Cứ nhất định không bận tâm ‘nguồn gốc tài sản’
Trân Văn, VOA, 15/07/2020
Bởi bà Thoa từng khẳng định, trong kê khai thu nhập - tài sản hàng năm, bà luôn luôn trung thực nên nhiều người cho rằng...
Bà Hồ Thị Kim Thoa. (Hình : 24h)
Không soạn giả nào đủ khả năng tưởng tượng để viết được một vở cải lương hoặc vở kịch về phòng - chống tham nhũng tại Việt Nam hay hơn tiến trình điều tra - xử lý vụ án "vi phạm quy định về quản lý đất đai" và "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí", liên quan tới việc chuyển hóa quyền sử dụng 6.000 mét vuông đất ở trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh !
6.000 mét vuông công thổ này được giao cho một doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Công thương (Sabeco) sử dụng. Giữa thập niên 2010, Bộ Công thương cho phép Sabeco thành lập một liên doanh, sau đó tiếp tục cho phép Sabeco chuyển nhượng hết cổ phần của nhà nước trong liên doanh đó cho đối tác, rồi chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cho đối tác này thuê 6.000 mét vuông ấy với giá rẻ…
Ba năm sau vụ chuyển hóa quyền sử dụng 6.000 mét vuông đất gây thiệt hại cho công quỹ chừng… vài ngàn tỉ đồng, tám viên chức ở Thành phố Hồ Chí Minh bị Bộ Công an khởi tố. Mất thêm hai năm miệt mài… điều tra, Bộ Công an quyết định khởi tố thêm ba viên chức từng lãnh đạo Bộ Công thương - trực tiếp dính líu đến vụ chuyển hóa quyền sử dụng đất vừa kể…
Quyết định khởi tố ông Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Công thương), bà Hồ Thị Kim Thoa (cựu Thứ trưởng Công thương), ông Phan Chí Dũng (cựu Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ của Bộ Công thương) được công bố cùng lúc với việc công bố Kết luận Điều tra, xác định bà Thoa là tác nhân chính song Bộ Công an công bố thêm quyết định đình chỉ điều tra với bà Thoa vì bà đã… bỏ trốn (1) !
***
Bà Thoa vốn đã nổi tiếng từ lâu. Vào năm 2000, bà Thoa vốn chỉ là nhân viên Phòng Kế hoạch cùa Công ty Bóng đèn Điện Quang (DQC) - một doanh nghiệp nhà nước - được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc DQC. Năm 2005, sau khi DQC được cổ phần hóa, bà Thoa kiêm nhiệm thêm vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị của DQC vì bà, hai cô con gái, mẹ, em, em dâu, nắm trong tay đa số cổ phiếu của DQC.
Năm 2010, bà Thoa được cất nhắc làm Thứ trưởng Bộ Công thương. Ông Hồ Quỳnh Hưng, em trai bà Thoa thay chị đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc DQC. Một trong hai cô con gái của bà vừa là thành viên Hội đồng quản trị, vừa đảm nhận vai trò Phó Tổng giám đốc DQC. Ông Hồ Đức Lam, một người em trai khác của bà Thoa tuy không có cổ phần tại DQC nhưng là thành viên Hội đồng quản trị của DQC và sau khi Công ty Nhựa Rạng Đông (RDP) - một doanh nghiệp nhà nước khác - được cổ phần hóa, ông Lam có trong tay 65% cổ phiếu của RDP nên trở thành người điều hành doanh nghiệp gốc nhà nước này.
Cho đến giờ này vẫn chưa ai thử tìm hiểu xem việc bà Thoa là Thứ trưởng Bộ Công thương liên quan như thế nào tới chuyện tháng 9/2014, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) - nơi giám sát việc sử dụng vốn nhà nước trong các doanh nghiệp - quyết định rút hết vốn ra khỏi DQC và tháng 8/2015 SCIC đã thực hiện hành động tương tự với RDC.
SCIC không có những động tác khác thường này đối với hai doanh nghiệp thuộc loại "ăn nên, làm ra" thì sau khi cổ phẩn hóa, hai doanh nghiệp nhà nước thuộc sở hữu toàn dân vẫn chưa thể trở thành tài sản của riêng bà Thoa và gia đình bà. Năm 2017, riêng tại DQC, bà Thoa và gia đình nắm giữ 11 triệu 780 ngàn cổ phiếu, trị giá lượng cổ phiếu này khoảng… 800 tỉ đồng.
