Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

23/05/2024

Tham vọng quyền lực của tân Chủ tịch nước là gì ?

RFA tiếng Việt

Tân Chủ tịch nước Tô Lâm có tham vọng làm Tổng bí thư

RFA, 23/05/2024

Một số cơ quan truyền thông quốc tế đưa tin tức về việc Bộ trưởng công an Tô Lâm được bầu làm Chủ tịch nước, coi đây là một bước đi hướng tới chức Tổng bí thư- vị trí cao nhất trong chế độ độc đảng ở Việt Nam trong Đại hội đảng toàn quốc vào đầu năm 2026.

1111111111111111111111111

Ông Tô Lâm (giữa) trong bữa tiệc thịt bò dát vàng ở London tháng 11/2021 - Hình cắt từ Tiktok của Nusr-Et-

Tham vọng trở thành Tổng bí thư

Nhiều chuyên gia về chính trị Việt Nam được truyền thông quốc tế dẫn lời cho rằng mục tiêu của ông Tô Lâm là thay thế Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đã ở cương vị này liên tiếp ba khóa trong điều kiện tuổi cao sức yếu (80 tuổi). 

Hãng tin AP dẫn lời ông Nguyễn Khắc Giang từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore cho rằng với cương vị mới, ông Tô Lâm đang ở vị thế rất mạnh để trở thành Tổng bí thư trong thời gian tới.

Đại diện Quỹ Konrad Adenauer (KAS) của Đức ở Việt Nam, ông Florian Feyerabend được hãng tin Aljazeera dẫn lời cho rằng ông Tô Lâm rõ ràng có nhiều tham vọng hơn là về hưu, vì nếu tiếp tục ở lại Bộ Công an, ông sẽ phải ra đi vì đã ở cương vị này hai khóa.

Một nhà quan sát giấu tên ở Hà Nội nhận định với Đài Á Châu Tự Do (RFA) hôm 23/5 :

"Không loại trừ là ông ta có tham vọng tiến tới ghế Tổng bí thư. Tham vọng quyền lực sẽ không có giới hạn, không cần biết nhân dân đang suy nghĩ gì, tức giận ra sao khi mà xã hội vẫn đầy rẫy tham nhũng và bất công, mà trong đó công an cũng có vai trò thủ phạm lớn, như bảo kê và hoạt động sân sau".

Một giảng viên đại học kỳ cựu ở Hà Nội cho rằng ông Tô Lâm chắc chắn có tham vọng trở thành người đứng đầu đảng, nhưng ông cũng có nhiều đối thủ, và không nhận được sự ủng hộ hoàn toàn trong Bộ Công an. Do vậy, con đường dẫn tới cương vị đứng đầu đảng của Tô Lâm sẽ có nhiều chông gai.

Để trở thành người thay thế ông Trọng, ông Tô Lâm còn phải tranh đấu với nhiều ứng cử viên khác, nổi bật là đương kim Thủ tướng Phạm Minh Chính, và cả tân Chủ tịch quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Giáo sư Zachary Abuza tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ ở Washington và là trợ giảng tại Đại học Georgetown, nói với Aljazeera rằng sau khi rời Bộ Công an, ông Tô Lâm "có thể ở vị trí yếu hơn" để đối mặt với Thủ tướng Phạm Minh Chính là một ứng cử viên nặng ký khác.

Tuy vậy, ông Nguyễn Anh Tuấn, một nhà quan sát chính trị đang định cư ở Canada, trong cuộc hội luận với Đài Á Châu Tự Do lại có một nhận định khác.

Ông Tuấn cho rằng cựu Bộ trưởng công an Tô Lâm đang bị tô vẽ như một người có tham vọng quyền lực qua các cuộc thanh trừng nội bộ, tuy nhiên, trên thực tế người đạo diễn toàn bộ các câu chuyện thời gian vừa qua lại chính là ông Trọng. Ông cho biết quan sát của mình :

"Đảng cộng sản Việt Nam thời gian vừa qua với chuyện 'đốt lò' thực sự là một cuộc xáo trộn chưa có tiền lệ và với bất kỳ một lực lượng chính trị nào khác thì nó có nhu cầu tái đoàn kết nội bộ và nó có một nhu cầu phải có một 'con dê tế thần' để gây lại sự đoàn kết trong Đảng.

