Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

07/05/2024

Điểm báo Pháp - Pháp-Việt hàn gắn vết thương chiến tranh

RFI tiếng Việt

Pháp-Việt hàn gắn vết thương chiến tranh ở Điện Biên Phủ

Chuyến thăm Pháp của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với những bất đồng thương mại khó giải quyết, Nga loan báo tập trận với vũ khí nguyên tử vào lúc Vladimir Putin nhậm chức tổng thống lần thứ năm, thỏa thuận ngưng bắn giữa Israel và Hamas không đạt được, là những đề tài chính trên báo chí Pháp hôm 07/05/2024.

phapviet1

Bộ trưởng Quân lực Pháp Sébastien Lecornu thăm một boong-ke ở Điện Biên Phủ, ngày 06/05/2024. AP - Hau Dinh

Nhìn thẳng vào lịch sử sau 70 năm

Trước hết, liên quan đến Việt Nam, Le Figaro quan tâm đến sự kiện lần đầu tiên Pháp được chính quyền Hà Nội mời tham dự lễ kỷ niệm trận Điện Biên Phủ. Cái tên Điện Biên Phủ gợi lên hai nghĩa đối nghịch đối với quân đội Pháp, vừa là thất bại vừa là một cuộc chiến can đảm.

Ngày 07/05/1954, cứ điểm của Pháp sụp đổ sau 56 ngày chiến đấu không ngơi nghỉ. Đúng 70 năm sau, Paris và Hà Nội muốn băng lại những vết thương cuối cùng. Bộ trưởng Quân lực Sébastien Lecornu, cùng với quốc vụ khanh phụ trách về Cựu chiến binh và Ký ức, Patricia Mirallès có mặt tại trận địa cũ. Ông nói : "Cùng với năm tháng, Pháp và Việt Nam đã học được cách nhìn thẳng vào lịch sử, không xấu hổ, không thù hận".

Ba cựu chiến binh Pháp cũng đi chung. Họ nằm trong số những người cuối cùng còn sống sót. Tổng cộng 3.000 người Pháp và 10.000 người Việt đã thiệt mạng trong các trận đánh, hàng ngàn tù binh bị bắt. Công việc lưu giữ ký ức chỉ mới bắt đầu, sự bại trận ở Điện Biên Phủ vẫn rất nhạy cảm. Ở Việt Nam, ngày 07/05 được tưng bừng kỷ niệm giống như ngày chiếm ngục Bastille thời Cách mạng Pháp. Pháp lưu giữ kỷ niệm về một cuộc chiến đấu cam go, nhưng đã sai lầm khi đánh giá thấp đối thủ, và thất bại ở Điện Biên Phủ đã đánh dấu hồi kết của chiến tranh Đông Dương.

Khởi đầu cho hợp tác chặt chẽ hơn về quân sự ?

Tại đồi "Eliane 2", cứ điểm cuối cùng bị chiếm, bà Patricia Mirallès đã khai mạc một tuyến tham quan với chú thích bằng tiếng Pháp và tiếng Việt. Quốc vụ khanh Pháp cũng phụ trách việc tiếp tục bàn với chính quyền Việt Nam để đưa hài cốt lính Pháp về nước, công việc lưu trữ, và tìm xác chiếc tàu ngầm Phénix. Chiếc tàu này đã bị đắm năm 1939, nhưng việc tìm kiếm chỉ mới bắt đầu vào năm 2023 vì vấn đề giấy phép.

Tuy những khác biệt về chính trị vẫn còn, hai nước hiểu rằng sẽ có lợi hơn khi siết chặt quan hệ. Một ý định thư đã được ký kết giữa bộ trưởng Sébastien Lecornu và đồng nhiệm Phan Văn Giang. Việc hợp tác quân sự vẫn còn khiêm tốn, giới hạn trong các hoạt động "HADR" sau các thảm họa nhân đạo hay môi trường, nhưng đã có tiến triển, và chuyến thăm của bộ trưởng Quân lực giúp thúc đẩy việc này.

Phía sau chiếc bóng của Trung Quốc và Ấn Độ, Việt Nam muốn đa dạng hóa các đồng minh. Tại Đông Nam Á, Pháp đã có quan hệ đối tác chiến lược với Indonesia và Philippines, và chia sẻ với Việt Nam ý hướng về một sự thăng bằng và ổn định trong khu vực. Đối với Paris, trở thành đối tác lâu dài với Việt Nam sẽ có lợi, nhất là có thể triển khai những chuyến quá cảnh trong các hoạt động.

Thâm hụt mậu dịch quá lớn, EU phải rắn giọng trước Trung Quốc

Về quan hệ Pháp-Trung, Le Monde nhận định "Bất đồng thương mại, vấn đề trong chuyến đi Châu Âu của ông Tập". Đối với Les Echos "Chuyến thăm Paris của Tập Cận Bình không xóa bỏ được những bất đồng giữa Pháp và Trung Quốc". Le Figaro nhận xét, "Emmanuel Macron và Ursula von der Leyen cứng rắn trước Tập Cận Bình". La Croix đưa tít trang nhất "Trung Quốc-Liên Hiệp Châu Âu : Những luật chơi mới".