Bà Thoa chỉ bị đảng ta để ý sau khi xảy ra scandal Trịnh Xuân Thanh và đảng ta xác định bà là một trong những người trực tiếp dính líu tới việc sắp đặt, bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh sai qui định. Lúc đầu, bà chỉ bị "khiển trách". Sau đó, Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương đảng quyết định "cảnh cáo". Quyết định "cảnh cáo" của Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương đảng được công bố cùng lúc với sự kiện bà Thoa "nộp đơn xin thôi việc" (2).
Có một điểm đáng chú ý là dường nhưĐơn xin thôi việc của bà Thoa đã hóa giải toàn bộ trách nhiệm của bà : Từ chuyện định giá DQC để giải tư, chuyển nhượng cổ phần của DQC, đến chuyện chuyển nhượng 4.000 mét vuông đất ở quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh (3)… Kể cả khi Ủy ban Kiểm tra thuộc Ban chấp hành trung ương đảng liệt kê hàng loạt chuyện liên quan đến bà và rồi kết luận đó là những sai phạm "nghiêm trọng" !
Đã tròn ba năm từ khi Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương đảng xác định bà Thoa có nhiều sai phạm "nghiêm trọng" - những sai phạm mà chỉ dựa theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra thuộc Ban chấp hành trung ương đảng công bố tại kỳ họp thứ 16 (tháng 7 năm 2017) đã khiến công quỹ thiệt hại hàng trăm tỉ đồng và mất hai năm tính từ khi Bộ Công an khởi tố vụ chuyển nhượng 6.000 mét vuông đất ở trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, "ta" mới nhìn ra rằng cần truy cứu trách nhiệm hình sự của bà Thoa, ít nhất là trong vụ chuyển nhượng 6.000 mét vuông đất ở trung tâm quận 1. Chỉ tiếc là bà Thoa nhìn xa, thấy nhanh hơn "ta" nên bà đi trước một… bước. Một số nguồn thạo tin khẳng định trên mạng xã hội rằng bà Thoa đã qua Pháp định cư.
Trong… dở (bà Thoa bỏ trốn) có… hay ! Khi "ta" công bố cùng lúc hai quyết định : Quyết định khởi tố và quyết định tạm đình chỉ điều tra - thì "ta" tạo ra một cái sọt lớn cho những bị can khác như bị can Vũ Huy Hoàng có chỗ để trút trách nhiệm. Kết luận Điều tra đã ghi chép rất cẩn thận ý kiến của ông Hoàng rằng ông chỉ chịu trách nhiệm vì là Bộ trưởng Công thương còn bà Thoa mới là người… chịu trách nhiệm chính !
***
Cách nay ba năm, khi Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương đảng công bố kết luận xác minh và kỷ luật bà Thoa, ông Lê Văn Cương (Thiếu tướng, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược của Bộ Công an) khẳng định đó là một biểu hiện rất nghiêm túc, khách quan, đáng mừng. Bởi bà Thoa từng khẳng định, trong kê khai thu nhập - tài sản hàng năm, bà luôn luôn trung thực nên nhiều người cho rằng, việc kê khai thu nhập - tài sản mà không bận tâm đến nguồn gốc tài sản là không thỏa đáng, ông Cương nhìn nhận đó là sự lỏng lẻo cả về quy chế, quy trình lẫn hệ thống giám sát quản lý (4). Đến giờ, sự lỏng lẻo đó vẫn còn, không phải do vô tình mà là cố ý. Từ hệ thống chính trị đến hệ thống công quyền cùng kiên quyết từ chối xác định "giàu có bất minh" (không thể giải thích hợp lý về nguồn gốc tài sản) là tội phạm, cần xử lý hình sự (5) nên liên tục để sót vô số đồng chí.
Nếu chống tham nhũng thật sự không có ngoại lệ, không có vùng cấm, tại sao ba năm qua, cho dù Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương đảng đã xác định là có nhiều sai phạm "nghiêm trọng" trong việc định giá DQC để cổ phần hóa, chuyển nhượng cổ phần… mà vẫn không ai yêu cầu, không nơi nào làm gì cả ? Dẫu bà Thoa đã nằm ngoái tầm với của "ta" nhưng tài sản của bà, với rất nhiều câu hỏi, vẫn còn đó !