Tôi nghĩ rằng người chủ mưu của những chuyện này là Nguyễn Phú Trọng đã nghĩ đến ông Tô Lâm như một 'con dê tế thần' và vì vậy đã có sự chuẩn bị dư luận lâu nay rằng ông Tô Lâm nuôi tham vọng quyền lực cá nhân và vì vậy không Tô Lâm là người đứng sau những cuộc thanh trừng chính trị".

Ông Nguyễn Anh Tuấn nhận xét, có thể người bị xử lý tiếp theo lại là ông Tô Lâm, và ông Trọng "sẽ bước vào nhiệm kỳ thứ tư của mình không phải như một kẻ tham quyền cố vị mà như là một người cứu Đảng khỏi tham vọng của ông Tô Lâm, cứu Đảng khỏi một kẻ vì cuồng vọng quyền lực của mình mà đã thanh trừng nội bộ, đã xáo trộn Đảng trong suốt thời gian vừa qua".

Những điểm tối của Tô Lâm

Trong tám năm qua, dưới thời ông Tô Lâm, bộ máy an ninh đã thực hiện nhiều chiến dịch đàn áp nhân quyền, trấn áp giới bất đồng chính kiến và tàn phá xã hội dân sự, theo đánh giá của nhiều tổ chức nhân quyền trên thế giới.

Theo New York Times, Đại tướng Tô Lâm chỉ đạo "cuộc trấn áp sâu rộng xã hội dân sự và bị cáo buộc liên quan đến vụ bắt cóc một cựu quan chức cấp tỉnh người Việt ở Berlin vào năm 2017". 

Tờ báo của Mỹ đang nhắc đến ông Trịnh Xuân Thanh - cựu quan chức dầu khí trốn sang Đức xin tị nạn chính trị nhưng bị các mật vụ bắt cóc trở về Việt Nam xử lý.

Ngoài ông này, hai nhà hoạt động khác là ông Trương Duy Nhất-blogger của Đài Á Châu Tự Do và ông Đường Văn Thái-người chuyên đưa tin chính trị nội bộ lên YouTube cũng bị bắt cóc từ Thái Lan đưa về Việt Nam dưới thời của ông Tô Lâm.

Hãng tin Reuters còn nhắc đến Báo cáo Nhân quyền Việt Nam 2023 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ với lời cảnh báo về nhiều vi phạm nghiêm trọng của lực lượng an ninh dưới quyền của Tô Lâm. 

Hãng tin Anh Quốc này cũng nói trong thời gian Tô Lâm đứng đầu Bộ Công an, Ân xá Quốc tế, Theo dõi Nhân quyền (HRW) và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế thường xuyên chỉ trích Hà Nội về đàn áp giới bất đồng chính kiến.

Reuters còn dẫn báo cáo của Dự án 88 nói rằng dưới sự chỉ đạo của Tô Lâm, xã hội dân sự ở Việt Nam đối mặt với nhiều hạn chế từ năm 2021 và bị thắt chặt từ năm 2023 cùng với việc nhiều nhà hoạt động khí hậu bị bỏ tù trong khi luật được ban hành để kiểm duyệt mạng xã hội.

Năm 2021, ít nhất 32 người bị kết án tù dài hạn vì chỉ trích chính phủ trên mạng xã hội và 26 người bị bắt vì các cáo buộc ngụy tạo, theo thống kê của HRW.

"Với việc ông Tô Lâm được bầu làm chủ tịch nước, Việt Nam trở thành nhà nước công an trị", Reuters dẫn lời ông Ben Swanton, đồng giám đốc của Dự án 88. Nhà hoạt động này dự báo đàn áp nhân quyền và kiểm duyệt sẽ tăng cường trong thời gian tới khi nhiều thành viên của Bộ Chính trị là công an hoặc xuất thân từ công an.

