Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

10/05/2024

Xung đột nội bộ ảnh hưởng đến tương lai Việt Nam thế nào ?

RFA tiếng Việt

Gần đây, những biến động trên thượng tầng chính trị Việt Nam nhận được sự chú ý trên truyền thông khắp thế giới. Một năm trước, cựu chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từ chức, cách đây hai tháng người kế nhiệm ông Phúc là ông Võ Văn Thưởng cũng từ chức. Trong khoảng một tháng sau thì chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ bị cho "thôi các chức vụ". Những biến động chính trị này về danh nghĩa được Việt Nam coi là một phần của chiến dịch "đốt lò" mà ông Nguyễn Phú Trọng nói đến lần đầu năm 2017. Nhưng theo nhiều nhà quan sát chính trị Việt Nam, chiến dịch "đốt lò" này đã dần dần biến thành một cuộc giải quyết các cạnh tranh quyền lực trên thượng tầng. Vậy cuộc cạnh tranh quyền lực này có thể ảnh hưởng như thế nào đến tương lai Việt Nam ? 

xungdot1

(Hàng đầu từ trái qua phải) : Thủ tướng Phạm Minh Chính, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng Chủ tịch Võ Văn Thưởng đến dự họp Quốc hội hôm 15/1/2024

Cạnh tranh chính trị không theo quy chuẩn pháp luật 

Gần đây, trước khi những người như ông Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ mất chức, một số người nổi tiếng trên truyền thông mạng xã hội đã đưa tin trước. Hãng tin Reuters cũng đưa tin trước khi sự kiện diễn ra vài ngày. 

Không khó để nhận thấy điều này chứng tỏ có khả năng là nội bộ đưa tin ra bên ngoài. Vấn đề đặt ra là vì sao người ta muốn đưa tin trên mạng xã hội và truyền thông nước ngoài trước truyền thông nhà nước. Luật sư Đặng Đình Mạnh, người có nhiều năm làm việc với các định chế quyền lực như hệ thống hành pháp, tư pháp ở Việt Nam, cho rằng đó có thể là một phần của cuộc cạnh tranh quyền lực. Ông nói với RFA :

"Chế độ Cộng Sản không xây dựng, điều hành chính quyền theo các nguyên tắc quản lý xã hội thông thường và bằng các quy định pháp luật theo quy chuẩn. Thế nên, họ thay thế điều đó bằng cách sử dụng biện pháp tuyên truyền như là một trong những cách thức điều hành xã hội. 

Do đó, các định chế chính quyền như quyền lực nhà nước, quốc hội, chính phủ, tòa án, truyền thông… đều mang ý nghĩa khác với thế giới đang hiểu và hoàn toàn phụ thuộc vào sự lãnh đạo duy nhất từ định chế đảng Cộng Sản".

Cạnh tranh chính trị là hiện tượng phổ biến khắp thế giới, nhưng riêng ở Việt Nam, theo quan sát của Luật sư Đặng Đình Mạnh, sự cạnh tranh không diễn ra theo quy chuẩn pháp luật nào cả. 

Trong cuộc cạnh tranh đó, một trong những biện pháp người ta sử dụng để hạ bệ các quan chức lãnh đạo cao cấp là tuyên truyền. Theo quan sát của Luật sư Mạnh, trong thời gian gần đây, những hoạt động "tuyên truyền hạ bệ" này được tiến hành theo hai giai đoạn : Giai đoạn tuyên truyền thuyết phục và giai đoạn tuyên truyền thông tin. LS. Đặng Đình Mạnh phân tích : 

"Trong giai đoạn tuyên truyền thuyết phục, họ tung tin đồn không chính thức ra ngoài xã hội với mục tiêu chuẩn bị dư luận, thuyết phục công chúng và thuyết phục chính bản thân quan chức bị hạ bệ. Sau khi sự việc đã an bài, họ mới thực hiện việc thông tin chính thức cho giới truyền thông chính thống.

Việc tung tin với mức độ như thế nào còn tùy thuộc vào phản ứng của người trong cuộc. Với trường hợp ông Vương Đình Huệ chẳng hạn, thậm chí, họ phải tung công khai lên đầy mạng xã hội văn bản đóng dấu "Tuyệt mật" của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về việc kiểm tra dấu hiệu vi phạm của ong Vương Đình Huệ. 

Điều đó không đơn thuần chỉ là bôi nhọ danh dự ông ấy, mà còn để thuyết phục công chúng về sự cần thiết, đồng thời, thuyết phục bản thân ông ấy bằng cách "đe dọa".

