Một gia đình người Việt vượt biên đến Úc xin tị nạn với hy vọng thoát khỏi sự đàn áp của chính quyền Hà Nội và có cuộc sống ổn định hơn ở xứ tự do. Nhưng thực tế lại không được như họ mong ước.
Một chiếc thuyền đánh cá chở những người tị nạn Việt Nam gần đảo Christmas vào năm 2014. AFP
Tiếng kêu từ trong trại giam di trú
Anh Đậu Văn Quân, một người xin tị nạn, hiện đang bị giam giữ ở một nhà tù di trú ở bang Brisbane, Úc đã 18 tháng. Trong khi đó, vợ của ông đang phải một mình đi làm và chăm sóc ba con trong tình trạng sức khoẻ tâm thần không ổn định. Ông nói với RFA
"Vợ của mình khi sinh đứa con thứ hai thì bị trầm cảm sau sinh. Mình và bà xã không có người thân gia đình ở bên này, cũng không có trợ cấp gì của chính phủ. Một mình bà ấy phải lo cho ba đứa nhỏ. Mình cũng ở trong này cũng không giúp đỡ được gì cho nên bả bị stress, áp lực tâm lý thì người ta nói là bả bị trầm cảm nặng.
Con gái của mình cũng phải đi đến một trường học đặc biệt, bởi vì người ta nói rằng nó khó giao tiếp với mọi người, rồi đứa con gái út của mình cũng bị thận bẩm sinh".
Chị Phương, vợ anh Quân cho biết từ ngày chồng bị bắt giam, một mình chị vừa phải lo kiếm tiền nuôi các con ăn học, vừa lo tiền thăm nuôi chồng và luật sư cho chồng :
"Cuộc sống cũng có nhiều khó khăn bởi vì không có chồng, con không có cha. Giấy tờ của mình chưa được định cư cho nên đâu có được hỗ trợ gì, mình phải tự đi làm bươn chải để lo cho con, lo cho tiền luật sư của chồng. Một mình mình phải chống chọi".
Chị Phương từng phải đi bệnh viện để điều trị tâm thần. Sắp tới, nếu bệnh tình không thuyên giảm và phải vào viện lần nữa, thì các còn của chị sẽ phải bị chia ra cho nhiều gia đình khác nhau chăm sóc.
Chị Phương mong mỏi có sự lên tiếng giúp đỡ cho anh Quân sớm được thả để cùng chị chăm sóc các con :
"Người ta nói ở Úc là vùng đất tôn trọng nhân quyền mà tôi thấy sao tôi không có nhân quyền, con tôi cũng vậy luôn, không ai quan tâm đến chúng tôi".
Cuộc sống ‘long đong’ khi tị nạn ở Úc
Anh Quân vượt biên đến Úc trên một chuyến tàu đánh bắt cá hồi năm 2013. Sau 4 ngày đêm trên biển thì tàu của anh bị hải quân Úc bắt đưa lên đảo Giáng Sinh. Sau đó anh bị chuyển đi nhiều trại giam di trú khác nhau để thẩm vấn. Anh được ra trại vào đầu năm 2015 và bắt đầu nộp hồ sơ xin tị nạn.
Chị Phương, cũng giống như anh Quân, là một người tị nạn vượt biên đến Úc vào năm 2013. Sau khi được thả, anh chị gặp nhau tại một nhà thờ và kết hôn vào năm 2016.
Theo số liệu từ Bộ Nội vụ Úc , chỉ trong năm 2023, số người Việt nộp đơn tị nạn ở Úc là 2.905 người, cao nhất trong tất cả các sắc dân xin tị nạn ở nước này.
Luật sư di trú Lê Đức Minh từng trả lời RFA cho biết nguyên do có thể là vì việc làm hồ sơ tị nạn chính trị tại Úc rất đơn giản : nộp lệ phí 45 đô la Úc (xấp xỉ hơn 700 ngàn đồng), không đòi hỏi bất kỳ chứng từ hay giấy tờ nào mà chỉ yêu cầu nộp một lá đơn xin tị nạn chính trị, trong đó nêu lý do vì sao muốn tị nạn và hứa sẽ cung cấp giấy tờ chứng minh lời khai sau này.
Tổng thời gian của quá trình xem xét hồ sơ tị nạn có khi lên đến 5-7 năm. Trong thời gian đó, người nộp đơn sẽ được cấp một visa tạm trú và được cấp thẻ medicare chăm sóc sức khỏe miễn phí.
Với trải nghiệm thực tế, anh Quân nói rằng cuộc sống của người tị nạn trên đất Úc không hề dễ dàng và đơn giản như nhiều người nghĩ. Anh nói "phải ở trong chăn mới biết chăn có rận" :
"Một người làm hãng xưởng sau khi đã trừ hết tiền thuế thì một tuần nhận được khoảng 500 - 600 đô, thì phải trả tiền thuê nhà mất khoảng 200 đô, tiền ăn, xăng cổ đi lại thì lấy gì có dư. Cho nên "ở trong chăn mới biết chăn có rận".
