Đảng cộng sản Việt Nam đang rối beng lên về tình trạng cán bộ tham nhũng quyền lực, nhưng lại đùn đẩy trách nhiệm cho nhau khiến dân te tua.
Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam kiêm Trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, chủ tọa Phiên họp thứ 24 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 16/08/2023 - Ảnh minh họa
Tình trạng này được báo của Trung ương đảng "vạch áo cho người xem lưng" cả trong hai lĩnh vực :
1. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
2. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Song song với hai nhóm tội phạm này là "Tình trạng một bộ phận cán bộ né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm…".
Nguyên nhân của tệ nạn này được Đảng và Quốc hội giải thích là do luật lệ chồng chéo, không bảo vệ những người dám nghĩ và dám làm. Vì vậy đã có đề nghị làm Luật mới để người thi hành công vụ không sợ bị cáo tội "xé rào" khi "thực thi chức trách, nhiệm vụ", nhất là trong các dự án kinh tế.
Đại biểu quốc hội, bà Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nói : "Ngoài khách quan đó là quy định của pháp luật có những điểm chưa cụ thể, chưa đồng bộ, chưa có quy định trách nhiệm rõ ràng và chưa có quy định của pháp luật về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, thì còn có nguyên nhân chủ quan như : năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ còn hạn chế, không kịp thời cập nhật quy định của pháp luật có liên quan để tránh làm sai ; người có thẩm quyền quyết định thiếu chuyên môn lại không dám tin cấp dưới ; cấp dưới có trình độ còn hạn chế. Tinh thần làm việc thụ động, sợ trách nhiệm lại thụ động chờ ý kiến cấp trên" (báo Thanh niên, ngày 03/06/2022).
Đây cũng là một trong những yếu tố giúp tham nhũng lộng hành ngay trong hàng ngũ những ngưới làm "công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán" (theo Quy định 131 của Bộ Chính trị về "kiểm soát quyền lực").
Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Ảnh minh họa Kỳ họp thứ 32 Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Vậy những hành vi tham nhũng trong hoạt động "thanh tra, kiểm toán" mánh khóe ra sao ?
Quy định 131 nêu rõ 22 hành vi lươn lẹo, lạm dụng chức quyền để tham nhũng ngay trong trong hoạt động "thanh tra, kiểm toán", đó là :
1. "Hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, mua chuộc người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan nhằm giảm nhẹ, trốn tránh trách nhiệm cho đối tượng vi phạm.
2. Cung cấp, tiết lộ thông tin, tài liệu, hồ sơ của đối tượng kiểm tra cho tổ chức và cá nhân không có thẩm quyền, trách nhiệm, nhất là thông tin, tài liệu, hồ sơ đang trong quá trình kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng hoặc thanh tra, kiểm toán.
3. Nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất, tham gia hoạt động vui chơi, giải trí của đối tượng kiểm tra hoặc người có liên quan đến đối tượng kiểm tra.
4. Lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của mình, người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với đối tượng kiểm tra hoặc tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm trục lợi hoặc động cơ cá nhân khác.
5. Lợi dụng việc nắm được thông tin nội bộ hoặc thông tin bất lợi của tổ chức, cá nhân để đặt điều kiện, gây sức ép đối với đối tượng kiểm tra, người có thẩm quyền, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán nhằm trục lợi hoặc động cơ cá nhân khác.
6. Để người có quan hệ gia đình lợi dụng ảnh hưởng chức vụ, quyền hạn của mình nhằm thao túng, can thiệp vào việc kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán.
7. Đưa ý đồ cá nhân, đề ra tiêu chí, điều kiện, nhận xét, đánh giá mang tính áp đặt, không đúng bản chất, không đúng sự thật để có lợi hoặc gây bất lợi cho đối tượng kiểm tra.
8. Xác nhận, nhận xét, đánh giá, kết luận và kiến nghị không đúng sự thật hoặc làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ, bản chất vụ việc, vi phạm của đối tượng kiểm tra.
9. Thoả thuận, đặt điều kiện với đối tượng kiểm tra hoặc người có liên quan đến đối tượng ; thực hiện không đúng, không đầy đủ các quy định để làm thay đổi, sai lệch kết quả, kết luận kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán.
10. Không kiến nghị, đề xuất chuyển đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm ; không kiến nghị hoặc chỉ đạo, xử lý thu hồi vật chất, xử lý kỷ luật theo thẩm quyền đối với các vi phạm khi tiến hành kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán.
11. Chỉ đạo hoặc cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, chưa được phép công bố hoặc không thực hiện đúng kết luận, kiến nghị về kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán.
12. Gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi không đúng quy định với đối tượng kiểm tra ; sử dụng các tài liệu thẩm tra, xác minh không đúng mục đích.
13. Bao che, tiếp tay, trì hoãn hoặc không kết luận, không xử lý hoặc kết luận, xử lý không đúng nội dung, tính chất, mức độ vi phạm hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định đối với tổ chức, cá nhân vi phạm.
14. Thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán vượt thẩm quyền ; không đúng quy trình nghiệp vụ, phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian theo quy định. Cản trở, can thiệp trái quy định vào việc kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán.
15. Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp, sách nhiễu, gây khó khăn, có thái độ áp đặt, thiếu tôn trọng, không đúng quy định của ngành, can thiệp trái quy định vào hoạt động của đối tượng kiểm tra.
16. Không xử lý hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định khi nhận được thông tin, đơn, thư phản ánh, tố cáo đối tượng kiểm tra.
17. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và gia đình để gợi ý, tác động, gây áp lực đối với người có thẩm quyền quyết định hoặc tham mưu về các kết luận kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán không đúng bản chất sự việc.
18. Tác động đến người có thẩm quyền nhằm giúp cho đối tượng kiểm tra có được kết quả, quyền lợi không chính đáng ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân.
19. Trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ đối tượng kiểm tra thực hiện các hành vi nhằm trốn tránh, giảm nhẹ trách nhiệm.
20. Không kịp thời thay đổi thành viên đoàn kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán khi có căn cứ xác định thành viên không vô tư, khách quan trong công tác ; không kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của đoàn.
21. Không kịp thời kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán đối với những tổ chức, cơ quan, đơn vị và cá nhân có dấu hiệu vi phạm, đơn, thư phản ánh, tố cáo đã được xác định là có cơ sở.
22. Các hành vi tham nhũng, tiêu cực khác theo quy định của Đảng và pháp luật".
Với bằng đó thứ mánh mung cấu kết để tham nhũng thì pháp luật nào để xử, sức dân nào chịu cho thấu và người dân nào không te tua ?
Thay mặt Bộ Chính trị, bà Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư, đã ký ban hành Quy định số 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Ảnh minh họa
Tham nhũng, tố tụng, xét xử
Nhưng "tội lỗi" của những kẻ có chức có quyên trong Đảng cộng sản Việt Nam không chỉ thu gọn trong "thanh tra, kiểm toán" mà đã lan rộng sang cả "hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án", theo Quy định số 132 của Bộ Chính trị, ngày 27/10/2023.
