Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

17/01/2024

Cán bộ nộp lại tiền tham nhũng - "khắc phục hậu quả" hay "mua bán công lý" ?

RFA tiếng Việt

"Nhiều vụ đại án liên quan đến hành vi tham nhũng của các quan chức được xét xử trong thời gian gần đây cho thấy việc khắc phục hậu quả đang dần biến tướng thành những tính toán đầy lý tài".

congly1

Phiên tòa xét xử vụ án Việt Á - AFP

"Khắc phục hậu quả" hay "mua bán công lý" ?

Một loạt các quan chức nhà nước trong các vụ đại án tham nhũng được nói là đã nộp tiền khắc phục hậu quả, lấy đó làm tình tiết giảm nhẹ án phạt tù.

Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết Luật hình sự Việt Nam có quy định về việc khắc phục hậu quả và xem đó là một trong các tình tiết giảm nhẹ hình phạt :

"Điều này mang lại nhiều ý nghĩa và lợi ích tích cực, một mặt hậu quả gây ra cho xã hội hoặc cho cá nhân được giảm thiểu và mặt khác, bị cáo được gia giảm sự chế tài vì sự phục thiện, hối lỗi của mình".

Theo điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về "Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự", có 22 tình tiết được xem xét để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, trong đó có việc "Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả".

Ngoài ra, Điều 40 BLHS năm 2015 còn quy định  không thi hành án tử hình đối với người phạm tội tham ô tài sản hoặc nhận hối lộ mà đã nộp lại ít nhất 3/4 số tiền đã trục lợi bất chính.

Do đó, một loạt các cựu quan chức là bị cáo trong các vụ đại án về kinh tế trong thời gian gần đây cũng đã nộp lại số tiền tham ô, hối lộ.

Ví dụ, trong vụ án kít test Việt Á, các bị cáo đã nộp lại tổng số tiền khắc phục hậu quả là hơn 77 tỷ đồng và 2,65 triệu USD. Vụ chuyến bay giải cứu, 54 bị cáo nộp lại hơn 120 tỷ đồng và 1,85 triệu USD.

Ông Trịnh Văn Chiến - cựu Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, đã nộp lại 22,5 tỷ đồng vào ngày 2/1, được nói là nhằm phục vụ điều tra và khắc phục hậu quả do sai phạm trong vụ án "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp bị bắt và ngày 2/1 về hành vi nhận hối lộ. Vào ngày 4/1, Gia đình của ông Hiệp đã nộp lại hơn 4 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.

Cựu Phó trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, sau hai tháng tạm giam điều tra về tội "cưỡng đoạt tài sản" và "lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" cũng đã nộp khoảng bảy tỷ đồng khắc phục hậu quả.

Theo luật sư Mạnh, trong nhiều vụ đại án liên quan đến hành vi tham nhũng của các quan chức được xét xử trong thời gian gần đây cho thấy việc khắc phục hậu quả đang dần biến tướng thành những tính toán đầy lý tài, khiến cho những ý nghĩa tích cực của việc khắc phục hậu quả không còn nữa.

Luật sư này lấy ví dụ, trong vụ án "Chuyến bay giải cứu", trường hợp điều tra viên Hoàng Văn Hưng  là một ví dụ điển hình. Ông Hưng từ khi bị bắt và trong suốt quá trình điều tra đều kêu oan, sau đó bị tuyên phạt án tù chung thân ở phiên sơ thẩm. Nhưng đến phiên tòa phúc thẩm, ông ấy đột ngột nhận tội và nộp số tiền khắc phục hậu quả tương đương 18,8 tỷ đồng thì được giảm thành án tù thành 20 năm :

"Những bản án giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo tham nhũng nhờ vào yếu tố khắc phục hậu quả cho thấy rằng cái gọi là "công lý" thực chất có thể mua bán được bằng tiền một cách công khai, chính thức ngay trong phiên tòa, trước mặt bàn dân thiên hạ.

Chúng đã trở thành một sự nhạo báng công lý và phỉ nhổ vào các lời tuyên truyền về nỗ lực đốt lò vốn thường được gán cho ông Nguyễn Phú Trọng".

Năm 2022, Một số quan chức bị khởi tố trong vụ án mua chế phẩm Redoxy-3C , nhờ nộp tiền mà được giảm án. Trong đó, cựu chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhờ chị gái nộp lại 25 tỷ đồng nên được giảm ba năm tù giam ; Cựu bộ trưởng Thông tin truyền thông Nguyễn Bắc Son bị Viện kiểm sát đề nghị án tử hình vì tội nhận hối lộ, nhưng do đã nộp lại 3 triệu USD nên được giảm án xuống tù chung thân.

Cơ quan tố tụng cản trở bị can "khắc phục hậu quả"

Dù có quy định nộp tiền "khắc phục hậu quả" để được giảm bớt trách nhiệm hình sự, tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều trường hợp cơ quan tố tụng đã gây khó dễ, cản trở bị can hoặc người thân của bị can thực hiện quy định này của pháp luật.

Cô Trần Thảo, vợ của nhà hoạt động môi trường Đặng Đình Bách, nói với RFA rằng chồng mình bị cáo buộc tội trốn thuế với số tiền 1,38 tỷ đồng. Trước ngày tòa xử sơ thẩm, gia đình được sự tư vấn của luật sư đã tiến hành làm các thủ tục xin nộp tiền để khắc phục hậu quả nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng không xem xét xử lý :

"Nếu đơn giản là vụ án trốn thuế, vì sao gia đình yêu cầu nộp tiền khắc phục hậu quả để được tình tiết giảm nhẹ, mà lại không xem xét".

Một luật sư hiện đang ở trong nước, yêu cầu giấu danh tính vì lý do an toàn, cho biết hiện nay, quy định về nộp tiền khắc phục hậu quả không rõ ràng về mức nộp lại tiền khắc phục hậu quả là bao nhiêu.

Và trên thực tế, luật cũng không quy định về việc các cơ quan tiến hành tố tụng nếu cố tình từ chối, gây khó khăn khiến cho những người phạm tội không được hưởng các tình tiết giảm nhẹ thì sẽ bị xử lý thế nào :

"Ví dụ, liên quan đến các vụ án về hành vi trốn thuế. Nếu bị can gây thiệt hại đến việc thu thuế của Nhà nước thì họ cũng có quyền để đóng tiền để khắc phục hậu quả chứ.

Và nếu như cơ quan tiến hành tố tụng họ không tạo điều kiện giúp đỡ, không cho những người thân nhân đóng tiền vào để khắc phục hậu quả để giảm thiểu thiệt hại thì đó rõ ràng là một trong những điều gây khó khăn cho những người bị cáo buộc".

Theo quan điểm của luật sư Mạnh, việc khắc phục hậu quả trong luật hình sự không có quy định hạn chế. Cho nên, việc cơ quan điều tra từ chối đề nghị khắc phục hậu quả trong những vụ án cáo buộc những nhà hoạt động bảo vệ môi trường trốn thuế, xét theo khía cạnh pháp lý là bất hợp pháp, ác ý và vi phạm nguyên tắc "Mọi công dân bình đẳng trước pháp luật".

Nguồn : RFA, 17/01/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 198 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)