, blogger Đường Văn Thái là một trong hơn 100 nhà báo lưu vong trên toàn cầu trở thành nạn nhân của đàn áp xuyên biên giới thực hiện bởi chính phủ của những quốc gia mà họ ra đi.

bitmieng1

YouTuber Thái Văn Đường (Đường Văn Thái) trong một ảnh chụp tháng 2/2023 - Twitter Thái Văn Đường

Trong báo cáo tựa đề "Ánh sáng không thể tắt : Báo chí lưu vong và đàn áp xuyên quốc gia", tổ chức có trụ sở tại Washington DC chuyên nghiên cứu về dân chủ toàn cầu, cho biết các nhà báo thường lọt vào tầm ngắm của những chế độ độc tài tìm cách kiểm soát thông tin và ngăn chặn bất đồng chính kiến ​​c trong nước và vượt xa biên gii ca h.

Từ năm 2014 đến năm 2023, Freedom House ghi nhận 112 vụ đàn áp xuyên quốc gia chống lại các nhà báo được thực hiện bởi 26 chính phủ. Con số này chỉ là một phần của hiện tượng, vì nhiều vụ đàn áp không được báo cáo hoặc khó xác minh.

Về trường hợp của blogger Đường Văn Thái (còn được biết với tên Thái Văn Đường), Freedom House viết : "Một blogger người Việt đăng những bình luận chỉ trích chế độ độc đảng của nước này đã biến mất khỏi đường phố Bangkok và xuất hiện trở lại trong một nhà tù ở Hà Nội".

Ông Đường Văn Thái, một người thường hay đưa tin về tham nhũng và đấu đá nội bộ giữa các quan chức của Đảng cộng sản Việt Nam ở cả trung ương và địa phương trên Youtube và Facebook, đã phải sang Thái Lan tị nạn từ năm 2018.

Ông được Văn phòng Cao uỷ về Người tị nạn của Liên Hiệp quốc cấp thẻ quy chế tị nạn và đã được phỏng vấn đi định cư ở một nước thứ ba vào giữa tháng 4 năm nay. Vài ngày sau, ông mất tích ở gần nhà trọ ở Thanyaburi, tỉnh Pathum Thani, Thái Lan.

Vào ngày 16/4, Công an tỉnh Hà Tĩnh thông báo bắt giữ một người tên Đường Văn Thái khi người này xâm nhập vào tỉnh này từ Lào. Hơn ba tháng sau, Bộ Công an công bố giam giữ Đường Văn Thái để điều tra về cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước" theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.

Công an hiện vẫn đang giam giữ ông ở Trại tạm giam B14 (Thanh Trì, Hà Nội) cho dù đã hết thời hạn tạm giam bốn tháng và không thông báo gia hạn tạm giam cho gia đình. 

Việc blogger Đường Văn Thái bị mất tích ở Thái Lan rồi lại bị giam giữ bởi Bộ Công an Việt Nam làm nhiều nhà hoạt động, nhà báo đang lưu vong ở Thái Lan lo sợ cho sự an toàn của mình.

Ông Trần Duy Chiến, một người tị nạn chính trị ở Thái Lan từ năm 2019 và thường xuyên đưa tin về tình hình Việt Nam trên Youtube và Facebook, cho biết những người như ông luôn phải đối mặt với khả năng bị bắt cóc và đưa về nước. Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 06/12 :

"Khi chúng tôi bước sang Thái Lan chúng tôi lên tiếng một cách mạnh mẽ thì họ có thể cắt cử an ninh mật vụ và của Tổng cục tình báo của họ qua để họ có thể nằm vùng làm gián điệp tại Thái Lan và tìm kiếm những người nào mà lên tiếng thì họ có thể làm đủ mọi cách để họ bắt cóc đem về phía Việt Nam giao cho cơ quan an ninh mật vụ tại Việt Nam. Nguy cơ đó lúc nào cũng tiềm tàng và hiện hữu đối với những người đang lên tiếng tại Thái Lan".

Ông cho biết Thái Lan là một quốc gia chưa ký Công ước quốc tế về người tị nạn, do vậy những người như ông không được bảo vệ bởi nhà chức trách Thái Lan. Đối mặt với nguy cơ bị bắt cóc bởi mật vụ Việt Nam, ông chỉ có biện pháp phòng vệ duy nhất là hạn chế ra đường.

"Tôi là một Facebooker, một Youtuber và một người viết báo. Trước vụ Thái Văn Đường thì tôi còn ra ngoài đường tôi ngồi tôi livestream nhưng từ khi nổ ra vụ việc an ninh cộng sản bước qua bên Thái Lan này bắt Đường Văn Thái, tôi không hề dám bước ra ngoài đường".

Ông Chiến cũng nhắc lại trường hợp nhà báo Trương Duy Nhất, blogger của RFA, bị bắt cóc ở Bangkok khi vừa nộp đơn xin tị nạn lên Văn phòng Cao uỷ về Người tị nạn của Liên Hiệp Quốc ở Bangkok. Ông bị đưa về Việt Nam và sau đó bị kết án 10 năm tù giam về tội danh "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Theo Freedom House, đối mặt với các cuộc tấn công ngày càng gia tăng vào các phương tiện truyền thông độc lập trên toàn cầu, nhiều nhà báo phải rời bỏ quê hương của họ. Làm việc từ nước ngoài, những phóng viên này vẫn là nguồn thông tin quan trọng về một số quốc gia độc tài nhất thế giới. Nhưng sự an toàn của họ khi lưu vong không được đảm bảo.

