Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/07/2020

Thánh nổ Nguyễn Hòa Bình tự xướng với quả đấm dân vận

Lê Kiên - RFA tiếng Việt

Chánh án Nguyễn Hòa Bình : Công tác dân vận là thành tựu ấn tượng của nhiệm kỳ

Lê Kiên, Tuổi Trẻ Online, 13/07/2020

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định muốn hòa giải thành công phải có tấm lòng nhân ái và thiện tâm.

danvan111

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình - Ảnh : Lê Kiên

Ngày 13/7, Hội nghị công tác dân vận trong hòa giải đã được Ban Dân vận trung ương phối hợp Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân Tối cao và Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp tổ chức.

Báo cáo của Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao về công tác dân vận trong hòa giải tại tòa án cho biết Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định hòa giải là một trong các nguyên tắc cơ bản của tố tụng dân sự. 

Theo đó, tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự.

Tại phiên tòa sơ thẩm, phiên tòa phúc thẩm, nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án và thỏa thuận của họ là tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội thì hội đồng xét xử công nhận sự thỏa thuận của đương sự.

Thống kê cho thấy tỷ lệ hòa giải thành trong giải quyết các vụ việc dân sự của các tòa án tăng dần qua từng năm : năm 2016 hòa giải thành 157.916 vụ (chiếm 50% trên tổng số các vụ việc dân sự đã giải quyết) ; năm 2017 173.958 vụ (đạt tỷ lệ 50,6%) ; năm 2018 184.143 vụ (đạt tỷ lệ 53,2%) ; năm 2019 201.995 vụ (đạt tỷ lệ 52,1%).

Phát biểu tại hội nghị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết có thể nói trong rất nhiều thành tựu của nhiệm kỳ như phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, phòng chống tham nhũng, công tác dân vận là một trong những thành tựu ấn tượng.

Chánh án nhấn mạnh mỗi một câu chuyện hòa giải đều là những kỷ niệm ấn tượng, xúc động và khó quên trong cuộc đời làm hòa giải viên.

Hòa giải là thiết chế đa năng, giải quyết tất cả các xung đột, từ dân sự đến kinh tế, kinh doanh thương mại, hôn nhân gia đình, tư pháp, thậm chí các xung đột chính trị thì hòa giải cũng như là một thiết chế giải quyết mọi tranh chấp.

Với kết quả rất tính cực của thiết chế hòa giải, tòa án đã xây dựng Luật hòa giải và được Quốc hội ủng hộ thông qua với tỷ lệ tán thành rất cao hơn 90%. Luật có hiệu lực từ 1/1/2021. Với sự ra đời của luật này, chúng ta có một thiết chế hòa giải mới để giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện đã gửi đến tòa án. Chỉ khi không hòa giải thì phải mở phiên tòa xét xử.

Đánh giá cao kết qủa đạt được trong quá trình thí điểm công tác hòa giải, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đồng thời lưu ý số vụ hòa giải chưa thành công vẫn còn gần 20%. Để việc hòa giải được hiệu quả, kết quả tốt hơn, cần có cách thức giải quyết sao cho dung hòa lợi ích giữa cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và xã hội.

"Mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên phải nêu cao tinh thần, trách nhiệm, phải tự coi mình là một hòa giải viên" - ông Mẫn nói.

Lê Kiên

Nguồn : Tuổi Trẻ Online, 13/07/2020

******************

Dân vận có là thành tựu ấn tượng của nhiệm kỳ Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình ?

RFA, 14/07/2020

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đưa ra tuyên bố vừa nêu tại Hội nghị công tác dân vận trong hòa giải đã được Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, Ban cán sự đảng Tòa án Nhân dân Tối cao và Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp tổ chức hôm 13/7/2020.

danvan2

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, tại Hội nghị công tác dân vận hôm 13/7/2020. Courtesy ĐĐK

Cụ thể, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình khi phát biểu tại hội nghị cho biết, trong rất nhiều thành tựu thuộc nhiệm kỳ của ông như phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, phòng chống tham nhũng, công tác dân vận là một trong những thành tựu ấn tượng.

Công tác dân vận là gì ?