Quy định nêu rõ 28 hành vi lươn lẹo, lạm dụng chức quyền để tham nhũng ngay trong ngành tư pháp :
1. "Lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, ban hành các văn bản trái chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
2. Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc, quy định, quy trình nghiệp vụ, chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, nhiệm vụ, công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
3. Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý để xảy ra hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
4. Bao che, dung túng, tiếp tay, xử lý không đúng quy định đối với hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
5. Can thiệp, cản trở, tác động trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan, hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán của cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng và các cơ quan chức năng, hoạt động giám sát của cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
6. Chỉ đạo, ép buộc cấp dưới che giấu, không báo cáo, báo cáo sai sự thật, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định, quy trình nghiệp vụ dẫn đến sai lệch kết quả thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
7. Cố ý không tiếp nhận, giải quyết hoặc tiếp nhận, giải quyết không đúng quy định của pháp luật đối với nguồn tin về tội phạm, việc khởi kiện giải quyết vụ án hành chính, vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự, việc phá sản, thi hành án.
8. Che giấu, làm sai lệch, sót, lọt nguồn tin về tội phạm hoặc làm sai lệch hồ sơ, tài liệu, tiêu huỷ chứng cứ, vật chứng trái pháp luật.
9. Ban hành quyết định khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can hoặc không ban hành quyết định khởi tố bị can, quyết định phê chuẩn hoặc quyết định huỷ bỏ quyết định khởi tố bị can trái pháp luật ; không truy tố người có tội hoặc truy tố người không có tội hoặc ban hành bản án, quyết định trái pháp luật.
10. Quyết định áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, biện pháp tư pháp, thay đổi tội danh, hình phạt, miễn, giảm hình phạt, miễn, giảm trách nhiệm hình sự, dân sự, tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án, vụ việc, chuyển vụ án, nhập hoặc tách vụ án trái pháp luật.
11. Nhục hình, bức cung, mớm cung hoặc chỉ đạo, tổ chức thông cung đối với người bị buộc tội ; truy ép, gợi ý cho đương sự, người tham gia tố tụng khác cung cấp tài liệu, khai báo, trình bày không khách quan, trung thực.
12. Trì hoãn hoặc kéo dài thời gian giám định, định giá tài sản không đúng quy định của pháp luật ; cố ý né tránh, kéo dài thời gian cung cấp tài liệu theo yêu cầu giám định, định giá hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật ; kết luận giám định, định giá tài sản không đúng sự thật hoặc từ chối kết luận giám định, định giá tài sản trái pháp luật.
13. Lợi dụng quyền trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, quyền yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu hoặc quyền trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung, quyền huỷ án điều tra lại, quyền kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, quyền yêu cầu giải thích bản án để kéo dài quá trình giải quyết vụ án, vụ việc, thi hành án vì vụ lợi.
14. Đề nghị, quyết định hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, miễn, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện, rút ngắn thời gian thử thách của người được hưởng án treo, xét và đề nghị đặc xá trái pháp luật.
15. Cố ý thi hành án trái nội dung bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật hoặc không ra quyết định thi hành án, trì hoãn hoặc kéo dài thời gian giải quyết việc thi hành án trái pháp luật ; quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp khẩn cấp tạm thời, cưỡng chế thi hành án, câu kết, thông đồng với đơn vị thẩm định giá, bán đấu giá tài sản để hạn chế người mua, dìm giá, hạ giá tài sản thi hành án trái pháp luật.
16. Cố ý vi phạm các quy định về niêm phong, mở niêm phong, kê biên tài sản, phong toả tài khoản, về thu giữ, bảo quản, xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ, tài sản thi hành án.
17. Cản trở trái pháp luật hoạt động của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự ; hoạt động tự bào chữa, nhờ người bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hoặc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo và các quyền khác của bị hại, người được thi hành án, đương sự, người bị buộc tội, người chấp hành án, người phải thi hành án theo quy định của pháp luật.
18. Tư vấn, liên hệ, tiếp xúc, giải quyết không đúng quy định về chế độ thăm, gặp, liên lạc đối với người bị buộc tội, phạm nhân ; gây phiền hà, sách nhiễu đối với người bị buộc tội, người chấp hành án, người phải thi hành án, bị hại, người được thi hành án, đương sự hoặc người thân thích của họ vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác.
19. Lợi dụng công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác để trục lợi hoặc động cơ cá nhân khác ; chỉ đạo hoặc cung cấp, tiết lộ thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến vụ án, vụ việc trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
20. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền để chiếm đoạt tài sản ; lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn hoặc giả mạo trong công tác để trục lợi trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
21. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền để áp đặt, hợp thức hóa các hành vi, quyết định trái pháp luật của mình hoặc để giải quyết việc cá nhân mình trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
22. Nhận quà (lợi ích vật chất, phi vật chất) dưới mọi hình thức để làm trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước ; tặng quà (trực tiếp hoặc gián tiếp dưới mọi hình thức) để tác động, gây ảnh hưởng đến người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan làm sai lệch kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
23. Cố ý để người có quan hệ gia đình và người thân thích khác lợi dụng vị trí công tác, chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi hoặc tham gia bào chữa, tư vấn pháp lý trong vụ án, vụ việc mà mình chỉ đạo giải quyết hoặc trực tiếp giải quyết.
24. Cố ý không giải quyết, không thực hiện hoặc giải quyết, thực hiện không đúng quy định hoặc cản trở việc giải quyết đối với các kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, yêu cầu trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
25. Tiết lộ thông tin, đe doạ, trả thù, trù dập người kiến nghị, phản ánh, tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan thuộc phạm vi được giao quản lý, phụ trách.
26. Đe doạ, trả thù, trù dập, mua chuộc người tố giác tội phạm, người tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực liên quan đến bản thân mình hoặc người có quan hệ gia đình trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc, thi hành án.
27. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền trong việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân ; sử dụng trái pháp luật các thông tin, tài liệu thu thập được từ các biện pháp nghiệp vụ.
28. Các hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực khác trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước".
Như vậy, tham nhũng quyền lực trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam đã chui vào ngành Tư pháp thì bắt buộc "công lý phải đội nón ra đi". Hành động "tự tung tự tác" của những kẻ có chức, có quyền đã ăn sâu, bám rễ trong hang hốc của Đảng như thế thì chế độ hiện hành không còn là "của dân và vì dân" nữa.
Sự tồn tại của nó chỉ làm cho dân nghèo, nước mạt mà thôi.
Phạm Trần
(08/11/2023)
Mới đây, tại phiên họp định kỳ của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minhmột lần nữa nhắc lại, phải xử lý nghiêm tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân và doanh nghiệp.
Ảnh minh họa một cơ quan hành chính tiếp dân - Photo : baochinhphu.vn
Bí thư Nguyễn Văn Nên từng phát biểu rằng : "Chúng tôi xử lý rất nhiều. Cán bộ yếu, thấy không phù hợp thì điều chuyển, yếu nữa thì cho nghỉ, thậm chí kỷ luật. Thành phố Hồ Chí Minh làm nghiêm, làm mạnh, chỉ là không ồn ào thôi. Nhưng bây giờ cũng thấy khó khăn, cũng đuối".
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam nói với RFA về việc này :
"Tham nhũng bao gồm tham nhũng lớn và tham nhũng vặt là một dạng đặc biệt của việc vi phạm pháp luật của Việt Nam. Là tội phạm. Cho nên phải kiên trì để phòng chống lâu dài. Nhiều năm qua Việt Nam đã cố gắng hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật. Làm sao để kiểm soát được cán bộ công chức cũng như trong cả hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước.
Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, đến nay nhà nước chưa thể chế hóa được đầy đủ và hoàn thiện chế định để làm sao kiểm soát được quyền lực theo quy định của hiến pháp năm 2013. Và trong công tác phòng chống tham nhũng, phải thực sự mà nói là hiện nay, việc phát hiện và xử lý tham nhũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt là những tham nhũng vặt là loại hình tham nhũng làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của một bộ phận không nhỏ người dân và doanh nghiệp.
Tham nhũng lớn hay tham nhũng vặt đều phát sinh từ trong cơ chế, chính sách, trong lãnh đạo, chỉ đạo. Cho nên để chống được vấn đề này thì phải xử lý nghiêm những hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn phiền phức. Phải công khai minh bạch về tổ chức hoạt động của các cơ quan công quyền. Phải kiểm soát, kiểm tra để phòng ngừa. Phải rà soát những nội dung còn bất cập. Muốn làm được những điều đó thì lãnh đạo của thành phố phải tăng cường giám sát, kiểm tra. Như thế phải cải cách thủ tục hành chính hiện nay".
Chuyện cán bộ sách nhiễu, gây phiền hà cho dân và doanh nghiệp không phải chuyện mới xảy ra. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến Chỉ thị số 10/CT-TTg, diễn ra vào sáng ngày 27/6/2019 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ lúc đó là ông Trương Hòa Bình thẳng thắn cho rằng cán bộ, công viên chức của nhiều ngành, ở nhiều cấp lợi dụng chức vụ, kẽ hở về chính sách và pháp luật, lợi dụng lòng tin và sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân và doanh nghiệp để sách nhiễu, gây phiên hà, giải quyết không đúng quy định… dẫn đến hậu quả cản trở sự phát triển kinh tế xã hội.
Không chỉ cản trở sự phát triển kinh tế xã hội, việc sách nhiễu, gây phiên hà cho dân còn dẫn đến tình trạng "tham nhũng vặt".
Với tư cách một người dân Thành phố Hồ Chí Minh, ông Đinh Kim Phúc nêu quan điểm của mình với RFA :
"Vấn đề cán bộ các cấp, các ban ngành nhũng nhiễu dân không phải là một hiện tượng mới ở Việt Nam. Nó đã xảy ra từ lâu và nó có nguyên nhân của nó. Tức là trong suy nghĩ của những nhân viên công quyền, họ cho mình họ là cán bộ của đảng và nhà nước, họ có quyền lực tuyệt đối. Do đó họ có quyền hạch họe dân, gây khó khăn cản trở để kiếm thêm thu nhập so với đồng lương ba cọc ba đồng được hưởng từ ngân sách của nhà nước.
Nó gây bức xúc và giảm lòng tin của nhân dân đối với chế độ, với thể chế. Nhưng khi người dân mở miệng thì bị quy chụp là phản động. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, dân chủ là người dân phải được mở miệng để nói tất cả những gì mà nhà nước làm chưa tốt, nhà nước chưa làm được. Và ngược lại, nhà nước phải có những biện pháp với những cán bộ mình quản lý.
Chính vì đồng lương quá thấp không đủ cho cuộc sống của cá nhân và gia đình đã dẫn đến hành động nhũng nhiễu. Bên cạnh đó, pháp luật của Việt Nam thì rất nhiều nhưng nó là một đám tù mù được vận dụng một cách khác nhau bởi nhận thức của người thừa hành. Như lời Luật sư Ngô Bá Thành từng nói là ‘VN có một rừng luật nhưng xài luật rừng’. Còn vấn đề chế tài cán bộ ăn hối lộ, tham nhũng thì trong thời gian vừa qua chúng ta nhìn thấy qua vụ án ‘chuyến bay giải cứu’, nó không đủ sức răn đe".
Không chỉ ở Thành phố Hồ Chí Minh, hồi tháng 4 vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng yêu cầu thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà cho dân và doanh nghiệp.
Tuy vậy, theo dư luận trao đổi trên mạng xã hội, để công việc được nhanh chóng thì cả người dân lẫn doanh nghiệp đều phải ‘bôi trơn’ cho cán bộ công quyền, cho cơ quan chức năng. Và thực trạng được hầu hết mọi người thừa nhận ở Việt Nam là cán bộ không sống bằng lương mà sống bằng ‘bổng lộc’.
Theo cựu trung tá Vũ Minh Trí, thu nhập ngoài lương của cán bộ có thể cao hơn rất nhiều lần lương thực tế nhưng không thể kiểm soát được, nhất là những người quyền lực có tầm ảnh hưởng rộng. Ông nói thêm về việc xử lý cán bộ nhũng nhiễu :
"Suy cho cùng, không thể khắc phục được tình trạng này bởi vì cả cái bộ máy này không phải là bộ máy của dân, do dân, vì dân. Gọi là dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra nhưng người dân không có quyền kiểm tra ; không có quyền giám sát và những vị trí quan trọng nhất thì người dân không trực tiếp bầu lên".
Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 xác định nội dung cốt lõi chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật là đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, có sức cạnh tranh quốc tế ; lấy quyền lợi của người dân làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững kinh tế, xã hội, và quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới.
Cứ nhất định không bận tâm ‘nguồn gốc tài sản’
Trân Văn, VOA, 15/07/2020
Bởi bà Thoa từng khẳng định, trong kê khai thu nhập - tài sản hàng năm, bà luôn luôn trung thực nên nhiều người cho rằng...
Bà Hồ Thị Kim Thoa. (Hình : 24h)
Không soạn giả nào đủ khả năng tưởng tượng để viết được một vở cải lương hoặc vở kịch về phòng - chống tham nhũng tại Việt Nam hay hơn tiến trình điều tra - xử lý vụ án "vi phạm quy định về quản lý đất đai" và "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí", liên quan tới việc chuyển hóa quyền sử dụng 6.000 mét vuông đất ở trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh !
6.000 mét vuông công thổ này được giao cho một doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Công thương (Sabeco) sử dụng. Giữa thập niên 2010, Bộ Công thương cho phép Sabeco thành lập một liên doanh, sau đó tiếp tục cho phép Sabeco chuyển nhượng hết cổ phần của nhà nước trong liên doanh đó cho đối tác, rồi chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cho đối tác này thuê 6.000 mét vuông ấy với giá rẻ…
Ba năm sau vụ chuyển hóa quyền sử dụng 6.000 mét vuông đất gây thiệt hại cho công quỹ chừng… vài ngàn tỉ đồng, tám viên chức ở Thành phố Hồ Chí Minh bị Bộ Công an khởi tố. Mất thêm hai năm miệt mài… điều tra, Bộ Công an quyết định khởi tố thêm ba viên chức từng lãnh đạo Bộ Công thương - trực tiếp dính líu đến vụ chuyển hóa quyền sử dụng đất vừa kể…
Quyết định khởi tố ông Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Công thương), bà Hồ Thị Kim Thoa (cựu Thứ trưởng Công thương), ông Phan Chí Dũng (cựu Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ của Bộ Công thương) được công bố cùng lúc với việc công bố Kết luận Điều tra, xác định bà Thoa là tác nhân chính song Bộ Công an công bố thêm quyết định đình chỉ điều tra với bà Thoa vì bà đã… bỏ trốn (1) !
***
Bà Thoa vốn đã nổi tiếng từ lâu. Vào năm 2000, bà Thoa vốn chỉ là nhân viên Phòng Kế hoạch cùa Công ty Bóng đèn Điện Quang (DQC) - một doanh nghiệp nhà nước - được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc DQC. Năm 2005, sau khi DQC được cổ phần hóa, bà Thoa kiêm nhiệm thêm vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị của DQC vì bà, hai cô con gái, mẹ, em, em dâu, nắm trong tay đa số cổ phiếu của DQC.
