Các chuyên gia cảnh báo thặng dư thương mại của Việt Nam có thể gây ra căng thẳng với Mỹ nếu ông Trump trở lại
Các nhà phân tích cảnh báo rằng thặng dư thương mại lớn của Việt Nam với Hoa Kỳ có thể gây ra căng thẳng với Washington trong trường hợp ông Trump đắc cử tổng thống lần thứ hai, trong khi xuất khẩu tấm pin mặt trời và các sản phẩm điện tử nhạy cảm khác bùng nổ.
Công nhân tại một nhà máy ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Kết quả bỏ phiếu trong ngày Siêu Thứ Ba tuần trước xác nhận cuộc bầu cử vào tháng 11 ở Mỹ sẽ là giữa Tổng thống đương nhiệm Joe Biden và ông Donald Trump, người trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình tỏ ra kém khoan dung hơn ông Biden đối với sự mất cân bằng thương mại.
Dữ liệu của Mỹ cho thấy vào năm ngoái, Việt Nam – quốc gia được coi là trung tâm sản xuất của Đông Nam Á – đạt thặng dư thương mại 104 tỷ USD với Washington, chỉ thấp hơn Trung Quốc, Liên minh Châu Âu và Mexico.
BMI, một công ty nghiên cứu và là một phần của nhóm Fitch Ratings, cho biết rằng "Việt Nam dễ bị ảnh hưởng nhất bởi chủ nghĩa bảo hộ của Hoa Kỳ".
Công ty này lưu ý rằng trong số các quốc gia không có thỏa thuận thương mại tự do với Washington, Việt Nam là quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào xuất khẩu thiết bị điện và các "hàng hóa khác có nhiều khả năng bị áp thuế hơn trong trường hợp có chính quyền Trump thứ hai".
Đồ điện tử, như máy tính hoặc điện thoại thông minh, chiếm khoảng 36% trong tổng giá trị xuất khẩu trị giá 114 tỷ USD của Việt Nam sang Mỹ vào năm ngoái.
Trong số này, gần 5 tỷ USD – tăng so với 3,2 tỷ USD một năm trước đó – thuộc về các tấm pin mặt trời, được Washington giám sát chặt chẽ vì rủi ro hàng Trung Quốc và sử dụng nguyên liệu thô từ Tân Cương, đều đang phải chịu lệnh trừng phạt của Mỹ, được đưa qua ngả Việt Nam.
Các nhóm nhân quyền cáo buộc Trung Quốc lạm dụng người Uyghur ở Tân Cương, điều mà Bắc Kinh cực lực phủ nhận.
Một nhà ngoại giao phương Tây tại Hà Nội nói rằng thặng dư thương mại của Việt Nam sẽ là rủi ro lớn nhất trong mối quan hệ với Washington nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng.
Tuy nhiên, nhà ngoại giao này kỳ vọng sẽ không có thay đổi nào trong chính sách của Hoa Kỳ nhằm hỗ trợ ngành bán dẫn của Việt Nam, điều mà ông Biden đã thúc đẩy như một phần của chính sách "friendshoring" [sản xuất tại các quốc gia bằng hữu] nhằm giảm thiểu rủi ro từ Trung Quốc cho các công ty.
Chính phủ Việt Nam đã không trả lời yêu cầu bình luận về vấn đề này.
Một đại diện của một công ty Việt Nam không muốn nêu danh tính vì không được phép trả lời truyền thông cho biết, có các lợi ích nếu ông Trump tái đắc cử, và rằng lợi ích từ lập trường cứng rắn của ông Trump đối với Trung Quốc vượt xa những rủi ro liên quan đến thương mại trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Việt Nam là một trong những quốc gia được hưởng lợi chính từ việc các công ty chuyển một số hoạt động ra khỏi Trung Quốc sau khi ông Trump tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc.
Ông Florian Feyerabend, đại diện tại Việt Nam của Quỹ Konrad Adenauer, một tổ chức tư vấn của Đức, cho biết xu hướng đó có thể sẽ tăng cường dưới thời Trump.
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng "áp lực của Mỹ lên mặt trận chính sách đối ngoại và an ninh có thể sẽ gia tăng", đồng thời lưu ý rằng nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump có thể dẫn tới sự quay trở lại của các chính sách giao dịch và tạo thêm áp lực buộc Hà Nội phải hạ cấp mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc và Nga một cách hiệu quả.
