Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

03/04/2024

Luật Lực lượng an ninh cơ sở và Cán bộ không đủ năng lực

RFA tiếng Việt

Luật Lực lượng an ninh cơ sở : tăng cường mạng lưới giám sát dân ?

RFA, 03/04/2024

Tại Hội nghị ngành Công an được tổ chức ở Hà Nội hôm 2/4/2024, Đại tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an đã đề nghị Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp Xác định vị trí, tầm quan trọng của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (an ninh trật tự) ở cơ sở và các nhiệm vụ công tác trọng tâm để triển khai thi hành.

anninh1

Đại tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an tại Hội nghị ngành Công an được tổ chức ở Hà Nội hôm 2/4/2024. Courtesy bocongan.gov.vn

Vì sao ‘Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở’ luôn được chính quyền Việt Nam đặc biệt quan tâm, và liệu có thật sự mang lại hiệu quả hay chỉ là Đảng Cộng sản muốn tăng cường mạng lưới chân rết bám sát dân ? Anh Trần Anh Quân, một người hoạt động xã hội ở Sài Gòn, hôm 3/4/2024 khi trao đổi với RFA cho rằng :

"Đối với tên gọi, thì nên sửa thành ‘lực lượng bảo kê’ mới đúng hơn là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở. Vì trên thực tế công an hiện đã luồn sâu vào từng ngóc ngách xã hội để kiểm soát người dân, nhưng tội phạm càng ngày càng tăng. Có những tụ điểm đá gà, cờ bạc do chính công an quản lý, cho phép hoạt động. Thì rõ ràng đây là bảo kê tội phạm chứ không phải bảo vệ người dân".

Bên cạnh đó Anh Quân cho rằng, dự thảo này cho thấy hai điều, một là lực lượng công an đông nhưng không hiệu quả, thứ hai là tình hình xã hội đang rất bất ổn. Anh Quân lý giải :

"Lực lượng công an chính quy hiện nay đã có mặt tại từng xã, từng địa phương, cùng với gần 300.000 dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên nhưng tất cả vẫn không thể đảm bảo được an ninh xã hội. Tức là đông nhưng không có chất lượng, làm thất thoát ngân sách lên tới 3.500 tỷ (đồng) mỗi năm mà vẫn không bảo vệ được an ninh trật tự".

Ngoài ra theo Anh Quân, dự thảo cũng gián tiếp cho thấy hiện tình đất nước đang rất bất ổn, trộm cướp, cờ bạc, ma túy và nhiều tệ nạn vẫn diễn ra khắp nơi. Nhưng nhà cầm quyền vẫn không có cách nào ổn định xã hội, thậm chí tính chất các vụ án càng ngày càng phức tạp và nguy hiểm hơn.

Còn cựu trung tá quân đội Vũ Minh Trí từ Hà Nội hôm 3/4/2024 khi trao đổi với RFA cho rằng lực lượng an ninh cơ sở có tăng quân số lớn đến bao nhiêu, vẫn không bảo đảm được trật tự an toàn xã hội :

"Bộ máy an ninh cảnh sát giờ thêm lực lượng an ninh cơ sở là phình ra quá lớn. Việt Nam luôn nêu cao vai trò của dân, như công an nhân dân, quân đội nhân dân… Và từ khi mới thành lập chế độ này đã nhấn mạnh thế trận lòng dân trong quốc phòng lẫn an ninh, nhưng thật sự ra tóm lại không được lòng dân. Tôi nghĩ một khi đã mất lòng dân, dân đã không tin, không giúp đỡ, không tạo điều kiện, không hỗ trợ… thì lực lượng an ninh quân đội có tăng quân số lớn đến bao nhiêu, vẫn không bảo đảm được trật tự an toàn xã hội".

Liên quan sự việc một số người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên tấn công trụ sở, bắn chết và làm bị thương một số cán bộ công an, ông Trí nêu dẫn chứng việc Bộ trưởng Công an Tô Lâm nhìn nhận đã mất lòng dân :

"Ông Tô Lâm khi phát biểu trước Quốc hội có nói có nói ‘dân biết hết, nhưng công an không biết, chính quyền không biết…’ Tôi thấy ông Tô Lâm đã nhìn ra được bản chất của vấn đề, tức là cơ bản nhất vẫn là phải ở dân. Nhưng dân biết hết người ta không báo cho công an, có nghĩa là giữa công an đã có khoảng cách với dân. Ngày xưa chúng tôi hay nói đùa ‘quân với dân như cá với nước’ thì bây giờ ‘quân với dân như cá với thớt’… người ta không tin, người ta không giúp, không hỗ trợ chính quyền… Vì chính quyền không thuộc nhân dân, không phục vụ lợi ích nhân dân, nên người ta mặc kệ".

