Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

01/05/2024

Chiến dịch đốt lò ra sao trong những ngày sắp tới ?

RFA tổng hợp

Qua vụ ông Huệ, cần đánh giá lại "cách tấn phong chức danh" của Đảng cộng sản Việt Nam

RFA, 03/05/2024

Ông Vương Đình Huệ đã chính thức bị miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ 7 diễn ra hôm 2/5. Hiện, ông Trần Thanh Mẫn ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội được giao điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội cho đến khi bầu được Chủ tịch mới mà có khả năng sẽ được thực hiện tại kỳ họp quốc hội tới, dự kiến bắt đầu từ ngày 20/5.

dotlo1

Ông Vương Đình Huệ khi tuyên thệ nhận chức Chủ tịch Quốc hội hồi ngày 31/3/2021. AFP Photo

Qua vụ việc của nguyên Chủ tịnh Quốc hội Vương Đình Huệ, các nhà quan sát tình hình chính trị Việt Nam và cả luật sư đều cho rằng quy trình, tiêu chuẩn bầu chọn Chủ tịnh Quốc hội của Việt Nam cũng chỉ là hình thức, bầu theo cơ chế "Đảng cử, dân bầu" chứ không được bầu bằng một cuộc bầu cử tự do.

Bầu chọn lãnh đạo của Việt Nam ra sao ?

Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy hôm 3/5/2024 cho RFA biết ý kiến :

"Quốc hội về nguyên tắc là cơ quan đại diện cho nguyện vọng và quyền lực của nhân dân. Nó có chức năng giám sát và làm luật và như vậy nó là một cơ quan quan trọng trong việc định hình nên chính sách của quốc gia. Người lãnh đạo một cơ quan như vậy về nguyên tắc phải là một người có thực tài và có tâm, cái tâm muốn cống hiến vì sự phát triển của quốc gia".

Muốn chọn được những người giỏi vào làm lãnh đạo một cơ quan như quốc hội thì theo ông Vũ, trước hết cần có bầu cử, ứng cử tự do để chọn ra những đại biểu quốc hội xuất sắc. Từ những người đại biểu xuất sắc này, sau đó họ sẽ tự bầu ra một người lãnh đạo xuất sắc nhất, có tâm và uy tín nhất cho vị trí Chủ tịch Quốc hội. Tuy nhiên ông Vũ nói tiếp :

"Đó là về mặt lý thuyết. Còn trong trường hợp của Việt Nam, những đại biểu quốc hội không phải là những người do dân bầu, mà họ được chính những cơ quan của Đảng cộng sản cơ cấu. Việc bỏ phiếu của người dân chỉ là hình thức. Vì vậy quốc hội gồm toàn những đại biểu do Đảng cộng sản cơ cấu và thường là những cán bộ cộng sản kiêm nhiệm. Một quốc hội yếu kém như vậy thì cho dù bầu theo kiểu nào thì nó cũng dẫn đến việc chọn ra những lãnh đạo kém cỏi".

Ông Trần Anh Quân, một người hoạt động xã hội ở Sài Gòn, hôm 3/5/2024 khi trao đổi với RFA cho rằng, thật ra quốc hội Việt Nam không phải do người dân bầu ra, mà việc bầu đại biểu quốc hội chỉ là một vở kịch, biểu diễn để người dân nghĩ là Việt Nam có bầu cử.Ông Quân nói thêm :

"Trên thực tế các chức vụ đều đã được mua bán và sắp xếp sẵn từ trước khi bầu cử rồi. Còn ghế Chủ tịch Quốc hội thì cũng là do Bộ chính trị sắp xếp, chỉ định, chứ không có chuyện đại biểu quốc hội được bầu ra. Vì muốn có bầu cử thì phải có tranh cử. Trong khi đó đâu có ai tranh cử ở vị trí này, nếu có tranh thì chỉ là tranh giành, đấu đá chứ không phải tranh cử.

Tôi thấy tất cả những tiêu chuẩn của Chủ tịch Quốc hội chỉ là mị dân, họ đặt ra tiêu chuẩn để dân tưởng là Chủ tịch Quốc hội sẽ là người tài đức vẹn toàn. Nhưng chẳng có người tài đức nào tham gia vào đảng độc tài để tham nhũng, vơ vét của dân cả !"

Tiêu chuẩn nào ?

Ông Huệ hôm 26/4/2024, đã phải từ chức do "Những vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Vương Đình Huệ đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân". Tuy nhiên, dư luận cho rằng ông Huệ phải rời vị trí Chủ tịch Quốc hội do trước đó (hôm 21/4), trợ lý của ông là Phạm Thái Hà –Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã bị bắt.

