Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

06/03/2024

Văn hóa Đảng lãnh đạo và nghịch lý tăng nhân sự

RFA tổng hợp

Văn hóa do Đảng lãnh đạo có là nhu cầu văn hóa của dân ?

RFA, 06/03/2024

Truyền thông nhà nước mới đây dẫn bài viết của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ca ngợi cái gọi là 'những dấu ấn về Đảng lãnh đạo văn hóa'. Bài viết cho rằng : ‘dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa’.

vanhoa1

Những chuyện mê tín dị đoan xảy ra rất gai mắt, nhưng chính quyền hoàn toàn bỏ lơ, như Quỳ lạy rắn "thần", cá "thiêng", xin lộc từ tảng đá, tranh cướp lộc tại nơi thờ tự… là những biểu hiện của sự mê tín, dị đoan diễn ra ở không ít địa phương.

Phó giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng, nhà nghiên cứu ngôn ngữ thuộc Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh nhận định với RFA hôm 6/3/2024 :

"Đảng lãnh đạo qua bộ máy của đảng, cụ thể văn hóa là Ban Tuyên giáo. Chỉ cần thấy thỉnh thoảng chỉ thị của Ban Tuyên giáo đưa xuống các tờ báo không được đưa tin này, không được đưa tin kia… thì ta biết họ lãnh đạo theo tiêu chuẩn văn hóa rất cũ và họ ‘chống’ cũng theo tiêu chuẩn rất cũ".

Nhìn chung ông Dũng cho biết, ông không có hy vọng gì vào sự lãnh đạo văn hóa của đảng. Ông nói tiếp :

"Người dân có một nhu cầu văn hóa khác, mà Đảng lại muốn một con đường khác. Mà cái đó là những việc hằng ngày đã đập vào mắt người dân, chẳng hạn như những chuyện mê tín dị đoan xảy ra rất gai mắt, nhưng chính quyền hoàn toàn bỏ lơ. Mặc dù việc vi phạm pháp luật rất rõ, mê tính dị đoan rất rõ, những chuyện gần đây như ‘cúng vong’, ‘ấn đền Trần’… tất cả những cái đó hằng ngày đều diễn ra".

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khi tham dự Hội nghị của Ban Chỉ đạo Trung ương diễn ra vào ngày 4/1/2024 từng nói "Xây dựng đời sống văn hóa phải xuất phát từ nhu cầu của người dân".

Thực tế văn hóa do Đảng lãnh đạo có là nhu cầu văn hóa của người dân ? Một người dân ở Sài Gòn không muốn nêu tên vì lý do an toàn, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này, nói :

"Những chủ trương chính sách của Nhà nước thì có thể nói thẳng họ sử dụng văn hóa để tuyên truyền chủ trương chính sách của Nhà nước. Thực sự mà nói đến vấn đề nhu cầu văn hóa của người dân thì rất cần, nhưng chủ trương của Nhà nước thì tôi thấy có vẻ là văn hóa lồng ghép với chính trị để tuyên truyền thôi, chứ thực sự nhu cầu của người dân họ không quan tâm, tôi chưa thấy giải quyết vấn đề này".

Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Minh triết Việt, khi trả lời RFA từng cho rằng, nói về văn hóa thì trước hết phải nâng cấp trình độ văn hóa của lãnh đạo. Mà muốn giới lãnh đạo học được thì theo ông Mai là phải cho phép báo chí tư nhân thoải mái đưa tin. Có như vậy, lãnh đạo mới hiểu, cập nhật được… văn hoá.

Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già khi trả lời RFA hôm 6/3/2024 cho rằng, một trong những tính chất quan trọng của văn hóa là tính đại diện. Theo ông Già, có ba giai đoạn của văn hóa Việt Nam để nói về tính đại diện :

"Thứ nhất là trước năm 1975, đại diện văn hóa trong giai đoạn này qua hai thảm nạn rất lớn, đó là ‘cải cách ruộng đất’ và ‘nhân văn giai phẩm’. Hai thảm nạn này đã gây ra những chết chóc, điêu tàn cho miền Bắc trước đây và nó hoàn toàn gần như phá hủy phẩm giá người Việt Nam và văn hóa Việt Nam trong giai đoạn này coi như là không có một chút gì là văn hóa nữa".

