Các chuyên gia cảnh báo thặng dư thương mại của Việt Nam có thể gây ra căng thẳng với Mỹ nếu ông Trump trở lại
Các nhà phân tích cảnh báo rằng thặng dư thương mại lớn của Việt Nam với Hoa Kỳ có thể gây ra căng thẳng với Washington trong trường hợp ông Trump đắc cử tổng thống lần thứ hai, trong khi xuất khẩu tấm pin mặt trời và các sản phẩm điện tử nhạy cảm khác bùng nổ.
Công nhân tại một nhà máy ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Kết quả bỏ phiếu trong ngày Siêu Thứ Ba tuần trước xác nhận cuộc bầu cử vào tháng 11 ở Mỹ sẽ là giữa Tổng thống đương nhiệm Joe Biden và ông Donald Trump, người trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình tỏ ra kém khoan dung hơn ông Biden đối với sự mất cân bằng thương mại.
Dữ liệu của Mỹ cho thấy vào năm ngoái, Việt Nam – quốc gia được coi là trung tâm sản xuất của Đông Nam Á – đạt thặng dư thương mại 104 tỷ USD với Washington, chỉ thấp hơn Trung Quốc, Liên minh Châu Âu và Mexico.
BMI, một công ty nghiên cứu và là một phần của nhóm Fitch Ratings, cho biết rằng "Việt Nam dễ bị ảnh hưởng nhất bởi chủ nghĩa bảo hộ của Hoa Kỳ".
Công ty này lưu ý rằng trong số các quốc gia không có thỏa thuận thương mại tự do với Washington, Việt Nam là quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào xuất khẩu thiết bị điện và các "hàng hóa khác có nhiều khả năng bị áp thuế hơn trong trường hợp có chính quyền Trump thứ hai".
Đồ điện tử, như máy tính hoặc điện thoại thông minh, chiếm khoảng 36% trong tổng giá trị xuất khẩu trị giá 114 tỷ USD của Việt Nam sang Mỹ vào năm ngoái.
Trong số này, gần 5 tỷ USD – tăng so với 3,2 tỷ USD một năm trước đó – thuộc về các tấm pin mặt trời, được Washington giám sát chặt chẽ vì rủi ro hàng Trung Quốc và sử dụng nguyên liệu thô từ Tân Cương, đều đang phải chịu lệnh trừng phạt của Mỹ, được đưa qua ngả Việt Nam.
Các nhóm nhân quyền cáo buộc Trung Quốc lạm dụng người Uyghur ở Tân Cương, điều mà Bắc Kinh cực lực phủ nhận.
Một nhà ngoại giao phương Tây tại Hà Nội nói rằng thặng dư thương mại của Việt Nam sẽ là rủi ro lớn nhất trong mối quan hệ với Washington nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng.
Tuy nhiên, nhà ngoại giao này kỳ vọng sẽ không có thay đổi nào trong chính sách của Hoa Kỳ nhằm hỗ trợ ngành bán dẫn của Việt Nam, điều mà ông Biden đã thúc đẩy như một phần của chính sách "friendshoring" [sản xuất tại các quốc gia bằng hữu] nhằm giảm thiểu rủi ro từ Trung Quốc cho các công ty.
Chính phủ Việt Nam đã không trả lời yêu cầu bình luận về vấn đề này.
Một đại diện của một công ty Việt Nam không muốn nêu danh tính vì không được phép trả lời truyền thông cho biết, có các lợi ích nếu ông Trump tái đắc cử, và rằng lợi ích từ lập trường cứng rắn của ông Trump đối với Trung Quốc vượt xa những rủi ro liên quan đến thương mại trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Việt Nam là một trong những quốc gia được hưởng lợi chính từ việc các công ty chuyển một số hoạt động ra khỏi Trung Quốc sau khi ông Trump tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc.
Ông Florian Feyerabend, đại diện tại Việt Nam của Quỹ Konrad Adenauer, một tổ chức tư vấn của Đức, cho biết xu hướng đó có thể sẽ tăng cường dưới thời Trump.
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng "áp lực của Mỹ lên mặt trận chính sách đối ngoại và an ninh có thể sẽ gia tăng", đồng thời lưu ý rằng nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump có thể dẫn tới sự quay trở lại của các chính sách giao dịch và tạo thêm áp lực buộc Hà Nội phải hạ cấp mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc và Nga một cách hiệu quả.
Nguồn : VOA, 12/03/2024