Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

20/05/2024

Văn hóa từ chức và cán bộ lãnh đạo bị kỷ luật trong quan trường

RFA tiếng Việt

Bao giờ "văn hóa từ chức" kêu gọi lâu nay thành hình ?

RFA, 20/05/2024

Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam - Nguyễn Phú Trọng hôm 18/5/2024 đã thay mặt Bộ Chính trị, ký ban hành quy định 144 về ‘chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới’.

tuchuc1

Quốc hội Việt Nam họp ở Hà Nội hôm 20/5/2024. AFP Photo

Theo quy định 144, ngoài nhấn mạnh việc đảng viên phải tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc… còn yêu cầu cán bộ, đảng viên phải trong sạch, không tham nhũng… còn nhấn mạnh việc cán bộ, đảng viên cần thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín…

Vấn đề này đã được các lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam nói lâu nay, trong thực tế có ai thực hiện ? Hay chỉ là bị ép từ chức để hạ cánh an toàn, tránh bị truy tố ? Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài từ Đức Quốc hôm 20/5/2024, nhận định với RFA :

"Trên thực tế chúng ta đều thấy tất cả những quan chức hàng đầu của chế độ, ví dụ như là hai ông Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội, rồi bà Trưởng ban Tổ chức Trung ương kiêm Thường trực Ban Bí thư… là những người nắm quyền lực hàng đầu của chế độ… thì khi họ từ chức, ì các thông báo của Ban chấp hành Trung ương đều nói những người này là vi phạm những điều đảng viên không được làm, rồi để cấp dưới vi phạm pháp luật tới mức bị truy tố và những người này cũng có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của đảng và nhà nước…"

Theo ông Đài, tất cả những người vừa nói trước đó đều được Ủy ban Kiểm tra Trung ương mời lên làm việc và yêu cầu những người này phải viết đơn từ chức, chứ không phải tự nguyện. Ông Đài nói tiếp :

"Trong lịch sử của chế độ cộng sản từ khoảng một hai thập kỷ trở lại đây, chưa có bất kỳ một quan chức nào tự nguyện từ chức theo đúng cái gọi là văn hóa từ chức. Vì thế từ chức không tồn tại trong chế độ độc tài. Trong chế độ độc tài, tất cả những người tham gia vào hệ thống chính trị đó cái ham muốn cao nhất của họ là là quyền lực chính trị và những lợi ích có được từ quyền lực chính trị".

Cho nên Luật sư Nguyễn Văn Đài cho rằng, không dễ dàng gì những người đảng viên buông bỏ quyền lực. Ông Đài cho biết thêm :

"Họ chỉ buông bỏ quyền lực với một trong hai trường hợp. Một là họ bị điều tra truy tố xét xử bởi các cơ quan tư pháp. Thứ hai là họ bị những cơ quan cấp trên buộc phải từ chức, bởi vì vi phạm những điều lệ của đảng".

Trước đây, tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII diễn ra vào ngày 3/10/2022, đã đồng ý để ba trường hợp thôi tham gia Ban Chấp hành. Đây được cho là ba trường hợp đầu tiên thực hiện Thông báo Kết luận số 20 của Bộ Chính trị, về khuyến khích người bị kỷ luật từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định.

Ba người vừa nêu là Nguyễn Thành Phong - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương ; Bùi Nhật Quang - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam ; Huỳnh Tấn Việt - Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương.

Nếu không tự nguyện xin từ chức thì bị miễn nhiệm... Vậy sao có thể coi là văn hóa từ chức ?

Trở lại với yêu cầu cán bộ, đảng viên cần thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín… của Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam - Nguyễn Phú Trọng, ông Trần Anh Quân, một người hoạt động xã hội ở Sài Gòn, hôm 20/5/2024 khi trao đổi với RFA cho rằng :

"Yêu cầu đảng viên thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín như vậy là ông Trọng nói mà không biết ngượng miệng. Bởi vì bản thân ông Nguyễn Phú Trọng bây giờ đã quá già yếu, đi không nổi, phải có người dìu, chứng tỏ về mặt sức khỏe thì ông không đủ sức làm việc rồi mà không chịu từ chức là ông Trọng quá tham quyền cố vị".

