Ông Vương Đình Huệ - Chủ tịch Quốc hội hôm 21/01/2024 cho báo chí Nhà nước biết : ‘Nguồn đại biểu Quốc hội đang được chuẩn bị bài bản’.
Ông Vương Đình Huệ - Chủ tịch Quốc hội Việt Nam phát biểu tại Hội nghị trước đây. AFP.
Theo ông Huệ, công tác đại biểu phải được quan tâm hàng đầu vì đại biểu Quốc hội là trung tâm của Quốc hội và một trong những nhiệm vụ rất quan trọng là xây dựng đội ngũ đại biểu Quốc hội (Đại biểu quốc hội) cho khóa sau (!?).
Cựu trung tá quân đội Vũ Minh Trí hôm 23/1 khi trả lời RFA từ Hà Nội, nhận định :
"Nó chỉ chứng minh điều mà lâu nay người dân vẫn nói, tức là Quốc hội cũng như Hội đồng Nhân dân các cấp đều là do ‘đảng cử dân bầu’, cái câu mà rất quen thuộc ở Việt Nam. Dân đúng là có quyền đi bầu cử, nhưng chỉ trong danh sách do Đảng đã trực tiếp lựa chọn, phê duyệt… chứ còn những người ngoài danh sách ấy không do đảng cử ra, Đảng phê duyệt thì rất khó, thậm chí không thể trở thành Đại biểu quốc hội. Ví dụ như một số người tự ứng cử do cảm thấy mình xứng đáng đại diện cho quyền lợi của người dân, nhưng họ đều bị loại ngay từ vòng đầu hiệp thương".
Theo cựu trung tá Vũ Minh Trí, thậm chí không ít người trong số những người tự ứng cử đã bị bắt bỏ tù. Ông Trí nêu dẫn chứng :
"Như khóa rồi có vị tự ứng cử rồi bị bắt vì đã phổ biến hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hay một nhân vật khá nổi tiếng là anh Ba Sàm Nguyễn hữu Vinh cũng tự ứng cử, bản thân là sĩ quan an ninh, nhưng cuối cùng cũng bị bắt bỏ tù với lý do không rõ ràng".
Trong kỳ bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XV ở Việt Nam vào ngày 23 tháng 5 năm 2021, chỉ có 14 người không phải là đảng viên được bầu làm Đại biểu quốc hội trong tổng số 499 người.
Trong thời gian qua, không ít lần các Đại biểu quốc hội đã nêu lên công khai tại nghị trường những đề xuất vô bổ, không thiết thực... thậm chí ngớ ngẩn... mà chính truyền thông Nhà nước loan tải. Tình trạng này khiến người dân không khỏi thắc mắc : ‘Sao một vị Đại biểu quốc hội, đa phần là cán bộ lãnh đạo các địa phương, lại ăn nói như vậy ?’
Một người dân ở miền Trung Việt Nam không muốn nêu tên vì lý do an toàn nói với RFA về những lần Đại biểu Quốc hội đề xuất ngớ ngẩn :
"Họp Quốc hội mà không phát biểu gì thì cũng dở và sẽ bị cử tri cho là dốt, nên nhiều Đại biểu Quốc hội cứ phát biểu đại, trúng đâu thì trúng !"
Còn cựu trung tá Vũ Minh Trí thì cho rằng công việc của các Đại biểu quốc hội không có gì đáng ca ngợi :
"Tôi thấy bên cạnh những hoạt động đương nhiên họ phải làm theo chức năng nhiệm vụ của một Đại biểu quốc hội phổ biến trên thế giới, thì không có gì đáng để chúng ta ca ngợi. Họ bỏ phiếu cho những quyết định không đúng. Ví dụ như cách đây hai ba năm có dự thảo đề xuất tịch thu hay tổ chức điều tra đối với những tài sản bất minh không giải trình được, thì Quốc hội đã bỏ phiếu không nhất trí như vậy. Quốc hội không thông qua thì việc kê khai tài sản của người có chức có quyền có ý nghĩa gì nữa ? Ngoài ra còn nhiều việc khác".
Cũng trong buổi gặp gỡ báo chí nhà nước mới đây, Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ cho biết thêm, ông đánh giá chung chất lượng Đại biểu quốc hội ngày càng được nâng lên, phát huy tốt vai trò, trí tuệ, trách nhiệm…
Dưới một góc nhìn khác, nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già từ Sài Gòn hôm 23/1/2024 nhận định với RFA :
"Muốn đánh giá chất lượng của Đại biểu quốc hội thì đánh giá bằng luật trong đời sống thực tế của Việt Nam. Có thể nói Việt Nam được xếp vào một trong những quốc gia đứng đầu trên thế giới về sửa đổi, bổ sung các loại luật. Cái đó sẽ đánh giá được chất lượng của Đại biểu quốc hội Việt Nam. Ở Việt Nam việc sửa đổi bổ sung luật diễn ra có thể nói là dày đặc. Trước khi họ sửa đổi bổ sung luật họ thường ban hành nghị định, thông tư, quyết định… Bởi vì sửa luật lâu, nên cơ quan công quyền hành pháp làm vậy và sau một thời gian họ lại sửa luật. Tại sao như vậy ?"
Theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già, việc sửa luật không phải xuất phát từ đời sống người dân, mà nó xuất phát ngay từ trong bộ máy hành pháp của cơ quan công quyền. Ông già dẫn chứng :
"Trong quá trình họ thực hiện luật, bắt đầu nãy sinh ra những khó khăn, những bế tắc do chính các loại luật gây ra và cuối cùng họ mới sửa luật. Như vậy chứng tỏ luật được thông qua không phải do người dân mà do các Đại biểu quốc hội, điều này chứng minh Đại biểu quốc hội hoàn toàn xa rời thực tế với người dân. Như vậy trình độ và khả năng của Đại biểu quốc hội tỏ ra rất yếu kém về luật, sửa suốt…"
Thứ hai là về tư cách, phẩm giá của Đại biểu quốc hội ở Việt Nam thì theo nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già không có gì nổi bật :
"Có những đại biểu đã phải vào tù, có những đại biểu phải đào tẩu ra nước ngoài. Đó là thực tế của Việt Nam trong hàng chục năm qua, họ lợi dụng quyền hạn với tư cách là Đại biểu quốc hội. Điều đó chứng tỏ để mà có khỏi không phải cho người dân chúng tôi bầu ra, đó là một nghịch lý. Bởi vì các Đại biểu quốc hội qua các kỳ bầu cử Quốc hội ông nào bà nào cũng đạt số phiếu rất cao, nhưng trình độ, khả năng, tư cách, phẩm giá của họ đã phơi bày ra…"
Chủ tịch Quốc hội - Vương Đình Huệ nói ‘nguồn Đại biểu quốc hội đang được chuẩn bị bài bản’ nhưng nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già cho rằng ông không biết đây là ‘bài gì ?’ và đây là ‘bản nhạc gì ?’… Nhưng ông Già chắc chắn không phải từ người dân Việt Nam.
Nguồn : RFA, 23/01/2024