Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng về cáo buộc ‘vi phạm nhân quyền’ liên quan đến Chỉ thị 24
VOA, 06/04/2024
Phản hồi câu hỏi VOA về báo cáo của các nhóm nhân quyền quốc tế lên án Chỉ thị "mật" số 24 của Bộ Chính trị về "an ninh quốc gia’, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng đó là những thông tin "có mục đích xấu nhằm tách Việt Nam ra khỏi cộng đồng quốc tế".
Tổ thức The 88 Project phát hiện Chỉ thị 24-CT/Trung ương của Bộ Chính trị ban hành ngày 13/7/2023 đóng dấu "mật", được ký chỉ hai tháng trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nâng cấp quan hệ với Hà Nội lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.
"Chúng tôi phản đối những thông tin sai lệch, bịa đặt có mục đích xấu nhằm vào Việt Nam. Đây là hành vi can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, âm mưu phá hoại sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam và tách Việt Nam ra khỏi cộng đồng quốc tế", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho VOA biết qua email.
Vào tháng trước, như VOA đã đưa tin, tổ chức The 88 Project (Dự án 88) - một tổ chức phi chính phủ quốc tế có trụ sở ở bang Ilinois, Mỹ, chuyên vận động nhân quyền cho Việt Nam - công bố rằng chỉ thị mật số 24 của Bộ Chính trị về "đảm bảo an ninh quốc gia" trong bối cảnh hội nhập quốc tế đã bị rò rỉ.
Nội dung chỉ thị gây ra những ý kiến khác nhau trong giới quan sát về khả năng Đảng cộng sản Việt Nam gia tăng đàn áp các cá nhân, tổ chức có hoạt động được cho là gây nguy hiểm cho sự toàn trị của đảng này.
Tổ thức The 88 Project phát hiện Chỉ thị 24-CT/Trung ương của Bộ Chính trị ban hành ngày 13/7/2023 đóng dấu "mật", được ký chỉ hai tháng trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nâng cấp quan hệ với Hà Nội lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Trong chỉ thị này, Bộ Chính trị ra lệnh quản lý chặt chẽ việc xuất cảnh đối với cả cán bộ và công dân, ngăn cấm hình thành tổ chức chính trị đối lập ; một mặt hướng dẫn việc tuân thủ thỏa thuận quốc tế về quyền người lao động, nhưng cấm thành lập tổ chức của người lao động dưới hình thức dân tộc, tôn giáo.
Ngoài ra, chỉ thị đồng thời đưa ra hướng dẫn công tác hợp tác quốc tế, tài trợ quốc tế và tăng cường công tác phòng chống "các thế lực phản động", "cách mạng màu"...
Báo cáo của The 88 Project nói chỉ thị này nhằm củng cố chế độ độc đảng và cho thấy "các lãnh đạo Việt Nam tuyên chiến với nhân quyền", cũng như tâm trí hoang tưởng của giới lãnh đạo Hà Nội.
Tổ chức này còn nói nếu chỉ thị đó được thực hiện như dự định, nó sẽ dẫn đến vi phạm nhân quyền có hệ thống và trên diện rộng, bao gồm các hạn chế trái phép đối với việc hội họp, lập hội, ngôn luận, truyền thông và đi lại.
"Đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước là Việt Nam tiếp tục chủ động hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng với tư cách là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam cam kết thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế, trong đó có các cam kết trong lĩnh vực thương mại và nhân quyền", bà Hằng nhấn mạnh trong email trả lời VOA.
Bà Hằng viết thêm rằng trước những diễn biến phức tạp của thế giới và khu vực, Việt Nam đã ban hành nhiều văn kiện và tiến hành nhiều biện pháp nhằm tăng cường an ninh quốc gia, trong đó có phối hợp chặt chẽ với các nước nhằm "bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh con người và bảo đảm cuộc sống yên bình, hạnh phúc của nhân dân". Tuy nhiên, bà Hằng không cho biết nội dụng của Chỉ thị 24.
Phản ứng trước phát biểu trên của Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Ben Swanson, đồng giám đốc của The 88 Project, cho VOA biết hôm 25/3 : "Họ cho rằng báo cáo của chúng tôi là bịa đặt. Chúng tôi cho rằng Chỉ thị 24 tồn tại và cho thấy rõ ràng, từ góc độ nhân quyền, nó có vấn đề".
