Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

20/12/2023

Từ "Cán bộ là đầy tớ nhân dân" đến "Lãnh đạo như cha, như mẹ" !

RFA tiếng Việt

"Lãnh đạo như cha như mẹ, anh em dựa vào mà yếu thì cũng ngã luôn. Trách nhiệm người đứng đầu nêu gương, động viên, bảo vệ, kích thích anh em làm thì sẽ rất tốt". Đó là phát biểu mới đây của ông Lê Phú Nguyện - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Đà Nẵng tại một phiên thảo luận của Hội đồng Nhân dân thành phố.

canbo00

"Lãnh đạo như cha như mẹ, anh em dựa vào mà yếu thì cũng ngã luôn. Trách nhiệm người đứng đầu nêu gương, động viên, bảo vệ, kích thích anh em làm thì sẽ rất tốt", ông Lê Phú Nguyện - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Đà Nẵng - cho hay. 

Người dân nghĩ gì về phát biểu như thế ?

Anh Nguyễn Viết Dũng, một nhà hoạt động, nêu suy nghĩ của mình :

"Nó đi ngược lại với những gì họ lòe bịp từ trước đến nay khi họ vẫn nói cán bộ là đầy tớ của nhân dân. Bây giờ họ nói lãnh đạo như cha như mẹ thì khác nào họ quay trở lại thời phong kiến, thời quan phụ mẫu. Đây là một bước lùi của lịch sử. Dưới sự lãnh đạo độc tài của Đảng cộng sản Việt Nam, tôi nghĩ rằng ngày càng có những phát ngôn và việc làm lố bịch đến từ các quan chức. Tôi nghĩ rằng mình không nên chỉ dừng ở việc phân tích câu nói của một quan chức nào đó mà phải làm sao để người Việt ngày càng tiệm cận với văn minh nhân loại".

Anh Trần Anh Quân, một người dân Sài Gòn thì cho rằng câu nói của ông Nguyện được thốt ra từ chính suy nghĩ của ông nói riêng và của cán bộ lãnh đạo nói chung lâu nay :

"Câu nói cán bộ là đầy tớ của dân chỉ là câu nói lừa bịp. Họ cho dân nghĩ rằng, cán bộ ăn tiền thuế của dân thì sẽ phục vụ người dân. Nhưng trong tâm thế của đảng viên, cán bộ thì họ nghĩ họ là cha, là mẹ của dân ; là cha là mẹ của cán bộ cấp dưới nữa nên họ mới thốt ra như vậy. Họ thốt ra suy nghĩ của chính họ".

Cô Trần Thị Tuyết ở Long An nhận xét :

"Mấy phát biểu nhảm nhí của cán bộ thì tôi nghe quen rồi. Nhưng với câu nói này thì tôi thấy dây đúng là cư xử của quan với dân trong thực tế. Họ nói cán bộ là đầy tớ của dân nhưng thực tế dân mới là đầy tớ của họ. Theo tôi, khi nói lãnh đạo như cha mẹ của dân thì nuôi dân đi, đừng bắt dân đóng thuế nữa".

"Cán bộ là đầy tớ của nhân dân" là câu nói của ông Hồ Chí Minh khi về thăm khu mỏ Hồng Quảng ngày 4 tháng 5 năm 1967. Ông nói : "Cán bộ Đảng, cán bộ chính quyền không phải làm quan cách mạng, ăn trên ngồi trốc. Cán bộ Đảng cũng như cán bộ chính quyền, ngay cả bác là cán bộ cao nhất đều là đầy tớ của nhân dân, phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phải cần, kiệm, liêm, chính…".

