Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

05/03/2024

Cải cách thế nào để tồn tại bên cạnh Trung Quốc ?

RFA tiếng Việt

Việt Nam phải cải cách thế nào để sống còn bên cạnh người khổng lồ Trung Quốc ?

Doanh nghiệp Việt Nam "sống còn" thế nào một khi thị trường Việt Nam "sơn thủy tương liên" với nền sản xuất khổng lồ của Trung Quốc ? Theo Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ hiện ở Na Uy, nếu Việt Nam không cải cách, sự tồn tại thực chất của doanh nghiệp trong nước là bất khả thi. Vậy nếu cần cải cách thì Việt Nam cần cải cách những gì ? Có cần cải cách thể chế hay không và nếu cần thì nên cải cách ra sao ? RFA trao đổi với một số chuyên gia từ ngoài Việt Nam về vấn đề này.

tontai1

Các đơn vị bán hàng và giao nhận trong nước đang đối mặt với làn sóng hàng giá rẻ, ship rẻ từ hàng hóa Trung Quốc - Ảnh : Quang Định

Trao đổi với RFA, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ khẳng định Trung Quốc đã có một chiến lược toàn diện và bài bản để phát triển sản xuất và thống lĩnh thị trường Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Họ xây dựng chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất với giá rẻ, thâu tóm các sàn giao dịch thương mại điện tử ở Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, phát triển mạng lưới cơ sở hạ tầng (đường cao tốc, đường sắt, hải cảng, hạ tầng internet…) để sản xuất phân phối hàng hóa với giá rẻ và chi phí thấp. Tiến sĩ Vũ cho rằng nếu tình hình tiếp tục như hiện nay, không có gì thay đổi, những ngành công nghiệp nhẹ của Việt Nam sẽ dần dần biến mất vì không thể cạnh tranh hoặc bị các công ty Trung Quốc mua lại. Công nghiệp nhẹ của Việt Nam sẽ không tồn tại nữa. 

Giáo dục : cần cải cách trước tiên 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, trong tương lai gần, Việt Nam sẽ trở thành một phần của thị trường Trung Quốc. Khi các rào cản dần dần biến mất thì nền sản xuất của Việt Nam phụ thuộc và trở thành một phần của Trung Quốc. Nó không thể sống được mà chỉ đóng vai trò phân phối mà thôi. Đó là một viễn cảnh mà Việt Nam có thể thấy trước. 

Ông chỉ ra là Việt Nam đã tham gia vào sân chơi lớn của nền kinh tế toàn cầu rồi. Đã đi vào sân chơi lớn đó thì Việt Nam phải chơi với tinh thần kỷ luật của thế giới. Ai cũng thấy việc cần làm ngay là phải tăng cường năng lực của người lao động, tăng cường năng lực của doanh nghiệp. Ngoài ra, phải cải cách hệ thống thuế để giúp cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dễ dàng hơn. Cuối cùng là cải cách hành chính để quốc gia và doanh nghiệp tiết kiệm chi phí. Đó là những việc Việt Nam cần phải làm để thúc đẩy năng lực sản xuất, là cách để Việt Nam sống sót trong kỷ nguyên mở mà Việt Nam đã theo đuổi. Ông nói tiếp :

"Việt Nam nếu muốn phát triển lên thì cần phải chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế. Mà muốn chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế thì thứ nhất là Việt Nam phải đào tạo lại hệ thống nguồn nhân lực. Đào tạo lại nhân lực đề cho người lao động có trình độ cao hơn. Khi người lao động có trình độ cao hơn thì những doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu đối với nhân lực chất lượng cao sẽ tới đầu tư. 

Việt Nam cần phải đi theo con đường của Singapore. Trong vòng hơn ba chục năm, Singapore đã đầu tư rất nhiều cho giáo dục. Hiện nay, những công ty nước ngoài đã chọn Singapore làm trụ sở, tạo ra công ăn việc làm. 