Theo Ban Dân vận Trung ương, ‘Công tác dân vận’ là công việc của toàn bộ hệ thống chính trị nhằm vận động, đoàn kết nhân dân, đưa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước... vào cuộc sống người dân. Công tác dân vận là từ tấm lòng, gần dân, lo cho dân, cùng chia sẻ với nhân dân...

Giải thích với Đài Á Châu Tự Do hôm 14/7/2020 từ Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương, nói :

"Dân vận là cái công tác rất lớn của đảng này, từ khi đảng này lập cái dân vận đến nay, tôi là người ở ban dân vận Trung ương, tôi đánh giá nó thất bại toàn tập. Bởi vì dân vận là gì, là vận động dân... nhưng không phải vận động biến họ thành tay sai, thành cấp dưới, mà phải vận động dân thành người chủ, người lãnh đạo, có trí tuệ, người có biết phản biện, biết bảo ban dạy dỗ cán bộ đảng viên... đấy mới là dân vận. Lấy ví dụ là dân vận là muốn làm cho dân có quyền, thì có làm được không ? Hoàn toàn không làm được".

Vậy ‘Công tác dân vận’ đối với ngành Tư pháp là như thế nào ? Có thể hiểu cách nói của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình về ‘Công tác dân vận’ như thế nào ?

Nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, giải thích thêm :

"Cách nói của ông Nguyễn Hòa Bình là như thế nào ? Tức là dân vận là làm thế nào dân biết luật pháp. Nhưng ngay bản thân ông Nguyễn Hòa Bình lại là người không biết luật pháp, coi như là không biết. Dân vận của ngành tòa án là nâng trình độ luật pháp của toàn dân và toàn xã hội lên. Thế mà bản thân ngành tư pháp, ngay vụ án của Anh Hải, thì rõ ràng là một sự thóa mạ vào dân vận. Tức là anh bất chấp, không cần luật, không cần thủ tục... nhảm nhí tới mức là những cái thớt, cây dao, là vật chứng quan trọng thì lại thủ tiêu, thế thì dân vận cái quái gì ?"

Theo Giáo sư Nguyễn Khắc Maiông Nguyễn Hòa Bình nói như thế tức là ông ta chẳng hiểu dân vận là như thế nào, mà lại nói liều nhằm đánh bóng mình, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai cho rằng, nói như thế là nhảm nhí, là không thể tin được.

Vào tháng 1/2008, hai nữ nhân viên bưu điện Cầu Voi ở ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, Long An bị sát hại dã man tại nơi làm việc gây chấn động dư luận. Sau đó, anh Hồ Duy Hải, ở Long An bị bắt giữ và bị tuyên án tử hình dưới tội danh ‘giết người, cướp tài sản’ tại cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm.

Cho rằng mình bị oan và không hề giết người, anh Hồ Duy Hải cùng gia đình đã liên tục kêu oan cho anh hơn hàng chục năm qua. Vào ngày 8/5/2020, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam, do Chánh án Nguyễn Hòa Minh đứng đầu, tuyên giữ nguyên bản án tử hình đối với anh Hồ Duy Hải tại phiên xử, theo thủ tục giám đốc thẩm. Ông Nguyễn Hòa Bình thừa nhận có sai sót nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án. Dư luận trong nước và các tổ chức quốc tế cùng liên tục lên tiếng cho tử tù Hồ Duy Hải. Quốc hội cũng có ý kiến xem xét lại vụ án này.

Án oan khiến dân mất niềm tin

Để tìm hiểu thêm về hoạt động của ngành Tư pháp thời gian qua, Đài Á Châu Tự Do hôm 14/7/2020 liên lạc Luật sư Phạm Công Út ở Sài Gòn, và được ông nhận định :

