Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

03/05/2024

Việt Nam bất ổn cả về kinh tế lẫn chính trị - Hệ quả cuộc chiến chống tham nhũng ?

RFA tiếng Việt

Cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam được nói vẫn đang được thực hiện một cách mạnh mẽ. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, hệ quả của nó khiến đất nước này đang rơi vào "bất ổn" cả về kinh tế lẫn chính trị.

baton1

Bà Trương Mỹ Lan và cựu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Courtesy Người Lao Động

Bất ổn về kinh tế

Reuters hồi trung tuần tháng Tư có bài viết nêu rằng, Chính phủ Việt Nam đã chi 24 tỷ đô la để giải cứu Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để tránh cho ngân hàng này không bị sụp đổ. Đây được cho là một khoản tiền giải cứu ngân hàng lớn chưa từng có tại Việt Nam. 

Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Nguyễn Trí hiếu khi đó nhận định với RFA rằng nếu chính phủ để SCB đổ vỡ thì sẽ tạo ra một hiệu ứng dây chuyền cho cả hệ thống không những là ngành ngân hàng mà cả nền kinh tế có thể cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng nếu cứu SCB thì sẽ không tránh khỏi hậu quả là lòng tin của nhà đầu tư cả trong và ngoài nước vào hệ thống tài chính, ngân hàng của Việt Nam sẽ bị lung lay.

Tiếp nối nhận định trên, tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ cho biết khi lòng tin của nhà đầu tư vào hệ thống tài chính, ngân hàng không còn nữa, người dân sẽ có xu hướng chuyển tiền ra nước ngoài hoặc tìm các kênh khác mà họ cho là an toàn hơn nhưng tính thanh khoản thấp hơn để tích trữ tài sản. Ví dụ như mua bất động sản hoặc giữ vàng hay ngoại tệ ở nhà. Tiến sĩ Vũ phân tích :

"Khi mà ngân hàng họ có dồi dào thanh khoản tiền gửi thì họ bắt đầu cho những doanh nghiệp nhỏ và vừa vay với sự ưu đãi nhiều hơn để có lời và thông qua đó thì doanh nghiệp cũng có thể tiếp cận với nguồn vốn dễ dàng hơn. Họ dùng số vốn đó để phát triển kinh tế.

Khi mà người ta không muốn gửi tiền vào ngân hàng nữa thì bắt đầu ngân hàng bị kẹt vốn thì họ cho vay cũng ít hơn, dẫn đến người vay để kinh doanh không tiếp cận được nguồn vốn một cách dễ dàng thì nền kinh tế bắt đầu bị khựng lại, chậm lại".

Cũng trong tháng 4/2024, một bài viết khác được đăng trên The Diplomat có tiêu đề tạm dịch là "Bằng các phiên tòa xét xử tham nhũng, Đảng cộng sản Việt Nam đang phô trương sức mạnh của mình" (With Landmark Corruption Trial, Vietnam’s Communist Party Flexes Its Muscles) của tác giả Mai Trương. Nội dung bài viết này có đoạn nhận định rằng vụ án tham nhũng quy mô lớn như vụ Vạn Thịnh Phát càng làm nổi bật thêm rằng tham nhũng không phải là bất thường mà là triệu chứng trong hệ thống chính trị. Tác giả bài viết còn đưa ra nhận định rằng, để giải quyết vấn đề này đòi hỏi phải cải cách thể chế hơn là can thiệp lẻ tẻ liên quan đến việc trừng phạt các doanh nghiệp hoặc quan chức tham nhũng cụ thể…

Chính trị xáo trộn

Không chỉ gây ra các bất ổn về kinh tế như các chuyên gia vừa nhận định, cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng cộng sản Việt Nam được nói còn tạo ra những xáo trộn mạnh mẽ về chính trị. Bằng chứng là chỉ trong bốn tháng đầu năm 2024 đã có ba ủy viên Bộ Chính trị từ chức, trong đó có chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ.

Điều này, theo nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam, giáo sư Carl Thayer nhận định, sẽ đặt ra nhiều thách thức về tính chính danh đối với sự lãnh đạo của đảng. Đặc biệt là câu hỏi về các cơ chế và quy định nội bộ của đảng liên quan đến quản lý và đề bạt nhân sự, mà ông Trọng là người đứng đầu. Giáo sư Carl Thayer nói trong tin nhắn gửi RFA :

"Kết thúc Đại hội Đảng 13 vào tháng 2/2021, ông Trọng phát biểu ca ngợi phẩm chất đạo đức của các lãnh đạo mới được bầu. Ông ta sẽ giải thích thế nào về số lượng quan chức cấp cao, các ủy viên Trung ương, Bộ Chính trị và các bộ trưởng, nguyên bộ trưởng, thứ trưởng, bị kỷ luật sau đó ?"

Vào tháng 3 năm nay, tại cuộc họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự cũng do ông Trọng làm trưởng ban, ông đã tuyên bố rằng không để bất cứ ai không chấp hành điều lệ của đảng về nêu gương, những điều đảng viên không được làm, được đề cử vào đại hội khóa mới.

Theo giáo sư Carl Thayer, điều này đặt ra câu hỏi :

"Phải chăng việc cách chức lãnh đạo hiện nay chỉ là phần nổi của tảng băng chìm và nếu vậy phải làm gì để đảm bảo rằng tất cả các thành viên Bộ Chính trị đều được xem xét kỹ lưỡng ? Và ai sẽ kiểm tra các quan chức, ví dụ như Bộ trưởng Công an Tô Lâm, người chịu trách nhiệm điều tra tất cả các ứng cử viên cho chức vụ cao hơn ?"

Với những chiếc ghế trống mà hai ông Thưởng và Huệ để lại, giáo sư Carl Thayer dự đoán có hai ứng cử viên Bộ Chính trị có khả năng thay thế là Trương Thị Mai sẽ giữ chức chủ tịch Quốc hội và Trần Thanh Mẫn lên làm Chủ tịch nước. Bà Mai hiện đang giữ chức Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, còn ông Mẫn hiện là Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ông Mẫn hôm 2/5, được giao điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội cho đến khi bầu được chủ tịch mới, sau khi Quốc hội Việt Nam miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026 với ông Vương Đình Huệ.

Nguồn : RFA, 03/05/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 404 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)