Liệu vụ bê bối của nguyên Chủ tịnh Quốc hội Vương Đình Huệ có phải do quy trình giám sát lỏng lẻo hay còn gì khác ? Ông Trần Anh Quân nhận xét :

"Về mặt cá nhân ông Huệ thì vụ án này một vụ án tham nhũng, mà con mối chúa lại là người đứng đầu Quốc hội. Về mặt chính trị thì đây là chuyện đấu đá giành ghế qua chiêu bài chống tham nhũng. Vụ án này không tuân theo bất cứ một quy trình hay tiêu chuẩn nào, mà các phe nhóm đã tìm mọi cách để triệt hạ nhau. Đơn giản là phe ông Huệ thua thì ông Huệ bị phế truất. Vậy vẫn còn quá nhẹ, vì nếu làm đúng quy trình, đúng pháp luật của đại án tham nhũng thì ông Huệ phải bị hầu toà để chịu trách nhiệm hình sự".

Kỳ họp bất thường lần thứ 7 hôm 2/5/2024 cũng nhắc lại Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội 2014 quy định, chức danh Chủ tịch Quốc hội do Quốc hội bầu bằng hình thức bỏ phiếu kín, trong số các đại biểu Quốc hội theo danh sách đề cử của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Tiêu chuẩn để Ủy ban thường vụ Quốc hội căn cứ lựa chọn danh sách đề cử chức danh Chủ tịch Quốc hội được thực hiện theo Quy định 214-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Như vậy, chi tiết tiêu chuẩn, quy trình bầu chức danh Chủ tịch Quốc hội không khác gì trước khi ông Vương Đình Huệ được chọn vào ghế Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026.

Thay vì đánh giá về quy trình bầu chức danh Chủ tịch Quốc hội hiện nay, thì theo luật sư Đặng Đình Mạnh, nên đánh giá cách tấn phong chức danh Chủ tịch Quốc hội theo cách mà Đảng cộng sản đang làm sẽ chính xác hơn. Luật sư Mạnh nói với RFA hôm 3/5 :

"Lúc này, tôi tin rằng mọi sự đánh giá đối với quy trình bầu chức danh Chủ tịch Quốc hội theo quy định của Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội 2014 đều chưa có cơ sở. Vì lẽ, trong hoàn cảnh chính trị Việt Nam hiện nay, chúng đều không được được áp dụng một cách đúng thẩm quyền và độc lập như là những văn bản của cơ quan lập pháp. Thực tế, chúng đều là những văn bản được vận dụng bởi sự lãnh đạo theo cách "cầm tay chỉ việc" của Bộ Chính Trị thuộc Đảng cộng sản Việt Nam.

Tuy rằng quốc hội được Hiến pháp quy định là cơ quan nắm giữ quyền lực cao nhất, thể theo đó, chức vụ Chủ tịch Quốc hội hoặc các chức danh đại biểu quốc hội cũng phải có thẩm quyền tương xứng. Thế nhưng, như chúng ta quan sát hoạt động của Quốc hội trong suốt nhiều thập kỷ qua thì đã thấy rõ. Hầu hết họ đều là đảng viên, họ được bầu theo cơ chế "Đảng cử, dân bầu" chứ không được bầu bằng một cuộc bầu cử tự do".

Do đó theo luật sư Đặng Đình Mạnh, Quốc hội được bầu theo tiêu chuẩn của Đảng cộng sản chứ không phải theo tiêu chuẩn của nhân dân. Chức danh Chủ tịch Quốc hội theo ông Mạnh cũng vậy, hơn nữa, chức danh ấy cũng bao hàm tư cách là một trong các thành viên đầy quyền lực của Bộ Chính trị. Ông Mạnh kết luận :

"Với cách tấn phong Chủ tịch Quốc hội như vậy, cho đến thời gian gần dây, khi xảy ra việc ông Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ mất chức, trong các thông cáo chính thức, thì phần đánh giá đều ghi rằng họ "được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở". Cho thấy, họ chính là sản phẩm thuần chất của chế độ, kể cả về tài, đức và bản chất tội phạm. Và đấy là cách tấn phong, hoặc nói theo cách nói của đảng là làm công tác nhân sự thất bại và đất nước phải trả giá cho sự thất bại đó".

Nguồn : RFA, 03/05/2024

********************************

Công cuộc đốt lò của ông Trọng ra sao sau khi hai ông Thưởng & Huệ từ chức ?

RFA, 01/05/2024

Với những xáo trộn về nhân sự ở thượng tầng chính trường Việt Nam, đặc biệt khi hai ông Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ từ chức, một số nhà quan sát chính trị, xã hội nhận định rằng công cuộc đốt lò của ông Nguyễn Phú Trọng hiện đang "vượt tầm kiểm soát" và người tiếp quản có thể là ông Tô Lâm –Bộ trưởng Bộ Công an. 

dotlo2

Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng - Reuters

Nguyễn Phú Trọng "mất kiểm soát" việc "đốt lò" ?

Nhà báo Lê Trung Khoa, chủ bút Thoibao.de nhận định rằng qua vụ hai lãnh đạo tối cao của Việt Nam lần lượt mất chức chỉ trong vòng khoảng một tháng cho thấy cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay dường như không còn nằm trong tầm kiểm soát của ông Nguyễn Phú Trọng nữa. Việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ "về hưu sớm" cũng không phải là chủ ý của ông Trọng, mà là do Bộ trưởng Công an Tô Lâm đứng sau điều khiển.

