Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

01/05/2024

Tự do tôn giáo ở Việt Nam : Hà Nội không hề nương tay đàn áp

Tổng hợp

Báo cáo mới : Việt Nam bỏ tù 71 tù nhân tôn giáo

RFA, 01/05/2024

Ủy ban Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) hôm 1/5 công bố Báo cáo Tự do Tôn giáo 2023 cho biết, Việt Nam hiện vẫn có 80 nạn nhân tôn giáo theo danh sách nạn nhân tín ngưỡng Frank R.Wolf (FoRB) do USCIRF lập nên để theo dõi các quốc gia nên được đưa vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC).

tongiao1

Người Khmer Krom biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam ở Washington DC hôm 21/8/2023 - Photo : RFA

Theo danh sách được công bố trong báo cáo, Việt Nam cầm tù 71 người, tạm giữ tám người và giam giữ tại gia một người vì vấn đề tôn giáo.

USCIRF nhận định tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam không có gì thay đổi so với năm 2022 trong khi chính quyền sử dụng Luật Tín ngưỡng Tôn giáo để đàn áp các nhóm tôn giáo của người thiểu số và các nhóm tôn giáo không được Chính phủ thừa nhận. Báo cáo có đoạn viết :

"Các giới chức tiếp tục đàn áp các nhóm thiểu số tôn giáo như những người Thượng theo Tin Lành, những người Khmer Krom theo Phật giáo, những người Hmong theo đạo Dương Văn Mình.

Giới chức chính quyền hạn chế các hoạt động tự do của người Thượng theo Tin Lành, bắt họ phải từ bỏ đạo, bắt giam và kết án họ với cáo buộc phá hoại đoàn kết dân tộc và lợi dụng các quyền tự do dân chủ".

Báo cáo mới của USCIRF cho biết, trong năm 2023, Chính phủ Việt Nam thực hiện Chỉ thị 78 để xóa bỏ đạo Dương Văn Mình của người Hmong.

Báo cáo cũng nêu sự việc vào tháng 11 năm ngoái, một nhóm các giới chức chính quyền địa phương mặc thường phục cản trở một chùa của người Khmer Krom dạy tiếng Khmer ; chính quyền hạn chế việc nhập khẩu các sách vở tôn giáo bằng tiếng Hmong vào Tây Nguyên.

Việc bắt giữ và kết án ba nhà hoạt động người Khmer Krom theo Điều 331 Bộ luật Hình sự (Lợi dụng các quyền tự do dân chủ) trong năm 2023 cũng được đề cập trong báo cáo.

Vụ tấn công vào các văn phòng chính quyền địa phương hồi tháng 6 năm ngoái dẫn đến phiên tòa xét xử 100 người Thượng, theo báo cáo, làm dấy lên quan ngại rằng Chính phủ có thể sử dụng sự việc này để gia tăng việc đàn áp nhóm người Thượng theo thiên chúa giáo.

Báo cáo của USCIRF được thực hiện hàng năm từ năm 2000 tập trung vào các nước Trung Quốc, Nga, Sudan nhưng sau đó đã mở rộng ra toàn thế giới.

Theo báo cáo, USCIRF tiếp tục có những quan ngại về sự tụt dốc qua các năm ở nhiều quốc gia bao gồm Việt Nam.

Từ năm 2002, USCIRF đã đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách CPC. Vào năm 2004, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa Việt Nam vào danh sách này nhưng vào năm 2006, Hoa Kỳ đã rút quốc gia này khỏi danh sách. Mặc dù vậy, USCIRF các năm sau đó liên tục đề nghị đưa Việt Nam vào lại danh sách CPC. Đến năm 2023, Bộ Ngoại giao Mỹ quyết định đưa Việt Nam vào Danh sách theo dõi đặc biệt (SWL).

Nguồn : RFA, 01/05/2024

*******************************

Hà Nội : Giáo xứ Thái Hà phản đối Bệnh viện Đống Đa xây mới toà nhà 8 tầng trên đất nhà thờ

RFA, 30/04/2024

Bệnh viện Đống Đa vấp phải sự phản đối khi lên kế hoạch xây dựng một toà nhà mới bao gồm hai tầng hầm và sáu tầng nổi trong khuôn viên vốn trước đây thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội.

tongiao2

Bệnh viện Đống Đa và vị trí định xây tòa nhà mới - Truyền thông Giáo xứ Thái Hà

Kế hoạch này nằm trong dự án "Đầu tư cải tạo, nâng cấp Bệnh viện đa khoa Đống Đa" và toà nhà mới có diện tích mặt sàn mỗi tầng là 1.220 mét vuông, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 264 tỷ đồng. Vị trí tòa nhà này sẽ nằm ở khu vực giáp công viên, phía sau Tu viện của Nhà Dòng mà hiện nay đang được dùng làm Bệnh viện Đống Đa. 

Linh mục Giuse Nguyễn Văn Toản, Phụ trách truyền thông của Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội, cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết bệnh viện và ban quản lý dự án tổ chức một buổi lấy ý kiến nhân dân vào sáng ngày 25/4 tại trụ sở UBND phường Quang Trung, quận Đống Đa.

