Mỹ tiếp tục liệt Việt Nam vào danh sách Theo dõi Đặc biệt về tự do tôn giáo
Ngoại trưởng Mỹ hôm 4/1 tuyên bố tiếp tục liệt Việt Nam vào danh sách Theo dõi Đặc biệt (SWL) do các vi phạm "nghiêm trọng" về tự do tôn giáo, dù chính quyền Việt Nam trong hai năm qua cố gắng vận động để thoát khỏi danh sách này.
Tuyên bố trên của Ngoại trưởng Anthony Blinken có thể khiến Việt Nam tiến gần hơn đến một danh sách đen khác nghiêm trọng hơn là Quốc gia Quan tâm Đặc biệt (CPC), dù hai nước vừa thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng 9. Ngoài ra, tuyên bố này cũng đánh dấu sự thất bại của Hà Nội trong việc vận động ngoại giao tại Washington.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và Ban Tôn giáo Chính phủ, đề nghị họ cho ý kiến về tuyên bố trên của Ngoại trưởng Hoa Kỳ, nhưng chưa được phản hồi.
Hồi tháng 10/2023, đích thân Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng, người phụ trách Ban Tôn giáo Chính phủ, đã dẫn đầu phái đoàn sang Hoa Kỳ làm việc 9 ngày, trong đó có gặp gỡ quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nhằm vận động để bộ này đưa Việt Nam ra khỏi "danh sách theo dõi đặc biệt – SWL", theo Cổng thông tin Bộ Nội vụ.
Khi trao đổi với Đại sứ Hòa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper hồi đầu tháng 12/2023, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng cho biết ông đã "đề nghị" Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sớm đưa Việt Nam ra khỏi "Danh sách theo dõi đặc biệt" về tự do tôn giáo và nói rằng ông có chuyến đi "thành công" đến Mỹ.
Chuyến đi vận động của ông Thắng diễn ra sau khi Hoa Kỳ và Việt Nam nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng 9/2023, khi ấy hai bên ra tuyên bố chung, "khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, phù hợp với hiến pháp của mỗi nước và các cam kết quốc tế".
Khi bị Washington đưa vào danh sách SWL vào tháng 12/2022, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng việc Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách này là "thiếu khách quan", nói thêm rằng "chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền con người cũng như quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân".
Ngay hôm 4/1, Ủy hội Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF), cơ quan do Quốc hội Hoa Kỳ thành lập năm 1998 có nhiệm vụ tham vấn độc lập cho cả Hành pháp lẫn Lập pháp, bày tỏ thất vọng vì Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ vẫn đưa Việt Nam vào danh sách Theo dõi Đặc biệt - SWL, mà không đưa Việt Nam vào Danh sách Quốc gia Quan tâm Đặc biệt - CPC.
Chủ tịch USCIRF Abraham Cooper và Phó Chủ tịch Frederick Davie cho biết trong một thông cáo : "Mặc dù Việt Nam bị đưa vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt, nhưng USCIRF tin chắc rằng Việt Nam nên bị chỉ định là CPC dựa trên báo cáo của chính Bộ Ngoại giao về các hành vi vi phạm quyền tự do tôn giáo của chính phủ".
"USCIRF chính thức yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra lời giải trình chi tiết về lý do tại sao các khuyến nghị chính sách của chúng tôi không được thực hiện đầy đủ".
Danh sách SWL dành cho các quốc gia mà chính phủ tham gia hoặc dung túng cho các hành vi vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng nhưng chưa đến ngưỡng CPC, theo Đạo Luật Tự do Tôn giáo Quốc tế Frank Wolf, được Quốc hội thông qua và Tổng Thống ký ban hành ngày 16/12/2016. Còn danh sách CPC dành cho các quốc gia có vi phạm "có hệ thống, liên tục và nghiêm trọng".