"Bức tranh tư pháp thời gian gần đây có vẻ xấu xí hơn so với trước đây. Một phần có lẽ do mạng truyền thông ngày càng mạnh mẽ hơn, mở rộng hơn, còn trước đó người ta chỉ đưa tin những mặt sáng, còn mặt tối không đưa hoặc đưa ít. Do đó có nhiều hoạt động tư pháp gần đây làm dư luận không yên tâm vào ‘lẽ công bằng’ từ các cơ quan tòa án. Nhiều vụ việc bì hàm oan gần đây rộ lên, không chỉ ở địa phương trình độ non kém... mà nó xuất hiện tại nhiều địa phương trải dài cả ba miền Nam Trung Bắc. Đó là những vũ án oan mà phía tòa án đã kết án người khác, đặc biệt những nguyên tắc được luật định trong các tòa án tố tụng, thì người ta đã không xem trọng mà chỉ xem như khẩu hiệu. Ví dụ như nguyên tác ‘trọng chứng hơn trọng cung’ thì cái đó chỉ giống như một bức tranh cổ động, chứ không phải là một tính chất trong hoạt động tư pháp. Người ta đã ‘trọng cung hơn trọng chứng’, dựa vào lời khai, để từ đó rất nhiều vụ án oan hiện ra".

Ngoài ra theo Luật sư Phạm Công Út, cũng có những vụ án được xem là xử sao cũng được như ‘sáng đúng chiều sai, ngày mai lại đúng’... Dẫn đến nhiều người khi tranh chấp, có thể chọn cái chết, do sự phẫn uất của họ. Còn những mảng khác, như giữa người dân đi kiện chính quyền trong những vụ án hành chánh, thì người dân toàn thua. Hầu như sơ thẩm và phúc thẩm đều bảo vệ cho chính quyền, chứ không bảo vệ lẽ phải, lẽ công bằng. Ông nói tiếp :

"Khi một phiên giám đốc thẩm đối với một sinh mạnh con người mà có nhiều nghi vấn được đưa ra xem xét một cách công khai trước báo giới, trước công luận, thì ở đây người ta đã ‘trọng cung hơn trọng chứng’ để rồi phủ nhận hết các chứng cứ ngoại phạm, chứng cứ để minh oan cho một tử tù... Tất nhiên ở đây tôi không nói thay cho dư luận xã hội... mà tôi nói ở đây là các cơ quan trung ương đã vào cuộc, ví dụ như Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Đại biểu /2020Quốc hội... là những vị quyền cao chức trọng, dám nói lên sự thật, ngược lại ý của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Họ được cho là đại diện nhân dân... tôi nhìn vào đó và thấy dư luận phản ứng gay gắt. Do đó, nếu nói công tác dân vận thời gian qua trong hoạt động tư pháp, thì tôi thấy nó ngược lại lời ông Nguyễn Hòa Bình kết luận".

Tại phiên thảo luận của Quốc hội hôm 15/6/2020, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng ban Dân nguyện Thường vụ Quốc hội cho biết, ông nhận được rất nhiều tin nhắn, điện thoại của cử tri, trong đó có vị là lãnh đạo cấp cao đã nghỉ hưu nói rằng, chưa bao giờ thấy niềm tin vào tư pháp Việt Nam thấp như bây giờ.

Còn Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, ông Hoàng Đức Thắng, cũng cho rằng, những vụ án như Hồ Duy Hải, vụ lùi xe trên cao tốc, vụ án Lương Hữu Phước nhảy lầu tự tử tại tòa… đã gây xói mòn lòng tin của người dân vào hệ thống tư pháp.

Trở lại với khẳng định của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình về công tác dân vận là thành tựu ấn tượng của nhiệm kỳ của ông. Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 14/7/2020, cho biết ý kiến của mình :

"Đó là một kiểu mị dân rất trắng trợn. Bởi vì ông Bình ở Tòa án Nhân dân Tối cao, từ lúc làm tướng phụ trách điều tra của Bộ Công an, rồi đến làm Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao... rồi đến làm Chán án Tòa án Nhân dân Tối cao, nếu chỉ liên quan vụ Hồ Duy Hải, thì ổng đã chứng tỏ là một người phạm pháp, hoặc bao che cho tội phạm, cố tình làm lệch hồ sơ điều tra. Trong đợt giám đốc thẩm thì những hành động lời nói của ổng chứng tỏ ổng không biết gì về pháp luật, rất tham quyền cố vị".

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng, nếu nói công tác dân vận của ông Nguyễn Hòa Bình rất thành công... thì không ai có thể nghe những lời bị cho là ‘thối tha’ như vậy, từ miệng một quan chức, không hiểu biết về pháp luật.

Nguồn : RFA, 15/07/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lê Kiên, RFA tiếng Việt
Read 560 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)