Ông Swanson nói thêm rằng ngoài tổ chức của ông, còn có NPR - một hãng tin của Mỹ - cũng đã xác minh độc lập nội dung bản sao Chỉ thị 24 và ông cũng được xem kết quả điều tra của hãng tin này.
"Giới lãnh đạo Đảng cộng sản ở Hà Nội đã ban hành một chỉ thị bí mật nhằm hạn chế những ảnh hưởng từ bên ngoài và bảo vệ quyền lực của Đảng trước sự tiếp xúc ngày càng tăng với Hoa Kỳ và các đồng minh", NPR nhận định.
"Thật phẫn nộ khi Tổng thống Biden chọn nâng cấp quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào thời điểm các nhà lãnh đạo đất nước vi phạm chính sách về quyền của 100 triệu công dân của đất nước", ông Swanson bày tỏ quan điểm với VOA. "Bất chấp những lời hoa mỹ cao cả về việc thúc đẩy một ‘trật tự quốc tế dựa trên luật lệ’ và bảo vệ tự do, ông Biden một lần nữa lại thân thiện với những kẻ chuyên quyền có hồ sơ nhân quyền tàn bạo".
Liên quan đến tự do tôn giáo, hôm 30/3, một nghị định của chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo chính thức có hiệu lực thi hành tại Việt Nam.
Nghị định 95, do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký vào tháng 12/2023, yêu cầu các nhóm tôn giáo nộp hồ sơ tài chính và cho phép quan chức chính quyền địa phương đình chỉ các hoạt động tôn giáo đối với những hoạt động cho là "vi phạm nghiêm trọng".
Trang Christianity Today hôm 5/4, dẫn lời những nhà ủng hộ tự do tôn giáo và các nhà lãnh đạo giáo hội địa phương cho rằng các quy định mới trong nghị định này cho phép giới hữu trách tăng cường giám sát và kiểm soát các hoạt động tôn giáo nhiều hơn, điển hình như cho phép chính quyền đóng cửa các nhóm tôn giáo vì "các vi phạm không được định nghĩa rõ ràng" và bổ sung các yêu cầu nhận tiền quyên góp, tài trợ, kể cả từ các nguồn nước ngoài.
Nguồn : VOA, 06/04/2024
*****************************
Việt Nam kêu gọi các nước ủng hộ tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc
RFA, 06/04/024
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn hôm 5/4 lên tiếng kêu gọi các nước tại Liên Hiệp Quốc ủng hộ Việt Nam tái ứng cử vào Hộ đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2026- 2028. Ông Sơn đưa ra lời kêu gọi này tại phiên khai mạc khóa họp thường kỳ lần thứ 55 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Geneva, Thuỵ Sĩ, trên cương vị thành viên Hội đồng nhiệm kỳ 2023 - 2025.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Geneva, Thuỵ Sĩ hôm 5/4/2024 - VnExpress
Truyền thông Nhà nước trích dẫn phát biểu của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn "khẳng định các ưu tiên của Việt Nam khi tham gia Hội đồng gồm bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chuyển đổi số và quyền con người".
Thành tích về nhân quyền của Việt Nam trong các năm vừa qua liên tục bị các tổ chức nhân quyền quốc tế chỉ trích với việc bắt giam và kết án tù nhiều nhà hoạt động xã hội ôn hoà, bao gồm cả các lãnh đạo nhóm hoạt động môi trường.
Theo thống kê của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền, Việt Nam hiện đang giam giữ khoảng 260 tù nhân lương tâm, trong đó có hơn 60 người bị cáo buộc hoặc đã bị kết án về "tuyên truyền chống nhà nước" và hơn 40 người bị bắt vì "lợi dụng quyền tự do dân chủ" chỉ vì thực thi quyền tự do ngôn luận.
Trong một báo cáo chung gửi tới Liên Hiệp Quốc về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam vào năm ngoái nhân Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) lần thứ tư của Việt Nam diễn ra vào tháng tư năm nay, ba tổ chức chuyên về nhân quyền Việt Nam cho rằng, trong bốn năm qua, Hà Nội tiếp tục gia tăng đàn áp và vi phạm trầm trọng các quyền cơ bản như quyền tự do ngôn luận, hội họp và lập hội, và trì hoãn các luật về lập hội và biểu tình.
Việt Nam là một trong 14 quốc gia được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Trước đó, Việt Nam cũng đã được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016.
Nguồn : RFA, 06/04/2024
**************************
Việt Nam kêu gọi ủng hộ để tái đắc cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc
VOA, 28/02/2024
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn kêu gọi sự ủng hộ quốc tế khi Việt Nam tái tranh cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC) trong nhiệm kỳ tới bất chấp sự chỉ trích từ các tổ chức quốc tế về hồ sơ nhân quyền yếu kém của mình.
