Người trong nghề không hy vọng nhiều
Còn hơn một tháng nữa mùa du lịch biển 2024 tại Việt Nam sẽ chính thức bắt đầu vào đúng dịp nghỉ lễ 30/4 và 01/5. Như thông lệ, các trung tâm du lịch biển trên khắp cả nước, các doanh nghiệp lữ hành, và các resort, khách sạn vào thời điểm này đã rộn ràng giới thiệu các chương trình khuyến mãi, quảng bá để thu hút du khách. Tuy nhiên, họ cho biết không kỳ vọng nhiều, kể từ đại dịch tới nay.
Toàn cảnh hành lang bảo vệ bờ biển Phú Yên, địa phận Khu tái định cư Lễ Thịnh, thôn Phú Lương, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An. Ven biển là hàng trăm tàu thuyền neo đậu, chụp lúc hơn 7g sáng. Cá cơm và tôm hùm giống là đặc sản của làng biển này.
Những người làm việc trong lĩnh vực này nói thực trạng ‘trầm lắng’ bắt nguồn từ những khó khăn nội tại của nền kinh tế Việt Nam và sự sụt giảm nghiêm trọng của một số thị trường khách truyền thống như Nga, Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành thậm chí đã phải chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực khác, còn người lao động thì không hiếm trường hợp đã bỏ nghề.
Chị Nguyễn Thanh Huyền, chủ bút một tạp chí chuyên làm truyền thông, quảng bá cho các trung tâm du lịch, resort và khách sạn cao cấp tại Sài Gòn,cho biết mọi năm vào thời điểm này, tạp chí của chị đã tới tấp nhận được các hợp đồng, thậm chí anh em trong tạp chí còn không chạy việc kịp và chị thường xuyên phải từ chối những hợp đồng nhỏ. Nhưng năm nay, tới giờ tạp chí của chị vẫn chưa nhận được bất kỳ một hợp đồng quảng bá nào dù mùa du lịch biển đã đến rất gần.
"Chán lắm. Bây giờ bắt bớ lung tung thế thì làm ăn gì. Dân chẳng có tiền thì đi du lịch thế nào. Thứ hai là mấy cái resort, khách sạn đều đi ra từ bất động sản mà bây giờ cứ bắt bớ lung tung thế, các chủ resort, khách sạn người ta không bơm tiền vào nữa thì lấy tiền đâu ra", chị Huyền nói với VOA.
Để tạp chí có thể tồn tại và có công ăn việc làm tạm thời cho phóng viên, chị Huyền cho biết phải chuyển hướng sang lĩnh vực kinh doanh, quảng bá mỹ phẩm và một số sản phẩm chăm sóc sắc đẹp nhờ vào mối quan hệ khá thân thiết với giới showbiz tại Việt Nam nhiều năm qua. Nhưng theo chị, nếu tình hình này tiếp tục kéo dài thì chuyện đóng cửa tạp chí, giải tán doanh nghiệp là điều không thể tránh khỏi.
"Đói lắm. Nhưng thôi, mình dân ngu khu đen thì mình cứ đến đâu mình tính đến đấy vậy", chị Huyền than thở.
Anh Nguyễn Thành Hưng, chủ một doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội, cho biết mùa du lịch biển năm nay anh cũng không có kỳ vọng gì bởi những vấn đề khiến tình trạng ngành du lịch Việt Nam ảm đạm mấy năm gần đây, theo anh, sẽ còn kéo dài.
"Bây giờ vắng lắm. Bởi vì nói chung kinh tế nó quyết định mà. Sức mua và nhu cầu của người dân giảm thì các hoạt động du lịch là giảm đầu tiên vì người ta phải ưu tiên những nhu cầu như ăn mặc, vốn là thiết yếu trước chứ. Ông đang đói thì ông đi chơi sao được", anh Hưng chia sẻ và cho biết doanh nghiệp của anh chỉ lác đác tổ chức được một vài tour cho khách du lịch Ấn Độ và Hàn Quốc từ đầu năm đến nay.
Anh Hưng nói kinh tế ảm đạm, người dân không có tiền nhưng giá tour lại phải tăng, nên càng khiến những doanh nghiệp lữ hành thêm khốn đốn trước mùa du lịch biển năm nay.
"Giá vé máy bay giờ tăng cao. Ví dụ như giá vé từ Hà Nội vào Sài Gòn giờ lên đến 4 triệu/lượt thì ai người ta đi làm gì. Như thế người ta thậm chí đi chơi nước ngoài còn rẻ hơn", anh Hưng tiếp lời.
Anh cho biết với tình trạng hiện tại, anh đã sa thải hết nhân viên. Bây giờ anh là nhân viên duy nhất vừa nhận khách kiêm tổ chức tour, và anh chỉ cộng tác thêm với 1-2 hướng dẫn viên, trả lương theo tour để tiết kiệm chi phí.
Anh Nguyễn Thanh Sơn, một giám đốc kinh doanh làm việc cho một doanh nghiệp nước ngoài chuyên về đồ lưu niệm miễn thuế tại Hà Nội, nhận xét riêng đối với khách quốc tế thì du lịch Việt Nam chưa thể thu hút được lượng khách như thời trước đại dịch Covid.
