Thủ tướng Việt Nam – Phạm Minh Chính vừa phê duyệt quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đáng chú ý trong quy hoạch, địa phương này sẽ có thêm 2 sân bay.
Phối cảnh dự án sân bay Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Courtesy baria-vungtau.gov.vn
Theo Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được truyền thông nhà nước đăng tải hôm 17/12/2023, phương án phát triển kết cấu hạ tầng hàng không ngoài sân bay Côn Đảo, tỉnh này còn định hướng quy hoạch thêm 2 sân bay nữa là sân bay Gò Găng và sân bay Đất Đỏ.
Trong đó, sân bay Gò Găng thay thế sân bay Vũng Tàu hiện nay để chuyển sang mục đích phát triển thương mại dịch vụ. Còn sân bay Đất Đỏ được quy hoạch là sân bay cấp 4C, đảm bảo khai thác tàu bay A320, A321 và tương đương cùng các công trình hạ tầng kỹ thuật, diện tích đất dự kiến khoảng 244,3ha, cách trung tâm hành chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 22km.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Công nghệ Hàng không Việt Nam, khi trả lời RFA hôm 18/12/2023 cho biết, hai sân bay thường phải cách nhau ít nhất 400 – 500km. Ông giải thích :
"Tại vì tốc độ của máy bay nhỏ nhất đối với trực thăng là từ 350 đến 400km, còn máy bay như ATR72 khoảng 400km, máy bay này bây giờ rất ít. Từ sân bay này đến sân bay khác thời gian bay tối thiểu có lãi là thường trên dưới một tiếng đồng hồ. Còn hai sân bay gần nhau quá thì không thể bay được, trừ trường hợp máy bay nhỏ tầm thấp tốc độ chỉ khoảng 7 hay 8km/h. Nhưng máy bay của Việt Nam hiện nay tối thiểu là 400km giờ. Theo tôi sân bay có thiếu đâu, nhưng họ xây nó có nhiều mục đích, nhiều ý đồ mà mình không muốn nói".
Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý cho rằng, nếu để khai thác sân bay Vũng Tàu có lãi thì không nên xây, vì sắp sửa còn có sân bay Phan Thiết cách chỗ làm sân bay Vũng Tàu chỉ 80 - 90 cây số, sân bay Vũng Tàu hiện có là sân bay trực thăng chỉ cách 6–7km đường thẳng, rồi sân bay Long Thành… Theo ông Lý, cùng khoảng cách đó, nếu làm sân bay chuyên dụng của một cơ sở nào đấy thì được, nhưng nếu mang tính chất vận chuyển cả nước thì thật là không cần thiết. Ông Lý nói tiếp :
"Chẳng lẽ làm sân bay rồi đi vài bước là đến sân bay khác. Việt Nam hiện có khoảng 22 sân bay, trong đó có một sân bay tư nhân là sân bay Vân Đồn… Còn 21 sân bay thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam quản lý, khai thác… nhưng số sân bay có lãi chỉ trên đầu ngón tay, còn lại là lỗ hết. Nhiều sân bay hiện nay tỉnh phải bù lỗ, nhất là sau dịch và hiện nay kinh tế suy thoái các hãng hàng không phá sản. Ví dụ như sân bay Thanh Hóa không bay mấy, tỉnh cũng kêu gọi nhưng thật ra không có khách. Chưa nói sau này phát triển đường cao tốc, đường sắt cao tốc sẽ cạnh tranh lắm".
Theo ông Lý, nếu quy hoạch sân bay như vậy thì không biết phát triển kiểu gì ? Trừ khi là sân bay đặc biệt, sân bay nông nghiệp, sân bay thể thao, sân bay huấn luyện… thì có thể gần, chứ sân hành khách mà cách nhau gần quá cũng không có khách hàng.
Phối cảnh dự án xây dựng sân bay Sapa. Courtesy laocai.gov.vn
Việt Nam hiện nay đã có khá nhiều sân bay, nhiều cái chưa sử dụng hết. Sau năm 1975, những sân bay mà người Mỹ đã xây và để lại hiện nay vẫn chưa sử dụng hết. Do đó Tiến sĩ Lê Đăng Doanh khi trả lời RFA trước đây liên quan vấn đề này cho rằng, phải xem xét sân bay đó có thật sự cần thiết hay không, trong tình hình ngân sách vẫn đang eo hẹp và căng thẳng.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường từ năm 2002 đến năm 2007, hôm 18/12/2023 nói với RFA :
"Về quy hoạch sân bay thì ý kiến chung là chưa hợp lý, các địa phương đều muốn có sân bay. Khá nhiều trong đó trong đó chưa chứng tỏ được điều mà các nước quan tâm, là sân bay đó có trở thành điểm đầu mối của giao thông hàng không. Ví dụ trước đây đã có tranh luận tại Đà Nẵng có một sân bay quốc tế, rồi Huế cũng có một sân bay quốc tế, nhưng hai nơi chỉ cách nhau sắp sỉ 100 cây số và đường hầm đèo Hải
Theo ông Võ, quá trình quy hoạch địa phương nào cũng muốn mình có không phải chỉ 1 sân bay mà 2 sân bay, thậm chí 3 cái… để thấy rằng tỉnh mình phát triển mạnh hơn. Ông Võ cho rằng, việc quy hoạch ở Việt Nam còn khá nhiều bức xúc, chưa hợp lý, khi quy hoạch cấp tỉnh thì chỉ nhìn vào tỉnh đó, chưa nhìn vào khu vực xem có hợp lý hay không ? Chưa nhìn vào cả nước, chưa nhìn vào các đường bay quốc tế… Ông Võ nói tiếp :
"Tất cả những cái đó tôi cho rằng quy hoạch càng ngày càng rắc rối. Góc nhìn quy hoạch nhiều khi chưa đầy đặn, nhiều khi chưa toàn diện. Nhiều ý kiến cho rằng đất nước tiềm lực tài chính vẫn chưa cao, nhưng lại tạo ra những cái ví dụ như sân bay, sân gôn… là những cái cực kỳ tốn đất, tốn tiền…".
Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, chính vì vậy mà rất nhiều ý kiến đồng thuận rằng những quy hoạch như thế tốn kém, nhưng hiệu uả chưa chắc đã cao.
Thực tế cho thấy ở Việt Nam có một xu hướng là tỉnh nào cũng muốn có sân bay, địa phương nào có biển thì cũng muốn xây cảng. Tuy nhiên, luật đầu tư công có nêu rõ, nếu nguồn lực có hạn, thì vấn đề kêu gọi vốn xã hội hóa để đầu tư phải xem xét có hiệu quả và có cần thiết không ?
Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng tư duy của tất cả các tỉnh ở Việt Nam đều muốn có sân bay quốc tế và cảng nước sâu, là một biểu hiện không hay. Bởi vì hạ tầng kết nối đầu tư phải trong phạm vi hợp lý, nhưng vẫn tạo ra kết nối trong phạm vi cả nước. Ông cho rằng phải xem xét thật kỹ trên nguyên tắc địa kinh tế để đưa ra quyết định cuối cùng.
Nguồn : RFA, 18/12/2023