Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

20/01/2024

Thủ tướng ra tay, Luật đất đai, nhà báo vào tù

RFA tổng hợp

Thủ tướng kỷ luật Chủ tịch và phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam

RFA, 19/01/2024

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh, và Phó Chủ tịch Nguyễn Hồng Quang bị Thủ tướng Chính phủ kỷ luật.

vn0

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh - VNN

Ngoài hai ông này, một số lãnh đạo và nguyên lãnh đạo khác của tỉnh Quảng Nam cũng thuộc số bị Thủ tướng kỷ luật.

Truyền thông Nhà nước ngày 19/1 dẫn quyết định do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký thay Thủ tướng Phạm Minh Chính về biện pháp kỷ luật đối với nhóm lãnh đạo và nguyên lãnh đạo tỉnh Quảng Nam do những vi phạm, khuyết điểm trong công tác.

Hình thức kỷ luật được cho biết : ông Lê Trí Thanh bị khiển trách ; ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh ; hai nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn và Đinh Văn Thu bị cảnh cáo.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Trần Đình Tùng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. Các quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/1.

Vào tháng 11/2023, Ủy Ban Kiểm tra Trung ương đảng cộng sản Việt Nam họp kỳ thứ 33 và ra kết luận rằng ban cán sự đảng UBND tỉnh Quảng Nam đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, để UBND tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật của Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tiếp nhận công dân về nước phòng, chống dịch ; quản lý, sử dụng đất đối với một số dự án đầu tư và thực hiện các dự án, gói thầu do Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (AIC) thực hiện ; nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý hình sự.

Qua đó, xét mức độ, hậu quả, và căn cứ quy định của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật ông Phan Việt Cường -bí thư tỉnh uỷ, chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh.

Ngoài ra Ủy ban Kiểm tra cũng quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách với Ban cán sự đảng UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 và ông Lê Trí Thanh -Chủ tịch UBND tỉnh cùng nhiều lãnh đạo, cán bộ chủ chốt khác.

Khai trừ ra khỏi Đảng với ông Lê Ngọc Tường, Nguyễn Văn Văn ; Cách chức ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Sở Tài chính các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 đối với ông Thân Đức Sửu và ông Nguyễn Văn Thọ - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Sở Tài nguyên và Môi trường các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025.

Cùng với đó, Ủy ban Kiểm tra cũng quyết định kỷ luật cảnh cáo ban cán sự đảng UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 ; Đảng ủy Sở Tài chính nhiệm kỳ 2015-2020 ; Đảng ủy Sở Kế hoạch và Đầu tư nhiệm kỳ 2015-2020 ; Đảng ủy Sở Xây dựng các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 ; Đảng ủy Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 cùng một số cán bộ.

Nguồn : RFA, 19/01/2024

**************************

Quốc hội chính thức thông qua Luật Đất đai nhưng "cần phải có những thay đổi hơn nữa !"

RFA, 18/01/2024

Luật Đất đai sửa đổi có một số điểm tiến bộ, tuy nhiên theo chuyên gia sẽ cần phải có những thay đổi lớn hơn để thu hút môi trường đầu tư, giảm khiếu kiện đất đai

vn2

Quốc hội Việt Nam họp phiên bất thường ở Hà Nội hôm 15/1/2024 - AFP

Quốc hội sáng 18/1 thông qua Luật Đất đai sửa đổi với gần 90% số Đại biểu Quốc hội tán thành tại kỳ họp bất thường thứ 5 theo quy trình đặc biệt, mà theo Bộ Tài nguyên-Môi trường, với một hệ thống pháp luật đất đai được hoàn thiện sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, khi luật này thông qua và có hiệu lực từ năm 2025 "chắc chắn sẽ có nhiều tác động tích cực đến thị trường đầu tư", tuy nhiên ông vẫn có những băn khoăn nhất định. Ông nói với RFA qua điện thoại hôm 18/1 như sau :

"Tất nhiên luật này cũng đạt được một số quy định mang tính tháo gỡ những khó khăn trước đây gặp phải khi mà thi hành luật đất đai năm 2013, thế nhưng cá nhân tôi hy vọng luật này sẽ có tính động lực lớn để phát triển kinh tế, để sao cho như là mục đích của Việt Nam đã xác định là 'năm 2045 Việt Nam sẽ trở thành một nước công nghiệp phát triển có thu nhập cao".

"Tôi vẫn băn khoăn và nghĩ rằng chắc cũng phải có những thay đổi hơn nữa, bởi vì để đẩy mạnh môi trường đầu tư thì chắc chắn vấn đề đất đai là một vấn đề rất quan trọng. Chúng ta phải có cơ chế hiệu quả vì hiện nay cơ chế vẫn là cơ chế nhà nước quyết định tất cả thì thị trường sẽ bị thu hẹp lại và như vậy cái hiệu quả do thị trường mang lại sẽ kém". - Ông Đặng Hùng Võ nói tiếp.

Mạng báo Pháp luật online cho biết, một trong những điểm mới trong luật này chính là đã quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Cụ thể, đó phải là các dự án : xây dựng công trình công cộng ; xây dựng trụ sở cơ quan Nhà nước, công trình sự nghiệp và các trường hợp khác, bao gồm nhiều nhóm tiêu chí như nhà ở, khu sản xuất, phát triển quỹ đất, khoáng sản, công trình ngầm và các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để đấu giá, đấu thầu nhằm tăng thu ngân sách...

Bên cạnh đó, luật cũng đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng với nhiều điểm mới, bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.