Năm 2010, bà Thoa được cất nhắc làm Thứ trưởng Bộ Công thương. Ông Hồ Quỳnh Hưng, em trai bà Thoa thay chị đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc DQC. Một trong hai cô con gái của bà vừa là thành viên Hội đồng quản trị, vừa đảm nhận vai trò Phó Tổng giám đốc DQC. Ông Hồ Đức Lam, một người em trai khác của bà Thoa tuy không có cổ phần tại DQC nhưng là thành viên Hội đồng quản trị của DQC và sau khi Công ty Nhựa Rạng Đông (RDP) - một doanh nghiệp nhà nước khác - được cổ phần hóa, ông Lam có trong tay 65% cổ phiếu của RDP nên trở thành người điều hành doanh nghiệp gốc nhà nước này.
Cho đến giờ này vẫn chưa ai thử tìm hiểu xem việc bà Thoa là Thứ trưởng Bộ Công thương liên quan như thế nào tới chuyện tháng 9/2014, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) - nơi giám sát việc sử dụng vốn nhà nước trong các doanh nghiệp - quyết định rút hết vốn ra khỏi DQC và tháng 8/2015 SCIC đã thực hiện hành động tương tự với RDC.
SCIC không có những động tác khác thường này đối với hai doanh nghiệp thuộc loại "ăn nên, làm ra" thì sau khi cổ phẩn hóa, hai doanh nghiệp nhà nước thuộc sở hữu toàn dân vẫn chưa thể trở thành tài sản của riêng bà Thoa và gia đình bà. Năm 2017, riêng tại DQC, bà Thoa và gia đình nắm giữ 11 triệu 780 ngàn cổ phiếu, trị giá lượng cổ phiếu này khoảng… 800 tỉ đồng.
Bà Thoa chỉ bị đảng ta để ý sau khi xảy ra scandal Trịnh Xuân Thanh và đảng ta xác định bà là một trong những người trực tiếp dính líu tới việc sắp đặt, bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh sai qui định. Lúc đầu, bà chỉ bị "khiển trách". Sau đó, Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương đảng quyết định "cảnh cáo". Quyết định "cảnh cáo" của Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương đảng được công bố cùng lúc với sự kiện bà Thoa "nộp đơn xin thôi việc" (2).
Có một điểm đáng chú ý là dường nhưĐơn xin thôi việc của bà Thoa đã hóa giải toàn bộ trách nhiệm của bà : Từ chuyện định giá DQC để giải tư, chuyển nhượng cổ phần của DQC, đến chuyện chuyển nhượng 4.000 mét vuông đất ở quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh (3)… Kể cả khi Ủy ban Kiểm tra thuộc Ban chấp hành trung ương đảng liệt kê hàng loạt chuyện liên quan đến bà và rồi kết luận đó là những sai phạm "nghiêm trọng" !
Đã tròn ba năm từ khi Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương đảng xác định bà Thoa có nhiều sai phạm "nghiêm trọng" - những sai phạm mà chỉ dựa theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra thuộc Ban chấp hành trung ương đảng công bố tại kỳ họp thứ 16 (tháng 7 năm 2017) đã khiến công quỹ thiệt hại hàng trăm tỉ đồng và mất hai năm tính từ khi Bộ Công an khởi tố vụ chuyển nhượng 6.000 mét vuông đất ở trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, "ta" mới nhìn ra rằng cần truy cứu trách nhiệm hình sự của bà Thoa, ít nhất là trong vụ chuyển nhượng 6.000 mét vuông đất ở trung tâm quận 1. Chỉ tiếc là bà Thoa nhìn xa, thấy nhanh hơn "ta" nên bà đi trước một… bước. Một số nguồn thạo tin khẳng định trên mạng xã hội rằng bà Thoa đã qua Pháp định cư.
Trong… dở (bà Thoa bỏ trốn) có… hay ! Khi "ta" công bố cùng lúc hai quyết định : Quyết định khởi tố và quyết định tạm đình chỉ điều tra - thì "ta" tạo ra một cái sọt lớn cho những bị can khác như bị can Vũ Huy Hoàng có chỗ để trút trách nhiệm. Kết luận Điều tra đã ghi chép rất cẩn thận ý kiến của ông Hoàng rằng ông chỉ chịu trách nhiệm vì là Bộ trưởng Công thương còn bà Thoa mới là người… chịu trách nhiệm chính !
***
Cách nay ba năm, khi Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương đảng công bố kết luận xác minh và kỷ luật bà Thoa, ông Lê Văn Cương (Thiếu tướng, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược của Bộ Công an) khẳng định đó là một biểu hiện rất nghiêm túc, khách quan, đáng mừng. Bởi bà Thoa từng khẳng định, trong kê khai thu nhập - tài sản hàng năm, bà luôn luôn trung thực nên nhiều người cho rằng, việc kê khai thu nhập - tài sản mà không bận tâm đến nguồn gốc tài sản là không thỏa đáng, ông Cương nhìn nhận đó là sự lỏng lẻo cả về quy chế, quy trình lẫn hệ thống giám sát quản lý (4). Đến giờ, sự lỏng lẻo đó vẫn còn, không phải do vô tình mà là cố ý. Từ hệ thống chính trị đến hệ thống công quyền cùng kiên quyết từ chối xác định "giàu có bất minh" (không thể giải thích hợp lý về nguồn gốc tài sản) là tội phạm, cần xử lý hình sự (5) nên liên tục để sót vô số đồng chí.
Nếu chống tham nhũng thật sự không có ngoại lệ, không có vùng cấm, tại sao ba năm qua, cho dù Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương đảng đã xác định là có nhiều sai phạm "nghiêm trọng" trong việc định giá DQC để cổ phần hóa, chuyển nhượng cổ phần… mà vẫn không ai yêu cầu, không nơi nào làm gì cả ? Dẫu bà Thoa đã nằm ngoái tầm với của "ta" nhưng tài sản của bà, với rất nhiều câu hỏi, vẫn còn đó !
Cứ khăng khăng bảo rằng, kỷ luật bằng xử lý hành chính, hoặc xử lý hình sự một số viên chức như bà Thoa là bằng chứng về sự quyết liệt trong chỉnh đốn đảng nhưng lờ đi việc công bố các tờ khai tài sản cho dân chúng giám sát và không dốc toàn lực trong việc thu hồi công sản đã bị biến thành tài sản cá nhân chẳng khác gì càng… quyết thì nguy cơ nội lực của quốc gia, dân tộc bị… liệt càng lúc càng cao !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 15/07/2020
Chú thích :
(1) https://thanhnien.vn/thoi-su/de-nghi-truy-to-cuu-bo-truong-vu-huy-hoang-va-9-bi-can-1251138.html
(3) https://laodong.vn/kinh-te/ba-ho-thi-kim-thoa-da-thoi-4700-met-vuong-dat-bay-vao-tui-ai-688416.bld
********************
RFA, 14/07/2020
Truyền thông trong nước, vào ngày 11/7 dẫn nguồn tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) cho biết cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, bị khởi tố và tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú do đã có hành vi "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", theo quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Bà Hồ Thị Kim Thoa bắt tay vị đại biểu Liên minh Châu Âu sau khi ký thỏa thuận song phương. Ảnh chụp hôm 25/8/2014. AFP
Quyết định khởi tố bị can đối với bà cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa được ban hành vào hôm 9/7, liên can trong vụ án hình sự về dự án xảy ra sai phạm pháp luật tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Hai cựu cán bộ cấp cao thuộc Bộ Công thương cùng bị khởi tố chung vụ án với bà Kim Thoa gồm nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và ông Phan Chí Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ.