Như thường lệ, truyền thông chính thống của nhà nước chỉ còn làm mỗi việc sau cùng là đưa tin về một sự việc đã được thu xếp hoàn tất. Dĩ nhiên, truyền thông chính thống của nhà nước không tiện đưa tin về giai đoạn tuyên truyền thuyết phục được, vì khi ấy, sự việc còn giằng co, thỏa hiệp chưa đạt, nếu đưa tin thì chẳng khác nào phải phơi bày sự vô pháp, tùy tiện của chế độ".

xungdot2

Bộ trưởng Công an Tô Lâm chụp hình tại Đại hội 12 Đảng cộng sản Việt Nam tại Hà Nội hôm 25/1/2016. Reuters/Kham

Cuộc "đốt lò" : từ "chống tham nhũng" chuyển thành "xung đột nội bộ"

Năm 2017, ông Nguyễn Phú Trọng dùng hình ảnh "củi" và "lò" để nói về chiến dịch chống tham nhũng do mình phát động : "Củi khô, củi vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên", sau đó "củi tươi vào đây cũng phải cháy". 

Theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, khái niệm "đốt lò" được ông Trọng dùng để nói ngụ ý về công cuộc chống tham nhũng mà ông ấy đã phát động từ năm 2016 với mục tiêu chỉnh đốn đảng. Vì lẽ, tham nhũng là những tội danh liên quan đến chức vụ, mà là đảng viên thì mới là người có quyền được giữ các chức vụ. Các khái niệm "củi khô", "củi vừa", "củi tươi", theo giải thích của Luật sư Mạnh, là ám chỉ việc "đốt lò" không có vùng cấm về chức vụ cao, thấp ("củi vừa", so sánh với củi nhỏ, củi to), về quan chức tại chức ("củi tươi") hoặc đã nghỉ hưu ("củi khô"). Tuy nhiên, theo Luật sư Mạnh, thực tế thì cuộc chống tham nhũng của ông Trọng vẫn có "vùng cấm" và "vùng né". Ông đưa ra dẫn chứng để chứng minh nhận xét của mình :

"Thực tế, cho đến nay, tôi nghĩ các khái niệm ấy mang ý nghĩa tuyên truyền nhiều hơn là thực thi. Vì lẽ, danh sách các quan chức bị xử lý đã chứng minh rằng công cuộc đốt lò của ông ấy vẫn có những vùng cấm nhất định. 

Các ủy viên Bộ Chính trị, hoặc ủy viên Ban chấp hành Trung ương có vi phạm pháp luật đều bị xử lý nhẹ nhàng hơn như thôi chức chứ không bị truy tố hình sự. Duy nhất, trường hợp ông Đinh La Thăng, một ủy viên Bộ Chính trị bị truy tố hình sự là ngoại lệ mà thôi". 

Theo nhiều nhà quan sát, cuộc "đốt lò" có vùng cấm, vùng né dẫn đến một hệ quả là cái "lò" nóng liên tục nhiều năm của ông Trọng dần dần chuyển thành một công cụ cho cuộc cạnh tranh quyền lực. 

Trao đổi với RFA, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Chữ (University of Houston at Downtown) cho rằng từ khi chiến dịch "đốt lò" mở ra đến nay, trong thời gian qua, ông Tô Lâm là người trực tiếp "cầm củi cho vào lò", vì vậy, nếu đến hết nhiệm kỳ 2021 - 2026 mà "ổng về hưu thì cũng kẹt cho ổng lắm". Tuy nhiên, thực tế là sau khi có đến ba nhân vật trong "tứ trụ" phải ra đi (gồm hai chủ tịch nước và một chủ tịch quốc hội) mà ông Tô Lâm vẫn không nhận chức nào trong số đó chứng tỏ ông ấy nhắm đến vị trí cao hơn. Đồng tình với cách nhìn nói trên, Luật sư Đặng Đình Mạnh nói :

"Tôi tin rằng trong hầu hết thời gian "đốt lò", thì ông Nguyễn Phú Trọng vẫn là người "cầm trịch", cho đến trước trường hợp ông Võ Văn Thưởng. Trong quá trình đó, không thể không nhắc đến là vai trò ông Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, như là một người thực thi đắc lực công cuộc "đốt lò" và là người đứng đầu cơ quan được giao thẩm quyền vô hạn định. 

