Bộ Công an thí điểm phần mềm quản lý tăng ni, Phật tử
RFA, 03/06/2024
Bộ Công an Việt Nam đang thí điểm một phần mềm quản lý tăng ni, Phật tử tại tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên, dự định sớm triển khai mở rộng cho cả nước nhằm quản lý hồ sơ người thụ giới, hồ sơ chuyển nội tỉnh, ngoại tỉnh, hồ sơ xuất gia…
Phần mềm quản lý tăng ni, Phật tử của Bộ Công an và Giáo hội Phật giáo Việt Nam - VNphattu
Truyền thông Nhà nước cho biết, hôm 3/6, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) phối hợp cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức chương trình đào tạo thí điểm hệ thống phần mềm quản lý tăng ni Phật tử tại chùa Đại Thành (tỉnh Bắc Ninh).
Phần mềm có tên Vnphattu. Tại buổi giới thiệu, cán bộ C06 đã hướng dẫn các tăng ni, Phật tử thực tập cài đặt phần mềm này, xử lý hồ sơ, khai báo thông tin…., theo truyền thông trong nước.
Giới chức Bộ Công an cho biết, "phần mềm này giúp giảm thiểu công việc hành chính cho các chư vị tăng ni, giúp nâng cao hiệu quả công việc, đồng thời, hỗ trợ phương thức trực tuyến giảng pháp đến công chúng, qua đó góp phần vào khối đại đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc, cùng với chính quyền các cấp xây dựng phát triển đất nước văn minh".
Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó cục trưởng Cục C06, phát biểu tại buổi giới thiệu rằng : "Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng lực lượng Công an nhân dân trong việc giữ gìn, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội.
Bên cạnh đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn tuyên truyền các chư vị Phật tử tuân thủ quy định pháp luật nhà nước, tham gia đấu tranh, phòng chống tội phạm tại nơi cư trú".
Người đại diện Bộ Công an cũng "đề ghị các tăng, ni thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam được giao sử dụng hệ thống quản lý tăng ni Phật tử phải hết sức chú ý tuân thủ các quy định của Nhà nước về bảo vệ bí mật cá nhân".
Thông tin về phần mềm quản lý tăng ni, Phật tử được đưa ra vào lúc người dân Việt Nam những tuần qua đang bị cuốn hút vào hiện tượng sư Thích Minh Tuệ - người tự nhận không thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam – đi bộ khất thực xuyên Việt để thực hành 13 hạnh đầu đà của Phật. Những nhà sư theo thực hành cũng học buông bỏ và không giữ giấy tờ tùy thân. Những hình ảnh mới nhất được truyền thông Nhà nước đăng tải cho biết, công an đã buộc sư Thích Minh Tuệ lăn tay làm căn cước công dân.
Nguồn : RFA, 03/06/2024
******************************
Chính quyền Thừa Thiên Huế xử phạt chủ kênh YouTube đưa tin về sư Thích Minh Tuệ
RFA, 03/06/2024
Một chủ kênh YouTube chuyên đưa tin cập nhật về đoàn khất thực của sư Thích Minh Tuệ vừa bị chính quyền Thừa Thiên Huế tiến hành xử phạt với cáo buộc đưa tin, hình ảnh "câu view" sai sự thật về tình hình an ninh trật tự địa phương, gây hoang mang trong nhân dân.
Cơ quan chức năng làm việc với YouTuber đăng tải video về sư Thích Minh Tuệ - Công An Nhân Dân
Truyền thông Nhà nước cho biết, chủ kênh YouTube 15s Bình Dương là ông Nguyễn Văn T vào ngày 3/6 đã có buổi làm việc với Thanh tra Sở Thông tin Truyền thông Thừa Thiên Huế, Phòng An ninh mạng, Phòng chống tội phạm công nghệ cao (Công an tỉnh Thừa Thiên Huế) về những video được đăng tải trong các ngày 2/6 và 3/6 về đoàn khất thực của vị sư Thích Minh Tuệ đang nổi tiếng Việt Nam vì đi bộ khắp Việt Nam thực hành khổ hạnh theo lời Phật dạy.