Nhiều hãng tin cũng nhắc lại việc ông Tô Lâm ăn bò dát vàng trong nhà hàng sang trọng ở Luân Đôn năm 2021 khi tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu trong hoàn cảnh Việt Nam đang phải đối phó với đại dịch Covid, và việc bỏ tù nhà hoạt động Bùi Tuấn Lâm khi người này nhại lại động tác rắc muối của chủ nhà hàng Salt Bae.

New York Times dẫn lời nghiên cứu viên cao cấp Lê Hồng Hiệp của Viện ISEAS-Yusof Ishak :

"Nền tảng là bộ trưởng công an mang lại cho ông ấy rất nhiều quyền lực nhưng cũng có thể là một trở ngại đối với ông ấy vì ông ấy bị nhiều người sợ hãi.

"Nếu ông ấy trở thành Tổng bí thư, mọi người đã lo ngại rằng ông ấy có thể lợi dụng bộ máy an ninh để biến Việt Nam thành một nhà nước cảnh sát".

Nguồn : RFA, 23/05/2024

*****************************

Chính trường Việt Nam sau khi ông Tô Lâm rời Bộ công an lên vị trí Chủ tịch nước

RFA, 22/05/2024

Ngày 19/5/2024, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết Bộ trưởng Bộ Công an chưa được phê chuẩn hay bãi nhiệm tại kỳ họp thứ 7 Đảng cộng sản Việt Nam. Nhưng ngay sau đó, ngày 21/5/2024, Quốc hội Việt Nam tuyên bố sẽ miễn nhiệm chức bộ trưởng công an của ông Tô Lâm. Ngày 22/5/2024, ông Tô Lâm được biểu quyết làm chủ tịch nước. Trong cùng ngày, ông Trần Quốc Tỏ, thứ trưởng thường trực Bộ Công an, được phân công "điều hành hoạt động của Bộ Công an cho đến khi cấp có thẩm quyền kiện toàn chức danh Bộ trưởng Bộ Công an theo quy định".

tolam2

Ông Phạm Minh Chính (trái) ôm chúc mừng ông Tô Lâm sau khi ông Tô Lâm tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước. (Nghia Duc/National Assembly via AP)

Vị trí bộ trưởng công an bị bỏ trống

Như vậy, sau khi ông Tô Lâm làm Chủ tịch nước và rời khỏi chức vụ Bộ trưởng công an, vị trí Bộ trưởng công an vẫn được bỏ trống, dù công việc của cơ quan có nhiều quyền lực này vẫn có lãnh đạo điều hành. Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp ở Viện ISEAS của Singapore giải thích với RFA về sự bỏ trống này là "Chức Bộ trưởng công an, có nhiều quyền lực, nên có vài người muốn được làm Bộ trưởng sau khi miễn nhiệm ông Lâm. Vì thế, có thể đó là một khó khăn để chọn một người". Cùng góc nhìn với Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, Giáo sư Zachary Abuza ở Đại học Quốc phòng Hoa Kỳ (National Defense University) cũng cho rằng các nhà quan sát nên chú ý tới một thực tế là Bộ Công an ở Việt Nam rất lớn. Bộ này có một loạt các chức năng và trách nhiệm khác nhau, từ an ninh và hải quan biên giới, kiểm soát nhập cư, đến trị an, chữa cháy, tình báo và phản gián (chống gián điệp). Đó là một bộ máy quan liêu sâu rộng.

Do đó, theo Giáo sư Zachary, câu hỏi đặt ra là nếu nắm một cơ quan lớn như vậy thì người kế nhiệm tương lai có làm được như ông Tô Lâm đã làm không. Giáo sư Zachary cho rằng một mặt, ông Tô Lâm đã thất bại, vì Bộ Công an thực sự không thể theo kịp các cuộc điều tra "tội phạm cổ trắng" (white-collar investigations, tức loại tội phạm của những người có địa vị cao trong xã hội và chiếm đoạt tài sản nhờ tận dụng vị trí xã hội này). Mặt khác, chiến dịch chống tham nhũng đã được "vũ khí hóa" rất nhiều. Theo Giáo sư Zachary, nó truy đuổi các đối thủ chính trị nhiều hơn là giải quyết nạn tham nhũng. Bất kỳ người kế nhiệm nào cũng sẽ cố gắng làm theo những gì ông Tô Lâm đã làm.