"Việt Nam mình đen ở chỗ là Nga giờ đang đánh nhau. Chứ ngày xưa chưa đánh nhau thì Nga họ vào mình nhiều lắm. Họ đi biển kinh luôn mà khách Nga thì lại chi tiêu nhiều. Khách Trung Quốc giờ cũng chưa nhiều lắm. Không biết làm sao. Giờ chỉ có khách Hàn Quốc và khách Ấn Độ là sang nhiều", anh Sơn cho biết và nói thêm rằng tuy lượng khách Ấn Độ và Hàn Quốc có tăng nhưng vẫn không thể bù đắp cho việc mất đi nguồn khách từ Nga do chiến tranh tại Ukraine.
Anh Trần Thành Nam, một hướng dẫn viên có thâm niên tại Hà Nội, chia sẻ với VOA rằng vài năm nay kể từ sau đại dịch Covid, anh chỉ có thể cầm cự qua ngày vì nhận được rất ít tour từ các công ty lữ hành. Không còn hy vọng, anh đang chuẩn bị vào Nam kết hợp với người bạn để làm việc trong lĩnh vực khác, thay vì lay lắt sống qua ngày chờ khách như hiện tại.
"Mình mở xưởng sản xuất đồ ăn sẵn bán. Nói chung là đầu tư để làm đồ ăn sẵn thì mình cũng chỉ đầu tư ít thôi chứ không phải đầu tư nhiều", anh Nam nói.
Một số khách du lịch đến Việt Nam vào thời điểm này cho biết họ được hưởng mức giá tương đối hời trong hầu hết dịch vụ.
Chị Nguyễn Thùy Mi, một Việt kiều từ Canada cho con tranh thủ về Việt Nam chơi trong kỳ nghỉ xuân, cho biết chị đã giật mình vì mức giá quá rẻ của các dịch vụ du lịch hiện tại. Ví dụ như tại trung tâm du lịch biển Đà Nẵng, giá phòng khách sạn trung bình đã giảm tới 50%. Bên cạnh đó, các loại hình dịch vụ khác cũng đều giảm giá ở mức tương tự nếu so với trước đại dịch cũng vào dịp này năm 2019.
"Thuê xe thì có 1 triệu/ngày mà mình yêu cầu đi đâu là đi đấy cả ngày, giống như tài xế riêng đấy. Thế mà giờ chỉ là 1 triệu/ngày thôi. Quá rẻ so với trước", chị Mi nói.
Báo chí trong nước dẫn lời ông Cấn Văn Lực, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng rủi ro địa chính trị và cạnh tranh chiến lược giữa các nước khiến chuỗi cung ứng gián đoạn giữa lúc kinh tế thế giới suy thoái nhẹ, đặc biệt là Trung Quốc hiện tăng trưởng ở mức thấp khoảng 4,5%, làm giảm nhu cầu thương mại, đầu tư và du lịch quốc tế của Việt Nam.
Truyền thông nhà nước cũng dẫn dữ liệu từ Cục Du lịch Quốc gia cho biết tổng lượng khách du lịch quốc tế vào Việt Nam năm ngoái là 12,5 triệu lượt khách, khách du lịch nội địa là 108 triệu lượt, cả hai đều vượt kế hoạch đề ra từ đầu năm. Nhưng các chuyên gia cho rằng khó có thể nói "du lịch Việt Nam trong năm 2023 là thành công rực rỡ" vì số lượng khách quốc tế như vậy là giảm tới gần 6 triệu lượt so với năm 2019. Doanh thu vì thế cũng giảm từ 726.000 tỉ năm 2019 xuống 672.000 tỉ đồng trong năm 2023.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng được báo nhà nước dẫn lời hồi cuối năm ngoái cho biết trong khi các thị trường khách truyền thống của Việt Nam như Nga và Trung Quốc đang gặp khó khăn do cuộc chiến tại Ukraine và những vấn đề quốc tế khác, thì việc khai thác những thị trường mới, thị trường tiềm năng của ngành du lịch Việt Nam vẫn còn chậm. Du lịch Việt hiện cũng thiếu hệ thống văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia, sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các cơ quan trong nước và các cơ quan đại diện ở nước ngoài, khâu quản lý điểm đến chưa tốt dẫn tới tình trạng ‘chặt chém’ du khách, làm xấu hình ảnh và thương hiệu du lịch Việt Nam.
Cũng theo báo chí nhà nước, các quốc gia trong khu vực như Thái Lan hay Malaysia đã phục hồi du lịch tốt hơn rất nhiều so với Việt Nam sau đại dịch Covid vì có chiến lược tốt hơn trong khi Việt Nam thiếu tất cả các chiến lược ngắn, trung, dài hạn cũng như tầm nhìn xa để lường trước những khó khăn.
Năm 2024 này, ngành du lịch Việt Nam phấn đấu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa, và đạt tổng doanh thu khoảng 840.000 tỉ đồng.
Nguồn : VOA, 15/03/2024