Từ ngày 17-25/01/2024 một toán thợ lặn Pháp đã đến Việt Nam với mục đích đi tìm xác tàu ngầm Le Phénix, chìm ngoài khơi vịnh Cam Ranh cách nay gần đúng 85 năm, 71 thủy thủ của Pháp, 5 người Việt Nam và một người Cam Bốt thiệt mạng. Việt Nam, Cam Bốt và Lào khi đó là thuộc địa Đông Dương của Pháp.
Tàu ngầm Le Phenix - Vịnh Cam Ranh, 1939. © Tommy Truong/CC CreativeCommons
Đầu thế kỷ 20, việc một trong những chiếc tàu lợi hại nhất của Pháp, một cường quốc hải quân thế giới, mất tích đã gây chấn động công luận từ vùng Viễn Đông sang tận trời Tây. Kèm theo đó là 1000 câu hỏi không có lời giải đáp, bởi năm 1939, vài tháng trước Thế Chiến Thứ Hai, Pháp đã phải giấu kín thông tin về tai nạn của chiếc Le Phénix, lớp Redoutable, con kình ngư lợi hại nhất, có trọng tải 1500 tấn. Gia đình các nạn nhân được giải thích, tai nạn tàu ngầm là do "lỗi của thủy thủ đoàn" và cũng chỉ được biết một cách mơ hồ là con em họ vĩnh viễn yên nghỉ ở một nơi nào đó rất xa xôi, rất xa thành phố cảng Brest, nơi đã trang bị cho con tàu này tất cả những gì cần thiết trong nhiệm vụ quân sự. Trong số 71 thủy thủ Pháp chôn mình ở Vịnh Cam Ranh, không ít trong số đó là những người con của Brest.
Chuyện gì đã xảy ra ngày 15/06/1939 vào lúc 11 giờ 27 phút, khi tàu ngầm của Pháp sủi bọt rồi biệt tăm trong một cuộc thao dợt ở ngoài khơi Vịnh Cam Ranh ? Có thể nào giải đáp được một vài bí mật mà chiếc tàu ngầm Le Phénix và các thủy thủ đã vĩnh viễn trao cho biển cả ?
Tháng 10/2022 một tập hợp gồm 8 thợ lặn đa phần là ở Pháp và trong đó cũng có đến 4 người quê quán ở Brest, tìm cách trả lời những câu hỏi này. Sau hơn 18 tháng tham khảo tài liệu, điều tra, tìm kiếm thông tin với các giới chức liên quan, liên lạc với thân nhân, hậu duệ của 71 thủy thủ trên con tàu Le Phénix, nhóm thợ lặn này đã sang tận Việt Nam với hy vọng định vị và đến được gần xác tàu.
Tình cảm gắn bó Brest với Le Phénix
Erwan L’Her là một thành viên trong đoàn. Trao đổi với RFI tiếng Việt đầu tháng 2/2024 vài ngày sau khi từ Việt Nam trở về, ông giải thích vẫn thường cùng với nhóm thợ lặn thám hiểm những xác tàu vì những mục tiêu nghiên cứu khoa học. Erwan L’Her là giáo sư y khoa giảng dạy tại đại học Bretagne Occidentale UBO. Ông sống và làm việc tại Brest, rất gần nơi mà xưa kia từng là xưởng trang bị vũ khí (hải pháo, ống phóng ngư lôi…) cho tàu Le Phénix trước khi lên đường sang Đông Dương vào tháng 11/1938.
Do vậy giáo sư L’Her cảm thấy rất gần gũi với con tàu xấu số đang ngủ vùi trong lòng biển Việt Nam :
Erwan L’Her : "Một trong những hình ảnh đầu tiên của tàu Le Phénix được chụp tại Brest, địa điểm này cách nhà chúng tôi chưa đầy 1 km, trên khu vực gọi là Plateau du Bouguen và ngay tại đây hiện là khu đại học Tây Bretagne UBO Université de Bretagne Occidentale, nơi tôi giảng dậy. Đây là sự gắn bó đầu tiên của tôi với chiếc Phénix và cùng với nhóm thợ lặn, chúng tôi tìm tài liệu lưu trữ ở bên bộ Quốc Phòng (…) Le Phénix là một trong những tàu ngầm của Pháp. Ở đầu thế kỷ trước, thì Hải Quân Pháp có đội tàu ngầm lớn nhất thế giới với tổng cộng là 110 chiếc. Chỉ riêng tại Brest có hơn 35 đơn vị đồn trú ở nhiều địa điểm khác nhau. Le Phénix là một trong những số đó. Trọng tải của tàu là hơn 1500 tấn. Chỉ có một chiếc Surcouf với trọng tải 4200 tấn là lớn hơn Phénix. Chúng tôi biết là con tàu này đã được trang bị vũ khí tại Brest, trước khi lên đường xuống hải cảng Toulon miền nam, tuần tra ở Địa Trung Hải và sau đó nữa là trực chỉ Đông Dương, trong chuyến đi cuối cùng".
