Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

24/01/2024

2024 : Liệu Việt Nam có thể tăng trưởng như mục tiêu đề ra ?

RFA tiếng Việt

Báo chí nhà nước mới đây cho rằng năm 2024 Việt Nam sẽ tăng trưởng GDP cao thứ hai trong ASEAN, chỉ sau Philippines… Lập luận này được cho là dựa vào dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,8% trong năm 2024, nằm trong nhóm 20 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu.

tangtruong1

Ảnh chụp Cảng container Tân Vũ, Hải Phòng trong năm 2023. AFP PHOTO

Quốc hội Việt Nam còn đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 cao hơn cả dự báo của IMF, ở mức 6 - 6,5%.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng độc lập, với hơn 30 năm kinh nghiệm làm trong ngành tài chính ngân hàng tại Mỹ, Đức và Việt Nam, hôm 24/1/2024 nhận định với RFA :

"Dự báo của IMF là Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,8% năm 2024 dựa vào những mô hình phát triển. Phía Việt Nam còn dự báo cao hơn 5,8%. Việc đưa ra dự báo tăng trưởng của Việt Nam cao hơn các nước xung quanh thì vẫn chỉ là dự báo. Chúng ta biết rằng dự báo dựa trên rất nhiều giả định và những giả định đó nếu không thực hiện được thì mục tiêu tăng trưởng cũng không thực hiện được. Cho nên dự báo là một cái nhìn về tương lai không thể chính xác 100 % mà còn phải dựa vào những dữ kiện môi trường trong tương lai".

Theo Tiến sĩ Hiếu, dự báo không chỉ dựa vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam, mà còn phụ thuộc tình hình kinh tế thế giới. Nên ông Hiếu cho rằng, Việt Nam có thể đưa ra những dự định lạc quan, nhưng chưa thể biết là có thực hiện được hay không. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận xét về tình kinh tế Việt Nam hiện nay :

"Cho đến giờ này chúng ta chỉ mới ở tuần lễ cuối của tháng 1/2024, tình hình kinh tế có lẽ cũng chưa khác gì nhiều so với cả năm 2023. Tất cả những vấn đề về kinh tế là một sự tiếp nối, nó không thể nào qua một đêm có thể thay đổi được. Năm 2023 kinh tế Việt Nam trì trệ và do đó mức tăng trưởng chỉ 5,6%, thay vì 6 đến 6,5% như dự báo trước đó".

Ngoài ra, theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, kinh tế Việt Nam quá phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư FDI, nên dự báo tăng trưởng có thể bị ảnh hưởng :

"Chúng ta biết rằng GDP của cả nước là 430 tỷ đô, tăng 5,05% trong năm 2023 và xuất khẩu đạt 356 tỷ đô. Còn nhập khẩu đạt 328 tỷ đô, tức là tổng cộng xuất nhập khẩu hai chiều 684 tỷ đô, tương đương 159% GDP. Đây là một con số cho thấy nền kinh tế Việt Nam lệ thuộc rất nhiều vào xuất nhập khẩu, mà trong đó các công ty FDI chiếm tỷ trọng rất lớn trong xuất khẩu của Việt Nam, có thể tới 70 đến 80%, đây là một con số rất lớn".

Việc lệ thuộc vào xuất khẩu như thế theo ông Hiếu dĩ nhiên là rủi ro cho nền kinh tế Việt Nam. Ông Hiếu nói tiếp :

"Mặc dù trong nước báo chí vẫn luôn tung hô việc xuất khẩu lớn như thế, đó là điều lợi vì đem về rất nhiều ngoại tệ. Nhưng nó lại chứng tỏ sự lệ thuộc của kinh tế Việt Nam vào xuất khẩu. Chính vì thế khi kinh tế thế giới khủng hoảng hoặc suy giảm thì nên kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Điều đó chúng ta thấy rõ ràng trong năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam đạt được 356 tỷ đô, nhưng giảm 4,4%, nhập khẩu thì cũng giảm 8,9%. Chính vì nhập khẩu giảm nhiều hơn xuất khẩu mà nó tạo ra suất siêu 28 tỷ đô".