Giáo sư Zachary cho rằng ông Tô Lâm đã xây dựng một vương quốc rất hùng mạnh cho mình, và không có lý do gì khiến người kế nhiệm ông lại không cố gắng làm điều tương tự. Bộ Công an không chỉ là lực lượng tấn công của Đảng trong việc truy lùng những người bất đồng chính kiến hoặc cố gắng ngăn chặn các cuộc cách mạng màu, mà nó còn là thứ được sử dụng để tích lũy quyền lực chính trị và của cải kinh tế, theo vị giáo sư đến từ Đại học Quốc phòng Hoa Kỳ.

Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Chữ ở Đại học Houston at Downtown cho rằng nếu ông Tô Lâm mất đi ảnh hưởng ở Bộ Chính trị thì vị trí Chủ tịch nước của ông sẽ không kéo dài. Đó là lí do vì sao mà ông Tô Lâm không muốn mất hoàn toàn Bộ Công an. Tuy không còn còn là Bộ trưởng công an, nhưng ông Tô Lâm hiện vẫn là Bí thư Đảng ủy của bộ này. Tuy nhiên, ông Tô Lâm cũng không thành công trong cố gắng đưa người mình muốn vào vị trí kế nhiệm tại Bộ công an nên hiện nay vị trí này chưa có người chính thức nắm giữ. Tiến sĩ Nguyễn Văn Chữ nói tiếp :

"Chuyện này tôi nghĩ chỉ ngắn hạn thôi vì trước mắt trên thượng tầng giải quyết chưa xong. Nếu tôi không lầm thì ông Tô Lâm muốn đưa cả hai ông Lương Tam Quang và ông Nguyễn Duy Ngọc để ứng cử vào Bộ trưởng công an nhưng cả hai ông đều chưa được đồng ý. Như vậy trước mắt họ chưa tìm được người thay thế, nhưng rồi họ sẽ tìm được người thay thế thôi. Vấn đề đặt ra là ông Tô Lâm có đủ sức đưa người thân cận của mình vào bộ trưởng bộ công an hay không".

Trao đổi với RFA, Luật sư Đặng Đình Mạnh lưu ý rằng ông Trần Quốc Tỏ không phải là Bộ trưởng mà chỉ là người điều hành. Nhưng điều đáng chú ý là ông Tỏ không phải là "người ăn cánh" với ông Tô Lâm, theo Luật sư Đặng Đình Mạnh : 

"Giao cho người không ăn cánh với ông Lâm điều hành Bộ công an là dấu hiệu cho thấy phe cánh còn lại đang chống lại những việc ông Lâm làm vừa rồi. Họ đã thành công trong việc đẩy ông Lâm ra khỏi Bộ công an và Bộ công an đang do một người không thuộc cánh ông Lâm quản lý".

Cuộc đua đến vị trí tổng bí thư 

Sau khi ông Tô Lâm đăng quang vị trí Chủ tịch nước của Việt Nam, mọi cặp mắt của các nhà quan sát chính trị Việt Nam đều đổ dồn vào vị trí khác : Tổng bí thư. Đây chỉ là vị trí cao nhất của một tổ chức đảng, nhưng theo Hiến pháp 2013 hiện hành thì đó là nguyên thủ quốc gia trên thực tế, là vị trí nắm thực quyền đối với mọi vấn đề trọng yếu của đất nước.

Theo Giáo sư Zachary, ông Tô Lâm là người vẫn là ứng cử viên hàng đầu cho chức vụ Tổng bí thư tại Đại hội 14 vào tháng 1/2026. Ngoài ông Tô Lâm, hiện chỉ còn một ứng cử viên khác theo quy định hiện hành của Đảng cộng sản Việt Nam, là Thủ tướng Phạm Minh Chính. Tuy nhiên, Giáo sư Zachary lưu ý ông Chính cũng đang có "những cáo buộc tham nhũng đeo bám mình" qua câu chuyện công ty AIC. Như vậy, hai ứng viên này sẽ quyết định chính trị Việt Nam trong thời gian sắp tới. 