Trong Báo cáo thường niên năm 2023, USCIRF đề nghị Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách Quốc gia Cần quan tâm Đặc biệt (CPC) theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRFA). Trong suốt hơn 15 năm qua, USCIRF liên tục đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC. Hoa Kỳ đưa Việt Nam khỏi danh sách CPC vào năm 2007.
Nguồn : VOA, 05/01/2024
************************
Hội đồng Liên Tôn phản đối chính quyền An Giang cấm kỷ niệm lễ Đản sanh Huỳnh Giáo chủ
RFA, 05/01/2024
Hội đồng Liên Tôn Việt Nam hôm 05/1 ra kháng thư phản đối nhà chức trách tỉnh An Giang ngăn cấm các tín đồ Phật giáo Hòa hảo Thuần túy tổ chức kỷ niệm 104 năm lễ Đản sanh Đức Huỳnh Giáo chủ.
Lê Quang Hiển
Bức thư được Hội đồng Liên Tôn Việt Nam đưa ra sau khi chính quyền xã Long Giang và huyện Chợ Mới liên tục hăm doạ, răn đe và phong toả khu vực gần trụ sở tạm thời của Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa hảo Thuần túy, không cho các tín đồ dựng lễ đài và tổ chức lễ kỷ niệm trong ngày 06/1/2024 (nhằm ngày 25/11 âm lịch).
Kháng thư nói rằng việc cấm đoán trên "là một hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo một cách thô bạo và có hệ thống của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, vi phạm quyền đi lại của công dân và có thể đây là sự khởi đầu cho một chiến dịch triệt tiêu những tôn giáo độc lập, chơn truyền tại Việt Nam".
Chánh trị sự Hứa Phi của đạo Cao Đài chơn truyền, đồng chủ tịch Hội đồng Liên tôn Việt Nam, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) về kháng thư gửi cho Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp quốc, Ủy hội Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, và các quốc gia dân chủ trên thế giới.
"Hội đồng Liên Tôn Việt Nam chúng tôi thấy rằng việc tôn giáo tổ chức ngày của Giáo Chủ là quyền thiêng liêng mà nhà cầm quyền cấm. Không riêng gì Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy mà những tôn giáo độc lập có những ngày lễ và người ta (chính quyền địa phương- PV) cũng có sự ngăn cấm.
Hội đồng Liên Tôn Việt Nam chúng tôi mới đưa ra một cái kháng thư để phản đối nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trước tiên là bách hại Phật giáo Hòa Hảo và những tôn giáo bản địa và tất cả các tôn giáo chơn truyền không theo quốc doanh của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam".
Hội đồng Liên tôn Việt Nam là một tổ chức tranh đấu cho tự do tôn giáo và dân chủ nhân quyền, gồm các lãnh đạo của nhiều tôn giáo khác nhau ở trong nước như Công giáo, Tin Lành, Cao Đài chơn truyền, Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Phật giáo Hoà Hảo Thuần tuý... Tổ chức này không được Nhà nước công nhận.
Trong kháng thư, Hội đồng Liên tôn Việt Nam đề nghị Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc có các biện pháp chế tài Nhà nước Việt Nam về những vi phạm nghiêm trọng mang tính hệ thống về nhân quyền và tự do tôn giáo.
Tổ chức này thúc giục Chính phủ Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào Danh sách các quốc gia cần quan tâm về tự do tôn giáo (CPC), và áp dụng Đạo luật Magnisky để trừng phạt các quan chức vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo.
Hội đồng Liên Tôn Việt Nam cũng hối thúc các quốc gia dân chủ trên thế giới sử dụng các đòn bẩy kinh tế, xã hội và quân sự để buộc Việt Nam phải cải thiện hồ sơ nhân quyền.
"Những tổ chức tôn giáo nếu bị vi phạm thì chúng ta cứ việc nêu lên thứ nhất để các nước tự do được biết, thứ hai Liên Hiệp quốc được biết. Chúng tôi cũng hy vọng rằng vì nhân bản tự do của nhân loại, các nước tự do trên thế giới cũng phải lên tiếng và can thiệp", ông Hứa Phi bày tỏ.