Theo cựu trung tá Vũ Minh Trí, bản thân ông Tô Lâm đã thấy được vấn đề như thế, thì đúng ra lực lượng công an nên thay đổi tác phong phương pháp làm việc… Chứ không phải phình số lượng an ninh cơ sở ra lớn với vài chục vạn người và ngân sách rất lớn.

anninh2

Hội nghị ngành Công an được tổ chức ở Hà Nội hôm 2/4/2024. Courtesy bocongan.gov.vn

Luật sư Đặng Đình Mạnh từ Hoa Kỳ hôm ¾/2024 cho rằng, việc Bộ Công an đẩy nhanh tiến trình thực hiện Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được quốc hội ban hành vào tháng 11/2023 đã cho thấy rõ hơn về bản chất phản động của chế độ trong nước, qua một số điểm như sau :

"Thứ nhất trong thời bình, tại sao lại cần gia tăng gần cả 300.000 người cho lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ? Phải chăng, Bộ Công an với quân số chính quy cực lớn, chiếm ngân sách vượt gấp nhiều lần so với khoản ngân sách dành các ngành dân sinh như giáo dục, y tế… nhưng lại tỏ ra rất kém cỏi về hiệu quả, đến mức, phải thành lập thêm lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự".

Thứ hai theo Luật sư Mạnh, về phương diện kinh tế, với gần 300.000 nghìn người tham gia lực lượng, thì nền kinh tế sẽ mất ngần ấy người lao động, chưa kể phải lo ngân sách để duy trì việc trả lương cho họ. Ông Mạnh nói tiếp :

"Thứ ba, Bộ Công an không hề che dấu mục tiêu trình quốc hội thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, theo đó, họ sẽ thành lập các nhóm bảo vệ an ninh, trật tự đến từng tận tổ dân phố/thôn trong cả nước. Cho thấy, chế độ vẫn luôn xem nhân dân như là thế lực thù địch tiềm tàng, nên cần phải bổ sung thêm lực lượng để kiểm soát chặt chẽ họ.

Thứ tư, từ năm 2011, Bộ Công an đã từng được quốc hội phân công việc soạn thảo các dự án luật biểu tình, luật lập hội… Thế nhưng họ đã hẹn lần khân cho đến nay. Trong khi đó, họ liên tục trình các dự án luật với mục đích nhằm khống chế, kiểm soát chặt chẽ và đàn áp các quyền tự do căn bản đối với người dân. Điều này đã thể hiện rõ bản chất độc tài thông qua giải pháp công an trị của chế độ".

Theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, chế độ độc tài trong nước không được hình thành một cách chính danh thông qua bầu cử tự do. Do đó, họ kém tự tin và luôn luôn lo lắng về khả năng chống đối của nhân dân. Dùng công an trị kiểm soát chặt chẽ nhân dân là cách họ củng cố, duy trì chế độ.

Nguồn : RFA, 03/04/2024

****************************

Cán bộ không đủ năng lực : Cho nghỉ việc hay điều chuyển chỗ khác ?

RFA, 03/04/2024

"Nếu cán bộ mà thấy không đủ năng lực để quản lý dự án thì phải có sự sắp xếp, điều chuyển. Đối với nhà thầu là chúng ta phải xử lý các nhà thầu yếu kém, chây lì vi phạm", là phát biểu của Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi tại phiên họp đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội hôm 2 tháng 4 vừa qua.

anninh3

Một dự án đang thi công dở dang ở Hà Nội - AFP

Một số người cho rằng, những cán bộ không đủ năng lực thì nên cho nghỉ, không nên điều chuyển sang vị trí khác để tránh việc mang sự yếu kém, trì trệ từ đơn vị này sang đơn vị khác. Ông Lê Văn Triết, cựu Bộ trưởng Thương Mại nêu ý kiến của ông với RFA :

"Làm được việc thì làm. Không được thì nghỉ. Việc gì phải để đó choán chỗ rồi đắn đo, cân nhắc, điều chuyển này nọ mất thời gian, công sức chẳng ích lợi gì. Qua đó phải xem lại cách đề bạt nhân sự. Khi đã chọn thì phải chọn cho chuẩn. Phải đúng người, đúng việc, đúng năng lực, đúng phẩm chất thì mới đưa lên chứ. Đằng này, đưa lên rồi làm không được phải đùn tới, đùn lui, suy nghĩ… vô ích. Bây giờ phải xem lại cách chọn lựa con người vào công việc, chứ còn cứ theo kiểu này tốn thời giờ tốn của. Nhất là trường hợp như Võ Văn Thưởng vừa rồi, tôi thấy tốn thời gian vô ích quá".

Ông Võ Văn Thưởng từ chức Chủ tịch nước Việt Nam chỉ sau hơn một năm được đưa lên vị trí này. Hãng thông tấn AP nhận định việc ông Võ Văn Thưởng từ chức xảy ra vào khi chiến dịch chống tham nhũng mạnh mẽ đang đụng đến hàng ngũ lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam.