Đến ngày 13/7, báo giới quốc nội loan tin Bộ Công an Việt Nam ra quyết định truy nã bị can Hồ Thị Kim Thoa vì bà đã bỏ trốn và thời hạn điều tra vụ án cũng đã hết. Do đó, Bộ Công an tạm đình chỉ điều tra vụ án và điều tra bị can đối với bà Hồ Thị Kim Thoa cho đến khi nào bắt được thì sẽ phục hồi điều tra và xử lý theo qui định của pháp luật Việt Nam.
Vụ việc cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa bị Chính quyền Việt Nam truy nã nhắc nhớ về hai trường hợp của cựu cán bộ Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đình Duy.
Cựu quan chức Trịnh Xuân Thanh đã đến Đức xin quy chế tị nạn chính trị, trước khi Chính quyền Việt Nam công bố lệnh truy nã vào trung tuần tháng 9/2016. Ông Trịnh Xuân Thanh bị cáo buộc tội ‘cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam. Mặc dù Việt Nam thông báo ông Trịnh Xuân Thanh đã về nước và ra đầu thú vào cuối tháng 7/2017. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Đức, vào hạ tuần tháng 9/2017 ra thông cáo báo chí về trục xuất một số nhân viên ngoại giao của Việt Nam vì liên quan trong vụ mật vụ Việt Nam sang Đức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đưa về nước.
Vụ án Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc tại Berlin đến nay, tòa án ở Đức vẫn chưa đóng hồ sơ.
Trong khi đó, nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần và Xơ sợi Dầu khí (PVtex), ông Vũ Đình Duy bị Công an Việt Nam khởi tố hồi trung tuần tháng 6/2017. Và một tuần sau đó, ông Vũ Đình Duy bị phát lệnh truy nã quốc tế. Cho đến thời điểm hiện tại vào trung tuần tháng 7/2020, trường hợp ông Vũ Đình Duy vẫn còn là một ẩn số.
Ông Vũ Đình Duy lại bị truy nã quốc tế lần thứ hai vào ngày 31/5/2018. Ảnh Bộ Công an Việt Nam. Courtesy of Bộ Công an Việt Nam
Từ Sài Gòn, Luật sư Phạm Công Út lên tiếng rằng theo ghi nhận của ông thì đối với những vụ án đặc biệt nghiêm trọng mà Bộ Công an xác định là tội phạm cần được đưa về nước thì họ sẽ dùng nhiều biện pháp để đưa về. Trong đó, không loại trừ biện pháp "bắt cóc" hay "tự thú" giống như trường hợp Trịnh Xuân Thanh.
Luật sư Phạm Công Út chia sẻ thêm qua công cụ tìm kiếm google, những người quan tâm có thể tìm thấy thông tin rất nhiều thậm chí hàng chục vụ bắc cóc xảy ra ở Đức, do Chính quyền Trung Quốc thực hiện đối với công dân của họ trong nhiều năm. Tuy nhiên, vụ việc Trịnh Xuân Thanh được dư luận trong và ngoài nước chú ý là vì Chính quyền Việt Nam không thể bưng bít thông tin trong thời đại của truyền thông đa phương tiện. Luật sư Phạm Công Út nói thêm về suy luận của ông đối với hai trường hợp truy nã bà Hồ Thị Kim Thoa và ông Vũ Đình Duy :
"Hiện nay lệnh truy nã phát ra và phía bên các cơ quan của Việt Nam đã khống chế được. Khi nào có điều kiện hay có chuyến bay chở công dân ở nước ngoài về nước thì các nhân vật đó sẽ được đưa về trong trạng thái ; một là có thể sẽ dẫn độ hoặc hai là bằng cách cưỡng bức quay về nước".
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam hồi tháng 1/2017 ban hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa và kỷ luật xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Công thương nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng.
Bà Kim Thoa nhận kỷ luật khiển trách vào thời điểm đó do đã vi phạm trong việc bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh trái quy định, thực hiện không đúng nguyên tắc, quy định ký quyết định bổ nhiệm và điều động một số cán bộ trong nhiệm kỳ 2011-2016.
Bộ Công thương Việt Nam, vào tháng 8/2017 ra quyết định cho bà Hồ Thị Kim Thoa đủ điều kiện để nghỉ hưu hưởng chế độ bảo hiểm xã hội kể từ đầu tháng 9/2017.
Giới quan sát tình hình Việt Nam cho rằng cả hai vị cựu lãnh đạo Bộ Công thương gồm bà Hồ Thị Kim Thoa và ông Vũ Huy Hoàng đã được "hạ cánh an toàn".
Mặc dù vậy, danh tánh của hai người này bị Bộ Công an khởi tố và bà Kim Thoa còn bị truy nã trước Đại hội Đảng XIII.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống, nói với RFA liên quan vụ việc này :
"Rõ ràng chuyện chống tham nhũng được xúc tiến trước Đại hội Đảng XIII. Nhưng nói rằng làm như thế để diệt tham nhũng tận gốc thì không phải đâu. Tại vì muốn chống tham nhũng đến cùng thì phải chống từ gốc. Thế nhưng, cái gốc thì vẫn còn để nguyên đấy. Bây giờ như ông Vũ Huy Hoàng, bà Hồ Thị Kim Thoa thì người ta cho rằng những người này thuộc phe phái của ông Nguyễn Tấn Dũng trước đây. Thế nhưng người ta nhận thấy ‘đánh’ như thế cũng chưa đủ mạnh và bây giờ thì người ta ‘đánh’ tiếp. Dư luận trong nước cho rằng cũng chỉ là các phe phái đánh nhau thôi, chứ không vì mục đích chống tham nhũng triệt để đâu".
Nhà báo Lê Trung Khoa, chủ tờ thoibao.de, từng bắt gặp ông Vũ Đình Duy ra làm nhân chứng tại tòa ở Đức trong vụ án Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc. Nhà báo Lê Trung Khoa cũng từng nghe ông Vũ Đình Duy khai báo rằng bản thân ông bị Chính quyền Việt Nam truy nã vì lý do thua lỗ trong lĩnh vực kinh doanh của thời trước. Tuy nhiên, ông Duy khẳng định rằng ông phải gánh chịu hậu quả trong cuộc đấu đá quyền lực, của chính phủ mới, muốn dẹp bỏ những người của chính phủ cũ tại Việt Nam, sau Đại hội Đảng XII.
Một số những người mà chúng tôi tiếp xúc được đều cho rằng chưa thể tiên liệu số phận của ông Vũ Đình Duy hay bà cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa sẽ thế nào. Nhưng họ khẳng định một thực tế luôn tồn tại ở Việt Nam là những cán bộ bị truy nã như ông Duy và bà Kim Thoa sẽ còn tiếp diễn, như qua câu kết luận của Giáo sư Nguyễn Đình Cống là "Mục đích chính dùng tham nhũng để ‘đánh’ phe phái, chắc là những chuyện như thế sẽ còn tiếp tục".