Nhưng theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, đây là suất siêu ảo, bởi vì nó không phải là xuất khẩu tăng, mà do xuất khẩu giảm, mà giảm ít hơn nhập khẩu. Ông Hiếu cho rằng đây không phải dấu hiệu tăng trưởng.

Ngân hàng ADB vào tháng 12/2023 dự báo tăng trưởng trong năm 2024 của ASEAN đạt 4,7%. Theo định chế tài chính này, năm 2024 Philippines được dự báo có mức tăng trưởng cao nhất khu vực ASEAN với 6,2%, tiếp đến là Việt Nam là 6%. Còn nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất khu vực ASEAN là Indonesia được dự báo tăng trưởng ở mức 5%, Singapore thấp nhất với mức tăng trưởng trong năm tới là 2,5%.

Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, khi trao đổi với RFA hôm 24/1/2024, nhận định :

"Tôi nghĩ khi Quốc hội và chính phủ Việt Nam đưa ra mục tiêu tăng trưởng thì cũng căn cứ một phần vào những gì đã thực hiện được trong năm qua. Năm 2023 rõ ràng là một năm rất khó khăn, cũng đã không thực hiện được mục tiêu tăng trưởng, điều đó Quốc hội và nhà nước Việt Nam cũng đã thấy rõ. Còn năm 2024 thì tôi nghĩ khó khăn vẫn còn nhiều".

Tuy nhiên theo bà Phạm Chi Lan, ở Việt Nam cũng đã xuất hiện một số xu hướng có thể giúp tăng trưởng năm tới tốt hơn. Bà Lan nói tiếp :

"Đặc biệt trong khối doanh nghiệp, có những người trẻ với tinh thần khởi nghiệp, cố gắng đổi mới công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, thay đổi về quản trị để làm sao có thể tạo được giá trị tốt hơn cho doanh nghiệp và tăng trưởng tốt hơn ở khu vực doanh nghiệp. Tôi nghĩ điều đó là khá rõ. Thứ hai là về phần công ty nước ngoài cũng đang có thay đổi trong chính sách chủ trương của nhà nước để thu hút đầu tư vào công nghệ cao, cũng như đưa ra những chính sách mới để khuyến khích. Và một số doanh nghiệp làm về lĩnh vực công nghệ cao với những dự án tương đối lớn cũng đang nhìn Việt Nam như một ứng viên tiềm năng cho họ trong quyết định đầu tư mới".

Mức tăng trưởng do IMF dự báo theo bà Phạm Chi Lan cũng là tương đối cao so với thực tế Việt Nam đạt được trong năm 2023. Bà Lan cho rằng những kỳ vọng cao vào Việt Nam hoàn toàn có thể có được. Tuy nhiên bà Lan lo ngại năm 2024 là năm cả thế giới vẫn còn khó khăn và có những điều khó lường được như việc bầu cử ở quá nhiều quốc gia lớn trên thế giới, đặc biệt là bầu cử Hoa Kỳ có thể ảnh hưởng đến Việt Nam. Bà Lan nói tiếp :

"Đối với Việt Nam, năm 2024 là một năm rất quan trọng bởi vì nó sẽ cùng với năm 2025 quyết định Việt Nam có đạt được mục tiêu của mình trong thời gian tới hay không ? Cho nên sẽ có cố gắng từ chính phủ rất nhiều để cho có thể đạt được những mục tiêu đó. Dù vậy tôi cũng vẫn hy vọng năm 2024 này Việt Nam sẽ đạt được mức tăng trưởng tốt hơn năm 2023. Nhưng mong muốn lớn nhất của tôi cũng vẫn là nhà nước sẽ thấy được tầm quan trọng của việc đổi mới thể chế, để mà tạo nền tảng cho tăng trưởng tốt hơn trong thời kỳ sau này của Việt Nam".

Bà Phạm Chi Lan cho rằng, để thu hút được các dự án đầu tư nước ngoài lớn trong công nghệ cao như Việt Nam mong muốn, thì cũng sẽ phải có những thay đổi nhiều về môi trường kinh doanh, về thể chế chính sách… để làm sao cho khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao có thể vào được.

Nguồn : RFA, 24/01/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 283 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)