Học viên Pháp Luân Công vẫn bị sách nhiễu (RFA, 05/07/2017)
Một số học viên Pháp luân công tại Nha Trang vừa bị lực lượng chức năng tại Nha Trang dùng biện pháp mạnh ngăn cản việc tập luyện của họ.
Một buổi tập luyện của học viên Pháp Luân Công ở trung tâm thành phố Hà Nội hôm 10/6/2017. AFP photo
Công an đánh đập
Vào lúc 5 giờ sáng Chủ Nhật vừa qua, khoảng 40 học viên Pháp Luân Công cùng tập luyện tọa thiền tại khu vực tháp Trầm Hương, bên bờ biển thành phố Nha Trang, một nhóm công an xuất hiện yêu cầu giải tán và mời về phường làm việc.
Một đoạn video lan truyền trên các trang mạng xã hội ghi lại hình ảnh những học viên Pháp Luân Công lên tiếng từ chối lời mời của công an trong lúc họ đang tập luyện. Sau đó, 16 học viên Pháp Luân Công bị những người mặc sắc phục lẫn thường phục dùng vũ lực bắt lên xe và đưa về đồn công an phường Lộc Thọ.
Một học viên Pháp Luân Công tại Nha Trang có mặt hôm sáng Chủ Nhật, cho RFA biết nhóm người bị bắt giữ gồm 9 nam và 7 nữ, trong đó có một người đang mang thai. Học viên này kể lại được nghe những gì đã xảy ra tại đồn công an phường Lộc Thọ :
"Mọi người tường thuật lại thì khi bị bắt vào đồn bị chia thành 4 nhóm, mỗi nhóm có 4 học viên. Sau đó có người đến hỏi họ và tên, yêu cầu họ cung cấp thông tin, nhưng các học viên nghĩ đã không làm gì sai nên mọi người không đồng ý. Do đó, có người bị đánh bằng dùi cui điện, có người bị xịt hơi cay và bị tạt nước, có người bị đánh bằng giày và vết giày hằn trên mặt. Nói chung là bị đánh rất dã man".
Theo thông tin Đài Á Châu Tự Do ghi nhận được, nhóm 16 học viên Pháp Luân Công bị giữ cho đến tầm 3 giờ chiều cùng ngày. Công an phường Lộc Thọ thu giữ sách và điện thoại của họ ; đồng thời yêu cầu họ ký vào văn bản để xin lấy lại điện thoại cá nhân. Tuy nhiên, những học viên Pháp Luân Công này đã không ký vào biên bản để nhận lại tài sản đã bị tịch thu của mình.
Những học viên Pháp Luân Công tại Nha Trang còn cho biết trong thời gian qua gặp nhiều trở ngại từ phía chính quyền. Thân nhân trong gia đình của các học viên được chính quyền thông báo những thông tin sai lệch về Pháp Luân Công cũng như tuyên truyền người thân tham gia vào các việc làm không đúng. Bên cạnh đó, chính quyền cũng gây áp lực đối với các cơ sở trường học, nơi học viên Pháp Luân Công theo học, bằng hình thức họ bị cho thôi học hoặc bị đánh trượt trong các kỳ thi.
Pháp Luân Công vẫn bị sách nhiễu
Không chỉ học viên Pháp Luân Công ở Nha Trang bị sách nhiễu và bị công an địa phương đánh đập, một học viên Pháp Luân Công ở Sài Gòn nói với RFA nhà cầm quyền Việt Nam vẫn tiếp tục quấy nhiễu, cản trở khắp các tỉnh, thành bằng nhiều hình thức ngày càng tinh vi hơn :
"Ở Sài Gòn, ví dụ như hiện nay tại quận 9 khi tôi đang luyện công thì công an đến xô đẩy và dội nước. Vừa rồi cách nay 2-3 tuần ở quận Bình Tân cũng giống như vậy. Phần lớn là mặc thường phục, đóng vai côn đồ. Ở Nghệ An, cách nay vài tuần học viên cũng bị đưa về đồn công an đánh kinh lắm".
Từ Hà Nội, một học viên Pháp Luân Công lên tiếng về sự bức xúc không được tự do tập luyện bộ môn mình yêu thích :
"Nếu nhà nước này cấm thì phải có thông báo bằng văn bản rõ ràng, thông báo cho anh em cấm hẳn hoi. Không có thông báo gì cả, nhưng dùng ọi hình thức để đuổi mọi người. Công viên thì ai muốn tập thì tập. Hàng ngày hàng vạn người ra đấy tập, chứ có phải một đám chúng tôi đâu, đủ các loại tập ở đấy mà".
Việt Nam không có bất kỳ luật định nào cấm thực tập Pháp Luân Công và những học viên Pháp Luân Công mà chúng tôi tiếp xúc đều khẳng định chính quyền cố gắng bao nhiêu chăng nữa để ngăn cản thì vẫn không thể lung lạc được họ. Điểm tích cực họ nêu ra là chính những hành xử của chính quyền đối với học viên Pháp Luân Công sẽ khiến cho người dân để ý hơn và càng ngày có thêm nhiều người tham gia.
Pháp Luân Công là một môn tập luyện khí công có xuất xứ từ Trung Quốc, được sáng lập vào năm 1992. Bộ môn Pháp Luân Công được phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, chỉ một ít người tập luyện Pháp Luân Công hồi năm 2000 và số lượng người tham gia tăng hơn 1.500 học viên vào năm 2011 do ích lợi mang lại sức khỏe tốt của môn tập luyện khí công này.
Hòa Ái, phóng viên RFA
*****************
Việt Nam phải giữ trần nợ công ở mức 5,1 triệu tỷ đồng (RFA, 05/07/2017)
Mức trần nợ công của Việt Nam sẽ được giữ ở mức 5 triệu 100 ngàn tỉ đồng.
Các dự án giao thông cần nhiều đầu tư công. Ảnh một đoạn đường tại Hà Nội, 7/2017 AFP
Đó là công bố của Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Đinh Tiến Dũng tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ Tài chính diễn ra ở Hà Nội vào ngày 5 tháng 7.
Tuy nhiên ông Dũng có nói thêm rằng trần nợ công này vẫn có thể bị vượt qua nếu như mức độ tăng trưởng tổng sản lượng quốc gia không tăng cao.
Cũng trong hội nghị này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng đưa ra quan ngại về chuyện số vốn ngân sách trong nhiều dự án đầu tư bị giải ngân chậm. Việc này làm cho một số tiền lớn đáng lẽ được ghi vào số nợ công của năm ngoái nhưng lại được cấp phát trong năm nay, thành ra có thể đưa số nợ công của năm tăng lên.
Ông Vương Đình Huệ cho biết là đã sáu tháng trôi qua mà số vốn nhà nước dự định chi tiêu mới chỉ được giải ngân có 25%.
Ngoài ra các viên chức còn cho rằng việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước vẫn diễn ra một cách chậm chạp.