Ngoài ra theo ông Quân, sau 3 nhiệm kỳ làm Tổng bí thư, đảng cộng sản của ông Trọng bây giờ tham nhũng từ lớn tới nhỏ, từ trung ương tới địa phương, cho thấy ông Trọng không đủ năng lực lãnh đạo đảng. Ông Quân nói tiếp :

"Chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội phải từ chức để chịu trách nhiệm người đứng đầu, thì ông Nguyễn Phú Trọng cũng cần phải từ chức để chịu trách nhiệm của người đứng đầu đảng. Nếu ông Trọng không từ chức thì ông ta quá vô liêm sỉ, dám đứng ra dạy đảng viên thực hiện văn hóa từ chức trong khi bản thân mình thì vi phạm điều lệ đảng, ngồi ghế Tổng bí thư tới ba nhiệm kỳ, để đảng cộng sản chia rẽ, đấu đá thanh trừng tan nát mà vẫn chai mặt ngồi lỳ không bỏ ghế".

Văn hóa từ chức nói cách khác là một văn hóa ứng xử dựa trên lương tri, khi một người lãnh đạo thấy mình có khuyết điểm, hay không còn xứng đáng đảm nhận vị trí lãnh đạo thì họ sẽ từ chức. Việc này cho thấy sự hiểu biết về bổn phận, và trách nhiệm của người nắm giữ chức vụ.

Một người làm trong cơ quan nhà nước ở Hà Nội không muốn nêu tên vì lý do an toàn, cho biết những thực tế khi ông làm việc :

"Ở Việt Nam hiện nay, trong giới quan chức mà những chỗ tôi làm việc, chỗ tôi tiếp xúc, thì chẳng ai người ta có văn hóa từ chức cả. Bởi vì người ta bám quyền lực thì người ta có thu nhập, có lợi nhuận, có các mối quan hệ vật chất và phi vật chất".

Theo người này, Việt Nam xưa nay chưa có văn hóa từ chức, theo ông, các quan chức lên đến một chức nào đó là bám cái ghế đến cùng, đến suốt đời. Chỉ khi nào kỷ luật nặng lắm, bị cấp trên bãi nhiệm, phạm tội hình sự thì mới bị cách chức.

Ông Dương Trung Quốc, nguyên Đại biểu quốc hội Việt Nam từ năm 2002 đến năm 2021, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này trước đây cho rằng, yếu tố từ chức chưa đi vào hiện thực, chưa đi vào tập quán chính trị xã hội, và cần đòi hỏi thời gian. Theo ông Quốc, quan trọng nhất là ý thức của những vị quan chức của Việt Nam, họ phải quan tâm đến dư luận xã hội. Nói cách khác là cái chuẩn mực về nghiêm chỉnh cần có trong mỗi một con người, nhất là những quan chức càng cao cấp, càng cần phải có chuẩn mực đó.

Nguồn : RFA, 20/05/224

****************************

Người dân trước thực trạng cán bộ lãnh đạo bị kỷ luật ?

RFA, 20/05/2024

Thời gian qua, nhiều cán bộ cấp cao, thậm chí lãnh đạo trong tứ trụ đã phải rời khỏi chức vụ do vi phạm kỷ luật. Cụ thể là ông Nguyễn Xuân Phúc vào đầu năm 2023 đã thôi giữ các chức vụ trong đảng như Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, cũng như hai chức vụ trong chính quyền là Chủ tịch nước và Chủ tịch Hội đồng quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021-2026. Ông bị cho là chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có hai phó thủ tướng và ba bộ trưởng có vi phạm và khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng.

tuchuc2

Thời gian qua, nhiều cán bộ cấp cao, thậm chí lãnh đạo trong tứ trụ đã phải rời khỏi chức vụ do vi phạm kỷ luật.

Hơn một năm sau, tháng 3/2024, Quốc hội Việt Nam chính thức miễn nhiệm chức Chủ tịch nước đối với ông Võ Văn Thưởng bởi trước đó ông Thưởng đã nộp đơn từ chức trước Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, sau một năm 18 ngày giữ chức vụ này. Theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Võ Văn Thưởng đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm. Những vi phạm, khuyết điểm của ông Võ Văn Thưởng đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của đảng, Nhà nước và cá nhân.

Một tháng sau, đến lượt ông Vương Đình Huệ từ chức. Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam chính thức ra thông báo rằng, những vi phạm, khuyết điểm của ông Vương Đình Huệ đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân.

Mới đây, tại phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Đỗ Văn Chiến phát biểu rằng, cử tri và Nhân dân bày tỏ sự đau xót khi một số cán bộ cấp cao đã vi phạm những điều đảng viên không được làm, mất uy tín, không thể tiếp tục đảm nhiệm trọng trách được Đảng và Nhân dân giao phó.

Ông Trần Anh Quân, một nhà hoạt động xã hội ở Sài Gòn, nêu quan điểm của ông :

"Theo tôi, ông Chiến phải nói rõ, Nhân dân ở đây là Nhân dân nào ? Ông Chiến khảo sát như thế nào mà nói là người dân đau xót ? Còn nếu không đưa ra được bằng chứng khảo sát thì rõ ràng ông Chiến đang nói láo trước Quốc hội và đang thể hiện sự trơ trẽn trước người dân.