Nguồn : VOA, 12/03/2024
Theo một cuộc thăm dò mới đây của NBC News, cử tri Mỹ hiện đang coi "các mối đe dọa đối với nền dân chủ" là vấn đề quan trọng nhất mà đất nước họ phải đối mặt. Điều này vừa đáng lo ngại, vừa đáng hoan nghênh – vì nó có nghĩa là mọi người đã chú ý. Cũng cần lưu ý rằng đây không chỉ là vấn đề của riêng nước Mỹ. Các nền dân chủ đang sa sút trên toàn thế giới. Theo khảo sát mới nhất của Economist Intelligence Unit, hiện có 59 quốc gia theo chế độ chuyên chế, tương đương 37% dân số thế giới.
Tuy nhiên, trong số 59 chế độ này, chỉ có hai chế độ – Trung Quốc và Nga – là đủ mạnh để gây ra những thách thức lớn đối với trật tự quốc tế.
Tất nhiên, hai quốc gia này rất khác nhau. Trung Quốc là một siêu cường thực sự, sở hữu một nền kinh tế mà theo nhiều khía cạnh đã vượt qua Mỹ. Còn Nga chỉ là cường quốc hạng ba về mặt kinh tế, và các sự kiện kể từ ngày 24/02 cho thấy quân đội nước này yếu hơn nhiều so với những gì các nhà quan sát nghĩ. Tuy nhiên, họ nắm trong tay vũ khí hạt nhân.
Nhưng Trung Quốc và Nga có một điểm chung : cả hai hiện đang có thặng dư thương mại rất lớn. Liệu những thặng dư này có phải là dấu hiệu của sức mạnh ? Liệu chúng có là bằng chứng cho thấy chế độ chuyên chế thực sự hiệu quả ?
Không, trong cả hai trường hợp, thặng dư là dấu hiệu của sự yếu kém. Tình hình hiện tại cho chúng ta cơ hội chỉnh sửa quan niệm phổ biến – vốn được nhiều người ủng hộ, mà nổi bật là Donald Trump – rằng nếu một quốc gia bán được nhiều hàng hơn số họ mua vào, họ sẽ là "người chiến thắng".
Hãy bắt đầu với Nga, nước có thặng dư thương mại tăng vọt kể từ khi Vladimir Putin xâm lược Ukraine. Tại sao lại như thế ? Nguyên nhân phần lớn đến từ kết quả của các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây, vốn đã có hiệu quả đáng ngạc nhiên – dù không theo cách mà nhiều người mong đợi.
Khi cuộc xâm lược nổ ra, đã có nhiều lời kêu gọi cấm vận xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga. Tuy nhiên, trên thực tế, Nga không gặp quá nhiều khó khăn trong việc duy trì xuất khẩu dầu mỏ của mình ; họ đang bán dầu thô với giá chiết khấu, nhưng mức giá toàn cầu cao nghĩa là họ vẫn sẽ thu được nhiều tiền. Và việc xuất khẩu khí đốt của Nga sang Châu Âu giảm mạnh đã cho thấy chế độ Putin đang gây áp lực lên phương Tây, hơn là chiều ngược lại.
Thay vào đó, các biện pháp trừng phạt đã làm suy yếu khả năng nhập khẩu hàng hóa của Nga, đặc biệt là khả năng mua các đầu vào công nghiệp quan trọng của nước này. Ví dụ, báo cáo chỉ ra rằng các hãng hàng không Nga đang phải ngừng sử dụng một số máy bay của họ để tháo lấy phụ tùng thay thế mà họ không còn mua được ở nước ngoài.
Vì vậy, thặng dư thương mại của Nga thực chất là một tin xấu đối với Putin, một dấu hiệu cho thấy đất nước của ông đang gặp khó khăn trong việc sử dụng tiền mặt để mua các hàng hóa cần thiết nhằm duy trì nỗ lực chiến tranh.
Vấn đề của Trung Quốc thì lại khác : Thặng dư thương mại của nước này là kết quả của những vấn đề nội bộ đã có từ lâu, mà sau cùng có thể sẽ bộc phát.
