Một nam sinh lớp 8 ở Hà Nội xích mích với bạn khi chơi thể thao bị đánh đến chết não ; một nữ sinh lớp 10 ở Kon Tum bị bạn bắt quỳ gối, đánh tới tấp vào mặt ; một nữ sinh lớp 9 ở Gia Lai bị bạn cùng trường đánh hội đồng, lột áo ; một nữ sinh lớp 6 ở Hà Nội bị đánh hội đồng ; một nữ sinh lớp 6 ở Bình Phước bị đánh hội đồng… Tất cả những vụ trên đều được các bạn cùng trường quay clip phát tán lên mạng xã hội, và được truyền thông nhà nước đưa tin sau đó.
Bạo lực học đường ngày càng gia tăng
Vì đâu nên nỗi ?
Chuyện học trò đánh nhau bất kể nam hay nữ không khiến nhiều người ngạc nhiên bằng chuyện mức độ đánh nhau ngày càng dã man, tàn bạo. Đó là nhận định của một số nhà giáo, chuyên gia trong ngành giáo dục những năm qua. Giáo sư Mạc Văn Trang nêu một số nguyên nhân dẫn đến hiện trạng này :
"Vấn đề bạo lực học đường thì đã có nhiều hội nghị bàn về chuyện này và cũng đã có nhiều giải pháp được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra. Thế nhưng tình hình thì ngày càng trầm trọng hơn. Nguyên nhân thì từ xã hội. Người ta quản lý xã hội bằng bạo lực, bằng đe dọa. Nhìn đâu cũng thấy công an, cũng thấy vây bắt, rồi đàn áp, rồi cướp đất, rồi dân oan, rồi bắt người này, người kia… Tức là cái không khí xã hội đối nhau bằng bạo lực là chính, bất chấp pháp luật, bất chấp lẽ phải, bất chấp sự thật. Một cái thực trạng xã hội như thế thì nó ảnh hưởng đến tất cả mọi người, chứ không riêng trẻ em.
Ngoài ra, còn có hai nguyên nhân trực tiếp nữa, đó là việc học tập ở nhà trường quá căng thẳng ảnh hưởng đến tâm thần trẻ. Ở nhà thì cha mẹ lại áp lực sao cho con mình phải học hơn con người khác".
Nhà giáo Đỗ Việt Khoa thì cho rằng, người lớn là tấm gương cho trẻ học theo. Cho dù nhà trường có đưa bao nhiêu tiết học đạo đức, có thêm giờ học kỹ năng sống dạy học sinh biết yêu thương, tôn trọng, mà ngoài xã hội, người lớn đối với nhau tàn ác thì trẻ vẫn bắt chước. Thầy Khoa nói thêm :
"Có thể nói, tình trạng trẻ bây giờ xử lý nhau quá tệ hại, đến mức độ tàn bạo. Trước hết phải xem nguyên nhân, và một trong những nguyên nhân đầu tiên là ở người lớn. Khi người lớn cư xử với nhau độc ác, dối trá và thiếu sự nhân ái thì trẻ cũng bắt chước. Ví dụ những vụ cưỡng chế đất đai, những vụ bị dân tố cáo là cướp đất của dân, công an đối xử với những người dân mất đất, những người dân chống đối một cách cực kỳ dã man. Hay những thầy cô trên lớp cư xử với trẻ rất cay nghiệt, thậm chí là ác thì trẻ cũng bắt chước. Mà tôi nghĩ rằng những đứa trẻ ở cấp mầm non bị bạo lực nhiều nhất, và nó sẽ ăn sâu vào tâm trí trẻ".
Giữa tháng 11 năm 2023, Hội Cựu giáo chức cơ quan Bộ Giáo dục-Đào tạo đã tổ chức Hội thảo giáo dục đạo đức, lối sống, sáng tạo, kỹ năng thực hành cho học sinh-sinh viên. Nhận định về nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Đặng Huỳnh Mai nhận định rằng, nhiều hoạt động dạy và học cũng như hình thành nhân cách cho học sinh trong các nhà trường hiện nay chưa thật sự hiệu quả ; tệ nạn xã hội ngày càng phức tạp ; thiếu sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình ; chương trình giáo dục đạo đức, kỹ năng sống trong nhà trường chưa phù hợp về nội dung và phương pháp.
