Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

22/03/2024

Suy tôn cố Hòa thượng Tuệ Sỹ là đức Tăng thống thứ 6

RFA tiếng Việt

Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất suy tôn cố Hòa thượng Tuệ Sỹ là đức Tăng thống thứ 6

Viện Tăng thống thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vừa suy tôn cố Đại lão Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ là Bảo vị Đệ lục Tăng thống, tức vị Tăng thống thứ 6 của giáo hội có từ trước năm 1975.

tuesy1

Bài vị của cố Đại lão Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ - gdptthegioi.net

Việc suy tôn được diễn ra ngày 9/3/2024, tại chùa Từ Hiếu (quận 8, thành phố Hồ Chí Minh) nhân lễ húy kỵ (lễ giỗ) lần thứ hai của Đức cố Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ - Đệ Ngũ Tăng thống của giáo hội.

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ nguyên là Chánh Thư ký kiêm Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống, viên tịch ngày 24/11/2023 tại chùa Phật Ân, tỉnh Đồng Nai.

Nói về việc suy tôn này, Hòa thượng Thích Nguyên Lý - thành viên trong Hội đồng Giáo phẩm Trung ương kiêm Trưởng phòng Hành sự Văn phòng Chánh Thư ký Viện Tăng thống nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 21/3 :

"Theo đúng Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đúng 100 ngày sau khi Chánh Thư ký Viện Tăng thống viên tịch thì Hội đồng Giáo phẩm Trung ương mới tấn phong ngài Tuệ Sỹ lên Đại lục Tăng thống".

Cũng trong dịp này, Đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Phước An đăng lâm Pháp tịch Tăng trưởng còn Đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Thắng đăng lâm Pháp tịch Chánh Thư ký Xử lý thường vụ Viện Tăng thống.

Hòa thượng Thích Nguyên Lý cho biết, cần có một đại hội để có thể tấn phong tân Tăng thống nhưng việc này khó xảy ra trong xã hội cộng sản vì Nhà nước Việt Nam chỉ công nhận duy nhất Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Ông cho rằng những thành viên của giáo hội hiện nay cố gắng giữ lửa cho thế hệ mai sau. Ông khẳng định :

"Mình (Giáo hội - PV) chỉ giữ lửa giống như một ngọn lửa, ngọn đèn của Giáo hội và giữ đừng cho nó tắt bởi vì thời gian này là phong ba bão táp. Bổn phận của chúng tôi là giữ ngọn lửa để sau này khi trời yên biển lặng thì nhờ ngọn lửa đó đem lại lợi ích cho đạo pháp và dân tộc".

Vị hòa thượng cho biết từ trước năm 1975 cho đến năm 1981, giáo hội có các chùa rộng khắp từ Cà Mau cho đến Quảng Trị. Sau khi Nhà nước cho thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam - một thành viên của Mặt trận Tổ Quốc vào năm 1981, chính quyền độc đảng tăng cường hạn chế tự do tôn giáo đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Ông cho biết, sau thời điểm đó giáo hội bị thu hẹp sinh hoạt và những vị tăng lữ muốn sinh hoạt tôn giáo bị tù đầy và kìm kẹp. Nhiều tăng lữ vì nhiều lý do khác nhau đã rời khỏi giáo hội và gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Do vậy, giáo hội cố gắng hoạt động để tồn tại và giúp ích cho người dân :

"Chúng tôi làm được cái gì mà làm được thì mình làm, làm sao mình tạo niềm tin cho Phật tử cho đồng bào của mình.

Chẳng hạn như vấn đề từ thiện xã hội tôi hay đi, khi mình không nhân danh được giáo hội thì mình nhân danh chùa (Từ Hiếu). Làm gì đó giúp ích được cho dân thì mình làm.

Mình đi chỗ này đi chỗ khác mình diễn giảng hay gì đó (khi được) cho phép thì mình luồn sâu để hướng dẫn các Phật tử trong vấn đề tu học".

Vị hòa thượng này cho biết phương hướng hoạt động của giáo hội :

"Đồng lòng mình không tạo cái gì mà khiến nhà nước hiểu lầm, chẳng hạn mình không có tổ chức bạo động này nọ, mình cứ làm theo luật Phật hay giáo lý nhà Phật".

Ông cho biết, theo Hiến chương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất không theo thế quyền, không theo đảng phái tổ chức nào mà chỉ có thái độ chính trị.

Trong thể chế Việt Nam hiện hành, các tổ chức tôn giáo do Nhà nước kiểm soát là thành viên của Mặt trận Tổ quốc, một tổ chức ngoại vi của Đảng cộng sản cầm quyền. Nhiều tăng lữ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và linh mục công giáo là đại biểu quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân địa phương.

Tuy nhiên, theo Hòa thượng Thích Nguyên Lý, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất không đồng ý trở thành thành viên của Mặt trận Tổ quốc vì không muốn "hoạt động cho Đảng" mà chỉ thuần túy tôn giáo.

Ông cho biết trước năm 1975 và sau này, sư sãi của giáo hội không tham gia chính trị mà chỉ có Phật tử tranh cử làm dân biểu hay thành viên Quốc hội.

Dẫn chứng Phật Thích Ca từ bỏ ngai vàng để đi tu, ông khẳng định "Nếu chúng tôi làm chính trị thì trái với đức bổn sư của chúng tôi".

Nguồn : RFA, 22/03/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 332 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)