Chính phủ nhiều quốc gia đang áp dụng các chiến thuật đàn áp vượt xa biên giới của chính họ để đối phó với những nhà báo lưu vong, những người đang cố gắng vạch trần tham nhũng, tội phạm, vi phạm nhân quyền và các hành vi lạm dụng khác ở cố quốc.

Freedom House cho biết có ít nhất 26 chính phủ, bao gồm cả Belarus, Campuchia, Trung Quốc, Iran, Pakistan, Nga và Saudi Arabia, đã nhắm mục tiêu vào các nhà báo ở nước ngoài bằng sự đàn áp xuyên quốc gia, khiến sự an toàn và công việc của họ gặp nguy hiểm nghiêm trọng.

Sự đàn áp xuyên quốc gia chống lại các nhà báo bao gồm hành hung, giam giữ, bắt cóc và trục xuất bất hợp pháp, cũng như những hạn chế nghiêm trọng về quyền tự do đi lại do những mối đe dọa này gây ra. Nó cũng kéo theo sự đe dọa của các thành viên gia đình nhà báo, các chiến dịch quấy rối, bôi nhọ, lừa đảo và các nỗ lực khác nhằm ngăn chặn việc đưa tin trung thực.

Freedom House cho biết những cuộc tấn công này có tác động tàn phá đến sức khỏe của các nhà báo cũng như khả năng đưa tin độc lập của họ. Các phóng viên lưu vong nỗ lực duy trì mối liên hệ cần thiết để đưa tin. Họ phải đối mặt với những lời đe dọa giết chết, quấy rối trực tuyến và những lời lẽ hung hãn từ các quan chức ở nước họ ra đi.

Nguồn : RFA, 06/12/2023

*****************************

Việt Nam tiếp tục bị xếp vào các quốc gia có không gian dân sự đóng trong năm 2023

RFA, 06/12/2023

Chính phủ Việt Nam trong năm 2023 tiếp tục việc đàn áp mạnh mẽ các tiếng nói đối lập trong năm 2023 bằng việc kết án tù nhiều nhà hoạt động dân sự vào khi nhiều nước ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng đang gia tăng việc đàn áp xã hội dân sự, nhà báo và blogger.

bitmieng2

Thầy giáo Đặng Đăng Phước tại phiên tòa phúc thẩm ở Đà Nẵng vào tháng 10/2023 - Ảnh chụp màn hình/ANTV

Một báo cáo của tổ chức nhân quyền ở Nam Phi là CIVICUS Monitor hôm 6/12 được công bố, theo đó Việt Nam tiếp tục bị xếp vào danh sách các nước có không gian dân sự bị đóng cùng với các nước khác bao gồm Afghanistan, Trung Quốc, Hong Kong, Bắc Hàn, Myanmar, Lào và Bangladesh.

Tổ chức CIVICUS Monitor trong báo cáo mới về tình hình Việt Nam đã liệt kê một số trường hợp đàn áp nhân quyền điển hình ở Việt Nam trong năm 2023 bao gồm việc kết án từ các nhà hoạt động Trương Văn Dũng, Trần Văn Bang, Bùi Tuấn Lâm và Đặng Đăng Phước, blogger Nguyễn Lân Thắng.

Báo cáo cũng nhắc đến trường hợp của nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng, người vừa bị kết án tù vào tháng 9 năm nay với cáo buộc tội "Trốn thuế", nhưng theo nhận định của các tổ chức nhân quyền quốc tế việc kết án này nằm trong một loạt các hoạt động đàn áp của chính quyền nhắm vào các nhà hoạt động môi trường thời gian qua.

Theo báo cáo, hiện có hơn 100 các nhà bảo vệ nhân quyền đang bị cầm tù với các cáo buộc chủ yếu liên quan đến tuyên truyền chống Nhà nước và lợi dụng các quyền tự do dân chủ.

Báo cáo cũng nhắc đến các trường hợp những nhà hoạt động xã hội và nhân quyền bị gây khó dễ như trường hợp của tiến sĩ Nguyễn Quang A, người bị cấm đi nước ngoài hồi tháng năm vừa qua, trong khi một trường hợp blogger khác là Đường Văn Thái đang tị nạn ở Thái Lan bị an ninh bắt cóc đưa về nước.

Báo cáo mới có tên People Power Under Attack 2023 của CIVICUS Monitor đánh giá điều kiện môi trường dân sự ở 198 quốc gia và vùng lãnh thổ, xem xét về khả năng người dân các nước này được thực hiện quyền tự do lập hội, tự do bày tỏ ý kiến ra sao.

Theo báo cáo, toàn cầu, khoảng hơn 30% dân số thế giới hiện đang sống ở các quốc gia có môi trường dân sự bị đóng. Đây là mức cao nhất kể từ khi tổ chức này tiến hành theo dõi môi trường này từ năm 2018 đến nay.

Chỉ có khoảng 2% dân số thế giới hiện sống tại các quốc gia có môi trường dân sự mở, tức tự do và được bảo vệ, theo báo cáo.

RFA, 06/12/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 6974 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)