Có hai chỉ dấu khiến ông Khoa nhận định như vậy. Thứ nhất là vì sức khỏe ông Nguyễn Phú Trọng quá yếu, không thể điều hành công việc một cách bình thường. Thứ hai, cả hai ông Thưởng và Huệ đều được ông Trọng ủng hộ, cất nhắc lên vị trí lãnh đạo trong tứ trụ. Việc hai ông này dính bê bối tham nhũng, tiêu cực thì uy tín ông Trọng cũng bị ảnh hưởng xấu. Ông Khoa nói :

"Tôi cũng có thông tin được biết là ông Nguyễn Phú Trọng tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay sức khỏe rất yếu, thường xuyên phải vào bệnh viện để khám chữa bệnh. Thời gian còn lại thì ông ấy cũng không đủ sức để giữ tất cả các cuộc họp quan trọng.

Chính vì vậy mà các cán bộ cấp cao khác trong tứ trụ hoặc Bộ Chính Trị thường đưa ra những quyết định. Mà bây giờ với quyền lực rất lớn của Bộ Công an Việt Nam thì những quyết định đó dường như nó đến từ bộ công an Việt Nam là chủ yếu.

Ngoài ra, cũng còn nhiều thông tin cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng là người phải chịu trách nhiệm về việc đề bạt những cán bộ cấp cao vì ông là Trưởng ban nhân sự của Đại hội Đảng khóa 13 và trong khóa 14 thì ông ta cũng muốn đảm trách phần nhiệm vụ này".

Có thể thấy từ khi tin đồn sức khỏe ông Nguyễn Phú Trọng nguy kịch xuất hiện rầm rộ trên mạng xã hội hồi tháng 1/2024, tới nay, ông Trọng rất ít khi trực tiếp xuất hiện trên truyền thông hô hào chống tham nhũng, tiêu cực như trước đây.

Ông Tô Lâm sẽ tiếp quản chống tham nhũng ?

3333333333333333333333333

Bộ trưởng công an Tô Lâm. Ảnh : courtesy Chinhphu.vn

Nếu ông Trọng không còn kiểm soát được cuộc chiến chống tham nhũng do chính mình khởi xưởng từ năm 2016, thì câu hỏi đặt ra là vậy ai là người chỉ đạo xử lý các vụ án tham nhũng liên quan đến cấp dưới của hai ông Huệ và Thưởng, khiến hai ông này đột ngột mất chức. Trả lời câu hỏi này, nhà báo Lê Trung Khoa cho rằng không ai khác ngoài ông Tô Lâm - người được cho là đang nắm thực quyền cao nhất tại Việt Nam hiện nay.

Theo ông Khoa, ban đầu, Bộ công an được ông Trọng sử dụng như một công cụ cho chiến dịch đốt lò, thanh trừng các quan chức tham nhũng. Bộ công an trực tiếp làm việc, điều tra xét hỏi cũng như bắt các quan chức của Đảng cộng sản Việt Nam bị cho là có dính líu tới tiêu cực, tham nhũng. Tuy nhiên, dần dần, ông Nguyễn Phú Trọng không còn kiểm soát được lực lượng công an và ông Tô Lâm vẫn lợi dụng danh nghĩa "chống tham nhũng" để loại bỏ các đối thủ chính trị của mình. Ông Khoa nói tiếp :

"Bộ Công an hiện nay dường như đã tụt khỏi tay của Nguyễn Phú Trọng. Nó sẽ làm cho tình hình nội bộ của Việt Nam tới đây thêm rối ren.

Tiếp tục sẽ còn những con người khác của Đảng, đặc biệt là cán bộ cấp cao sẽ bị đưa ra xét xử trong thời gian tới. Vì vậy, mà chúng ta có thể thấy được sự hoạt động rất nhiệt tình, năng động, mạnh mẽ của Bộ Công an Việt Nam, mà đứng đầu là bộ trưởng công an Tô Lâm hiện nay đang thực hiện việc đó".

Luật sư Nguyễn Văn Đài từ nước Đức nhận định rằng có thể việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ buộc phải nghỉ hưu là chủ đích của ông Tô Lâm. Tuy nhiên, theo Luật sư Đài, vẫn còn quá sớm để kết luận ông Nguyễn Phú Trọng không còn kiểm soát được cuộc chiến chống tham nhũng. Ông nói :

"Nói tới quyền lực và khả năng của ông Trọng, theo quan điểm của tôi thì ông ấy không mất kiểm soát đâu. Bởi vì ông ấy vẫn đang nắm Bộ Quốc phòng, vẫn là Bí thư Quân ủy Trung ương ; và những người như hai nhân vật trong Bộ chính trị như Phan Văn Giang và Lương Cường là những người ủng hộ mạnh mẽ ông Trọng".

Nguồn : RFA, 01/05/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 452 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)