Công việc của anh cũng không được ổn định bởi anh không phải là thường trú nhân hay có visa dài hạn :
"Lương không có được ổn định đâu. Bởi vì khi đó tụi mình là visa tạm cho nên chỉ những người Việt muốn giúp mình thì mới nhận mình làm, còn những công ty xây dựng của người Úc ở đây thì nó yêu cầu phải có visa dài hạn hoặc là thường trú nhân, chứ còn mấy cái visa tạm thì mấy công ty của Úc nó không có nhận".
Cuộc sống gia đình tuy bấp bênh nhưng vẫn duy trì được cho đến khi đại dịch Covid-19 ập đến. Theo lời anh Quân, khi đó mọi công việc đều bị ngưng trệ do lệnh phong toả, anh cũng mất việc làm. Gia đình lại không được chính phủ trợ giúp. Đến đường cùng, anh Quân đi vào con đường buôn cần sa :
"Nếu mình không có việc làm muốn xin lại tiền thất nghiệp cũng rất khó… Rồi lúc dịch bệnh bắt đầu thì phải bị phong tỏa. Mình có hỏi nhưng mà họ chỉ giúp đỡ công dân của họ thôi, trong khi tụi mình chưa được công nhận cái gì hết.
Không đi làm, có ba đứa con, rồi tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền điện không có, chẳng lẽ lại để cho mấy đứa con chết đói, cho nên khi có người nhờ mình làm thì mình chỉ nghĩ là làm đại để kiếm tiền nuôi vợ con cái đã. Lúc đó đã vô đường cùng rồi, mình đâu có suy nghĩ được gì nhiều nữa đâu".
Anh Quân bị bắt vào năm 2020 vì tội buôn cần sa. Trong giai đoạn điều tra thì Tòa di trú bác hồ sơ xin tị nạn của anh vào năm 2021.
Đến năm 10/2022, khi hết án tù thì anh không được thả mà bị chuyển thẳng qua nhà tù di trú ở tiểu bang Brisbane cho đến nay.
Bị bức bách khi ở Việt Nam
Nói về nguyên do phải vượt biên xin tị nạn, anh Quân cho biết hồi năm 2012, anh có tham đấu tranh cho nhân quyền và biểu tình chống Trung Quốc ở Đà Nẵng. Sau đó, anh bị công an gởi giấy triệu tập về nhà. Lo sợ sẽ bị bắt và khởi tố nên anh Quân trốn đi vào đêm 8/5/2013 :
"Hồi còn ở Việt Nam thì mình đã đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và biểu tình chống đối sự bành trướng của Trung Quốc và đường Chín đoạn ở biển Đông.
Mình bị công an Việt Nam gửi giấy triệu tập về nhà. Mình không dám lên, khi nhà nhận được giấy thì bố mẹ cho mình biết xong rồi kêu mình trốn đi vì đa số bị triệu tập lên như vậy là bị tra tấn đánh đập rồi bắt bỏ tù".
Theo lời anh Quân, anh được đường dây hướng dẫn ra Hà Nội để bay sang Indonesia, từ đó xuống tàu cá vượt biên qua đến Úc.
Chị Phương, quê ở Nghệ An, khi còn ở Việt Nam chị cũng tham gia sinh hoạt trong nhà thờ và đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo. Chị trốn khỏi Việt Nam sau một lần công an đàn áp một điểm sinh hoạt tôn giáo ở nhà thờ Con Cuông vào ngày 1/7/2012 :
"Khi còn ở nhà mình ở trong một nhóm đạo Công giáo, hay đọc kinh cầu nguyện. Có một đợt lên cầu nguyện ở nhà thờ Con Cuông thì công an Việt Nam đàn áp. Trong nhóm có nhiều người trốn đi chỗ này chỗ kia thì chị cũng chạy trốn. Trên đường tìm chỗ trốn thì có nghe bạn ở bên này nói là có đường đi qua cho nên chị đi qua đây".
Cho đến nay, sau 11 năm, chị Phương vẫn chưa nhận được phán quyết về hồ sơ xin tị nạn của mình.
Chị nói rằng dù kết quả có ra sao chị cũng nhất quyết không quay về Việt Nam. Bởi đã có nhiều trường hợp bị bắt bỏ tù khi "tự nguyện" hồi hương dù chính quyền Hà Nội có cam kết không sách nhiễu những người quay về :
"Chắc chắn là tôi sẽ không về. Bởi vì tôi cũng sợ ngày xưa tôi bị công an đàn áp cho nên bây giờ tôi không dám về".
Anh Quân cũng một mực khẳng định sẽ không trở về Việt Nam dù đã bị bác hồ sơ tị nạn :
"Nếu như mà xác định quay trở về Việt Nam thì mình đã không đi rồi. Mình đã vượt biên qua đây để tìm cuộc sống tìm tự do cho mình. Mình phải bỏ xứ, bỏ gia đình, bỏ cha mẹ anh chị ra đi sang đây. Có vợ con và trải qua nhiều khó khăn thì mình phải ở tại đây. Thà chết ở bên này chứ không trở về Việt Nam để bị bỏ tù, sống cũng không đàng hoàng mà chết cũng không được".
Nguồn : RFA, 05/04/2024