Nhưng đến trường hợp ông Võ Văn Thưởng và ông Vương Đình Huệ mất chức, khi trước đó, cả hai đều nhận được sự ưu ái, cất nhắc của ông Nguyễn Phú Trọng vào hai chức vụ được xem như là hai ứng viên tiềm năng thừa kế chức vụ Tổng bí thư thì tôi không tin như vậy nữa. 

Sau trường hợp ông Thưởng và ông Huệ thì tôi tin người ‘cầm trịch" công cuộc "đốt lò" lúc này đã chuyển qua tay ông Tô Lâm". 

Luật sư Đặng Đình Mạnh khẳng định ông Tô Lâm không sai khi cuộc "đốt lò" lan đến ông Võ Văn Thưởng và ông Vương Đình Huệ, "vì hai ông này mất chức không oan uổng gì cả". Tuy vậy, theo Luật sư Mạnh, "ông Tô Lâm hạ bệ hai ông Thưởng và Huệ vì động cơ tham vọng quyền lực cá nhân". Người được giao thẩm quyền hạ bệ quan chức tội phạm đang giành lấy quyền lực của những kẻ tội phạm để lại ấy cho chính mình. Căn cứ vào luận điểm này, Luật sư Đặng Đình Mạnh đưa một nhận xét về hiện tình chính trị Việt Nam :

"Điều này phản ánh bản chất nền chính trị hỗn mang Việt Nam, vốn không hoạt động dựa trên những nguyên tắc dân chủ mà khởi đầu bằng một sự thoán đạt quyền lực "Cướp chính quyền" và duy trì điều đó cho đến nay. Chế độ và cả đất nước này đang phải trả giá cho sự hỗn mang chính trị đó". 

Việt Nam có thể lãnh hậu quả gì khi cuộc "đốt lò" chuyển thành "cạnh tranh nội bộ" ?

Trao đổi với RFA, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Chữ cho rằng những xáo trộn nội bộ trên thượng tầng chính trị có thể sẽ ảnh hưởng xấu trực tiếp trong ngắn hạn. Tuy vậy, xét về các vấn đề chiến lược dài hạn của Việt Nam thì "đáng ngại hơn nhiều". Ông nói : 

"Cái vấn đề quan trọng của Việt Nam bây giờ, theo thiển ý của tôi, là tôi chỉ ngại rằng sau này, khoảng năm hay mười năm nữa, vị thế địa chính trị của Việt Nam không còn quan trọng với Tây phương như bây giờ nữa". 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Chữ, một khi Việt Nam không còn quan trọng với Tây phương nữa thì Việt Nam dù muốn dù không sẽ rơi vào tình trạng "Phần Lan hóa". Tiến sĩ Nguyễn Văn Chữ giải thích rằng nếu Việt Nam không thể phát triển mạnh hơn về công nghệ và kinh tế, những sự tiến bộ hiện nay về công nghệ và quân sự có thể làm cho vai trò địa chính trị của các quốc gia suy giảm. Vị thế của Việt Nam đối với Tây phương do đó cũng giảm theo. Trong chiến tranh lạnh, Liên Xô cho Phần Lan có nền chính trị độc lập nhưng kiểm soát mạnh mẽ chính sách của họ, đặc biệt là chính sách đối ngoại. Đối với trường hợp Việt Nam ngày nay, nếu nước này bị Tây phương bỏ qua và trở nên "Phần Lan hóa" thì nước đóng vai trò của Liên Xô đối với Phần Lan trước đây sẽ là Trung Quốc đối với Việt Nam.

Luật sư Đặng Đình Mạnh cũng cho rằng cuộc "đốt lò" khi đã chuyển thành cuộc "rối ren" trên thượng tầng chính trị thì sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề của đất nước. Ông chia sẻ rằng mình không lạc quan trước tình hình đó : 

"Sau nửa thế kỷ nắm giữ quyền lực chính trị thống nhất trong toàn lãnh thổ, cho đến trước thời điểm phát sinh ra các rối ren chính trị ở cấp lãnh đạo cao cấp trong thời gian gần đây, thì chế độ Cộng Sản chưa từng thể hiện được khả năng phát triển quốc gia. 

Lúc này, nền kinh tế cùng hàng loạt lĩnh vực khác như tài chính, giáo dục, y tế… kể cả các giá trị tinh thần như dân khí, đạo đức… đều đang lao dốc không phanh. Theo đó, sự bất ổn chính trị hiện nay sẽ chỉ làm trầm trọng hơn điều đó mà thôi. Tôi thật sự bi quan về hiện tình đất nước". 

Nguồn : RFA, 10/05/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 317 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)