Thực ra trong chuyến đi cuối cùng năm 1938 Le Phénix song hành với một chiếc thứ nhì mang tên L’Espoir. Cả hai cùng thuộc lớp tàu ngầm Redoutable của Pháp, cùng một thế hệ và đã phục vụ trên dưới 10 năm. Cả hai cũng đã nhiều lần gặp tai nạn và phải sửa chữa …
Trong số 71 thủy thủ người Pháp trên tàu Le Phénix, một phần lớn là những người con của thành phố biển Brest. Đấy lại càng là động lực thôi thúc giáo sư Erwan L’Her xúc tiến dự án đi tìm xác tàu Le Phénix. Hiện tại nhóm thợ lặn của ông đã liên lạc được 17 gia đình các thủy thủ đã thiệt mạng ở Việt Nam và chính liên hệ máu mủ đó cũng là những nguồn cung cấp thông tin rất phong phú và quý giá :
Erwan L’Her : "Chúng tôi đã tìm lại được một người cháu gọi thuyền trưởng Bouchacourt là ông, hay là nhiều người cháu khác của viên phó thuyền trưởng, họ hàng của những người thợ máy, thợ điện trên tàu… và cứ như thế chúng tôi thu thập được nhiều lá thư những người thủy thủ gửi về cho gia đình. Có một người gửi thư về cho mẹ và tường thuật lại cả hành trình sang Đông Dương …. Nhờ thế mà chúng tôi có khá nhiều chi tiết về đời sống trên tàu. Lá thư cuối cùng được viết 4 ngày trước khi xảy ra tai nạn. Ngoài ra, một thủy thủ trên tàu L’Espoir tháp tùng chiếc Le Phénix liên tục viết thư cho gia đình cho đến 2 ngày sau khi con tàu xấu số ngủ vùi trong lòng biển Việt Nam".
Tai nạn ngoài khơi Vịnh Cam Ranh
Qua rất nhiều tài liệu chính thức của bên Hải Quân, của bộ Quân Lực, qua tin tức báo chí và nhất là qua những lá thư mà các thủy thủ trên hai chiếc Le Phénix và L’Espoir gửi về cho gia đình, giáo sư Erwan L’Her và các bạn thợ lặn của ông tìm ra đầy đủ tên tuổi 5 thủy thủ người Việt và 1 người Cam Bốt đã thiệt mạng. Đương nhiên là nhóm của ông đã biết rõ hơn về tai nạn hôm 15/06/1939 khi mà le Phénix lặn xuống lòng biển lần cuối cùng.
Erwan L’Her : "Tai nạn xảy ra vào ngày 15 tháng 6 năm 1939 vào lúc 11 giờ 27 phút. Địa điểm và nguyên nhân dẫn đến vụ tàu Le Phénix bị chìm đã được giữ kín cho đến khi hồ sơ được giải mật. Nhưng có rất nhiều nhân chứng đã trông thấy những gì xảy ra và đây là một tai nạn đã được báo chí ở Đông Dương và ở Pháp Quốc nói đến rất nhiều. Nhờ vậy mà chúng tôi đã dễ dàng tiếp cận được thông tin. Cũng phải nói là sự kiện này đã đánh mạnh vào công luận thời bấy giờ, bởi vì nhiều thủy thủ là trai trẻ, tuổi chỉ đôi mươi. Trong một thời gian rất dài các văn bản chính thức khẳng định nguyên nhân dẫn đến tai nạn làm 77 người thiệt mạng là do lỗi của thủy thủ đoàn.
Tháng 6/1939 tức là vài tháng trước khi nổ ra Thế Chiến Thứ Hai, không thể tiết lộ những bí mật về tàu ngầm của Hải Quân Pháp. Paris không thể nói thẳng là đội tàu đáng gờm nhất của mình đã già nua, hoạt động trong cả chục năm liên tiếp. Thành thử các giới chức hải quân chỉ còn có cách là quy trách nhiệm cho các thuyền viên. Nhưng làm thế nào tin được là các thủy thủ đã phục vụ nhiều năm trên tàu lại thiếu kinh nghiệm sơ đẳng đến nỗi đã để hở một khung cửa trước khi tàu lặn ? Dù vậy, đó cũng là lập trường chính thức phía Pháp đã đưa ra. Tuy nhiên khi tham khảo các tài liệu lưu trữ thì chúng tôi đã phát hiện nhiều nguyên nhân cùng lúc đã dẫn đến tai họa. Tàu bị hỏng máy và nhất là bình điện đã bị hỏng (…) trong tám tháng liền, Le Phénix hoạt động như một chiếc tàu bình thường, không lặn xuống dưới nước.