Vào lúc thương chiến Mỹ-Trung vẫn căng thẳng, Ủy Ban Châu Âu mở nhiều cuộc điều tra về việc Trung Quốc trợ giá cho xe hơi điện, pin mặt trời, thiết bị điện gió cũng như việc tham gia thị trường công vật liệu y tế. Bà Ursula von der Leyen nhấn mạnh, Liên Hiệp Châu Âu (EU) "không lùi bước trước bất kỳ quyết định khó khăn nào để bảo vệ thị trường của mình", "không thể hấp thụ số hàng Trung Quốc dư thừa tràn ngập EU". Bộ trưởng kinh tế Bruno Le Maire kêu gọi đặt ra những quy định bình đẳng.

Tuy nhiên, Châu Âu không đạt được gì nhiều trong cuộc so găng lần này. Ngoài rượu cognac không bị đánh thêm thuế, 18 hợp đồng và thỏa thuận đã được ký kết giữa các công ty Pháp và Trung Quốc về nông sản thực phẩm, tài chánh, hàng không, hay với các địa phương. Một "mùa gặt" nghèo nàn, theo Les Echos. Tập Cận Bình hứa sẽ đẩy nhanh việc thâm nhập thị trường công về viễn thông và y tế, nhưng không cho biết chi tiết. Đáp trả ông Macron và bà Leyen, chủ tịch Trung Quốc nói : "Cái gọi là vấn đề sản xuất thừa của Trung Quốc là không có thật".

Bắc Kinh coi EU là đối tác, đối thủ hay mồi ngon ?

Xã luận nhật báo công giáo cho rằng "Cần áp đặt sự tôn trọng lẫn nhau". Hai ông Emmanuel Macron và Tập Cận Bình chiều nay gặp riêng với nhau ở vùng Pyrénées để có thể nói thẳng với nhau những mắc mứu. Về chủ đề nóng bỏng là Ukraine, cần thuyết phục ông Tập là Pháp và Châu Âu kiên quyết chống lại cuộc xâm lăng của Vladimir Putin, vì nó đe dọa đến an ninh của mình ; và như vậy Bắc Kinh không nên giúp sức cho Nga. Việc này còn tùy thuộc vào "mối quan hệ đặc biệt" giữa Pháp và Trung Quốc – theo điện Elysée.

Vấn đề thương mại lại là một logic khác, đó là tương quan sức mạnh, và với tầm vóc Châu Âu – thế nên đã có sự tham dự của chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen. Là người khổng lồ kinh tế, Trung Quốc cần thị trường Châu Âu để tiêu thụ những hàng hóa sản xuất thừa và thúc đẩy tăng trưởng, nhưng lại cạnh tranh bất chính. Để tự vệ, EU bắt đầu đặt ra những điều kiện. Cuộc đấu tranh này cần có sự phối hợp và tính kiên cường, mà tiếc thay Đức không có. Berlin phản đối việc áp thuế lên xe hơi điện Trung Quốc vì sợ xe hơi Đức bị trả đũa.

Nhìn tổng thể, Trung Quốc đang có chiến lược đi ngược lại với Liên Hiệp Châu Âu. Bắc Kinh coi Châu Âu là đối tác hay đối thủ, thậm chí là con mồi ? Một điều đáng ngại : Trong chặng tới của chuyến công du, ông Tập đã chọn hai chế độ phi tự do là Serbia và Hungary – những đồng minh dễ chịu đối với một nhà độc tài cộng sản, rất hữu ích để chia rẽ Châu Âu. Xã luận của Libération nhắc nhở, về tự do báo chí, Trung Quốc xếp thứ 172/180 trong bảng xếp hạng của Phóng viên Không biên giới (RSF), với 119 nhà báo bị giam cầm. Ít nhất trong lãnh vực này, Bắc Kinh không nhập nhằng.

Serbia, "con ngựa thành Troie" của Trung Quốc

Sau Pháp, ông Tập Cận Bình đến Serbia, quốc gia mà Le Figaro cho là "điểm tựa chiến lược của tham vọng Trung Quốc tại Châu Âu". Đối với Les Echos, "Bắc Kinh coi Serbia là con ngựa thành Troie của mình tại Châu Âu". Đó là "tình hữu nghị sắt thép" - từ ngữ của tổng thống Serbia Aleksandar Vucic, sẽ được kỷ niệm trong chuyến thăm hai ngày 07 và 08/05 của chủ tịch Trung Quốc.

Điểm nhấn sẽ là lễ khai trương Trung tâm Văn hóa Trung Quốc, một trong những cơ sở quy mô nhất Châu Âu và mang tính biểu tượng, vì được xây dựng trên trụ sở cũ của đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade, bị NATO oanh tạc năm 1999. Tuy công trình kiến trúc mang màu sắc Trung Hoa này đã mở cửa từ năm 2022, ông Vucic chờ Tập Cận Bình đến để tưng bừng cắt băng khánh thành.

