Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

24/03/2024

Luật Đất đai mới có hiệu lực từ năm 2025…

RFA tiếng Việt

Luật Đất đai mới có hiệu lực từ năm 2025, mở rộng nhiều trường hợp nhà nước thu hồi đất

Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 1/1/2025 đã liệt kê cụ thể và mở rộng nhiều trường hợp nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc gia công cộng và quốc phòng - an ninh.

luatdatdai1

Cảnh sát cưỡng chế thu hồi đất của dân tại tỉnh Nam Định hôm 9/5/2012. AFP

Theo đó, Nhà nước sẽ thu hồi đất của người dân khi xây chợ, khu vui chơi công cộng, công trình quốc phòng an ninh, trụ sở chính quyền, hệ thống giao thông, thủy lợi, cấp nước, năng lượng.

Luật Đất đai mới được nói nêu cụ thể và mở rộng thêm hàng loạt trường hợp nhà nước được thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi Luật cũ chỉ quy định ba trường hợp nhà nước thu hồi đất phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, công cộng : thực hiện dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư ; dự án do Thủ tướng chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư ; dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận.

Luật mới nêu cụ thể 32 trường hợp thuộc diện thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, theo PGS Nguyễn Quang Tuyến (Trưởng khoa Pháp luật kinh tế, Đại học Luật Hà Nội) được tờ VnExpress dẫn lời rằng, luật liệt kê các trường hợp cụ thể thay vì nêu nguyên tắc chung về thu hồi đất, sẽ khó bao quát hết thực tế cuộc sống. Ngược lại, Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) lại đánh giá, việc liệt kê cụ thể các trường hợp thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội trong luật mới sẽ đảm bảo tính công khai, minh bạch, dễ giám sát và khắc phục tình trạng một số nơi thu hồi đất tràn lan như trước đây.

Luật Đất đai mới còn quy định trường hợp thu hồi đất do chấm dứt sử dụng, do nguy cơ đe dọa tính mạng con người, do không còn khả năng sử dụng tiếp và do vi phạm pháp luật.

Việc thu hồi đất ở Việt Nam lâu nay là vấn đề nóng, khiến khiếu kiện đất đai gia tăng. Mỗi địa phương thực hiện thu hồi đất theo mỗi cách khác nhau khiến dân oan khiếu kiện về đất đai chiếm số lượng cao nhất.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng cho rằng cần ngăn chặn tình trạng thu hồi đất ngay sau khi điều chỉnh quy hoạch. Ông Huệ cũng đã từng thừa nhận, thực tế đã xảy ra tình trạng vừa điều chỉnh quy hoạch, vừa điều chỉnh mục đích sử dụng đất, lại đồng thời ra quyết định thu hồi đất.

Nguồn : RFA, 24/03/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 300 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)