Ông thay mặt nhà thờ cùng ba giáo dân đến tham dự buổi họp này, một số tổ trưởng tổ dân phố và đại diện các tổ chức chính trị xã hội địa phương cũng được lựa chọn tham dự.

Trả lời phỏng vấn RFA trong ngày 30/4, linh mục Giuse Nguyễn Văn Toản nói :

"Dự án không chỉ thay đổi cảnh quan và môi trường mà nó còn đang đi ngược lại những cái mà Nhà nước nói là tôn trọng các tôn giáo, các tôn giáo được luật pháp luật bảo vệ và Nhà nước tạo điều kiện cho các tôn giáo đáp ứng nhu cầu của người dân".

Ông nói rằng, đây là khu vực nhà nước đã mượn của Nhà Thờ Thái Hà, nên khi có bất kỳ dự án nào, chính quyền thành phố Hà Nội và Bệnh viện Đống Đa cần gặp gỡ với đại diện của Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam và Nhà thờ Thái Hà để đưa ra những giải pháp nhằm đảm bảo quyền lợi cho cộng đồng người Công giáo.

Ông cho biết Dòng Chúa Cứu Thế và Nhà thờ Thái Hà đang soạn thảo nhiều văn bản để gửi các cơ quan hữu trách với đề nghị dừng thực hiện dự án, giữ nguyên hiện trạng để các bên có thể gặp gỡ và đưa ra những giải pháp đồng thuận.

Trong buổi họp, Bệnh viện Đống Đa cho biết họ đã được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2016, tuy nhiên, theo linh mục Giuse Nguyễn Văn Toản thì việc cấp sổ đỏ này không hợp pháp và không minh bạch, vì phần đất này thuộc quyền sở hữu của giáo xứ Thái Hà và Dòng Chúa Cứu Thế.

Hai ngày sau cuộc họp này, Linh mục Bề trên Chính xứ Giuse Nguyễn Văn Hội của Giáo xứ Thái Hà ra thông báo khẳng định :

"Từ khi nhà nước mượn, bằng văn bản và qua các lần gặp gỡ, chúng tôi luôn yêu cầu nhà nước trả lại Tu viện này, bởi vì chưa bao giờ chúng tôi hiến cho Nhà nước hay Nhà nước có văn bản thu hồi. Vậy mà hiện nay Nhà nước lại có dự án xây dựng toà nhà mới trong khu vực Tu viện này".

Thông báo được các linh mục đọc sau các thánh lễ diễn ra trong hai ngày 27 và 28/4 khẳng định, "thật không hợp lý khi một bệnh viện có các khoa truyền nhiễm lại được xây dựng trong khu vực dân cư đông đúc và bên cạnh cơ sở tôn giáo hàng ngày có rất đông người đến tham dự Thánh lễ và cầu nguyện".

Đồng thời, đề nghị nếu Nhà nước có dự án xây dựng thì "xin hãy chuyển Bệnh viện Đống Đa ra khu vực khác, theo đúng chủ trương của UBND thành phố Hà Nội, đó là di dời ra ngoại thành các bệnh viện truyền nhiễm...". 

Phóng viên gọi điện cho UBND thành phố Hà Nội, quận Đống Đa, và Bệnh viện Đống Đa để hỏi thêm thông tin về dự án xây khu nhà nói trên nhưng không có ai nghe máy. Phóng viên cũng gửi email tới hai cơ quan chính quyền địa phương nhưng chưa nhận được ngay phản hồi.

Theo các tu sỹ của Nhà thờ Thái Hà, Bệnh viện Đống Đa hiện nay vốn là Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội được xây dựng trong thời gian 1930-1939. Năm 1959, UBND quận Đống Đa lấy một phần tu viện làm trường học cho dù không có sự đồng ý của linh mục và giáo dân của giáo xứ cũng như bề trên của họ.

Đến năm 1972, chính quyền tiếp tục lấy phần còn lại của tu viện để "chăm sóc y tế cho các nạn nhân của trận Điện Biên Phủ trên không". Ngoài hai tòa nhà chính, nhà nước còn mượn một số cơ sở khác (nhà nguyện, nhà ăn…) cho các hợp tác xã sử dụng sản xuất trên diện tích hơn 6 hecta đất ban đầu của Tu viện.

Từ năm 1990 đến nay, nhiều lần Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội đã gửi đơn yêu cầu UBND thành phố Hà Nội trao trả lại cơ sở của Nhà Dòng mà nhà nước đã mượn. Tuy nhiên, mọi yêu cầu của cơ sở tôn giáo này không được đáp ứng.

Có những lúc Bệnh viện Đống Đa hỏi ý kiến Nhà thờ Thái Hà trước khi định tiến hành sửa chữa tu viện, nhưng cũng có khi họ tảng lờ, ví dụ như lần sửa chữa tu viện vào tháng 11/2023.

Theo báo mạng Tri thức và Cuộc sống, dự án Đầu tư cải tạo, nâng cấp Bệnh viện đa khoa Đống Đa với tổng kinh phí 314,9 tỷ đồng là một trong sáu dự án được giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố làm chủ đầu tư theo nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố trong cuộc họp vào giữa tháng 3/2023.

Nguồn : RFA, 30/04/2024

Quay lại trang chủ
Read 256 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)