Học Trung Quốc cải cách thể chế : Đảng cộng sản trở thành bộ máy kỹ trị 

Doanh nghiệp Việt Nam chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ nền sản xuất lớn của người khổng lồ Trung Quốc. Trong khi đó, trao đổi với RFA, Kỹ sư Khiêm Nguyễn, một chuyên gia cấp cao về công nghệ và kinh doanh của công ty Voyager Space, một công ty đa quốc gia ở California, Hoa Kỳ, cho rằng mặc dù hai quốc gia đều có chung thể chế chính trị giống nhau, nhưng điều dễ thấy là nhà nước Trung Quốc vận hành rất hiệu quả, hơn Việt Nam rất nhiều lần. 

Theo Kỹ sư Khiêm Nguyễn, người đã có hàng chục đợt nghiên cứu về quản trị, công nghệ và kinh doanh tại Trung Quốc, vấn đề ý thức hệ cộng sản ở Trung Quốc không liên quan nhiều lắm đến điều hành kinh tế. Nếu như các bí thư tỉnh ủy của Việt Nam phải quản lý tất cả các lĩnh vực từ giáo dục, tư tưởng, văn hóa đến chính trị kinh tế, thì các bí thư tỉnh ủy của Trung Quốc được giao nhiệm vụ tập trung phát triển kinh tế địa phương. Còn các vấn đề khác như giáo dục, văn hóa, an ninh… thì mỗi địa phương ở Trung Quốc đều đã được chuyên môn hóa, được quản lý bởi các chuyên gia, do đó cơ quan đảng cao nhất ở địa phương không phải bận tâm tới. 

Nói cách khác, ông Khiêm Nguyễn chỉ ra là Trung Quốc chuyên môn hóa từng lĩnh vực, còn ở Việt Nam thì duy trì tình trạng mập mờ, không có sự chuyên môn hóa. Mỗi lĩnh vực, thậm chí mỗi đầu việc được chia cho nhiều cơ quan khác nhau cũng dẫm chân trên nhau để quản lý. 

Ngược lại, ở Trung Quốc, không chỉ mỗi lĩnh vực được chuyên môn hóa mà hệ thống chính trị cũng thực sự dựa trên năng lực của chuyên gia để bổ nhiệm vào các vị trí quản lý chuyên môn. Nói cách khác, không phải là chuyên gia thông thạo một lĩnh vực nào thì khó mà trở thành nhà quản lý cấp trung ở lĩnh vực đó. Việt Nam chưa đạt đến trình độ ưu tiên và chú trọng giới chuyên gia như vậy trong hệ thống chính trị. Ông nói tiếp : 

"Tức là bên Việt Nam một ông bí thư có thể phải dính vào những chuyện không phải chuyên môn của mình. Bên Trung Quốc lại khác. Bí thư và tổ chức chính quyền ở Trung Quốc được chuyên môn hóa rõ ràng. Nhiệm vụ duy nhất của bất kỳ ông bí thư tỉnh ủy nào của Trung Quốc là kinh tế, kinh tế và kinh tế. Bí thư cấp tỉnh phải bảo đảm cho quy trình kinh tế tại địa phương được thông suốt, dân phải có việc làm, chính quyển phải giúp hãng xưởng phát triển năng suất. Nhiệm vụ của bí thư cấp tỉnh phải tạo ra quy trình vận hành ở địa phương sao cho không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, sản xuất và việc làm. 

Sự khác biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc là ở chỗ đó". 

Theo ông Khiêm Nguyễn, dấu ấn của mỗi bí thư tỉnh ủy ở Trung Quốc luôn luôn là kinh tế chứ không phải là các vấn đề khác. Các vấn đề khác có chuyên gia khác lo. Một trong những điều kiện để được bổ nhiệm vào vị trí bí thư cấp tỉnh ở Trung Quốc là được đào tạo tại Trường Quản lý Kinh tế Trung Ương ở Bắc Kinh từ hai đến sáu năm. Không phải cứ nằm trong dàn cán bộ cấp tỉnh là được lên làm bí thư. Họ phải có chuyên môn rõ rệt, được đào tạo ở những trường về kinh tế, quản trị công, chính sách công ở Bắc Kinh rồi mới được đảm nhận vị trí lãnh đạo địa phương.

