Thủ tướng Abe muốn 'thắt chặt quan hệ' Nhật-Việt (BBC, 16/01/2017)
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm Việt Nam từ 16-17/01/2017
Thủ tướng Nhật Bản muốn thắt chặt quan hệ chiến lược Nhật - Việt trong chuyến thăm Việt Nam hai ngày từ 16-17/01, theo một nhà quan sát và bình luận thời sự chính trị từ Tokyo.
Ngoài ra, chuyến đi là dịp để 'củng cố' các vấn đề về kinh tế và an ninh ở Biển Đông, nhà báo Đỗ Thông Minh nhận định với BBC từ Nhật Bản hôm Chủ nhật, 15/01.
"Thủ tướng Shinzo Abe quyết định chuyến đi lần này tới Việt Nam để thắt chặt thêm mối quan hệ đã được coi là đối tác chiến lược", ông Đỗ Thông Minh nói.
"Đây là lần thứ ba ông tới Việt Nam. Rõ ràng ngoài viện trợ kinh tế dồi dào cho Việt Nam, Nhật Bản hiện vẫn là quốc gia đứng đầu với số viện trợ ODA (Viện trợ phát triển chính thức) mỗi năm là khoảng 1,8-2 tỷ đô-la, bên cạnh đó là những hỗ trợ liên quan tới vấn đề an ninh, nói thẳng là vấn đề quân sự.
"Năm 2013, khi đi Việt Nam, ông đã hứa hẹn cung cấp cho Việt Nam 10 tàu tuần duyên, những loại như cảnh sát biển, loại bán quân sự, và những việc đó đã được thực hiện khá tốt đẹp trong thời gian qua".
"Nhật Bản đã có những tập trận chung với phía Việt Nam. Cảng Cam Ranh, ngày 08/3/2016 khi mở cho quốc tế thì tàu Nhật Bản cũng là một trong những tàu đầu tiên tới Việt Nam".
"Cho nên chúng tôi nghĩ chuyến đi này là chuyến đi củng cố những vấn đề kinh tế và kể cả an ninh ở Biển Đông nói chung", nhà báo Đỗ Thông Minh nói.
'Nhật không thể đơn phương'
Nhật Bản được cho là đang thực hiện một sách lược 'liên hoành và hợp tung' để giải quyết các thách thức với an ninh của nước này ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Một số nhà quan sát và bình luận còn đề cập tới một sách lược 'kim cương' (Diamond policy), đặc biệt liên quan tới hợp tác kinh tế và an ninh trong khu vực Đông Bắc và Đông Nam Á, trong đó có các vấn đề như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các vấn đề khác.
Tuy nhiên, ông Đỗ Thông Minh cho rằng Nhật Bản khó đơn phương thực hiện bất cứ chiến lược gì nếu không có sự đồng ý của Hoa Kỳ.
"Hậu TPP có lẽ vẫn là vấn đề còn đang được bàn. Điểm quan trọng là Nhật Bản là một đồng minh 'đàn em' quan trọng của Mỹ, cho nên thực tế ra Nhật Bản có làm gì trên vấn đề chiến lược, về an ninh và kinh tế, ít nhiều cũng phải có sự đồng ý của Mỹ.
"(Nếu) Mỹ chống đối kịch liệt, thì Nhật Bản không thể đơn phương mà thực hiện được".
Bình luận rộng hơn về bối cảnh nội bộ của Nhật Bản phía sau chuyến thăm bốn nước Úc, Philippines, Indonesia và Việt Nam của Thủ tướng Shinzo Abe trước việc ông Donald Trump sắp chính thức trở thành tổng thống kế tiếp của Hoa Kỳ, nhà báo Đỗ Thông Minh nói :
"Có hai vấn đề chính. Thứ nhất về vấn đề kinh tế : Việc xét lại những hiệp định kinh tế, kể cả TPP, và việc ông Trump đặt nặng vấn đề những công ty sản xuất xe hơi của Nhật Bản làm cho giới tài phiệt Nhật Bản rất quan tâm. Và họ cũng không biết ý thực khi ông lên cầm quyền sẽ như thế nào, cộng thêm vấn đề đặt ra với các quốc gia trong vùng, với sự hỗ trợ an ninh của Mỹ, tăng cường gánh nặng về chi phí quân sự, điều này không rõ ông Trump có biết không, thực ra Nhật Bản gánh 70% chi phí quân đội Mỹ ở tại đây (Nhật Bản)".
"Tức là gần 40 ngàn người và mỗi một năm, Nhật Bản chi từ 6-7 tỷ đô-la để trả cho chuyện đó. Người ta cũng lo ngại là ông Trump có thể hăm dọa 'chúng tôi bớt hỗ trợ đi', nhưng mặt khác, những thông tin mới đây đều thấy ông Trump lại có thái độ cứng rắn và sẽ tăng cường số tàu chiến đang từ bây giờ khoảng 240 chiếc lên tới 355 chiếc".
