Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

12/01/2024

Việt Nam có nên cấm bán thịt chó như ở Hàn Quốc ?

RFA tiếng Việt

Bà Phạm Thị Riềng, một người gốc Nam Định nhiều năm trước vào Thành phố Hồ Chí Minh mở quán bán thịt chó. Trước đây, việc kinh doanh của gia đình khá phát đạt nhưng gần đây bà phải chuyển hướng sang bán thêm hoa quả do buôn bán ế ẩm.

thitcho1

Hình chụp hôm 26/7/2012. Thịt chó được bày bán tại một cửa hàng ở Hà Nội - AFP

"Bây giờ không bán được mấy nữa. Mấy năm trước từ hồi dịch (Covid-19- PV) là không bán được. Tôi chỉ biết người ta không đến nữa, không ăn. Trước thì bán được ngày hai con, giờ chỉ bán được mấy cân".

Chủ của Quán Củ Riềng nằm trên Đường số 19, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 11/1.

Đó là tình cảnh kinh doanh chung của một số hàng quán bán thịt chó ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, hai địa phương đông dân cư nhất ở Việt Nam, theo khảo sát của phóng viên về tình hình tiêu thụ thịt chó trong thời gian gần đây khi có thông tin Hàn Quốc sẽ cấm giết mổ và buôn bán thịt chó một cách triệt để trong ba năm tới.

Chỗ ế ẩm, chỗ đông khách

Hàn Quốc cùng với Việt Nam là hai quốc gia tiêu thụ thịt chó nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, trong ngày 9/1, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua dự luật cấm ăn và bán thịt chó, có hiệu lực chính thức từ năm 2027.

Theo đó, sau ba năm nữa, bất cứ hành vi chăn nuôi, giết mổ hoặc buôn bán thịt chó cho con người tiêu thụ nào cũng bị coi là bất hợp pháp ở Hàn Quốc và có thể bị phạt từ 2-3 năm tù giam cùng số tiền nộp phạt đến 30 triệu won (557 triệu đồng).

Tuy Quốc hội Việt Nam chưa thảo luận việc cấm bán thịt chó hay không, nhưng nhiều quán buôn bán mặt hàng này ở các địa phương đã gặp không ít khó khăn trong nhiều năm qua.

Cùng cảnh ngộ "ngồi ngóng khách" là cơ sở có tên 'Quán thịt chó sống trên đời' ở đường Đồng Đen, phường 14, quận Tân Bình. Trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình kinh doanh của quán, ông chủ chỉ thốt lên hai chữ "bi đát" trong tình trạng kinh tế tồi tệ chung hiện nay.

Chủ quán Thắng béo ở chợ Vồ, phường Yết Kiêu, quận Hà Đông, Hà Nội cho hay, gia đình ông đã bán thịt chó trong hơn 20 năm qua. Trong mấy năm gần đây, việc kinh doanh của nhà ông ngày càng suy giảm. Ông nói :

"Khoảng ba bốn năm trở lại đây, nó (lượng thịt chó bán ra- PV) giảm rất là nhiều, giảm đến gần như là ba phần tư (3/4)".

Ông lý giải về sản lượng tiêu thụ giảm mạnh của quán :

"Một phần là do người ta ăn và bị bệnh. Nhiều người bị bệnh gout hoặc mỡ máu sẽ giảm ăn thịt chó vì đấy là thực phẩm giàu chất đạm. Thứ hai là nhiều nhà người ta nuôi chó cảnh nên cũng hạn chế ăn thịt chó".

Tuy buôn bán không được tốt như trước kia nhưng chủ quán chưa nghĩ đến việc chuyển hướng buôn bán vì theo ông người Việt khó từ bỏ thói quen này.

Tuy nhiên, cũng có những cơ sở vẫn hoạt động tốt và lượng khách đến đông. Một trong những quán như vậy có tên Quán Thịt Chó Đệ Nhất Cầu Vòi ở phố Trung Phụng, quận Đống Đa ở thủ đô Hà Nội.

Chủ quán, một người gốc từ Cầu Vòi ở huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định Khi bình luận về thông tin Hàn Quốc có kế hoạch cấm giết mổ và bán thịt chó nói :

"Hàn Quốc nó không ăn chứ ở Việt Nam vẫn chạy đều anh ạ. Mùa này tôi bán mạnh tầm khoảng 15-20 con (một ngày). Cao điểm 15-20 con. Đầu tháng thì không có khách mấy nên đầu tháng tôi nghỉ mấy ngày".

Ông cho biết khách hàng đến quán mình gồm nhiều thành phần, trong đó có cả dân văn phòng và công nhân, mà ông cho rằng "không có thay đổi gì trong nhiều năm qua".

Hướng tới quy định cấm chăn nuôi, giết mổ, buôn bán chó mèo làm thịt

Trang Facebook của tổ chức Human Society International (HSI) chi nhánh Việt Nam hôm 10/1 đăng tải video thông tin về việc Quốc hội Hàn Quốc thông qua luật cấm bán thịt chó, cho rằng "thông tin mang tính lịch sử này sẽ cứu sống hàng triệu chú chó và phản ánh sự thay đổi rõ nét trong quan điểm của cộng đồng rằng chó là bạn đồng hành chứ không phải thức ăn".

Trong email gửi Đài Á Châu Tự Do hôm 12/1, Thẩm Hồng Phượng - Giám đốc HSI tại Việt Nam bày tỏ chúc mừng công việc mà tổ chức HSI ở Hàn Quốc đã đạt được, đồng thời khẳng định :

"Có thể nói việc chấm dứt sử dụng thịt chó sẽ là xu hướng tất yếu của xã hội văn minh. Tuy nhiên nếu không có những nỗ lực không mệt mỏi của HSI, của cộng đồng yêu chó tại Hàn Quốc và trên thế giới hàng chục năm qua thì có thể sẽ phải rất lâu nữa việc chấm dứt đó mới trở thành hiện thực".