Tuy gọi là đầy tớ của nhân dân nhưng một số hình ảnh xa hoa của quan chức lại đi ngược lại với nội dung câu nói này. Nhiều năm trước, hình ảnh trên internet về tư gia hoành tráng của cựu Tổng bí thư Lê Khả Phiêu khiến gây phẫn nộ trong dân chúng ; thông tin bà cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có đến gần 300 bộ áo dài do nhà thiết kế Võ Việt Chung may riêng cho bà ; Bộ trưởng công an Tô Lâm, người phát ngôn Bộ Công an Tô Ân Xô ăn bò dát vàng tại một nhà hàng sang trọng...

Một nhà quan sát ở Hà Nội, yêu cầu ẩn danh nói với RFA rằng, hiện nay trong vấn đề quản lý nhà nước, rất nhiều quan chức khi phát biểu trước công chúng hết sức là ngây ngô buồn cười và hình như là họ không có được những kiến thức cơ bản của luật pháp, của ngành mà họ đang quản lý. Ông nói thêm về những phát biểu bị cho là ngây ngô của quan chức Việt Nam :

"Tôi thấy rằng đây là một hiện tượng phổ biến hiện nay, dù quan chức nào cũng hai ba bằng, thậm chí là bốn bằng cấp, hơn hẳn những người bình thường. Nhưng bằng cấp không nói gì lên trình độ của các quan chức hiện nay. Tất nhiên không phải tất cả các quan chức đều như vậy, nhưng khi xem báo, TV nghe phát biểu của quan chức thì thấy rằng thà ông ta không nói thì chúng ta con nghĩ ổng thông minh, có trình độ, còn khi ông ta mở miệng ra rồi... thì chỉ có nước lắc đầu ngao ngán".

Những phát biểu của quan chức như vậy thể hiện sự khinh dân, coi dân như cỏ rác. Họ cho rằng người dân chắc không hiểu gì hết và quan chức phụ mẫu có trách nhiệm phải dạy dân, phải làm cho dân biết rõ những điều mà họ cứ tưởng rằng dân không biết".

Ông dẫn một phát biểu mà ông gọi là "không thể đưa khu rừng ra khỏi đầu con khỉ" của cựu Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường khi dân phản ánh đường Trần Văn Giàu (quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh) xuống cấp quá nhanh. Ông nói, do tuyến đường này không có xe đi, đường không lưu thông, nhựa không nổi lên dẫn đến hỏng đường.

Ngoài các phát biểu bị cho là ngớ ngẩn, bi hài của các quan chức, một số đại biểu quốc hội cũng có những phát biểu tương tự. Chẳng hạn như vào tháng 11 năm 2019, dư luận trên mạng xã hội bày tỏ sự ngán ngẩm khi Đại biểu quốc hội Nguyễn Ngọc Phương đề xuất quy định ‘không để xe ở hầm chung cư vì… sợ cháy.’ Bà Phương lý giải, mỗi xe có thùng xăng nên đậu xe dưới tầng hầm chung cư sẽ biến nơi đây thành những kho xăng.

Hay trước đó, vào tháng 6/2019, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hưng đưa ra một đề nghị gây phản ứng khi đề xuất ‘thu phí chia tay từ 3USD đến 5USD mỗi người, đối với mỗi công dân khi xuất cảnh.

Cũng trong năm 2019, dư luận lại cười khi đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Hồng Xuân đề nghị mỗi gia đình ở Thành phố Hồ Chí Minh nên sắm một cái lu chứa nước để giải quyết vấn nạn ngập lụt đang càng ngày càng trầm trọng. Lên tiếng trên báo chí, bà Xuân cho rằng giải pháp "dùng lu chống ngập" mình đưa ra không sai, nhưng cách nói dân dã đã làm một số người hiểu sai và chế giễu bà.

Một số nhà quan sát và chuyên gia tâm lý cho rằng, những phát ngôn bi hài ngày càng nhiều chứng tỏ chức vụ không đi theo trình độ quản lý, trình độ quản lý một nơi chức vụ một nẻo nên khi phát biểu chỉ làm trò cười cho người dân.

Nguồn : RFA, 20/12/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 190 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)