Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

13/03/2024

Nguy cơ nước mặn lấn sâu vào Đồng bằng sông Cửu Long

RFA tiếng Việt

2024 : nước mặn lấn sâu vào đất liền Đồng bằng sông Cửu Long, do đâu ?

RFA, 13/03/2024

Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào cao điểm của đợt nắng nóng, khô hạn, và xâm nhập mặn.

nuocman1

Ảnh minh họa chụp tại Sóc Trăng trước đây. AFP PHOTO

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự đoán, hiện tượng này có thể tác động đến nguồn nước ngọt, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của người dân, tại các tỉnh : Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng.

Đối phó với hạn mặn, hôm 12/3, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam đưa ra kiến nghị dẫn nước từ sông Sài Gòn hoặc Đồng Nai cấp cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Giải pháp "không dễ dàng"

Kiến nghị của ông Tam được Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ cho rằng "không dễ dàng" thực hiện.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn nói với RFA hôm 13/3/2024 :

"Chưa biết ý tưởng đó dựa vào cơ sở nào ? Bởi vì khi mùa khô hạn thì nước sông Sài Gòn cũng thiếu, chứ không phải là dư giả. Với lại bây giờ nước sông Sài Gòn không phải là dồi dào nguồn nước sạch, để mà dẫn về cho các tỉnh miền Tây, đây không phải là chuyện dễ dàng. Về mặt kỹ thuật thì dẫn nước đi đâu cũng được, nhưng đôi khi tính khả thi rất thấp. Trong trường hợp này thì tôi cũng chưa biết đây là một ý tưởng hay là một dự án có sẵn, nên hơi khó để mà nói được hay không được".

Là người có nhiều nghiên cứu sâu về Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Anh Tuấn đưa ra nhận định tình hình hạn mặn hiện nay ở khu vực này :

"Năm nay lập lại hạn mặn gây gắt như 2016 – 2020, tức là hiện tượng El Niño quay trở lại theo chu kỳ 4 năm 2016 2020 và bây giờ 2024. Nhưng năm nay nông dân Đồng bằng sông Cửu Long rút được kinh nghiệm của hai đợt trước, họ xuống giống vụ đông xuân rất sớm, nên đã kịp thu hoạch. Bây giờ chỉ còn khó khăn trong chuyện cấp nước, vì khắp nơi đang bị khô hạn, nên nước mặn xâm nhập vào nhiều. Tuy nhiên chúng tôi thấy một số nơi nông dân biết cách trữ nước trong ao hay mua nước trữ, các công ty cấp nước cũng có kế hoạch chuyển nước đến vùng khác để giúp bà con".

Ông Tuấn cho biết ông và các nhà khoa học cũng đã khuyến cáo nông dân không nên xuống giống trồng trọt ; thay vào đó trữ nước cho sinh hoạt, chăn nuôi và cho thủy sản. Cuối cùng nếu vẫn còn dư nước thì mới dùng cho các loại cây ít sử dụng nước. Có như vậy, theo ông Tuấn, nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long mới hy vọng có thể cầm cự qua được giai đoạn khô hạn như hiện nay.

Một nông dân ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long không muốn nêu tên vì lý do an toàn nói với RFA hôm 13/3 :

"Vất vả lắm… nói chứ người nông dân là chịu vất vả nhất, thiệt thòi nhất… mặn hổm nay thấy nó cằn quá… bơm cực lắm, nước nó bị chè… cây cằn cằn hoài không chịu tốt…"

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, một nhà sinh thái học và là chuyên gia về Đồng bằng sông Cửu Long, hôm 13/3 khi trả lời RFA cho rằng hạn mặn năm nay đến sớm là không chính xác, ông lý giải :

"Bây giờ là tháng Ba, nếu đến sớm phải đến từ tháng 12/2023. Thứ hai là mực nước trên sông Mekong năm nay không hề cạn kiệt như năm 2019 – 2020. Việc mùa hạn không đến sớm mặc dù đang trong tình trạng El Niño, bởi vì năm 2023 đỉnh lũ muộn do thời tiết và do sự vận hành của các đập thủy điện làm đỉnh lũ kéo dài đến cuối tháng mười. Cho nên đầu mùa khô ở đồng bằng vẫn còn ẩm ướt".

nuocman2

Ảnh minh họa chụp tại Cần Thơ năm 2023. AFP.

Nguyên nhân mặn lấn sâu đất liền

Tuy nhiên liên quan đến dự báo các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long năm nay mặn lấn sâu vào trong đất liền, chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện cho rằng :

"Thực tế tôi thấy sông Mekong năm nay không cạn kiệt, mà thọc sâu có thể là do năm nay các tỉnh đã đóng cống ngăn mặn quá sớm và có nhiều công trình cống ngăn mặn mới xuất hiện. Khi đóng bít hết rồi thì khi thủy triều lên, nước mặn chỉ còn vào dòng chính, đẩy sâu vào trong đất liền, do không còn đường nào để lan tỏa. Cho nên việc mặn lấn sâu không thể nói như năm 2016 -2020 được".