Giai đoạn hai theo ông Già là sau năm 1975, là thời điểm Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ và đại diện cho tính văn hóa của Việt Nam trong giai đoạn này là "đổi tiền, tù cải tạo đối với người lính Việt Nam Cộng Hòa, thảm nạn thuyền nhân và đánh tư sản mại bản"… Ông Già cho rằng, giai đoạn văn hóa sau 1975 này đã đánh sập nền kinh tế hai mươi năm của Việt Nam Cộng Hòa và nó đánh tan luôn văn hóa Việt Nam Cộng Hòa. Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nói tiếp :

"Giai đoạn ba sau 1995, đây là cột mốc Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận và lập lại ban giao với Việt Nam. Tính đại diện của văn hóa ở giai đoạn này thể hiện qua các lĩnh vực : sản xuất kinh doanh, đầu tư, du lịch, du học, xuất khẩu lao động… Giai ba kéo dài đến hiện nay có thể nói kinh tế phát triển hơn nhờ bãi bỏ cấm vận của Hoa Kỳ là yêu tố quan trọng. Văn hóa cũng có khởi sắc, tuy nhiên không đáng kể so với sự xuống cấp trầm trọng về văn hóa. Đặc trưng văn hóa của giai đoạn này là một nền văn hóa lai căng, đua đòi".

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng, về văn hóa dưới sự cai trị của Đảng cộng sản Việt Nam trong gần một trăm năm qua là một nền văn hóa không có nguồn cội, bởi vì dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là đấu tranh giai cấp chuyên chính vô sản, chứ không bàn về xây dựng văn hóa theo một mô thức nào hay theo tư tưởng nào.

Thứ hai theo Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, văn hóa Việt Nam ngoài không có nguồn cội, nó không có lòng nhân đạo, không có lòng nhân ái… Ông Già cho rằng, văn hóa Việt Nam gần một trăm năm qua dưới sự cai trị của Đảng cộng sản Việt Nam là một nền văn hóa "lạc loài".

Nguồn : RFA, 06/03/2024

*****************************

Nghịch lý tăng nhân sự trong thời kỹ thuật số !

RFA, 06/03/2024

Theo dự thảo nghị quyết quy định về chức danh, số lượng người làm việc tại phường vừa được UBND Thành phố Hồ Chí Minh trình Hội đồng Nhân dân thành phố, số lượng nhân sự cấp phường được tăng lên. Cụ thể, phường loại 1 có 12 người và 19 người hoạt động không chuyên trách ; phường loại 2 có 18 người và phường loại 3 có 16 người. Trước đây, đơn vị hành chính cấp phường loại 1 tối đa 23 người ; loại 2 tối đa 21 người ; loại 3 tối đa 19 người.

vanhoa2

"Tôi thấy không cần thêm nhân viên trên phường đâu, vì bây giờ 4.0 rồi. Tuyển thêm nhân viên trên phường thì tốn thêm tiền thuế của dân thôi. Họ cứ bày ra họ lấy tiền"... (Cô Tuyết)

Ngoài số nhân sự đó, số công chức cũng tăng lên theo dân số. Với quy mô 30.000 dân thì được tăng 1 công chức ; quy mô 50.000 dân được tăng 2 công chức, 2 người hoạt động không chuyên trách ; quy mô 100.000 dân được tăng 3 công chức và 3 người hoạt động không chuyên trách.

Theo thống kê trên truyền thông nhà nước, với cơ cấu nhân sự mới, kinh phí hằng năm chi trả cho hơn 6.000 người hoạt động không chuyên trách cấp phường khoảng 778 tỉ đồng, còn mức chi cho khu phố, ấp hơn 958 tỉ đồng. Tính chung, hằng năm kinh phí tăng thêm cho 2 nhóm trên gần 650 tỉ đồng. Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất nghị quyết có hiệu lực thi hành từ tháng 3/2024.

Tháng 11/2023, Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh cho báo chí biết đang tham mưu để UBND Thành phố Hồ Chí Minh trình HĐND Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt bổ sung 40 biên chế công chức làm việc tại phường đối với 40 UBND phường có quy mô dân số từ đủ 50.000 người được tăng thêm 1 Phó Chủ tịch UBND phường. Sở Nội vụ đề nghị giữ nguyên quy định số cán bộ, công chức theo phân loại đơn vị hành chính như hiện hành, đồng thời tăng thêm số lượng công chức cấp phường, xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp phường, xã tại những đơn vị có dân số đông.

Lý giải về nghịch lý cả nước đang thực hiện tinh giản biên chế nhưng Bộ Nội vụ đề xuất tăng biên chế cho cấp phường, xã, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nói báo chí nhà nước : "Có những cái chúng ta phải có tư duy ngược lại một chút và sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền".

Báo Tuổi trẻ dẫn lời Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ rằng : "Với những phường đông dân ở Thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội, chỉ cần 1% hồ sơ chậm trễ do thiếu cán bộ thực hiện thì con số cũng phải lên tới hàng trăm, thậm chí hàng ngàn hồ sơ. Do đó, đề xuất biên chế công chức phường theo quy mô dân là phù hợp và từ đó mới đáp ứng được yêu cầu công việc thực tế đang đặt ra ở các phường của Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Khi có đủ cán bộ thì các công việc chắc chắn sẽ giải quyết được nhanh hơn và người dân sẽ được hưởng lợi"...