Ngày 13 tháng 6, hai chiếc L’Espoir và Le Phénix cùng rời bến cảng Sài Gòn, hướng tới Vịnh Cam Ranh. Tàu cập cảng Cam Ranh trong đêm 13 rạng sáng ngày 14. Trong ngày 14 tháng 6, chỉ có tàu L’Espoir lặn và tập phóng ngư lôi phá hoại một mục tiêu. Còn chiếc Le Phénix thì ở nguyên trong bờ. Thế rồi trong đêm 14 rạng sáng ngày 15 tháng 6, thủy thủy đoàn lần đầu tiên từ 8 tháng qua, nạp đầy bình điện, cho phép Le Phénix tham gia cuộc thao dợt ở ngoài khơi ngày hôm sau và phải nói là bài tập ấy được quan sát rất kỹ.
(...) Tàu được lệnh thả ngư lôi giả định tấn công tàu tuần dương Lamotte Piquet cũng trong khu vực Vịnh Cam Ranh. Nhiều thủy phi cơ được huy động để quan sát tình hình. Chúng tôi đã tìm thấy được một bức ảnh cho thấy tàu ngầm Le Phénix ở vào thời điểm đó. Một phi công có mặt tại hiện trường kể lại tàu bị chao đảo khác thường khi bắt đầu lặn và sau đó thì viên phi công này trông thấy bọt trắng xóa ở chung quanh, rồi những vết dầu loang. Kể từ giờ phút đó, chiếc tàu ngầm này của Pháp không bao giờ ngoi lại lên mặt nước. Biệt tăm luôn".
Đi tìm Le Phénix, một nghĩa vụ với gia đình các nạn nhân
Những ngày sau đó, các giới chức Pháp đã xác định được khu vực tàu chìm cách Vịnh Cam Ranh 15 km về hướng đông bắc, và ở độ sâu 92 mét. Trong bốn tuần lễ liên tiếp, các bên đã tìm cách trục vớt Le Phénix nhưng vô vọng. Việt Nam khi đó bước vào mùa mưa bão, công tác trục vớt tàu bị gián đoạn. Chính vì thế mà giáo sư y khoa đại học Bretagne Occidentale càng xem việc đi tìm vết tích con tàu của Pháp như là một nghĩa vụ với gia đình các nạn nhân.
Erwan L’Her : "Cuộc thám hiểm này trước hết mang ý nghĩa về mặt ký ức. Chúng tôi muốn tìm và xác định khu vực nơi tai nạn đã xảy ra, định vị xác tàu và để thông báo lại với gia đình các nạn nhân với hy vọng xoa dịu vết đau 85 năm từ khi Le Phénix bị chìm. Đương nhiên là không có chuyện chúng tôi len lỏi vào bên trong xác tàu, hay cùng với các giới chức liên quan, tìm cách trục vớt tàu lên. Mục tiêu thứ nhì là một thách thức về mặt khoa học, khi biết rằng tàu chìm ở độ sâu cả trăm mét : sẽ rất thú vị trong cách dùng robot thám hiểm, quay phim… và thực hiện một phim tài liệu về tàu ngầm le Phénix
(...) Đây là một dự án dài hơi, được khởi động từ một năm rưỡi nay. Trước hết là chúng tôi phải vượt qua được khó khăn về tài chính : Đưa một nhóm cả chục người sang Việt Nam đòi hỏi chúng tôi phải có đẩy đủ trang thiết bị lặn và may mà chúng tôi có các nhà tài trợ. Khó khăn thứ nhì là chúng tôi xin phép được hoạt động tại một vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, thành thử chúng tôi phải có sự đồng ý của chính quyền sở tại, cần có một sự phối hợp giữa các giới chức Pháp và Việt Nam, chủ yếu là từ phía các giới chức quân sự Việt Nam, của các nhà chức trách địa phương và ở cấp quốc gia. Chúng tôi hy vọng có thể trở lại Việt Nam vào khoảng tháng 3 hay tháng 4 này, để trong giai đoạn đầu là định vị được xác tàu, rồi sau đó huy động nhiều phương tiện khác nhau để chụp hình, quay phim. Đấy sẽ là công đoạn thứ nhì và chúng tôi thực sự hy vọng giai đoạn 2 đó diễn ra trước ngày 15 tháng 6 tức là trước kỷ niệm 85 năm tàu Le Phénix bị chìm".
Thanh Hà thực hiện
Nguồn : RFI, 22/03/2024