Serbia là chặng chiến lược trong Con đường tơ lụa mới. Khoảng 60 dự án cơ sở hạ tầng đã và đang được xây dựng, với tổng vốn đầu tư gần 19 tỉ euro. Hiện nay Trung Quốc là đối tác kinh tế thứ nhì của Serbia sau Đức, chiếm 1/3 tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trao đổi thương mại đã tăng lên gấp 100 lần chỉ trong vòng 10 năm, nhưng Serbia chịu thiệt. Về địa chính trị, Bắc Kinh ủng hộ Beograd trong hồ sơ Kosovo, trong khi Serbia ủng hộ Trung Quốc về Đài Loan và Tây Tạng. Hầu như Trung Quốc đã chiếm chỗ của Nga tại nước này.

Tập trận nguyên tử : Đòn gió của Vladimir Putin ?

Về "người bạn thân thiết" của Tập Cận Bình, La Croix và Le Figaro cùng lo ngại về việc Vladimir Putin đáp trả ông Emmanuel Macron bằng "nguyên tử chiến thuật".

Đã được đem ra dọa rất nhiều lần kể từ đầu cuộc xâm lăng Ukraine, bóng ma vũ khí nguyên tử một lần nữa lại được Moskva giơ ra một cách bất thường vào hôm qua. Bộ Quốc phòng Nga loan báo đang chuẩn bị "trong thời gian ngắn" cuộc tập trận sử dụng "vũ khí nguyên tử không chiến lược" tại các vùng gần biên giới Ukraine. Các chuyên gia tự hỏi không biết Nga sẽ tiến hành với các đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ hay không, loại bom được coi là chiến thuật để thả xuống chiến trường.

Các cường quốc nguyên tử như Pháp và Nga hàng năm đều có những cuộc tập trận nhằm trắc nghiệm hiệu quả của đầu đạn nguyên tử, đồng thời răn đe các đối thủ. Trong chiến dịch "Poker", Không quân Pháp hồi tháng 4 cũng đã có cuộc tập trận xuyên đêm. Tại Nga, những cuộc diễn tập loại này thường tổ chức vào tháng 10. Khi loan báo hoạt động bất thường này, Kremlin muốn đáp trả "tuyên bố khiêu khích của một số nhân vật có trách nhiệm của phương Tây chống lại Nga" - theo thông báo được đưa ra bốn ngày sau khi tổng thống Emmanuel Macron nhắc lại khả năng đưa bộ binh sang Ukraine.

Theo nhà nghiên cứu Héloïse Fayet của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, thông báo của Nga cho thấy Kremlin lo ngại về sự ủng hộ của phương Tây và về tuyên bố của tổng thống Pháp. Moskva muốn chơi trò chia rẽ các nhà lãnh đạo Châu Âu và gây lo ngại cho cử tri các nước, làm công luận phương Tây sợ hãi. Tuy nhiên, đây là chiến lược truyền thông thay vì một sự thay đổi về phương thức răn đe nguyên tử.

Nguy cơ Nga đứng sau các hành động phá hoại ở Châu Âu

Cũng liên quan đến Nga, Les Echos nói về nguy cơ xảy ra những vụ phá hoại tại Châu Âu.Theo Financial Times, giám đốc tình báo Đức Thomas Haldenwang đã thông tin cho các đồng nghiệp Pháp, Thụy Điển và Anh rằng nguy cơ Moskva phá hoại đang tăng lên đáng kể. Nga chuẩn bị các vụ đánh bom, phóng hỏa, phá hỏng cơ sở hạ tầng trên toàn châu lục, "có thể gây ra thiệt hại lớn về người và vật chất".

Tại Anh, một số người đã đốt một kho chứa thiết bị dành cho Ukraine thú nhận hành động cho chính phủ Nga. Tại Đức, hai người bị bắt vì nghi ngờ chuẩn bị phá hoại một căn cứ quân sự Mỹ theo lệnh của Moskva. Mới đây một vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại một nhà máy ở Berlin thuộc sở hữu của công ty vũ khí Diehl, nơi cung ứng cho Ukraine. Ở Thụy Điển, chính quyền điều tra về một loạt vụ trật đường ray bị nghi là hành vi phá hoại do Kremlin giựt dây. Theo an ninh Estonia, vụ tấn công vào xe hơi của bộ trưởng Nội vụ và các nhà báo hồi tháng 2 là do các điệp viên Nga tiến hành.

Moskva còn tổ chức những chiến dịch bóp méo thông tin tại Pháp. Một trong số đó là tạo ra những bài viết thù địch với Ukraine, đăng trên các trang web giả dạng những nhật báo lớn của Pháp. Việc trục xuất 600 sĩ quan tình báo Nga tại Châu Âu núp dưới vỏ bọc ngoại giao đã khiến Nga thay đổi chiến thuật, nay sử dụng các trung gian "ít quan tâm đến hậu quả đối với thường dân".

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 222 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)