Công an Thanh Hóa vừa bắt giam bà Nguyễn Thị Xuyến, cựu giáo viên cấp II từng tố cáo nhà trường sửa điểm, vì cho rằng bà dùng mạng xã hội để ‘xúc phạm’ cơ quan công quyền, và "tố cáo" cán bộ.
Bà Xuyến, một cựu giáo viên dạy văn, bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hậu Lộc đọc lệnh khám xét và bắt giam. Photo Nghe An TV.
Trang Công an Thanh Hóa hôm 13/12 cho biết bà Nguyễn Thị Xuyến, 49 tuổi, gần đây sử dụng mạng xã hội để đăng tải, chia sẻ các thông tin "sai sự thật, chưa được kiểm chứng xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhiều tổ chức, cá nhân gây hoang mang, ảnh hưởng xấu trong dư luận Nhân dân".
Bà Xuyến, một cựu giáo viên dạy văn, bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hậu Lộc khám xét nơi ở và thu giữ 3 điện thoại di động, 1 laptop, một bộ đồ nghề dùng để livestream và một số tài liệu khác, truyền thông địa phương cho biết.
Bà Xuyến từng làm đơn tố cáo một số cán bộ huyện Hậu Lộc, trong đó các nội dung tố cáo "có đúng, có sai" và những vấn đề "tố cáo đúng", các cơ quan chức năng đã "xử lý nghiêm" theo quy định, trang Tuổi Trẻ Thủ đô cho biết.
Nữ giáo viên này "ngày càng quá đà, không tập trung nhiệm vụ giảng dạy mà sa đà vào việc kiện tụng, tố cáo sai sự thật, không hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy" nên tháng 1/2023 đã bị Trường Trung học cơ sở Ngư Lộc chấm dứt hợp đồng.
Tuy nhiên, tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, dẫn lời bà Nguyễn Thị Xuyến khi ấy nói rằng bà bị nhà trường "đơn phương chấm dứt hợp đồng không thỏa đáng".
Nội dụng tố cáo việc ban giám hiệu trường này sửa điểm đánh giá học kỳ 2 năm học 2020 - 2021 của học sinh, sau đó phòng Giáo dục huyện điều tra và phát hiện có 45 người sửa điểm và 2.118 con điểm được sửa, xóa.
Bà Nguyễn Thị Xuyến, 49 tuổi, bị công an bắt đưa vào tại tạm giam ngày 13/12/2023
Chính quyền Việt Nam thường sử dụng điều luật ‘Lợi dụng quyền tự do dân chủ’, Điều 331 Bộ Luật Hình sự, để bắt bớ giới bất đồng chính kiến và những người chỉ trích quan chức nhà nước trên mạng xã hội.
Hôm 11/12, tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) chỉ trích Việt Nam vì đã kết án ông Lê Minh Thể, một nhà bình luận chính trị từng đăng tải các bài viết về ô nhiễm và tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, hai năm rưỡi tù theo Điều 331.
Cơ quan Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và các tổ chức nhân quyền nói rằng điều luật này, cùng với "Tuyên truyền chống nhà nước" là công cụ để Việt Nam bịt miệng các tiếng nói bất đồng, điều mà Hà Nội bác bỏ.
Nguồn : VOA, 14/12/2023