Ngoài ra Chuyên gia Thiện cho rằng, khi nói đến hạn mặn phải phân biệt hai vùng : đó là vùng cửa sông Cửu Long từ Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng, đó là vùng tranh chấp giữa nước biển và nước sông Mekong ; Còn vùng bán đảo Cà Mau từ Bạc Liêu xuống Cà Mau vòng qua một phần Kiên Giang thì không nhận được nước của sông Cửu Long, nước ngọt chủ yếu là nước mưa… năm nay là năm hạn mưa ít… nên theo ông Thiện việc thiếu nước là đáng lo ngại.

Ông Thiện nhận định thêm về những cố gắng cải thiện hạn mặn xâm nhập thời gian qua của Chính phủ :

"Chính phủ có một quyến sách rất lớn, mang tầm chiến lược là nghị quyết 120 năm 2017, theo nguyên tắc thuận thiên, chuyển đổi nông nghiệp, đặc biệt vùng ven biển để thích ứng điều kiện mới, thay vì chống lại thiên nhiên… Nguyên tắc như vậy, nhưng trên thực tế đã có những công trình chống hạn mặn và những công trình ngọt hóa có sẵn từ trước, hệ thống canh tác của nông dân cũng theo những công trình đó… các tỉnh thì người ta chỉ nhìn thấy trước mắt, hạn mặn gây thiệt hại thì dùng công trình để hạn chế thiệt hại".

Theo đánh giá của Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, cách dùng biện pháp công trình để đối phó thiên nhiên chỉ là giải pháp tạm thời. Còn trong tương lai, ông Thiện cho rằng giải pháp lâu dài là phải thích ứng và phải thực hiện đúng tinh thần thuận tự nhiên của Nghị quyết 120.

Nguồn : RFA, 13/03/2024

****************************

Bến Tre : xâm nhập mặn tăng cao

RFA, 12/03/2024

Hiện xâm nhập mặn tại tỉnh Bến Tre tăng cao và đạt đỉnh trên các sông chính. Độ mặn 4‰ xâm nhập cách các cửa sông chính khoảng 55-69km ; độ mặn 1‰ xâm nhập cách các cửa sông chính khoảng 70-79km.

nhapman1

Nhiều người dân tự trang bị dụng cụ đo độ mặn trước khi lấy nước vào mương, ruộng phụ vụ cho sản xuất – Tài nguyên và môi trường

Ông Bùi Văn Thắm – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre báo cáo thông tin trên với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, trong chuyến kiểm tra công tác phòng chống hạn mặn mùa khô năm 2023 - 2024 trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Truyền thông loan trong cùng ngày.

Theo ông Thắm, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Bến Tre mùa khô năm 2023-2024 đến sớm, sâu và kéo dài hơn so với trung bình nhiều năm. Tình hình xâm nhập mặn tăng cao và đạt đỉnh trên các sông chính trong tháng 3/2024.

Qua đó, lãnh đạo tỉnh Bến Tre kiến nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu xây dựng cống ngăn mặn tại cửa sông Hàm Luông kết hợp với cầu Hàm Luông trên tuyến đường bộ ven biển ngăn nước mặn xâm nhập vào cửa sông này vào nội đồng.

Toàn tỉnh Bến Tre hiện có 67 nhà máy cấp nước, trong đó có 40 nhà máy nước bị ảnh hưởng hạn mặn với 12 ngàn hộ dân. Do đó, Thứ trưởng Hiệp yêu cầu tỉnh cần nhanh chóng thực hiện dự án cấp nước sinh hoạt trên địa bàn để nhanh chóng cung cấp nước ngọt cho khoảng 13 ngàn hộ.

Ngoài ra, ông Hiệp cho biết Bộ sẽ cố gắng hoàn tất các thủ tục để cơ bản đến năm 2026 sẽ xây dựng hoàn thành các công trình thuộc dự án JICA -3, cùng với các công trình khác cơ bản khép kín hệ thống thủy lợi tiểu vùng Bắc Bến Tre.

Đối với tiểu vùng Nam Bến Tre, Bộ sẽ dùng vốn đầu tư Trung hạn và xin ý kiến Chính phủ bổ sung hơn 2.000 tỷ để đầu tư các dự án thủy lợi cho tiểu vùng này. Như vậy dự kiến đến năm 2027 cơ bản toàn tỉnh Bến Tre sẽ ổn định được nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất trước diễn biến của xâm nhập mặn.

Nguồn : RFA, 12/03/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 302 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)