Các nhà quan sát nước ngoài từ lâu đã nhận ra rằng có quá ít thu nhập quốc dân của Trung Quốc được chuyển đến dân chúng, do đó chi tiêu tiêu dùng vẫn thấp bất chấp kinh tế tăng trưởng nhanh chóng. Thay vào đó, nước này đã ít nhiều duy trì tình trạng toàn dụng lao động bằng cách chuyển tín dụng giá rẻ vào các khoản đầu tư ngày càng kém hiệu quả, mà trên hết là thị trường bong bóng bất động sản với nền tảng là nợ tư nhân ngày càng tăng.
Trung Quốc đã cố gắng chơi trò chơi không bền vững này suốt một thời gian dài đáng kể. Tuy nhiên, lúc này đây, thị trường nhà ở của Trung Quốc dường như đang sụp đổ và nhu cầu của người tiêu dùng cũng đang giảm sút. Điều đó đang kéo nhập khẩu của nước này đi xuống – cũng tức là thặng dư thương mại sẽ đi lên. Một lần nữa, thặng dư có thể là một dấu hiệu của sự yếu kém, không phải là sức mạnh.
Ngoài ra, còn có hai điểm nữa cần nói về Trung Quốc. Thứ nhất, nền kinh tế của nước này đang bị ảnh hưởng bởi việc chính phủ từ chối thay đổi một chiến lược kiềm chế covid thất bại, chủ yếu dựa vào vaccine nội địa tương đối kém hiệu quả và chính sách phong tỏa hà khắc để ngăn chặn đại dịch.
Thứ hai, trong điều kiện hiện tại, cầu yếu ở Trung Quốc vô tình lại có lợi cho phần còn lại của thế giới.
Cách đây một chục năm, nền kinh tế thế giới đã rơi vào tình trạng không đủ cầu, và thặng dư thương mại của Trung Quốc khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn vì nó hút sức mua ra khỏi phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, ngày nay, nền kinh tế thế giới đang trong thế không đủ cung, dẫn đến lạm phát cao ở nhiều nước. Trong bối cảnh này, sự yếu kém của Trung Quốc thực sự có lợi cho các nước còn lại : Cầu giảm ở Trung Quốc đang làm giảm giá dầu và các mặt hàng khác, theo đó làm giảm áp lực lạm phát toàn cầu.
Vậy chúng ta có thể học được gì từ các nhà chuyên chế và thặng dư thương mại của họ ?
Như tôi đã nói, chúng ta đang chứng kiến thực tế rằng xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu không có nghĩa là bạn đang chiến thắng : Theo những cách khác nhau, thặng dư thương mại của Nga và Trung Quốc đại diện cho thất bại hơn là thành công.
Ở cấp độ rộng hơn, chúng ta cũng nhận ra những rắc rối của các chế độ chuyên chế, khi mà chẳng một ai có thể nói với nhà lãnh đạo rằng họ đã sai. Putin có lẽ đã quyết định xâm lược Ukraine một phần vì các thuộc hạ quá sợ hãi, không dám cảnh báo ông về giới hạn sức mạnh quân sự của Nga. Tương tự, phản ứng covid của Trung Quốc đã đi từ hình mẫu đáng noi theo sang một câu chuyện cảnh giác, chắc hẳn là vì không ai dám nói với Tập Cận Bình rằng chính sách chủ chốt của ông ấy đang không hiệu quả.
Tóm lại thì chế độ chuyên chế có thể đang lan rộng – nhưng không phải vì nó có hiệu quả tốt hơn chế độ dân chủ.
Paul Krugman
Nguyên tác : "Of Dictators and Trade Surpluses", New York Times, 22/08/2022
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 30/08/2022
Paul Krugman là chuyên gia bình luận của New York Times từ năm 2000, đồng thời là giáo sư tại Viện Cao học Đại học Thành phố New York. Ông giành Giải thưởng Nobel Kinh tế năm 2008 cho công trình nghiên cứu về thương mại quốc tế và địa lý kinh tế.
Tương lai đối tác cựu thù : Việt Nam giải quyết thặng dư thương mại kỷ lục với Mỹ như thế nào ?
Dù mới được Bộ Tài chính Mỹ cho ra khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ và thoát khỏi nguy cơ bị Mỹ đánh thuế hàng hóa nhưng Việt Nam còn cần phải giải quyết thặng dư thương mại đang ở mức cao kỷ lục với Mỹ để tránh những căng thẳng trong tương lai.
Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng là người đứng đầu Đảng Cộng sản đầu tiên và duy nhất từng tới thăm Nhà Trắng, trong bức ảnh cùng Phó Tổng thống lúc đó Joe Biden chụp ngày 7/7/2015.