Ông Quang, một kỹ sư xây dựng, nói với RFA quan điểm của ông về phát biểu của ông Phan Văn Mãi :

"Theo cách sử dụng cán bộ của Việt Nam thì không làm được việc chỗ này thì chuyển đi chỗ khác. Do tình trạng như thế cho nên là nó gây thiệt hại cho những nơi công việc không phù hợp với trình độ chuyên môn mà họ từng được đào tạo. Nếu mình không làm được việc nơi mình được nhận ban đầu mà lại điều chuyển đến một nơi khác không có chuyên môn thì còn gây thiệt hại cho chỗ mới nữa. Cho nên, theo quan điểm của tôi, nếu không có khả năng quản lý dự án thì cho nghỉ luôn.

Nếu tôi là giám đốc một doanh nghiệp thì tôi sẽ không bao giờ nhận một người không đủ trình độ chuyên môn trong lĩnh vực tôi cần. Nhưng thực tế ở Việt Nam, doanh nghiệp nhà nước nhận người quen biết. Vì thế người dân có câu : ‘nhất thân, nhì thế, tam quyền, tứ chế’".

Chuyện đề bạt nhân sự cho lãnh đạo là một vấn đề được dư luận xã hội quan tâm lâu nay với chuyện con lãnh đạo có chuyên môn ngành này lại được bổ nhiệm vào ngành khác, hay con lãnh đạo lại làm lãnh đạo khi tuổi còn rất trẻ, tức thăng quan tiến chức rất nhanh.

Cách đây vài năm, dư luận được dịp cười cợt, mỉa mai khi ông Nguyễn Nhân Chinh tốt nghiệp đại học chuyên ngành cờ vua ; thạc sĩ quản lý giáo dục được điều động làm Bí thư Thành ủy Bắc Ninh. Ông Chinh là con trai ruột của ông Nguyễn Nhân Chiến, đương kim ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh lúc bấy giờ.

Còn chuyện con lãnh đạo lại làm lãnh đạo khi còn rất trẻ có thể nhắc tới những trường hợp như : ông Nguyễn Xuân Anh là con ông Nguyễn Văn Chi, nguyên Chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra Trung ương. Ông Anh được đề bạt lên tới chức Bí thư tỉnh ủy Thành phố Đà Nẵng khi chưa đầy 40 tuổi ; Nguyễn Thanh Nghị con trai cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, được giữ chức Phó chủ tịch Kiên Giang khi mới 38 tuổi và năm sau thì được làm Bí thư tỉnh khi mới 39 tuổi ; Lê Phước Hoài Bảo là con trai nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam Lê Phước Thanh, được bổ nhiệm chức Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư khi mới 30 tuổi ; Lê Trương Hải Hiếu, là con trai nguyên Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải, được đề bạt lên Phó bí thư quận ủy, chủ tịch quận 12 khi mới 34 tuổi…

Chuyện lãnh đạo không làm được việc lại được thuyên chuyển qua nơi khác, bị nhiều người cho là một hình thức bao dung lãnh đạo yếu kém.

Theo Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, thành phố này còn một số dự án cần giải ngân, cần đẩy nhanh tiến độ thi công, như dự án vành đai 3, nút giao An Phú, quốc lộ 50, nút giao Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Hữu Thọ, kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, rạp xiếc đa năng Phú Thọ. Một số dự án cần thẩm định sớm để phê duyệt như dự án khu nhà ở Đông Quang (quận 12), khu dân cư phức hợp Phú Thuận (quận 7), khu dân cư Nhơn Đức (huyện Nhà Bè), khu nhà ở Ánh Trăng (quận Bình Tân) và khu chung cư Lê Thành (Tân Kiên).

Điều đáng nói là ông Mãi đề nghị, nếu cán bộ thấy không đủ năng lực để quản lý dự án thì phải có sự sắp xếp, điều chuyển. Ông Nguyễn Quang Vinh, một người dân Hà Nội, cũng là một đại tá quân đội về hưu nêu quan điểm của ông với RFA :

"Quản lý dự án phải có trình độ chuyên môn thuộc chuyên ngành xây dựng phù hợp với yêu cầu của dự án, phải có chứng nhận nghiệp vụ về quản lý dự án nếu cán bộ không đủ điều kiện này chắc chắn không để họ giữ vị trí làm công việc này. Còn việc điều chuyển thì đó là việc của cơ quan tổ chức, nhân sự xem xét năng lực của từng cán bộ phù hợp với chuyên môn nào thì tùy họ sắp xếp. Tình trạng này vẫn thường xảy ra trong việc cơ cấu tổ chức nhân sự của bộ máy nhà nước hiện nay. Việc thi tuyển cán bộ vào các vị trí quan trọng trong các cơ quan Nhà nước thường thiếu nghiêm túc nên cán bộ có năng lực không có cơ hội thể hiện khả năng của mình trong nhiều dự án lớn và quan trọng của Nhà nước".

Hôm 8/11/2021, Bộ chính trị ban hành Quy Định 41 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, đảng viên. Theo Quy định này, một khi cán bộ từ chức thì phải cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu cần kiên quyết, kịp thời xem xét cho miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ khi có đủ căn cứ.

Tuy vậy, chuyện cán bộ tự nguyện từ chức được coi là hiếm ở Việt Nam, trong khi tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện còn nhiều dự án cần giải ngân.

Nguồn : RFA, 03/04/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 245 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)