Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

26/01/2018

Cưỡng chế đất, bắt thêm cán bộ tham nhũng trong những đại án

Tổng hợp

Cưỡng chế đất tại xã Nghi Kim, Nghệ An (RFA, 26/01/2018)

Công an thành phố Vinh, tỉnh Nghệ an vào sáng ngày 26 tháng giêng đưa lực lượng đến để cưỡng chế đất đối với 54 hộ gia đình người dân xóm 3 xã Nghi Kim, Thành Phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

bat1

Cảnh sát cơ động được điều đến để cưỡng chế đất của 54 hộ gia đình người dân xóm 3 xã Nghi Kim, Thành Phố Vinh, tỉnh Nghệ An.  RFA

Phía người dân phản đối biện pháp cưỡng chế với lý do bồi thường không thỏa đáng so với một số dự án khác cũng trên cùng địa bàn ; cụ thể mức được đưa ra là 170 triệu cho 500m2 đất thuộc dự án phòng cháy chữa cháy của Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Dự án này được UBND tỉnh ra quyết định thu hồi đất vào tháng 9 năm 2016 và vào ngày 10 tháng 1 năm 2017, UBND thành phố Vinh ra quyết định cưỡng chế.

Đến ngày 9/10/2017 UBND thành phố Vinh tiếp tục có quyết định cưỡng chế số 6430. Từ ngày 25–27/ 11/2017, UBND thành phố huy động một lực lượng công an tỉnh lẫn địa phương xuống yêu cầu người dân nhận tiền nhưng bất thành.

Vào ngày 24/1/2018, UBND thành phố mời nhân dân về tại hội trường Ủy Ban Nhân Dân xã Nghi Phú để đối thoại. Cuộc đối thoại không đi đến kết quả vì người dân cho là cơ quan chức năng không thực hiện theo luật đất đai và luật dân sự.

Bà Liệu, một người dân có đất bị cưỡng chế chia sẻ :

"Đất của nhà bà là thời cha ông để lại nhưng mà hôm nay cơ quan phòng cháy chữa cháy lấy, mà cái giá cả gia đình 54 hộ là chưa đồng ý và nhất trí nhưng mà họ vẫn cưỡng chế mấy lần rồi, nhưng mà bà vẫn cương quyết giữ đến cùng".

Một người dân tại hiện trường cưỡng chế cũng chia sẻ :

"Tỉnh và thành phố định thu hồi đất của chúng tôi mà không đền bù cho chúng tôi, chúng tôi chưa nhận được tiền nào cả, chưa được nhận đền bù gì mà lại cưỡng chế chúng tôi. Vì chính quyền không theo pháp luật và muốn ăn cướp của chúng tôi nên tập trung để cưỡng chế chúng tôi".

Trang mạng Thành phố Vinh vào ngày 26 tháng giêng cũng loan tin về cuộc cưỡng chế tại xã Nghi Kim như người dân vừa cho biết. Theo đó cũng thừa nhận chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể đã nhiều lần tuyên truyền, vận động nhưng hầu hết người dân trong diện bị cưỡng chế đất không đồng thuận, chỉ có 3 gia đình chịu nhận tiền bồi thường theo mức được đưa ra.

Thành phố Vinh nói dù thế lực lượng cưỡng chế vào ngày 26 tháng giêng tiến hành phong tỏa hiện trường, công bố quyết định cưỡng chế và tiến hành san lấp mặt bằng bàn giao cho đơn vị thi công.

Tin chúng tôi ghi nhận được không có xô xát xảy ra do người dân chưa đồng thuận với quyết định bị cho là áp đặt từ phía chính quyền.

******************

Ủy ban Kiểm tra trung ương kỷ luật một số cán bộ (RFA, 26/01/2018)

Cũng trong ngày 26 tháng giêng, trang thông tin điện tử của Chính phủ Việt Nam, thông báo chính thức về việc xem xét, thi hành kỷ luật đối với các ông Lê Phước Thanh, nguyên Bí thư tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Đinh Văn Thu, phó Bí thư tỉnh ủy, chủ tịch tỉnh Quảng Nam, và ông Huỳnh Khánh Toàn, UB ban thường vụ tỉnh ủy, phó chủ tịch thường trực tỉnh Quảng Nam.

bat2

Ông Lê Phước Thanh - Ảnh : chinhphu.vn

Quyết định trên được đưa tại kỳ họp 21 và 22 của Ủy ban Kiểm tra trung ương nhóm họp trong tháng Giêng vừa qua tại Hà Nội.

Cũng trong kỳ họp này, UB kiểm tra trung ương cũng đưa ra những xem xét kết quả giám sát đối với Ban cán sự đảng của Bộ Giao thông vận tải liên quan đến việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ I, các bộ Công thương, khoa học công nghệ, kế hoạch đầu tư, tài chính và xây dựng liên quan đến vi phạm xảy ra tại Tập đoàn dầu khí PetroVietnam và sự cố môi trường biển xảy ra tại dự án Formosa Hà Tình…

Ngoài ra, UB kiểm tra trung ương cũng xem xét thi hành kỷ luật đối với một số lãnh đạo tỉnh Nghệ an, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và một số cá nhân khác.