Cứ khăng khăng bảo rằng, kỷ luật bằng xử lý hành chính, hoặc xử lý hình sự một số viên chức như bà Thoa là bằng chứng về sự quyết liệt trong chỉnh đốn đảng nhưng lờ đi việc công bố các tờ khai tài sản cho dân chúng giám sát và không dốc toàn lực trong việc thu hồi công sản đã bị biến thành tài sản cá nhân chẳng khác gì càng… quyết thì nguy cơ nội lực của quốc gia, dân tộc bị… liệt càng lúc càng cao !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 15/07/2020
Chú thích :
(1) https://thanhnien.vn/thoi-su/de-nghi-truy-to-cuu-bo-truong-vu-huy-hoang-va-9-bi-can-1251138.html
(3) https://laodong.vn/kinh-te/ba-ho-thi-kim-thoa-da-thoi-4700-met-vuong-dat-bay-vao-tui-ai-688416.bld
********************
Cựu quan chức ‘cao chạy xa bay’ phải phát lệnh truy nã !
RFA, 14/07/2020
Cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa bị truy nã
Truyền thông trong nước, vào ngày 11/7 dẫn nguồn tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) cho biết cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, bị khởi tố và tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú do đã có hành vi "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", theo quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Bà Hồ Thị Kim Thoa bắt tay vị đại biểu Liên minh Châu Âu sau khi ký thỏa thuận song phương. Ảnh chụp hôm 25/8/2014. AFP
Quyết định khởi tố bị can đối với bà cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa được ban hành vào hôm 9/7, liên can trong vụ án hình sự về dự án xảy ra sai phạm pháp luật tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Hai cựu cán bộ cấp cao thuộc Bộ Công thương cùng bị khởi tố chung vụ án với bà Kim Thoa gồm nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và ông Phan Chí Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ.
Đến ngày 13/7, báo giới quốc nội loan tin Bộ Công an Việt Nam ra quyết định truy nã bị can Hồ Thị Kim Thoa vì bà đã bỏ trốn và thời hạn điều tra vụ án cũng đã hết. Do đó, Bộ Công an tạm đình chỉ điều tra vụ án và điều tra bị can đối với bà Hồ Thị Kim Thoa cho đến khi nào bắt được thì sẽ phục hồi điều tra và xử lý theo qui định của pháp luật Việt Nam.
Làm thế nào để đưa về nước ?
Vụ việc cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa bị Chính quyền Việt Nam truy nã nhắc nhớ về hai trường hợp của cựu cán bộ Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đình Duy.
Cựu quan chức Trịnh Xuân Thanh đã đến Đức xin quy chế tị nạn chính trị, trước khi Chính quyền Việt Nam công bố lệnh truy nã vào trung tuần tháng 9/2016. Ông Trịnh Xuân Thanh bị cáo buộc tội ‘cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam. Mặc dù Việt Nam thông báo ông Trịnh Xuân Thanh đã về nước và ra đầu thú vào cuối tháng 7/2017. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Đức, vào hạ tuần tháng 9/2017 ra thông cáo báo chí về trục xuất một số nhân viên ngoại giao của Việt Nam vì liên quan trong vụ mật vụ Việt Nam sang Đức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đưa về nước.
Vụ án Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc tại Berlin đến nay, tòa án ở Đức vẫn chưa đóng hồ sơ.
Trong khi đó, nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần và Xơ sợi Dầu khí (PVtex), ông Vũ Đình Duy bị Công an Việt Nam khởi tố hồi trung tuần tháng 6/2017. Và một tuần sau đó, ông Vũ Đình Duy bị phát lệnh truy nã quốc tế. Cho đến thời điểm hiện tại vào trung tuần tháng 7/2020, trường hợp ông Vũ Đình Duy vẫn còn là một ẩn số.
Ông Vũ Đình Duy lại bị truy nã quốc tế lần thứ hai vào ngày 31/5/2018. Ảnh Bộ Công an Việt Nam. Courtesy of Bộ Công an Việt Nam
Từ Sài Gòn, Luật sư Phạm Công Út lên tiếng rằng theo ghi nhận của ông thì đối với những vụ án đặc biệt nghiêm trọng mà Bộ Công an xác định là tội phạm cần được đưa về nước thì họ sẽ dùng nhiều biện pháp để đưa về. Trong đó, không loại trừ biện pháp "bắt cóc" hay "tự thú" giống như trường hợp Trịnh Xuân Thanh.