Mặt khác, bí thư cấp tỉnh ở Trung Quốc phải luân chuyển thường xuyên, từ ba đến năm năm, chứ không được ngồi ở một tỉnh liên tục năm năm rồi 10 năm. Còn những lĩnh vực khác ở mỗi địa phương, như an ninh, giáo dục, văn hóa… thì người Trung Quốc đã khác Việt Nam rồi. Họ đã thể chế hóa, có chuyên gia làm những cái đó. Ông chỉ ra :

"Thành ra, Đảng cộng sản Trung Quốc đã trở thành một nhóm technocrat, tức một nhóm kĩ trị. Họ có mục tiêu xây dựng một tầng lớp kỹ trị cho quốc gia để đảm đương các lĩnh vực đó. Còn vấn đề ý thức hệ cộng sản là chuyện khác, nằm ở một lĩnh vực khác, chứ không dính vào công việc thực tế hằng ngày".

 "Lý tưởng tương thông" nhưng đẳng cấp khác nhau 

RFA đặt câu hỏi với Kỹ sư Khiêm Nguyễn rằng sự khác biệt về thể chế như trên ảnh hưởng như thế nào tới các thành tựu của Trung Quốc và khả năng thích ứng của Việt Nam trước sự thay đổi và phát triển đó của Trung Quốc. Ông Khiêm Nguyễn cho rằng trước tiên cần nhìn nhận sự khác biệt rất lớn giữa hai nước "lý tưởng tương thông" này. 

Thứ nhất, theo ông Khiêm Nguyễn, khi Trung Quốc bắt đầu phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng của họ thì không chỉ phát triển ở một số khu vực quan trọng, ví dụ như khu vực giáp biên giới với Việt Nam, mà là một hệ thống rộng khắp và toàn diện, đặc biệt là về văn hóa của hệ thống. Ông nói :

"Ở Trung Quốc không có chuyện cảnh sát giao thông đứng đường, chặn đường người ta để lấy tiền. Họ có (tham nhũng) nhưng ở một dạng khác chứ không phải cái kiểu ăn vặt, đứng đường lấy tiền".

Xét riêng về năng lực sản xuất của nền kinh tế, ông Khiêm Nguyễn khẳng định không phải Việt Nam "thua kém" (có nhưng yếu hơn) Trung Quốc mà là "lệ thuộc" Trung Quốc về nguyên liệu thô phục vụ cho nền sản xuất. Nói cách khác, điểm yếu chí mạng của Việt Nam là không có, không tự chủ được chuỗi cung ứng cho nền kinh tế. Ông nói :

"Việt Nam có tự chủ được nguyên liệu thô phục vụ cho sản xuất không ? Không. Việt Nam phải nhập khẩu nguyên liệu thô từ Trung Quốc để sản xuất. Mà bây giờ nhiều khi nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc sang Việt Nam để sản xuất thì chi phí còn tốn kém hơn cả sản xuất tại Trung Quốc. Cho nên doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất luôn tại nước họ đến 80% còn lại 20% thì mang sang Việt Nam hoàn thiện công đoạn cuối để xuất đi hoặc bán tại chỗ".

Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ khẳng định Việt Nam bắt buộc phải cải cách muốn sống sót trong kỷ nguyên của nền kinh tế mở, khi người láng giềng khổng lồ phía bắc trở thành một trung tâm sản xuất với giá rẻ của thế giới. Vấn đề này vượt quá khả năng của từng doanh nghiệp mà là nhiệm vụ của chính quyền. Ông nói :

"Nền kinh tế Việt Nam hiện nay đã mở rất lớn rồi. Một khi đã mở rồi thì rất khó để đóng lại và bảo họ mà Việt Nam chỉ có thể chấp nhận một con đường là tiến lên. Tiến lên tức là đi vào con đường kinh tế tri thức. Mà muốn đi vào kinh tế tri thức thì Việt Nam phải làm ba việc sau đây.Một là đầu tư rất nhiều do giáo dục. 

Hai là đầu tư cho cơ sở hạ tầng. 

Ba là cải cách thể chế để cho nguồn vốn được di chuyển thông thoáng hơn, chính sách được thực thi tốt hơn. 

Đó là những cái Việt Nam cần làm". 

Nguồn : RFA, 05/03/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 145 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)