*************

Vinashin : Ông Nguyễn Ngọc Sự bị bắt (BBC, 26/01/2018)

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Sự, nguyên chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin (SBIC), để điều tra về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

bat3

Vinashin từng thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng

Cơ quan điều tra cũng thi hành lệnh khám xét nhà ông Sự để phục vụ công tác điều tra.

Ông Sự bị bắt trong quá trình C46 điều tra giai đoạn hai vụ đại án Hà Văn Thắm và đồng phạm.

Cơ quan điều tra xác định ông Sự đã lợi dụng chức vụ quyền hạn trong việc sử dụng nguồn tiền của Vinashin gửi vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (OceanBank) để một số cá nhân thuộc Vinashin nhận, chiếm đoạt hơn 105 tỉ đồng tiền ngoài lãi suất, theo truyền thông Việt Nam.

Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) đang tập trung mở rộng điều tra vụ án, làm rõ hành vi phạm tội và thu hồi kê biên tài sản do phạm tội mà có, theo website Bộ Công an Việt Nam.

Năm 2002, ông Nguyễn Ngọc Sự, khi đó là Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định điều động giữ chức chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam năm 2012.

Tháng 8/2017, ông Sự nhận quyết định nghỉ hưu, thôi vị trí chủ tịch hội đồng thành viên tập đoàn này.

Ngoài vụ án tại Vinashin, cơ quan tố tụng đã khởi tố ba vụ án hình sự, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (VSP), Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng Công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP), theo báo Thanh Niên.

bat4

Ông Nguyễn Xuân Sơn (trái) bị kết án tử hình còn ông Hà Văn Thắm bị tuyên án chung thân

Trong vụ đại án OceanBank, hồi tháng 9/2017, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đã tuyên án Hà Văn Thắm cùng 50 bị cáo khác.

Theo đó, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank Hà Văn Thắm bị mức án chung thân vì bốn tội : cố ý làm trái, vi phạm quy định về cho vay, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tham ô tài sản.

Cựu Tổng Giám đốc OceanBank, cựu Phó Tổng giám đốc PVN Nguyễn Xuân Sơn bị kết án tử hình với ba tội danh : tham ô, lạm dụng chức quyền chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái.

Những bị cáo khác như Nguyễn Minh Thu, cũng nguyên Tổng Giám đốc Oceanbank bị kết án 22 năm tù về tội cố ý làm trái, lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản.

Phạm Công Danh, nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Xây dựng, bị phạt 14 năm tù về tội vi phạm quy định trong cho vay , tổng hợp với hình phạt trong vụ án trước đó, phải chấp hành hình phạt chung 30 năm tù.

Bà Hứa Thị Phấn bị phạt 17 năm tù về tội vi phạm về quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Thời gian gần đây, Việt Nam đã truy tố và bỏ tù hàng chục cán bộ quản lý ngành ngân hàng trong nhiều vụ đại án ngân hàng. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng các lãnh đạo tham nhũng cũng phải bị truy tố trước pháp luật.

Vụ OceanBank là một trong sáu "đại án" mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo "cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xử lý".

*********************

Vietnam bắt nguyên chủ tịch Tập đoàn Vinashin (RFA, 26/01/2018)

Ngày 26 tháng Giêng, bộ Công an Việt Nam đã khởi tố và bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Sự, nguyên Chủ tịch Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Vinashin về tội lợi dụng chức vu quyền hạn trong khi thi hành công vụ, hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Bộ Công an Việt Nam cho biết.

bat5

Nguyên Chủ tịch Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Vinashin Nguyễn Ngọc Sự - Ảnh : Bộ Công An.

Trong một tuyến bố được đưa ra trên trang web chính thức của Bộ này, ông Sự bị buộc tội tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong việc sử dụng nguồn tiền hơn 105 tỷ đồng của Vinashin gửi vào ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) để một số cá nhân trong tập đoàn nhận và chiếm đoạt.

Những vị phạm cho vay tại Ocebank đã khiến hàng chục quan chức phải ra hầu tòa và lần đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây, mức án tử hình được đưa ra đối với cựu quan chức cấp cao, ông Nguyễn Xuân Sơn, giám đốc điều hành của Vinashin.

Ông Sơn cũng là cựu chủ tịch Tập đoàn công nghiệp Nhà nước PetroVietnam, nơi ông Sự từng được bổ nhiệm làm phó giám đốc điều hành.

Cũng theo Reuters, một loạt các vụ bắt giữ các quan chức cao cấp chính phủ gần đây cho thấy trình độ quản lý yếu kém và chủ nghĩa gia đình trị trong các công ty nhà nước tại thời điểm chính phủ đang đẩy nhanh quá trình tư nhân hóa và đã dẫn đến hành vi lũng đoạn và tha hóa của một số cán bộ Đảng.

Quay lại trang chủ
Read 760 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)