Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

11/03/2024

Công an gọi "thanh thiếu niên hư" để răn đe" : một hình thức trấn áp tinh thần

RFA tiếng Việt

Một trong những giải pháp phòng tội phạm mà Công an Thành phố Hồ Chí Minh nêu ra trong chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời" hôm 10 tháng 3 vừa qua, là lực lượng công an thường xuyên gọi hỏi, răn đe những đối tượng như "thanh thiếu niên hư, người có tiền án tiền sự, những người có khả năng nguy cơ phạm tội".

congan1

Công an giao thông kiểm tra giấy tờ người đi đường. Ảnh minh họa. AFP

Việc công an thường xuyên gọi hỏi thanh thiếu niên mà họ cho là hư, hay người đã từng có tiền án, được coi là nghiệp vụ của công an, như lời ông Nguyễn Doãn Tú, cựu đại úy công an nhận định với RFA :

"Theo quy định, với những người vừa thi hành án xong thì sẽ bị đưa họ vào diện sưu tra trong vòng một năm. Đó là công tác nghiệp vụ của công an. Với những vụ việc xảy ra ngay tại địa phương nơi có những người mới chấp hành án xong, thì những người này sẽ bị đưa vào diện nghi vấn đầu tiên. Họ sẽ gọi lên để đấu tranh, khai thác thông tin.

Còn việc gọi điện cho ai đó răn đe cũng nằm trong nghiệp vụ công an được yêu cầu như vậy để phục vụ công tác tái hòa nhập cộng đồng, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương. Ngăn chặn trong tư tưởng một con người có hành vi phạm tội là một cách trấn áp tinh thần.

Đây là điều không cần thiết. Điều cần thiết là phải tạo cơ chế thoáng, tạo công ăn việc làm cho người ta sinh sống thì người ta sẽ không phạm tội. Bần cùng mới sinh đạo tặc. Con mắt công an là con mắt cú vọ nên nhìn đâu cũng ra tội phạm rồi đưa người ta vào diện sưu tra".

Một người dân không muốn nêu tên bày tỏ quan điểm của ông với RFA :

"Tôi thấy công an không cần thường xuyên gọi hỏi thanh thiếu niên hư, người có tiền án để ngăn phạm tội đâu, mà người dân mới cần thường xuyên gọi điện thoại nhắc nhở cán bộ, công an đừng phạm tội mới đúng, nhất là tội tham ô, tham nhũng. Tiền tham ô, tham nhũng ảnh hưởng trực tiếp tới tiền thuế của người dân chúng tôi".

Hệ thống công an Việt Nam được đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của ĐCS Việt Nam ; được tổ chức theo cấp hành chính từ trung ương đến cơ sở dưới sự chỉ huy, quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an. Cảnh sát khu vực là công an cấp cơ sở có nhiệm vụ cùng với cán bộ phòng chống tội phạm phụ trách khu vực gọi hỏi, răn đe, giáo dục những người mà họ cho là "hư" cư trú tại địa bàn, với mục đích phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh. Anh Trần Anh Quân, một nhà hoạt động xã hội tại Sài Gòn nói với RFA :

"Nếu nói một thanh thiếu niên nào đó hư thì họ phải có chuẩn mực như thế nào là hư. Nhưng nếu họ không phạm tội mà lâu lâu công an gọi điện thoại răn đe thì rõ ràng công an đang khủng bố tinh thần và kiểm soát người dân một cách nguy hiểm. Công an muốn xây dựng hình ảnh cán bộ quan tâm đến dân, biết thiếu niên nào hư hỏng… nhưng bản chất là họ đang đe dọa người dân. Cái đó có thể do công an họ tưởng tượng ra, nó rất là nguy hiểm".

Cũng tại chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời" hôm 10 tháng 3, Trung tá Đới Ngọc Thắng - phó Phòng cảnh sát hình sự Công an Thành phố Hồ Chí Minh - cho biết, thời gian qua, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã tham mưu, triển khai nhiều kế hoạch để trấn áp các loại tội phạm ; phát huy các tổ tuần tra, giám sát như Tổ công tác 363 để giải quyết những vụ việc khi mới phát sinh dẫn đến tỉ lệ phá án là 100%.

Tổ công tác 363 mà ông Đới Ngọc Thắng nhắc đến được thành lập bởi công an TP. HCM vào năm 2018, bao gồm lực lượng cảnh sát hình sự, cảnh sát giao thông và cảnh sát cơ động. Đây cũng được coi là lực lượng tuần tra với mục tiêu chính là trấn áp tội phạm, xử lý hình sự và một số hành vi vi phạm hành chính. Lực lượng này cũng có quyền kiểm tra những người tham gia giao thông mà họ cho là có dấu hiệu phạm pháp hình sự.

Một số người dân mà RFA hỏi ý kiến đều cho biết, việc công an Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên gọi hỏi thanh thiếu niên hư, người có tiền án để ngăn phạm tội là một hình thức khủng bố tinh thần người dân, nhưng với ngành công an thì họ lại coi đó là nghiệp vụ, là thành tích.

Ông Nguyễn Khắc Toàn, một người bất đồng chính kiến từng bị tù, nói với RFA quan điểm của ông :

"Bị công an thường xuyên theo dõi, răn đe làm ảnh hưởng nặng nề, làm tổn thương tâm lý người ta. Người ta luôn sống trong tình trạng sợ hãi. Bị rình rập, bị theo dõi, bị quản chế, bị ghi vào sổ đen. Người ta sợ chứ. Trước đây tôi cũng bị quản chế 3 năm. Hàng tháng tôi phải lên công an phường, làm việc với an ninh quận. Người ta yêu cầu tôi phải trình bày tuần qua, tháng quan làm những gì".

Ngành công an được ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn luôn nhắc nhở là "Thanh bảo kiếm sắc bén" và "lá chắn vững chắc" để bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự kỷ cương của xã hội. Tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 78 vào tháng 12 năm 2022, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cũng nhắc lại điều này.

Đầu năm 2023, Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định thăng hàm cấp Tướng Công an trước thời hạn, đồng thời đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu cho sĩ quan. Bộ này cũng được cấp ngân sách cho năm 2024 cao gấp nhiều lần so với ngành y tế, ngành giáo dục, chỉ thấp hơn Bộ Quốc phòng.

Cụ thể, Bộ Quốc phòng được cấp 207 ngàn tỷ đồng từ ngân sách ; Bộ Công an hơn 113 ngàn tỷ đồng, tăng khoảng 14 ngàn tỷ đồng, từ hơn 99 ngàn tỷ đồng năm 2023 ; Bộ Giáo dục và Đào tạo hơn 7700 tỷ đồng ; Bộ Y tế hơn 7000 tỷ.

Cũng liên quan ngành công an, trong bài phỏng vấn với Đài truyền hình Việt Nam dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Bộ trưởng Công an Tô Lâm khẳng định sẽ tuyệt đối không để xảy ra bị động, bất ngờ, bảo đảm an ninh trật tự từ cơ sở, phòng ngừa từ xa và từ sớm những yếu tố gây đột biến, bất lợi.

Nguồn : RFA, 11/03/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 292 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)