Triệt để ngăn cấm tập trung làm lễ
Như tin đã đưa, từ ba tuần trước, chính quyền xã Long Giang và huyện Chợ Mới đến trụ sở tạm thời của Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa hảo Thuần túy ở nhà bà tám Hiền tại ấp Long Hoà, xã Long Giang, huyện Chợ Mới để sách nhiễu, không cho bà và các đồng đạo sửa khu vực kỳ đài.
Ngày 23/12, chính quyền địa phương thông báo miệng về việc không cho tổ chức Đại Lễ Đản Sanh của Đức Huỳnh Giáo chủ, không cho treo cờ, băng rôn, dựng lễ đài tại địa điểm này và cấm người địa phương khác đến.
Trong sáng ngày 05/01, ông Lê Quang Hiển, Phó Hội trưởng Thường trực của Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa hảo Thuần túy, cập nhật thông tin hai ngày nay cho RFA.
"Tại địa điểm hành lễ của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo thì nó (chính quyền địa phương- PV) cấm đoán. Hiện nay nó đóng chốt cấm đường luôn cấm tất cả xe cộ qua lại ngang qua trụ sở đó. Cách đó khoảng 1 km, nhà của ông Hà Văn Duy Hồ, Hội trưởng Phật giáo Hoà Hảo tỉnh An Giang, bị khoảng 30 người canh hai đầu và không thể ra khỏi nhà được".
Ông Hiển cho biết thêm, các tín đồ Hoà Hảo Thuần tuý ở các tỉnh thành khác được làm lễ tại nhà và treo băng rôn của Giáo hội một cách bình thường.
Phóng viên gọi điện thoại vào số di động của Trưởng Công an huyện Chợ Mới nhưng người này không nghe máy. Phóng viên cũng gọi điện cho Công an xã Long Khánh để xác minh thông tin ông Hiển cung cấp nhưng người trực điện thoại yêu cầu phóng viên đến cơ quan này để được cung cấp thông tin.
Trước đó, vào ngày 04/1, Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa hảo Thuần túy đưa ra một kháng thư khác gửi đích danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Công an và Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ phản ánh các hành động của Công an huyện Chợ Mới đối với Phật giáo Hòa hảo Thuần túy, mà tổ chức này cho là vi phạm Điều 24 của Hiến pháp Việt Nam và Điều 18 của Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam là quốc gia thành viên.
Kháng thư nói kể từ khi phục hoạt năm 2000, Phật giáo Hòa hảo Thuần túy luôn luôn gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt tôn giáo vì cơ quan chức năng địa phương luôn gây trở ngại trong việc đi lại của các trị sự viên và hội họp của giáo hội. Chính quyền địa phương không cho phép giáo hội cử hành nghi lễ tập trung đông người hay tổ chức các ngày lễ lớn của đạo cho dù việc tổ chức các ngày lễ này luôn bảo đảm an ninh trật tự.
Khẳng định Giáo hội Phật giáo Hòa hảo Thuần túy là một tổ chức tôn giáo được kế thừa từ truyền thống của Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo do Đức Huỳnh Giáo chủ thành lập năm 1945, kháng thư nói nếu các quan chức nêu trên im lặng về hành động xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng và tự do tôn giáo của chính quyền địa phương tỉnh An Giang hoặc ủng hộ hành động trên là "góp phần vi phạm quyền tự do tôn giáo và tạo hình ảnh xấu cho Chính phủ Việt Nam trên phương diện ngoại giao".
Giáo hội Phật giáo Hòa hảo Thuần túy thúc giục Việt Nam có những chính sách thông thoáng hơn cho phù hợp với Hiến pháp và những quy định của Liên Hiệp quốc về quyền tự do tôn giáo.
Nguồn : RFA, 05/01/2024