Luật sư Phạm Công Út chia sẻ thêm qua công cụ tìm kiếm google, những người quan tâm có thể tìm thấy thông tin rất nhiều thậm chí hàng chục vụ bắc cóc xảy ra ở Đức, do Chính quyền Trung Quốc thực hiện đối với công dân của họ trong nhiều năm. Tuy nhiên, vụ việc Trịnh Xuân Thanh được dư luận trong và ngoài nước chú ý là vì Chính quyền Việt Nam không thể bưng bít thông tin trong thời đại của truyền thông đa phương tiện. Luật sư Phạm Công Út nói thêm về suy luận của ông đối với hai trường hợp truy nã bà Hồ Thị Kim Thoa và ông Vũ Đình Duy :
"Hiện nay lệnh truy nã phát ra và phía bên các cơ quan của Việt Nam đã khống chế được. Khi nào có điều kiện hay có chuyến bay chở công dân ở nước ngoài về nước thì các nhân vật đó sẽ được đưa về trong trạng thái ; một là có thể sẽ dẫn độ hoặc hai là bằng cách cưỡng bức quay về nước".
Việt Nam quyết liệt chống tham nhũng ?
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam hồi tháng 1/2017 ban hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa và kỷ luật xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Công thương nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng.
Bà Kim Thoa nhận kỷ luật khiển trách vào thời điểm đó do đã vi phạm trong việc bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh trái quy định, thực hiện không đúng nguyên tắc, quy định ký quyết định bổ nhiệm và điều động một số cán bộ trong nhiệm kỳ 2011-2016.
Bộ Công thương Việt Nam, vào tháng 8/2017 ra quyết định cho bà Hồ Thị Kim Thoa đủ điều kiện để nghỉ hưu hưởng chế độ bảo hiểm xã hội kể từ đầu tháng 9/2017.
Giới quan sát tình hình Việt Nam cho rằng cả hai vị cựu lãnh đạo Bộ Công thương gồm bà Hồ Thị Kim Thoa và ông Vũ Huy Hoàng đã được "hạ cánh an toàn".
Mặc dù vậy, danh tánh của hai người này bị Bộ Công an khởi tố và bà Kim Thoa còn bị truy nã trước Đại hội Đảng XIII.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống, nói với RFA liên quan vụ việc này :
"Rõ ràng chuyện chống tham nhũng được xúc tiến trước Đại hội Đảng XIII. Nhưng nói rằng làm như thế để diệt tham nhũng tận gốc thì không phải đâu. Tại vì muốn chống tham nhũng đến cùng thì phải chống từ gốc. Thế nhưng, cái gốc thì vẫn còn để nguyên đấy. Bây giờ như ông Vũ Huy Hoàng, bà Hồ Thị Kim Thoa thì người ta cho rằng những người này thuộc phe phái của ông Nguyễn Tấn Dũng trước đây. Thế nhưng người ta nhận thấy ‘đánh’ như thế cũng chưa đủ mạnh và bây giờ thì người ta ‘đánh’ tiếp. Dư luận trong nước cho rằng cũng chỉ là các phe phái đánh nhau thôi, chứ không vì mục đích chống tham nhũng triệt để đâu".
Nhà báo Lê Trung Khoa, chủ tờ thoibao.de, từng bắt gặp ông Vũ Đình Duy ra làm nhân chứng tại tòa ở Đức trong vụ án Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc. Nhà báo Lê Trung Khoa cũng từng nghe ông Vũ Đình Duy khai báo rằng bản thân ông bị Chính quyền Việt Nam truy nã vì lý do thua lỗ trong lĩnh vực kinh doanh của thời trước. Tuy nhiên, ông Duy khẳng định rằng ông phải gánh chịu hậu quả trong cuộc đấu đá quyền lực, của chính phủ mới, muốn dẹp bỏ những người của chính phủ cũ tại Việt Nam, sau Đại hội Đảng XII.
Một số những người mà chúng tôi tiếp xúc được đều cho rằng chưa thể tiên liệu số phận của ông Vũ Đình Duy hay bà cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa sẽ thế nào. Nhưng họ khẳng định một thực tế luôn tồn tại ở Việt Nam là những cán bộ bị truy nã như ông Duy và bà Kim Thoa sẽ còn tiếp diễn, như qua câu kết luận của Giáo sư Nguyễn Đình Cống là "Mục đích chính dùng tham nhũng để ‘đánh’ phe phái, chắc là những chuyện như thế sẽ còn tiếp tục".
Nguồn : RFA, 14/07/2020