Tổ chức Human Society International tại Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy việc giảm thiểu tình trạng buôn bán thịt chó, mèo thông qua việc triển khai dự án "Thúc đẩy phúc lợi động vật đồng hành và giảm thiểu hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ chó mèo" với sự đồng hành của hai địa phương đầu tiên là Đồng Nai và Thái Nguyên.

Bên cạnh việc hỗ trợ các cơ quan đối tác trong tăng cường năng lực, thực thi pháp luật quản lý và tiêm phòng, tổ chức này cũng có hoạt động hỗ trợ người kinh doanh thịt chó và mèo chuyển sang sinh kế thay thế khác, với ba mô hình chuyển đổi đã được thực hiện thành công trong năm 2022 và 2023 khi đóng cửa 01 lò mổ và cũng là nhà hàng thịt chó, 01 trang trại nuôi chó thịt và 01 nhà hàng thịt mèo tại Thái Nguyên. 

HSI tại Việt Nam cho hay, họ cũng đang thảo luận với hai cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp liên quan tới quản chăn nuôi và dịch bệnh đối với động vật đồng hành là Cục Chăn nuôi và Cục Thú y để tìm kiếm các giải pháp về thể chế nhằm ngăn chặn và hướng tới qui định cấm chăn nuôi, giết mổ, buôn bán chó mèo làm thịt.

"Bằng những nỗ lực của HSI cũng như cùng với sự ủng hộ của chính phủ và cộng đồng chúng tôi tin tưởng rằng việc chấm dứt tiêu thụ thịt chó tại Việt Nam cũng sẽ thành công trong một tương lai không xa", bà Thẩm Hồng Phượng khẳng định.

Báo chí Nhà nước đưa tin trong buổi họp báo thường kỳ ngày 11/01, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Việt Nam trả lời trước thông tin Hàn Quốc cấm bán thịt chó, cho biết quốc gia này đã ban hành một số văn bản pháp lý liên quan về vấn đề này và đang trong quá trình nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm triển khai hiệu quả, thực tế, bảo đảm phúc lợi cho động vật nuôi và sức khỏe của người dân, đồng thời đẩy mạnh nâng cao nhận thức của người dân về hoạt động, buôn bán, vận chuyển, giết mổ và tiêu thụ thịt động vật nuôi.

Người dân nói gì ?

Lê Hoàng là một công dân sống ở Hà Nội nhiều thập niên qua. Ông cho biết trước đây ông có ăn thịt chó nhưng khoảng hai mươi năm trở lại đây, ông không còn giữ thói quen này. Ông nói với RFA :

"Ngày xưa thì đúng là cái ăn thiếu thốn thật, không có gì ăn nên khi đi ăn cỗ có thịt là ăn thôi không phân biệt gì. Sau này mình hiểu biết ra mình nghĩ thiếu gì cái ăn, sao phải đi ăn thịt con vật nó thân thiết như người bạn".

Ông cho biết thịt chó vẫn là một món ăn phổ biến và đặc trưng ở nhiều nơi của Việt Nam.

"Thịt chó như là một món khoái khẩu của nhiều người. Cứ liên hoan là người ta lại nghĩ đến cầy tơ bảy món hay các món khác".

Ông nói ở quê ông, Gia Lâm và cả Phú Thọ, người dân vẫn còn tiêu thụ thịt chó khá nhiều trong khi ở Hà Nội, việc tiêu thụ thịt chó giảm cho dù ở nhiều chợ ở nội thành, người ta vẫn bán thịt chó sống.

Trước kia, Hà Nội nổi tiếng với khu phố thịt chó Nhật Tân, với hàng chục nhà hàng san sát nhau và tiêu thụ hàng trăm con chó mỗi ngày. Tuy nhiên, đa số nhà hàng này đã đóng cửa từ nhiều năm trước và hiện chỉ còn một vài nhà hàng hoạt động, ông Hoàng cho hay.

Bản thân ông Hoàng hiện nay không chỉ bỏ ăn thịt chó, mà ông còn vận động người thân và bạn bè của mình từ bỏ thói quen này, vì theo ông, con chó là một động vật thông minh, thân thiện và gần gũi với con người.

Luật gia Bùi Quang Thắng ở Hà Nội cho biết ông không thường xuyên ăn thịt loài động vật này và không phản đối nếu Việt Nam ban hành luật cấm bán và tiêu thụ thịt chó.

Việc tiêu thụ thịt chó tại Việt Nam đã và đang có xu hướng giảm so với trước đây gắn liền với sự phát triển của kinh tế, xã hội cũng như xu thế hội nhập quốc tế. Trong khảo sát mới nhất mà HSI tiến hành vào cuối năm 2023, có 38% người được hỏi đã từng ăn thịt chó trong đời, nhưng trong năm 2023 tỷ lệ tiêu thụ thịt chó trong nhóm này giảm còn 24%. 

Về việc liệu chính phủ sẽ có thể cấm bán thịt chó trong tương lai theo sau quyết định của Hàn Quốc, chủ của Quán Thịt Chó Đệ Nhất Cầu Vòi cho hay :

"Nhà nước cấm thì mình nghỉ thôi, có gì đâu. Quan trọng là dân người ta có ăn không. Đang ăn cơm ăn gạo bình thường bây giờ anh không ăn cơm ăn gạo mà chuyển sang món khác thì dân thế nào thôi ?"

Nguồn : RFA, 12/01/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 165 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)