Tuy nhiên, theo một số nhà quan sát, không dễ để nhóm lãnh đạo chủ chốt tự ý quyết định điều mình muốn. Theo Tiến sĩ Bill Hayton ở Chapman House, Anh quốc, cuộc tranh giành quyền lực ở Việt Nam dân chủ hơn ở Trung Quốc. Bởi lẽ những nội dung quan trọng nhất phải được quyết định ở quy mô rộng hơn là Ban chấp hành Trung ương, chứ không phải quyết định trong một phạm vi hẹp như ở Trung Quốc. Đồng tình với quan điểm này, Giáo sư Zachary nói rằng Ban chấp hành Trung ương ở Việt Nam là cơ quan có quyền lực hơn nhiều so với cơ quan tương đương của Trung Quốc. Ông nói đây thực sự là cơ quan có thẩm quyền cao nhất trong việc ra quyết định của Việt Nam, bởi lẽ có những cuộc tranh luận căng thẳng trong Ban chấp hành Trung ương, có những liên minh kết lại thành các phái. Đây là một cơ quan việc tranh luận diễn ra mạnh hơn nhiều so với ở Trung Quốc, nơi nó thực sự là có tiếng nói đối với không chỉ Bộ Chính trị, mà cả Thường vụ Bộ Chính trị. Ban chấp hành Trung ương đã cân nhắc và bác bỏ một số quyết định của Bộ Chính trị về nhân sự. Theo Giáo sư Zachary, chúng ta nên kỳ vọng rằng Ban chấp hành Trung ương sẽ cân nhắc rất chắc chắn trước Đại hội 14. Họ sẽ không chấp nhận một đội ngũ nhân sự được chỉ định để họ chỉ việc thông qua.

Bên cạnh vai trò của Ban chấp hành Trung ương, Giáo sư Zachary còn lưu ý đến các ủy viên mới trong Bộ Chính trị, với năm người xuất thân từ Bộ Công an và ba người từ Bộ Quốc phòng. Đối với các ủy viên xuất thân công an, Giáo sư Carl Thayer ở Đại học Canberra, Úc, cho rằng nhiều người trong số họ đã rời Bộ Công an và chuyển sang lĩnh vực khác từ lâu, do đó, họ quyết định độc lập chứ không còn liên quan tới lãnh đạo công an đương nhiệm. Còn Giáo sư Zachary cho rằng ba vị tướng quân đội trong Bộ Chính trị (Phan Văn Giang, Lương Cường, Nguyễn Trọng Nghĩa) là ba người quan trọng và cần lưu ý. 

Theo luật sư Đặng Đình Mạnh, những thành viên mới của Bộ Chính trị, được đưa vào từ hôm 17/5/2014, có thể sẽ "pha loãng" tầm ảnh hưởng của ông Tô Lâm. Mặc khác, theo Luật sư Mạnh, ông Lâm không đưa được người của Bộ công an vào Bộ Chính trị, nhưng Bộ chính trị có thêm người đến từ Bộ quốc phòng (ông Nguyễn Trọng Nghĩa). Trao đổi với RFA, Giáo sư Zachary Abuza cũng cho rằng ba tướng Bộ quốc phòng trong Bộ Chính trị là rất quan trọng. Tướng Giang là bộ trưởng quốc phòng, từng là tổng tham mưu trưởng. Tướng Lương Cường chuyên về chính trị và chưa từng đánh trận. Tướng Nguyễn Trọng Nghĩa là thôi chức vụ bên quân đội từ Đại hội 13 và được bổ nhiệm làm Trưởng ban tuyên giáo Trung ương và nay được đưa vào Bộ chính trị. Giáo sư Zachary đặt câu hỏi liệu ông Lương Cường có thôi chức vụ bên quân đội hay sẽ làm Trường trực Ban bí thư trong khi vẫn "mặc quân phục". Theo Giáo sư Zachary, từ trước đến nay chỉ có ông Lê Khả Phiêu là người vừa giữ chức vụ trong quân đội vừa đảm nhiệm chức vụ trong đảng.

Nguồn : RFA, 22/05/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 958 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)