Nhiều người dân không đồng tình với mức tăng nhân sự trong bộ máy hành chánh cấp phường, xã như vậy vì nó sẽ ngốn thêm ngân sách nhà nước, cũng như đi ngược lại chủ trương tinh giản biên chế của chính phủ. Một công chức nghỉ hưu, đề nghị ẩn danh, nêu quan điểm của ông với RFA về việc tăng nhân sự cấp phường :

"Cái cách quản lý hành chánh trước 1975 nó khác với cách quản lý ngày nay. Ngày trước là họ làm theo luật. Cái gì luật không cấm thì dân cứ việc làm, không cần xin. Còn bây giờ cái gì cũng phải xin. Nó là cơ chế xin-cho. Ví dụ luật về xây dựng đã có nhưng dân muốn cất nhà cũng phải xin. Cái gì cũng phải xin. Khi nhân sự phình ra thì công việc càng ùn ứ và càng khó khăn cho người dân. Bởi công việc họ sẽ chia ra, mỗi người làm một phần. Và nhân viên hành chánh phường nào làm khó làm dễ dân thì việc của mình bị tắc. Nếu họ làm quá dễ cho dân thì họ mất quyền lực. Tôi thấy 48 năm qua, nhân sự càng nhiều thì công việc càng trì trệ".

Ông Đinh Đức Long phát biểu với tư cách một người dân Thành phố Hồ Chí Minh :

"Tôi thấy nghịch lý. Cách đây vài năm có văn bản xóa tổ dân phố để giảm nhân sự. Ngày xưa tổ trưởng dân phố đến từng nhà đưa giấy tờ, bây giờ họ gửi qua mạng hết. Có thể họ giảm cấp cơ sở rồi tăng cấp kia thì nhân sự cũng không tăng, thậm chí còn giảm. Thực ra bây giờ là thời kỳ 4.0 rồi nên không cần nhiều nhân viên. Người ta có thể ngồi nhà làm việc được mà. Đơn từ dân gửi qua mạng, phường xử lý xong gửi lại người ta. Không cần gặp. Có thể họ lý giải rằng, lấy một phường nào đó làm căn bản. Phường nào ít dân thì ít nhân viên. Mà dân số thì chỉ có tăng chứ không giảm, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh. Dân nhập cư rất nhiều".

Ông Long nói thêm, phải áp dụng quy trình 4.0 vào các thủ tục hành chánh, không thể cứ tăng thêm cán bộ theo quy mô dân số. Điều đó dẫn đến bộ máy hành chánh ngày càng phình to, cồng kềnh vì dân số sẽ ngày càng đông.

Khái niệm "Cách mạng Công nghiệp 4.0" được truyền thông Việt nam đề cập đến từ nhiều năm qua. Tại Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit 2019) với chủ đề "Chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường" diễn ra ngày 8/8/2019, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, đây là sự dịch chuyển mang tính lịch sử ngàn năm có một, mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam một sự thay đổi mang tính toàn diện đến từng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và mọi lĩnh vực có khối lượng công việc khổng lồ.

Tại Việt Nam, chuyển đổi số được áp dụng nhiều nhất trong doanh nghiệp và trong các cơ quan nhà nước. Cô Tuyết, một nhân viên văn phòng cho rằng, thật vô lý khi kêu gọi áp dụng kỹ thuật số mà mỗi năm phải chi thêm 650 tỷ đồng cho nhân viên phường, xã. Cô nói :

"Tôi thấy không cần thêm nhân viên trên phường đâu, vì bây giờ 4.0 rồi. Tuyển thêm nhân viên trên phường thì tốn thêm tiền thuế của dân thôi. Họ cứ bày ra họ lấy tiền. Cái tiền đó cho người nghèo đi. Biết bao nhiêu người nghèo, người già họ cần tiền. Tôi thấy họ kêu gọi giảm biên chế khắp nơi mà bây giờ lại phình ra trên phường. Là một người dân, tôi thấy điều này không cần thiết vì bây giờ tôi ra phường làm giấy tờ rất là nhanh rồi, không cần thêm nhân viên đâu. Thêm nhân viên thì họ đùn đẩy công việc cho nhau, còn khó cho dân hơn nữa".

Ông Lê Minh Đức, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND Thành phố Hồ Chí Minh lý giải, do thành phố đang phải cùng lúc làm nhiều việc liên quan đến tổ chức bộ máy hành chính, nên để giải quyết công việc của người dân thì phải tăng cán bộ, công chức theo quy mô dân số.

Nguồn : RFA, 06/03/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 183 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)