Thặng dư thương mại ngày càng tăng cao giữa Việt Nam và Mỹ được xem là một vấn đề cản trở sự phát triển mối quan hệ kinh tế giữa hai nước dù lợi ích song trùng về anh ninh chiến lược và ổn định khu vực giữa Hà Nội và Washington đang ngày càng đưa hai nước gần lại với nhau hơn.
Bộ Tài chính Mỹ dưới thời Tổng thống Trump đã đưa Việt Nam và danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ và một trong ba tiêu chí được dùng để đánh giá là có mức thặng dư thương mại song phương với Mỹ trên 20 tỷ USD. Cơ quan Đại diện Thương mại hóa Kỳ, cũng trong thời gian ông Trump làm tổng thống, đã tiến hành điều tra các hành vi định giá tiền tệ và sử dụng nguồn gốc gỗ được cho là phi pháp của Việt Nam.
Tuy nhiên Bộ Tài chính Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden mới đây đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách thao túng tiền tệ, một kết quả mà Thủ tướng Phạm Minh Chính nói là một "nỗ lực lớn" về ngoại giao của Việt Nam.
"Chúng tôi hoan nghênh động thái mới nhất của chính quyền Biden khi rút Việt Nam ra khỏi danh sách này và chúng tôi không còn là nước thao túng tiền tệ nữa", Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, Hà Kim Ngọc, cho biết hôm 27/4 tại một buổi hội thảo trực tuyến, do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington tổ chức. "Nhưng chúng tôi biết rằng chúng tôi còn có những vấn đề cần phải cùng nhau giải quyết".
Thặng dư thương mại kỷ lục
Việt Nam là quốc gia có mức thặng dư thương mại vào Mỹ lớn thứ 3 trên thế giới, sau Trung Quốc và Mexico. Năm ngoái mức thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam đạt mức kỷ lục, gần 69,7 tỷ USD, và là mức cao nhất kể từ khi hai quốc gia cựu thù nối lại giao thương hàng hóa vào năm 1992. Đây là mức tăng gần 25% so với năm trước đó, theo thống kê của Cục Dân số hóa Kỳ.
Đại sứ Ngọc cho rằng vấn đề thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam ngày càng tăng cao là một thực tế và Hà Nội đã hợp tác chặt chẽ với Washington để giải quyết vấn đề này.
"Chúng tôi đã mua nhiều hàng hóa Mỹ hơn. Chúng tôi mở cửa thị trường cho các sản phẩm của Mỹ và chúng tôi thấy là các dịch vụ và các mặt hàng nông sản xuất khẩu từ Mỹ sang Việt Nam tăng mạnh. Đồng thời chúng tôi cũng khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào hóa Kỳ", Đại sứ Việt Nam tại Washington nói.
An Phát Holdings, công ty sản xuất nhựa thân thiện với môi trường hàng đầu ở Đông Nam Á của Việt Nam, đã đầu tư 200 triệu USD để xây dựng một nhà máy ở Mỹ. Theo Đại sứ Ngọc, công ty của Việt Nam đã tạo ra hàng trăm việc làm ở Mỹ và đang mở rộng các hoạt động ở đây.
Vingroup, tập đoàn kinh doanh lớn nhất Việt Nam, hiện cũng đang có kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất ô tô điện tại California. Đại sứ Ngọc cho biết tại sự kiện của CSIS về tương lai quan hệ đối tác Việt Nam và Mỹ rằng, Vingroup đang đầu tư hàng trăm triệu USD để sản xuất xe ô tô điện tại Mỹ. Còn theo Bloomberg, tỷ phú Phạm Nhật Vượng, người sáng lập Vinfast – hãng sản xuất ô tô nội địa hàng đầu Việt Nam thuộc tập đoàn Vingroup, sẽ đóng góp 2 tỷ USD từ tài sản của mình vào tham vọng của Vinfast tại thị trường Mỹ.
Thủ tướng Chính trong tháng này cũng nói rằng Việt Nam đang làm việc với các cơ quan chức năng của Mỹ trong tổng thể Kế hoạch Hành động hướng đến cán cân thương mại hài hóa bền vững giữa hai nước.