Nguồn : RFA, 14/07/2020
Pháp : Phát hiện 24 người Việt bị nhốt trong một căn hộ ngoại ô Paris (RFI, 06/07/2018)
Hai mươi tư người Việt, trong đó có 12 trẻ em và 10 phụ nữ, bị khóa trái trong một căn hộ hai phòng ở Villejuif, ngoại ô Paris, đêm thứ Tư 04/07/2018. Theo một nguồn tin cảnh sát, rất có thể họ là nạn nhân của một đường dây đưa người nhập cư lậu quy mô lớn.
Cảnh sát Pháp niêm phong căn hộ nơi nhốt những người Việt ở Villejuif, ngoại ô Paris.Ảnh chụp màn hình
Theo nhật báo Pháp Le Parisien, chính là nhờ một cú điện thoại tối thứ Tư mà cảnh sát Pháp kịp thời có mặt tại chỗ. Một phụ nữ trẻ trong nhóm người bị khóa trái đã kêu cứu qua mạng Zalo, một mạng nhắn tin rất phổ biến trong cộng đồng người Việt.
Không có bất cứ ai trong số 24 người biết tiếng Pháp. Hiện tại tư pháp bắt đầu tiến hành điều tra. Theo nguồn tin cảnh sát Pháp, tất cả 24 người tuy không bị coi là tội phạm, nhưng bị tạm giữ vì lý do "cư trú bất hợp lệ". Các nhà điều tra đang tìm cách xác định nhóm người nói trên là các nạn nhân hay những kẻ đưa người bất hợp pháp. Một chuyên gia làm việc tại Ủy Ban Tư Vấn Quốc Gia về Nhân Quyền của Pháp cho rằng hiện còn quá sớm để khẳng định những người vừa bị bắt là nạn nhân hay thủ phạm. Nếu là nạn nhân của một đường dây bóc lột tình dục hay cưỡng bức lao động, chính quyền phải công nhận quy chế nạn nhân cho họ.
Theo phỏng đoán đầu tiên của cảnh sát tư pháp phụ trách điều tra trưa hôm qua, 05/07, thì rất có thể nhóm người này đang trên đường di chuyển đến một quốc gia thứ ba.
Tại khu phố Lozaits, thành phố Villejuif, nơi vụ việc được phát giác, dân cư hết sức ngỡ ngàng. Tên họ trên hộp thư chủ nhân căn hộ là của người Châu Á. Theo một người láng giềng, liên tục có người mới đến căn hộ này, mà toàn là "người Tàu" (nhiều người Pháp thường gọi các cư dân Đông Á là người Tàu, không phân biệt quốc tịch).
********************
Sáu người Việt bị bắt vì săn bắt hổ ở Malaysia (BBC, 06/07/2018)
Sáu người Việt Nam gồm hai phụ nữ đã bị bắt giữ ở Malaysia vì săn bắt trộm và sở hữu một lượng lớn cơ thể động vật, bao gồm da của loài hổ Malaysia đang đe dọa tuyệt chủng, theo AFP.
Da của một con báo và một con hổ nằm diện bị đe dọa tuyệt chủng của Malaysia được phát hiện tại cuộc truy bắt hôm 4/7
Giới chức bảo tồn của Malaysia cho biết cuộc bắt giữ hôm thứ Tư ở bang Pahang đã thu hồi được nhiều miếng da hổ, cùng với da, móng và thịt và các phần cơ thể của một số con gấu thuộc loài đang được bảo vệ, một con báo, dê và trăn.
"Đây là cuộc bắt giữ liên quan đến hổ lớn nhất ở Malaysia trong năm nay, giá trị gần nửa triệu Ringgit (2,8 tỷ VND)", giám đốc cơ quan bảo tồn thiên nhiên Abdul Kadir Abu Hashim nói.
Ông nói những nghi phạm săn bắt trộm đã giết chết ba con hổ, một trong đó là một con con, theo AFP.
Loài hổ quý hiếm này từng có tới hàng ngàn con trong các khu rừng nhiệt đới Malaysia, nhưng giờ chúng hiện đang nằm trong diện nguy cơ tuyệt chủng vô cùng cao (CR) với chỉ khoảng 340 con còn lại.
Đầu một con hổ được phát hiện trong cuộc bắt giữ hôm thứ Tư
Loài hổ này cũng là biểu tượng linh vật quốc gia, xuất hiện trên các biểu tượng quốc gia Malaysia và các huy hiệu.
Cũng vào thời điểm này, một năm trước, quan chức Malaysia cũng bắt giữ một người đàn ông Việt Nam buôn lậu sừng tê giác, có trị giá 70.000 đôla.
Đầu năm nay, một người Thái gốc Việt cũng đã bị bắt ở Thái Lan vì đứng đầu mạng lưới buôn bán trái phép động vật hoang dã lớn nhất ở Châu Á.
********************
Trộm hoành hành ở Lâm Đồng, ‘mần’ luôn két sắt nhà công an (Người Việt, 06/07/2018)
Không chỉ có nhà người dân, trụ sở Phòng Giáo Dục bị đột nhập, nhóm trộm còn dùng xà beng cạy cửa, phá két sắt trộm nhiều tài sản ở nhà một cán bộ công an.
Trộm đột nhập vào nhà cán bộ công an thành phố Bảo Lộc do camera an ninh ghi lại. (Hình : Người Lao Động)
Theo báo Người Lao Động, khoảng 12 giờ 30 phút trưa 5 tháng Bảy, 2018, trong khi gia chủ vắng nhà, một nhóm khoảng 3-4 thanh niên bịt khẩu trang và đeo găng tay đã đột nhập vào nhà ông Đào Danh Thắng, cán bộ công an thành phố Bảo Lộc (ở phường Lộc Phát, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng), phá két sắt lấy trộm nhiều tài sản như tiền mặt và trang sức.
Qua camera an ninh cho thấy, ngoài việc phá két sắt, tất cả đồ đạc, giường ngủ, tủ& đều bị các tên trộm xới tung. Đến chiều cùng ngày, con gái ông Thắng về nhà thì tá hỏa phát hiện vụ đột nhập.
Ngoài hàng chục vụ trộm cắp tài sản của người dân xảy ra rải rác khắp tỉnh Lâm Đồng, cũng trong sáng ngày 5 tháng Bảy, các cán bộ Phòng Giáo dục và đào tạo thành phố Đà Lạt, khi đến cơ quan làm việc thì phát hiện két sắt trong phòng thủ quỹ bị đập phá, toàn bộ số tiền hơn 100 triệu đồng (hơn 4.343 USD) mà các cán bộ nhân viên của đơn vị này đóng góp cho chuyến đi du lịch sắp tới bị lấy cắp.
Qua khám xét hiện trường, hàng rào sau dãy nhà hai tầng của Phòng Giáo dục và đào tạo nằm ngay trong khuôn viên Trung tâm Hành chính thành phố Đà Lạt bị cắt, kính cửa sổ phòng vệ sinh cũng bị đập vỡ. Hiện các vụ trộm đang được công an Lâm Đồng điều tra, làm rõ. (Tr.N)
*****************
Cán bộ quản lý thị trường ở Huế dùng thẻ ngành lừa đảo tiền tỷ (Người Việt, 06/07/2018)
Lợi dụng "mác" đảng viên, cán bộ nhà nước, ông cán bộ Quản lý thị trường thành phố Huế đã dùng thủ đoạn lấy "Thẻ kiểm tra thị trường" photocopy rồi cầm cố thế chấp, vay tiền lừa đảo nhiều người.