Ngoại trưởng Việt Nam Bủi Thanh Sơn bắt tay Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Voldker Turk tại trụ sở của UNHRC ở Geneva, Thụy Sỹ, hôm 27/2.
Việt Nam được bầu vào UNHRC cho nhiệm kỳ 3 năm bắt đầu từ tháng 1 năm ngoái. Quốc gia Đông Nam Á đắc cử nhiệm kỳ 2023-2025 trong Hội đồng Nhân quyền của tổ chức liên chính phủ lớn nhất thế giới dù trước đó đã tăng cường trấn áp các tiếng nói bất đồng chính kiến trong nhiều năm.
Ông Sơn đưa ra lời kêu gọi ủng hộ khi dẫn đầu phái đoàn Việt Nam tham dự Phiên họp cấp cao Khóa 55 của UNHRC tại Geneva của Thụy Sỹ, theo truyền thông trong nước.
Theo báo Tin Tức của TTXVN đưa tin hôm 27/2, ngoại trưởng Việt Nam đã gặp mặt Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Volder Turk và một số nhà ngoại giao quốc tế tại Geneva.
Tại cuộc gặp với người đứng đầu UNHRC, ông Sơn được Tin Tức trích lời nói rằng Việt Nam bảo đảm sự thụ hưởng quyền con người cho người dân trong tiến trình đổi mới và phát triển đất nước gần 40 năm qua. Theo tờ báo của TTXVN, ông Sơn khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và triển khai nhiều biện pháp cụ thể nhằm bảo vệ quyền con người, đồng thời chia sẻ thông tin về việc hoàn thành báo cáo quốc gia theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV.
Phiên rà soát theo chu kỳ UPR nhằm xem xét tình hình nhân quyền của Việt Nam được ấn định diễn ra vào tháng 4 và tháng 5 tới đây. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế HRW và các tổ chức khác hồi cuối năm ngoái đã đệ trình những điều mà họ cho là vi phạm về nhân quyền của Việt Nam lên UNHRC. Theo báo cáo của HRW lên cơ quan Liên Hiệp Quốc hồi tháng 10, tình hình nhân quyền tại Việt Nam đã xấu đi nghiêm trọng kể từ đợt UPR lần cuối vào tháng 1/2019.
Tuy nhiên tại phiên họp của UNHRC ở Geneva hôm 26/2, ông Sơncho biết Việt Nam đã thực hiện hoàn toàn gần 90% số khuyến nghị nhận được năm 2019, theo Tin Tức. Nêu bật những nỗ lực của Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người, ông Sơn được tờ báo này trích lời nói rằng trong năm 2023, kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng trên 5%, với tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 3%, đồng thời tiếp tục dành trung bình hằng năm khoảng 3% GDP cho bảo đảm an sinh xã hội. Bộ trưởng Việt Nam tái khẳng định tại phiên họp của UNHRC rằng các ưu tiên của Việt Nam khi tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc gồm có việc bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chuyển đổi số và quyền con người.
Nhưng HRW đã gọi 2023 là một năm "u ám" về nhân quyền tại Việt Nam. Trong một báo cáo đưa ra vào tháng 1 vừa qua, tổ chức này nói rằng chính phủ Việt Nam đã đàn áp trên diện rộng các quyền dân sự và chính trị căn bản, đồng thời trừng phạt khắc nghiệt những người thách thức sự độc tôn quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam trong năm 2023. Bộ Ngoại giao Việt Nam ngay sau đó phản bác cáo buộc của tổ chức có trụ sở ở Mỹ và cho rằng các thông tin này là "bịa đặt".
Bất chấp bị quốc tế chỉ trích về hồ sơ nhân quyền, ông Sơn, theo Tin Tức, đã tuyên bố và kêu gọi các nước ủng hội Việt Nam tái ứng cử làm thành viên của UNHRC nhiệm kỳ 2026-2028.
Tờ báo của TTXVN cho biết Cao ủy Nhân quyền chúc mừng Việt Nam có năm đầu tiên trên cương vị thành viên UNHRC "vô cùng thành công" khi gặp ông Sơn, và ông Turk đã đánh giá cao sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của Việt Nam đối với Văn phòng Cao ủy cũng như mong muốn tiếp tục hợp tác hai bên.
Nguồn : VOA, 28/02/2024