Ông Cao Hà Trực, một người dân khiếu kiện đất đai ở Vườn rau Lộc Hưng (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, ông không nắm rõ toàn bộ luật này, tuy nhiên ông nhận thấy chính quyền có thay đổi về cách thức thu hồi đất của dân theo hướng thận trọng hơn. Ông Trực nói qua điện thoại :

"Theo tôi nghĩ luật này họ sẽ phải điều chỉnh làm sao cho cẩn thận hơn và quy hoạch theo đúng trình tự của pháp luật.

Trước đây họ cứ làm quy trình ngược tức là họ cứ lấy đất đi đã rồi sau đó ai có khiếu kiện (thì tính sau-PV)... Tức là họ lấy cái quyền thu hồi rồi giao cho các công ty đầu tư hoặc là Nhà nước mà họ gọi là công trình công cộng hay là công trình công ích. Họ ép người dân rồi bắt người dân phải thí đất, giao đất vô lý, trái với pháp luật".

Ông Cao Thăng Ca, một người dân khiếu nai đất đai ở Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng ông và nhiều người khác hoàn toàn không quan tâm đến việc thông qua Luật Đất đai sửa đổi bởi vì "những người soạn luật đều là những cán bộ của nhà nước và là những người quản lý đất đai".

Ông khẳng định với RFA trong chiều 18/1 : "Họ soạn luật chỉ nhằm có lợi cho chính quyền, cho những người quản lý đất đai thôi, quyền lợi của người dân kể như không được lưu tâm tới cho nên tôi không có quan tâm.

Luật nào thì luật nhưng mà họ có thực hiện đâu, ví dụ như họ ra cái luật hồi năm 2003 chẳng hạn, người ta cũng chả thực hiện mà đền bù cũng chả thực hiện, mà lại thực hiện theo cái luật năm 1993 sửa đổi và bổ sung".

Luật mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, trừ một số quy định cụ thể được cho là đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18 năm 2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản khóa 13, phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật.

Theo một bài viết trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội, do phạm vi quy định về việc Nhà nước thu hồi đất khá rộng trong luật cũ khiến 70% các vụ khiếu nại, khiếu kiện kéo dài liên quan đến đất đai.

Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, việc khiếu kiện lớn có nguyên do là đất đai của dân bị Nhà nước thu hồi để giao cho các dự án vì mục tiêu lợi nhuận, nhưng trong luật sửa đổi vẫn còn những hình thức như vậy nên "chắc chắn khiếu kiện của người dân vẫn còn tiếp tục". Tuy nhiên ông nói :

"Vấn đề để xem là vấn đề giải phóng mặt bằng nó hợp lý hơn thì có thể số lượng khiếu kiện sẽ giảm nhưng về nguyên tắc tạo ra khiếu kiện thì tôi cho rằng vẫn không có gì thay đổi".

Ông Cao Hà Trực vẫn hy vọng điều tốt đẹp hơn trong việc thông qua Luật Đất đai sửa đổi năm 2024, tuy nhiên, theo ông việc thực thi pháp luật phải cần nghiêm minh hơn, cấp dưới làm sai cấp trên phải xử lý để tránh xảy ra tình trạng khiếu nại và tố cáo vượt cấp như hàng chục năm qua.

"Từ khi thị trường bất động sản sôi động khiến lòng tham của các quan chức và của các nhà đầu tư (nổi lên-PV) cho nên họ sẵn sàng đẩy những người có đất ra ngoài lề xã hội và mới xảy ra tình trạng ngày hôm nay tham nhũng hết cả một đất nước, người nghèo người bị bỏ rơi đi kêu gào khắp mọi nơi", ông Trực khẳng định.

Nguồn : RFA, 18/01/2024

************************

Ủy ban Bảo vệ Nhà báo : Việt Nam nằm trong top năm quốc gia bỏ tù nhiều nhà báo nhất thế giới

RFA, 18/01/2024

Việt Nam nằm trong số năm quốc gia bỏ tù nhiều nhà báo nhất thế giới trong năm qua với tổng số 19 nhà báo đang bị cầm tù, chỉ đứng sau các nước Trung Quốc, Myanmar, Belarus và Nga.

vn3

Nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy - người đang bị án tù với cáo buộc xúc phạm Quốc kỳ - Facebook Huỳnh Thục Vy

Uỷ ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) hôm 18/1 công bố báo cáo năm về số lượng nhà báo đang bị cầm tù trên toàn thế giới và cảnh báo con số này đang ở mức kỷ lục với 320 nhà báo trên toàn thế giới được ghi nhận đang phải ở sau xong sắt tính đến ngày 1/12/2023.

Hơn một nửa số nhà báo này đang phải đối mặt với các cáo buộc đưa tin sai sự thật, chống nhà nước và khủng bố.

Theo báo cáo, các nhà báo từ Việt Nam đang bị cầm tù thường bị đối xử tàn tệ trong tù như bị giam trong buồng giam chật chội, thiếu đồ ăn nước uống và các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ.

Báo cáo nêu bật tình trạng của tù nhân lương tâm Huỳnh Thục Vy, người đang thụ án tù hai năm chín tháng với cáo buộc xúc phạm quốc kỳ. Nhà báo này đang bị bệnh về van tim nhưng không được chăm sóc đầy đủ trong khi nơi giam giữ lại ở quá xa gia đình, hơn 190 km.

Trường hợp của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức cũng được đề cập trong báo cáo khi tù nhân này không được nhà tù cung cấp nước nóng để nấu mì ăn liền mua ở căng tin nhà tù. Ông Trần Huỳnh Duy Thức hiện đang thụ án tù 16 năm với cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.

Báo cáo cũng nêu trường hợp của năm nhà báo của nhóm Báo Sạch hiện đã bị cấm hoạt động báo chí sau khi thực hiện án tù với cáo buộc chống Nhà nước.

Nguồn : RFA, 18/01/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 319 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)