"Tức là quân đội Mỹ, với sự bành trướng của Trung Quốc, bây giờ lại có khuynh hướng gia tăng, cho nên kế hoạch chuyển 60% lực lượng của ông Obama qua Thái Bình Dương có thể vẫn được duy trì và tăng cường, bất chấp những sự bất đồng về vấn đề quân sự và kinh tế, tóm lại điều đó sẽ tác động mạnh như là thái độ của ứng viên được đề cử vào chức ngoại trưởng (Hoa Kỳ) rất mạnh mẽ đối với Trung Quốc".
"Chính quyền mới của ông Trump, chúng tôi nghĩ, chắc chắn sẽ ảnh hưởng trong vùng rất quan trọng, trước hết là ảnh hưởng tới Trung Quốc, sau đó là Nhật Bản và Việt Nam, thành ra có lẽ tất cả đều đang theo dõi những động thái của chính quyền mới của ông Trump để có thái độ thích ứng", nhà báo Đỗ Thông Minh bình luận với BBC.
Hiện Việt Nam và Nhật Bản duy trì quan hệ "đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á".
Mối quan hệ này được thiết lập trong chuyến thăm Nhật Bản hồi 3/2014 của Chủ tịch nước Việt Nam khi đó, ông Trương Tấn Sang.
*****************************
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói về an ninh hàng hải và TPP tại Việt Nam (Tin Tức, 16/07/2017)
Tối 16/1, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tổ chức buổi họp báo nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 16-17/1/2017, trong đó ông nhấn mạnh 2 vấn đề : an ninh an toàn hàng hải và TPP.
Về vấn đề an ninh hàng hải, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh, an ninh an toàn tự do hàng hải có vai trò cực kỳ quan trọng và nguyên tắc thượng tôn pháp luật phải được thực hiện. Nhật Bản nhất quán với nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, không dùng vũ lực và đe doạ sử dụng vũ lực, ủng hộ tự do hàng hải.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu tại buổi họp báo.
Liên quan đến việc cung cấp 6 tàu tuần tra mới cho Việt Nam, Thủ tướng Abe cho biết, ông muốn tiếp tục nâng cao năng lực cho lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam. Trong chuyến thăm các nước Châu Á cũng như Việt Nam lần này, Nhật Bản và các nước đều thống nhất tăng cường hơn nữa an ninh quốc phòng.
Theo ông Abe, các dân tộc đều được hưởng lợi từ biển. Ông cho biết, Việt Nam chia sẻ với Nhật Bản tinh thần thượng tôn pháp luật. Đây là nguyên tắc cơ bản không thể thay đổi được.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Thủ tướng Abe nhấn mạnh, nền tảng của tự do thương mại là Hiệp định TPP. Nhật Bản muốn thông qua TPP để hướng tới các hiệp định lớn hơn. Ông cho biết, Nhật Bản luôn là ngọn cờ đầu trong cơ chế tự do thương mại.
Trước đó, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Chiều cùng ngày, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tiếp thân mật Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thể hiện sự coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng của hai nước ; khẳng định Việt Nam coi Nhật Bản là đối tác quan trọng và lâu dài.
Hai bên mong muốn tiếp tục tăng cường sự tin cậy chính trị và thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, ODA, nông nghiệp, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, ứng phó với biến đổi khí hậu, lao động, quốc phòng, an ninh, giao lưu địa phương.
Dương Phương
*************************
Nhật cung cấp thêm tàu tuần tra cho Việt Nam (BBC, 16/01/2017)
Thủ tướng Nhật nói về tầm quan trọng của hợp tác với bốn nước trong chuyến thăm đầu năm.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố cung cấp thêm 6 tàu tuần tra mới cho Việt Nam.
Đây là một phần trong khoản ODA vốn vay trong năm tài khóa 2016 trị giá khoảng 123 tỷ yen (tương đương 1,05 tỷ USD) của Tokyo cho Hà Nội nhằm hỗ trợ cho các vực an ninh hàng hải, ứng phó với biến đổi khí hậu, thoát nước và xử lý nước thải.
Nhật Bản là nước cung cấp Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam.
Tuy nhiên quyết định vào năm ngoái của Hà Nội dừng dự án ở Ninh Thuận với sự hỗ trợ của Tokyo là yếu tố tiêu cực cho chính phủ Abe, người xem việc xuất khẩu đầu tư hạ tầng là một trụ cột trong chiến lược phát triển kinh tế.
Việt Nam là chặng cuối trong chuyến công du bốn nước Châu Á của ông Abe.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh cả Nhật Bản và Việt Nam đều có tranh chấp chủ quyền trên biển với láng giềng Trung Quốc.
"Chúng tôi sẽ hỗ trợ mạnh mẽ việc tăng cường năng lực thực thi luật hàng hải của Việt Nam", ông Abe nói.
Trong khi đó Thủ tướng Việt Nam được dẫn lời nói "hai phía nhẩt trí về tầm quan trọng đảm bảo hòa bình, an ninh và an toàn hàng hàng hải ở Biển Đông, khuyến khích giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực".
Đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ ba của Thủ tướng Abe, sau hai lần thăm vào 2006 và 2013.
Đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ ba của Thủ tướng Abe, sau hai lần thăm vào 2006 và 2013.
Ngoài cuộc gặp với Thủ tướng Phúc, Thủ tướng Nhật cũng đã gặp Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, theo truyền thông trong nước.
Hai bên cũng bàn thảo về chuyến thăm cấp Nhà nước của Nhật hoàng tới Việt Nam được lên lịch dự kiến vào tháng Ba năm nay.
Nhà báo Đỗ Thông Minh từ Tokyo nói với BBC rằng chuyến đi này của ông Abe là để "củng cố những vấn đề kinh tế và kể cả an ninh ở Biển Đông nói chung".
Tuy nhiên, ông Minh cho rằng Nhật Bản khó đơn phương thực hiện bất cứ chiến lược gì nếu không có sự đồng ý của Hoa Kỳ.
Hồi năm 2014 Nhật Bản cũng tuyên bố cung cấp cho Việt Nam 6 tàu tuần tra.
*******************
Nhật cam kết cung cấp cho Việt Nam 6 tàu tuần duyên (RFA, 16/01/2017)
Đoàn tàu bảo vệ bờ biển của Nhật Bản trong một lần tập trận ở Tokyo Bay. AFP photo
Trong chuyến công du Việt Nam lần này, Nhật mang một tin vui tới cho Hà Nội, đó là cam kết tài trợ 6 tàu tuần duyên mới cho Việt Nam. Thủ tướng Shinzo Abe cho biết Nhật sẽ hỗ trợ mạnh mẽ Việt Nam bằng cách tăng cường năng lực hàng hải thực thi pháp luật, đồng thời nhấn mạnh rằng các tranh chấp Biển Đông phải được giải quyết thông qua đàm phán phù hợp với pháp luật quốc tế.
Mặc dù Tokyo không tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông nhưng lo lắng về những hành động quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc trên vùng biển này cũng như tại khu vực biển Hoa Đông khiến Tokyo tìm sự đồng thuận nhiều nước trong vùng như Philippines, Indonesia và Việt Nam.
Ngoài việc cam kết cung cấp tàu tuần duyên cho Việt Nam phái đoàn đã ký một số thỏa thuận kinh doanh, bao gồm cả năng lượng và các dự án dệt may và một dự án giúp đỡ chống tác động của biến đổi khí hậu.
**********************
Thủ tướng Nhật thông báo cấp cho Việt Nam 6 tàu tuần duyên mới (RFI, 16/01/2017)
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đón đồng nhiệm Nhật Bản Shinzo Abe, tại Hà Nội, ngày 16/01/2017Reuters
Hôm nay, 16/01/2017, trong khuôn khổ chuyến công du Châu Á, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến Hà Nội công du Việt Nam trong 2 ngày, với trọng tâm là vấn đề Biển Đông. Nhân dịp này, lãnh đạo chính phủ Nhật thông báo cấp 6 tàu tuần duyên mới cho Việt Nam.
Đây là lần thứ ba ông Shinzo Abe thăm chính thức Việt Nam trong cương vị thủ tướng Nhật. Sau khi duyệt đội quân danh dự, ông Abe đã có cuộc hội đàm kín với thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Theo nhật báo Japan Times, tổng hợp tin của các hãng thông tấn quốc tế, cuộc hội đàm giữa hai vị thủ tướng chủ yếu tập trung vào vấn đề Biển Đông và hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP.
Lãnh đạo chính phủ hai nước bàn về một đối sách chung trước những hành động của Trung Quốc nhằm áp đặt chủ quyền lên Biển Đông, trong bối cảnh chưa ai rõ là chính quyền Donald Trump có tiếp tục giúp bảo đảm ổn định khu vực hay không.
Theo Reuters, sau khi hội đàm với thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng Shinzo Abe loan báo là phía Nhật sẽ cấp 6 tàu tuần duyên mới cho Việt Nam để giúp nâng cao khả năng của lực lượng Cảnh sát biển (tuần duyên) Việt Nam ở vùng Biển Đông. Trước đó Tokyo đã tặng cho Cảnh sát biển Việt Nam 6 tàu tuần tra, nhưng đó là tàu cũ.
Vào lúc mọi người lo ngại là chính quyền Trump sẽ thi hành một chính sách bảo hộ mậu dịch, hai vị thủ tướng Nhật - Việt cũng bàn về việc thúc đẩy tự do mậu dịch giữa các nước Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có hiệp định TPP do Mỹ khởi xướng, không có Trung Quốc và hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP, có bao gồm Trung Quốc.
Ngoài đối thoại an ninh và hợp tác quốc phòng, trong chuyến đi Việt Nam lần này, thủ tướng Abe dự kiến đề nghị hợp tác của Nhật về phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam, trong đó có dự án khu công nghệ cao Hòa Lạc, ở ngoại ô Hà Nội.
Nhật Bản hiện vẫn là một trong những đối tác đầu tư và thương mại hàng đầu của Việt Nam, đồng thời vẫn là nhà tài trợ song phương lớn nhất.
Thanh Phương