Theo Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường như ảnh hưởng của tâm lý tuổi dậy thì, ảnh hưởng từ gia đình, ảnh hưởng từ môi trường học tập, ảnh hưởng từ xã hội. Ông phân tích với RFA một năm trước :
"Giáo dục con người nó có ba giai đoạn. Thứ nhất là lúc còn bé thì giáo dục là từ bố mẹ và gia đình. Lớn lên là giáo dục của nhà trường và lớn nữa là giáo dục của xã hội. Trong đó, giáo dục của người cầm quyền là rất quan trọng. Ở nước mình hiện nay thì tôi nghĩ, cả 3 khâu giáo dục đó đều hỏng cả".
Bất lực ?
Để giải quyết nạn bạo lực học đường, một số chuyên gia giáo dục cho rằng cần phải đổi mới về nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục phát triển toàn diện cho học sinh với các môn học như Đạo đức, Giáo dục công dân… Một số trường tiểu học, trung học đã thay đổi cách dạy môn đạo đức với mục đích được nếu ra là giúp trẻ thay đổi nhận thức về bạo lực, dạy trẻ cách tha thứ, biết yêu thương.
Đúng ba năm trước, vào tháng 4/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản khẩn gửi trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo tại tất cả các quận, huyện, hiệu trưởng các trường trung học phổ thông, trung cấp, cao đẳng trực thuộc và giám đốc các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên yêu cầu nhà trường thực hiện các giải pháp phòng chống bạo lực học đường. Trong đó có yêu cầu nhà trường ký kết với công an địa phương về công tác phối hợp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trường học.
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa nêu giải pháp của ông với RFA :
"Giải pháp thì cứ chính quyền nhân ái với nhân dân đi đã, song người dân nhân ái với nhau. Phải làm gương trước. Đối với giáo viên, với lãnh đạo thì phải xử cho nghiêm trước rồi xử tới trẻ. Theo tôi, phải thành lập hệ thống trường giáo dưỡng và dứt khoát đưa những học sinh có hành động bạo lực với bạn bè vào trường giáo dưỡng".
Tiến sĩ Hà Sĩ Phu thì cho rằng, chẳng có giải pháp nào phù hợp. Ông phân tích :
"Con người được hình thành trong cái chế độ cộng sản này chỉ là ‘con’ chứ không thành ‘người’. Bây giờ phải thay đổi thể chế thì mới bàn đến chuyện giáo dục được. Có một chuyện mà tuy không nói công khai những nhiều người cảm thấy. Đó là họ chỉ muốn giáo dục con người thành ‘con’ mà không thành ‘người’ để dễ điều khiển. Khi thành người thì họ khó điều khiển vì có trí tuệ, có lương tâm. Thấy những cái sai trái là người ta phản ứng, cho nên nhà cầm quyền mà ác tâm thì họ chỉ muốn dừng lại ở chế độ ‘con’ thôi. Do đó không góp ý gì được cả, bởi chủ trương, mục đích của họ là giáo dục sao cho dễ cai trị".
Mới đây, Bộ Giáo dục-Đào tạo phát động cuộc thi "Sáng kiến bảo đảm trật tự trường học về phòng ngừa bạo lực học đường và lao động trẻ em" lần thứ nhất. Cuộc thi diễn ra từ ngày 1/3/2024 đến ngày 30/6/2024. Học sinh tham dự sẽ trải qua 4 vòng thi bao gồm cấp trường, cấp quận/huyện, cấp tỉnh và cấp toàn quốc với hai chủ đề là phòng ngừa bạo lực học đường và phòng ngừa lao động trẻ em.
Giáo sư Mạc Văn Trang kết luận :
"Tôi bất lực là vì cái xã hội như thế, nhà trường như thế. Phải thay đổi từ gốc. Phải làm lại xã hội, là lại nhà trường. Mà cái thể chế này thì quản lý cái gì là hỏng cái đó".
Nguồn : RFA, 02/04/2024