Thực tế, tôi thấy người dân rất phẫn nộ khi những cán bộ cấp cao như chủ tịch nước, chủ tịch Quốc hội bị phát hiện tham nhũng, và người dân cũng rất hả hê khi lãnh đạo cao cấp bị kỷ luật, mất chức hay vào tù. Không có nhân dân nào đau xót cả. Nếu có đau xót thì chỉ có đảng viên và người nhà của họ đau xót mà thôi.

Có thể ông Chiến đang ngầm chỉ trích ông Nguyễn Phú Trọng vì ông Trọng đã bi phạm điều lệ Đảng khi tham quyền cố vị ngồi ghế Tổng bí thư tới ba nhiệm kỳ. Có lẽ ông Chiến đang chửi xéo ông Trọng".

Cuối năm 2022, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh chính thức thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Trung ương đảng Khóa XIII ; phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thôi giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng. Ông Phạm Bình Minh bị cho phải chịu trách nhiệm trong vụ tham nhũng qua các chuyến bay giải cứu vào mùa dịch Covid-19 ; còn ông Vũ Đức Đam là vụ bộ xét nghiệm n-CoV-2 của Công ty cổ phần Việt Á.

Mới đây nhất, Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét cho thôi các chức vụ, nghỉ công tác đối với bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính Trị, Thường trực ban Bí Thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Lý do được Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu ra, là bà Mai đã có một số vi phạm, khuyết điểm trong việc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng ; ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và cá nhân.

Một số người dân mà RFA hỏi chuyện đều cho rằng, họ không đau xót mà còn vui mừng khi thải hồi các loại cán bộ từ cấp thấp đến cấp cao là những con sâu mọt hại nước, hại dân. Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn thì cho rằng :

"Người dân và dư luận trong nước cũng như công luận quốc tế cũng thấy là chưa thỏa đáng, là bởi không biết rõ những người này vi phạm về việc gì, đã vi phạm điều gì trong 19 điều Bộ chính trị đưa ra cách nay mấy năm mà đảng viên không được làm ? Không có gì cụ thể cả, trong khi người dân thì cho rằng, đã vi phạm luật pháp đến mức phải từ chức thì về mặt luật pháp cũng phải bình đẳng như những công dân khác là phải chịu xử lý về mặt hình sự chứ không thể nào ‘hạ cánh an toàn’ được. Được nghỉ hưu với số tài sản không rõ là bao nhiêu thì nhân dân không thấy đau xót mà chỉ thấy chưa thỏa đáng".

Một nhà quan sát chính trị ở Hà Nội nói với RFA :

"Các tổ chức đảng có rất nhiều trung tâm để nghiên cứu dư luận dưới sự chỉ đạo của ban tuyên giáo trung ương và ban tuyên giáo các tỉnh. Dư luận xã hội họ tập trung là khen chế độ, khen đảng. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm hồi còn làm chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh từng nói không có ai chửi đảng mà.

Nhưng thực tế ngoài xã hội, mỗi khi có cán bộ bị kỷ luật hay vào tù thì nhân dân vỗ tay. Nghe ông nào chết thì dân nói khui bia… như thế có đau xót không ? Bây giờ, việc lãnh đạo đứng trước vành móng ngựa hay vào tù trở thành trò cười cho bàn dân thiên hạ. Đó là lỗi hệ thống.

Theo nhà quan sát này, nếu muốn biết Nhân dân có đau xót hay không thì yêu cầu Bộ chính trị, Ban chấp hành trung ương hãy công bố tội của từng người bị cho thôi tất cả các chức vụ, bị khai trừ đảng, chứ không thể nói chung chung là có khuyết điểm. Ông kết luận :

"Bây giờ ‘hạ cánh an toàn’ rồi tiêu xài 10 đời không hết tài sản do tham ô thì hết sức bất công với Nhân dân. Làm sao mà Nhân dân đau xót cho được. Dân chỉ thấy đau xót vì ở Việt Nam có hai loại luật : luật cho quan và luật cho dân". 

Việc hàng loạt quan chức cao cấp vi phạm nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mà chỉ từ chức là xong, đã gây bất bình trong công chúng. Dư luận vẫn chưa quên câu nói từ năm 2017 của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ khi nói về vụ Đồng Tâm : "Nếu ta sai, ta sẽ xin lỗi dân. Nếu dân sai thì dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật".

Nguồn : RFA, 20/05/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 191 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)