Sự gia tăng nhanh chóng trong thặng dư thương mại với Mỹ đã khiến Việt Nam trở thành trọng tâm bị nhắm mục tiêu của Washington dưới thời chính quyền Tổng thống Trump, người đã đe doạ áp thuế lên hàng hóa Việt Nam nếu quốc gia Đông Nam Á không tìm cách giải quyết việc này.
Tăng cường nhập khẩu
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và để tránh bị nhắm mục tiêu trở lại cho một "cuộc chiến thương mại" tiềm năng, Việt Nam đã nỗ lực làm "hài hòa hóa" cán cân thương mại với hóa Kỳ bằng cách nhập khẩu nhiều hơn các mặt hàng của Mỹ trong những năm gần đây. Năm ngoái, Việt Nam phê duyệt một dự án điện khí hóa lỏng (LNG) của tập đoàn ExxonMobil của Mỹ ở Hải Phòng trị giá hơn 5 tỷ USD để sử dụng LNG nhập khẩu từ Mỹ. Trước đó, một công ty liên doanh của Mỹ với Việt Nam, LNG Chân Mây, cũng đã lên kết hoạch đầu tư tới 6 tỷ USD vào một dự án điện ở Việt Nam để tìm cách thu lợi nhuận từ nhu cầu điện tăng cao của quốc gia Đông Nam Á cũng như giúp thu hẹp thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam. Hồi tháng 7 năm ngoái, Việt Nam công bố đã nhập khẩu lô than đá đầu tiên từ Mỹ, mở đường cho việc nhập khẩu mặt hàng này của Mỹ trong dài hạn.
Việt Nam và Mỹ, theo Bộ Công thương cho biết, đã xây dựng một kế hoạch hành động với nhiều giải pháp cụ thể hướng đến cán cân thương mại hài hòa và bền vững giữa hai nước trong đó có việc đẩy mạnh hợp tác giữa chính phủ Hà Nội với các chính quyền liên bang cũng như các tiểu bang của hóa Kỳ. West Virginia là một trong những tiểu bang của Mỹ hợp tác với Bộ Công thương Việt Nam, khi năm ngoái đã xuất khẩu gỗ cứng có giá trị 14,8 triệu USD và các sản phẩm khác với tổng trị giá hơn 5 triệu USD.
Việt Nam nhập khẩu các mặt hàng từ Mỹ trị giá gần 10 tỷ USD trong năm ngoái. Tuy nhiên con số này thấp hơn 8 lần so với mức xuất khẩu 79 tỷ USD hàng hóa Việt Nam sang Mỹ.
Theo Giám đốc điều hành của Phòng Thương mại hóa Kỳ AmCham ở Thành phố Hồ Chí Minh, Mary Tarnowka, cho biết tại buổi thảo luận của CSIS hôm 27/4, để giải quyết sự mất cân bằng về cán cân thương mại với Mỹ, Việt Nam có thể "tăng cường nhập khẩu năng lượng, nông sản, máy bay, các thiết bị hạ tầng, và thậm chí có thể là cả các mặt hàng quốc phòng".
Theo người từng là Tổng lãnh sự Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh, chính quyền Mỹ hiện tại có thể "không hoàn toàn chú ý đến vấn đề này" nhưng bà Tarnowka cho rằng Việt Nam cần tiếp tục tìm cách giải quyết vấn đề mất cân bằng trong cán cân thương mại với Mỹ vì lợi ích của mối quan hệ và tránh những căng thẳng giữa hai nước trong tương lai.
Tuy nhiên, với bối cảnh đại dịch Covid và sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu của Mỹ ra khỏi Trung Quốc – khi Việt Nam là nơi nhiều công ty Mỹ lựa chọn để đưa dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc tới trong bối cảnh chiến tranh thương mại – thì thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam có thể sẽ còn tăng trong thời gian tới, theo Đại sứ Ngọc.
"Tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể giải quyết vấn đề này một sớm một chiều và tôi nghĩ với nhu cầu tăng cao từ Mỹ đối với hàng hóa từ Đông Nam Á và nhất là từ Việt Nam, thì chúng ta sẽ thậm chí còn thấy một sự gia tăng (về mất cân bằng) trong thương mại song phương", Đại sứ Việt Nam tại Washington nói. "Nhưng tôi muốn nói rằng cả hai bên đều có tin thần hợp tác và cùng nỗ lực làm cân bằng cán cân thương mại. Tuy nhiên sẽ mất một thời gian dài".