Ông Vũ Hồng Hà bị công an bắt giữ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. (Hình : Zing)
Chiều 6 tháng Bảy, 2018, ông Võ Văn Sáu, phó trưởng công an thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết công an tỉnh đã khởi tố bắt giam ông Vũ Hồng Hà (39 tuổi, trú phường Xuân Phú, thành phố Huế) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Báo Zing cho hay, lợi dụng mình là cán bộ đang công tác tại Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Thừa Thiên-Huế, ông Hà sử dụng "Thẻ kiểm tra thị trường" của mình đem photocopy để cầm cố thế chấp, vay tiền của nhiều người.
Từ tháng Hai, 2015, đến tháng Giêng, 2017, ông Hà đã vay mượn của 23 người với số tiền là 1,95 tỷ đồng (hơn 84.697 USD). Toàn bộ số tiền này ông Hà đem đi để trả nợ và tiêu xài, cờ bạc.
Ông Hà sử dụng thẻ ngành để lừa đảo. (Hình : Zing)
Nhằm tránh sự truy xét của cơ quan công an, ông Hà thường xuyên đổi số điện thoại, tắt điện thoại, ít về nhà, không đến cơ quan làm việc. Qua điều tra, công an đã bắt giữ ông Hà vào ngày 2 tháng Bảy.
Chưa hết, lúc làm việc với công an, ông Hà đã khai báo vòng vo, không trung thực, cố tình che giấu thông tin cá nhân liên quan đến các chủ nợ khiến cơ quan điều tra tốn nhiều thời gian để xác định và làm việc với các bị hại.
"Ông Hà là cán bộ nhà nước, là người có trình độ, am hiểu pháp luật, thế nhưng trong quá trình điều tra ông ta đã khai báo vòng vo, không trung thực. Do đó, chúng tôi đã báo cáo và đề nghị thủ trưởng cho chuyển toàn bộ hồ sơ và tang vật đến Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Công An tỉnh để thụ lý theo thẩm quyền", ông Sáu được trích lời nói. (Tr.N)
***************
Hàng loạt cán bộ lãnh đạo ở Sài Gòn bị kỷ luật vì bán rẻ đất công (Người Việt, 06/07/2018)
Tại hội nghị Thành ủy ở Sài Gòn chiều 6 tháng Bảy, 2018, Ủy ban kiểm tra Thành ủy đã thông báo kết quả kiểm tra vi phạm, xem xét thi hành kỷ luật đối với hàng loạt cán bộ lãnh đạo liên quan dự án khu dân cư Phước Kiển, huyện Nhà Bè, và dự án khu nhà ở phường An Phú, quận 2.
Bà Thái Thị Bích Liên bị kỷ luật "khiển trách". (Hình : Tuổi Trẻ)
Theo báo Người Lao Động, Thành ủy đồng ý với tờ trình về xem xét kỷ luật "khiển trách" đối với bà Thái Thị Bích Liên (45 tuổi), chánh Văn Phòng Thành ủy, vì "thiếu sót trong công tác tham mưu và thực hiện trách nhiệm được ủy quyền đại diện chủ sở hữu tài sản tại các doanh nghiệp thuộc đảng bộ thành phố".
Báo này cho hay, bà Liên không tiến hành đấu thầu lựa chọn, gây thất thoát nghiêm trọng trong hai vụ phê duyệt chuyển nhượng bán rẻ và sai quy định hàng trăm ngàn mét vuông đất công tại huyện Nhà Bè và quận 2.
Ngoài ra, Ủy ban kiểm tra Thành ủy đã quyết định thi hành kỷ luật hình thức "cảnh cáo" đối với ông Phạm Văn Thông, phó chánh Văn phòng Thành ủy, và đề nghị cho thôi giữ chức vụ chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng Saigonbank.
Tương tự, thi hành kỷ luật "cảnh cáo" và đề nghị cho thôi giữ chức vụ đảng ủy viên Cơ Quan Văn Phòng Thành ủy, trưởng Phòng Quản lý Đầu tư kinh doanh vốn đối với ông Huỳnh Phước Long.
Cũng liên quan đến vụ việc, ông Tất Thành Cang, phó bí thư thường trực Thành ủy, bị Ban Thường Vụ Thành ủy kết luận đã chấp nhận chủ trương chuyển nhượng 320.000 mét vuông đất "không đúng thẩm quyền và chưa đúng quy định".
Ông Cang đã không báo cáo Thường trực và Ban Thường vụ Thành ủy trước khi quyết định, khiến việc chuyển nhượng đất có nguy cơ gây thất thoát lớn cho thành phố hơn 150 tỷ đồng (hơn 6,5 triệu USD).
Đầu tháng Sáu vừa qua, Ban Thường Vụ Thành ủy thống nhất đề nghị kỷ luật ông Cang.
Tuy nhiên, "do ông Tất Thành Cang là cán bộ thuộc diện Bộ Chính Trị quản lý, do đó Ủy ban kiểm tra Thành ủy đã tập hợp hồ sơ, tài liệu có liên quan gửi báo cáo Ủy ban kiểm tra Trung Ương xem xét xử lý theo quy định của đảng", báo Tuổi Trẻ viết. (Tr.N)
Cưỡng chế đất tại xã Nghi Kim, Nghệ An (RFA, 26/01/2018)
Công an thành phố Vinh, tỉnh Nghệ an vào sáng ngày 26 tháng giêng đưa lực lượng đến để cưỡng chế đất đối với 54 hộ gia đình người dân xóm 3 xã Nghi Kim, Thành Phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Cảnh sát cơ động được điều đến để cưỡng chế đất của 54 hộ gia đình người dân xóm 3 xã Nghi Kim, Thành Phố Vinh, tỉnh Nghệ An. RFA
Phía người dân phản đối biện pháp cưỡng chế với lý do bồi thường không thỏa đáng so với một số dự án khác cũng trên cùng địa bàn ; cụ thể mức được đưa ra là 170 triệu cho 500m2 đất thuộc dự án phòng cháy chữa cháy của Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Dự án này được UBND tỉnh ra quyết định thu hồi đất vào tháng 9 năm 2016 và vào ngày 10 tháng 1 năm 2017, UBND thành phố Vinh ra quyết định cưỡng chế.
Đến ngày 9/10/2017 UBND thành phố Vinh tiếp tục có quyết định cưỡng chế số 6430. Từ ngày 25–27/ 11/2017, UBND thành phố huy động một lực lượng công an tỉnh lẫn địa phương xuống yêu cầu người dân nhận tiền nhưng bất thành.
Vào ngày 24/1/2018, UBND thành phố mời nhân dân về tại hội trường Ủy Ban Nhân Dân xã Nghi Phú để đối thoại. Cuộc đối thoại không đi đến kết quả vì người dân cho là cơ quan chức năng không thực hiện theo luật đất đai và luật dân sự.
Bà Liệu, một người dân có đất bị cưỡng chế chia sẻ :
"Đất của nhà bà là thời cha ông để lại nhưng mà hôm nay cơ quan phòng cháy chữa cháy lấy, mà cái giá cả gia đình 54 hộ là chưa đồng ý và nhất trí nhưng mà họ vẫn cưỡng chế mấy lần rồi, nhưng mà bà vẫn cương quyết giữ đến cùng".
Một người dân tại hiện trường cưỡng chế cũng chia sẻ :
"Tỉnh và thành phố định thu hồi đất của chúng tôi mà không đền bù cho chúng tôi, chúng tôi chưa nhận được tiền nào cả, chưa được nhận đền bù gì mà lại cưỡng chế chúng tôi. Vì chính quyền không theo pháp luật và muốn ăn cướp của chúng tôi nên tập trung để cưỡng chế chúng tôi".
Trang mạng Thành phố Vinh vào ngày 26 tháng giêng cũng loan tin về cuộc cưỡng chế tại xã Nghi Kim như người dân vừa cho biết. Theo đó cũng thừa nhận chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể đã nhiều lần tuyên truyền, vận động nhưng hầu hết người dân trong diện bị cưỡng chế đất không đồng thuận, chỉ có 3 gia đình chịu nhận tiền bồi thường theo mức được đưa ra.
Thành phố Vinh nói dù thế lực lượng cưỡng chế vào ngày 26 tháng giêng tiến hành phong tỏa hiện trường, công bố quyết định cưỡng chế và tiến hành san lấp mặt bằng bàn giao cho đơn vị thi công.
Tin chúng tôi ghi nhận được không có xô xát xảy ra do người dân chưa đồng thuận với quyết định bị cho là áp đặt từ phía chính quyền.
******************
Ủy ban Kiểm tra trung ương kỷ luật một số cán bộ (RFA, 26/01/2018)
Cũng trong ngày 26 tháng giêng, trang thông tin điện tử của Chính phủ Việt Nam, thông báo chính thức về việc xem xét, thi hành kỷ luật đối với các ông Lê Phước Thanh, nguyên Bí thư tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Đinh Văn Thu, phó Bí thư tỉnh ủy, chủ tịch tỉnh Quảng Nam, và ông Huỳnh Khánh Toàn, UB ban thường vụ tỉnh ủy, phó chủ tịch thường trực tỉnh Quảng Nam.
Ông Lê Phước Thanh - Ảnh : chinhphu.vn
Quyết định trên được đưa tại kỳ họp 21 và 22 của Ủy ban Kiểm tra trung ương nhóm họp trong tháng Giêng vừa qua tại Hà Nội.
Cũng trong kỳ họp này, UB kiểm tra trung ương cũng đưa ra những xem xét kết quả giám sát đối với Ban cán sự đảng của Bộ Giao thông vận tải liên quan đến việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ I, các bộ Công thương, khoa học công nghệ, kế hoạch đầu tư, tài chính và xây dựng liên quan đến vi phạm xảy ra tại Tập đoàn dầu khí PetroVietnam và sự cố môi trường biển xảy ra tại dự án Formosa Hà Tình…
Ngoài ra, UB kiểm tra trung ương cũng xem xét thi hành kỷ luật đối với một số lãnh đạo tỉnh Nghệ an, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và một số cá nhân khác.
*************
Vinashin : Ông Nguyễn Ngọc Sự bị bắt (BBC, 26/01/2018)
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Sự, nguyên chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin (SBIC), để điều tra về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Vinashin từng thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng
Cơ quan điều tra cũng thi hành lệnh khám xét nhà ông Sự để phục vụ công tác điều tra.
Ông Sự bị bắt trong quá trình C46 điều tra giai đoạn hai vụ đại án Hà Văn Thắm và đồng phạm.
Cơ quan điều tra xác định ông Sự đã lợi dụng chức vụ quyền hạn trong việc sử dụng nguồn tiền của Vinashin gửi vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (OceanBank) để một số cá nhân thuộc Vinashin nhận, chiếm đoạt hơn 105 tỉ đồng tiền ngoài lãi suất, theo truyền thông Việt Nam.
Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) đang tập trung mở rộng điều tra vụ án, làm rõ hành vi phạm tội và thu hồi kê biên tài sản do phạm tội mà có, theo website Bộ Công an Việt Nam.
Năm 2002, ông Nguyễn Ngọc Sự, khi đó là Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định điều động giữ chức chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam năm 2012.
Tháng 8/2017, ông Sự nhận quyết định nghỉ hưu, thôi vị trí chủ tịch hội đồng thành viên tập đoàn này.
Ngoài vụ án tại Vinashin, cơ quan tố tụng đã khởi tố ba vụ án hình sự, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (VSP), Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng Công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP), theo báo Thanh Niên.
Ông Nguyễn Xuân Sơn (trái) bị kết án tử hình còn ông Hà Văn Thắm bị tuyên án chung thân
Trong vụ đại án OceanBank, hồi tháng 9/2017, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đã tuyên án Hà Văn Thắm cùng 50 bị cáo khác.
Theo đó, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank Hà Văn Thắm bị mức án chung thân vì bốn tội : cố ý làm trái, vi phạm quy định về cho vay, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tham ô tài sản.
Cựu Tổng Giám đốc OceanBank, cựu Phó Tổng giám đốc PVN Nguyễn Xuân Sơn bị kết án tử hình với ba tội danh : tham ô, lạm dụng chức quyền chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái.
Những bị cáo khác như Nguyễn Minh Thu, cũng nguyên Tổng Giám đốc Oceanbank bị kết án 22 năm tù về tội cố ý làm trái, lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản.
Phạm Công Danh, nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Xây dựng, bị phạt 14 năm tù về tội vi phạm quy định trong cho vay , tổng hợp với hình phạt trong vụ án trước đó, phải chấp hành hình phạt chung 30 năm tù.
Bà Hứa Thị Phấn bị phạt 17 năm tù về tội vi phạm về quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Thời gian gần đây, Việt Nam đã truy tố và bỏ tù hàng chục cán bộ quản lý ngành ngân hàng trong nhiều vụ đại án ngân hàng. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng các lãnh đạo tham nhũng cũng phải bị truy tố trước pháp luật.
Vụ OceanBank là một trong sáu "đại án" mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo "cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xử lý".
*********************
Vietnam bắt nguyên chủ tịch Tập đoàn Vinashin (RFA, 26/01/2018)
Ngày 26 tháng Giêng, bộ Công an Việt Nam đã khởi tố và bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Sự, nguyên Chủ tịch Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Vinashin về tội lợi dụng chức vu quyền hạn trong khi thi hành công vụ, hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Bộ Công an Việt Nam cho biết.
Nguyên Chủ tịch Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Vinashin Nguyễn Ngọc Sự - Ảnh : Bộ Công An.
Trong một tuyến bố được đưa ra trên trang web chính thức của Bộ này, ông Sự bị buộc tội tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong việc sử dụng nguồn tiền hơn 105 tỷ đồng của Vinashin gửi vào ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) để một số cá nhân trong tập đoàn nhận và chiếm đoạt.
Những vị phạm cho vay tại Ocebank đã khiến hàng chục quan chức phải ra hầu tòa và lần đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây, mức án tử hình được đưa ra đối với cựu quan chức cấp cao, ông Nguyễn Xuân Sơn, giám đốc điều hành của Vinashin.
Ông Sơn cũng là cựu chủ tịch Tập đoàn công nghiệp Nhà nước PetroVietnam, nơi ông Sự từng được bổ nhiệm làm phó giám đốc điều hành.
Cũng theo Reuters, một loạt các vụ bắt giữ các quan chức cao cấp chính phủ gần đây cho thấy trình độ quản lý yếu kém và chủ nghĩa gia đình trị trong các công ty nhà nước tại thời điểm chính phủ đang đẩy nhanh quá trình tư nhân hóa và đã dẫn đến hành vi lũng đoạn và tha hóa của một số cán bộ Đảng.