Theo thông tin được truyền thông Nhà nước đăng tải, các video được kênh với 68 ngàn người đăng ký này đăng tải bị cho là sai sự thật bao gồm : "Huế bị vỡ trận, anh công an bức xúc nói thẳng điều này khi thấy thầy Thích Minh Tuệ đi qua" ; "Lực lượng C.A khủng khiếp chặn tất cả phương tiện khi thầy Thích Minh Tuệ đi qua". Cả hai video này đăng vào ngày 2/6. Một video đăng ngày 3/6 có tựa "Chị gái dân địa phương cho biết vị trí thầy đang ở đâu, cực căng".
Những video này bị chính quyền địa phương xác định là "giật tít" và "câu view".
Chính quyền Huế đã yêu cầu chủ kênh phải gỡ bỏ các video này khỏi YouTube và mạng xã hội khác.
Ông T. đã viết bản tường trình, xin cam đoan từ nay về sau không tái diễn việc làm tương tự và chịu mọi hình thức xử lý theo quy định của pháp luật, theo truyền thông Nhà nước.
Sư Thích Minh Tuệ vào ngày 2 và 3/6 đã đi bộ qua Thừa Thiên Huế cùng với đoàn gồm nhiều nhà sư khác muốn đi theo học thực hành lời Phật dạy. Đoàn đi qua các tỉnh thành của Việt Nam luôn gặp tình trạng nhiều người dân đi theo, trong số này có cả các YouTuber. Các hình ảnh và video được đăng tải trên mạng xã hội và báo trong nước cho thấy các địa phương phải huy động công an để duy trì an ninh trật tự trên đường sư Thích Minh Tuệ đi qua.
Nguồn : RFA, 03/06/2024
******************************
Chùa của Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị kẻ xấu đổ mắm tôm trong đêm
RFA, 03/06/2024
Một ngôi chùa của Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (gọi tắt là Tăng đoàn) tiếp tục bị kẻ xấu hắt mắm tôm trong đêm, không lâu sau lễ Phật đản bị phá rối ở Huế.
Hòa thượng Thích Vĩnh Phước trụ trì chùa Phước Bửu - Fb Thích Vĩnh Phước
Đêm 02/6, có người đã đột nhập vào chùa Phước Bửu ở xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) và đổ mắm tôm vào chùa, sau một số hành vi gây hấn của một nhóm người lạ mặt đối với sư trụ trì trong thời gian gần đây.
Trong cuộc gọi điện thoại trưa ngày 03/6, Hòa thượng trụ trì Thích Vĩnh Phước nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) như sau :
"Tối qua khoảng 9 giờ 30, 10 giờ chi đó, tôi ngửi thấy mùi hôi, hôi lắm. Tôi ra tôi la lên "tầm bậy, tầm bậy nhé’. Sáng ra thấy họ (đã) đổ mắm tôm vào phòng của quý thầy".
Theo hình ảnh và video mà vị tu hành cung cấp, mắm tôm có màu nâu bị phun lên hiên nhà và lối đi thuộc dãy nhà của quý thầy trong chùa thuộc Tăng đoàn.
Ông nói rằng kẻ gian đã đột nhập vào chùa một cách bất hợp pháp vì chùa đã khóa cổng từ tối. Tuy nhiên ông cũng cho rằng vì chùa không xây dựng kiên cố nên việc đột nhập vào chùa không khó trong khi hệ thống camera của chùa đã cũ và không hoạt động.
Vị tu hành nói rằng việc ném chất bẩn vào chùa có thể liên quan đến một số sự việc xảy ra gần đây đối với ông và chùa.
Vào ngày mùng 2/4 Giáp Thìn (tức ngày 09/5 dương lịch), khi hòa thượng Thích Vĩnh Phước đang làm cỏ ở vườn thì có một Phật tử gần đó sang thăm chùa, nên ông cùng vị khách này vào phòng khách để tiếp chuyện.
Khi người khách này ra về thì có một phụ nữ còn trẻ bước vào và nói muốn nói chuyện với ông. Hai người nói chuyện được khoảng 15 phút thì có một nhóm 3-4 người xông vào, một người đàn ông chất vấn "tại sao ông lại tiếp vợ tôi trong phòng ?" còn mấy người kia thì cầm điện thoại để quay.
Hòa thượng Thích Vĩnh Phước nhận ra nguy hiểm nên rời phòng khách và đi ra vườn, tại đây hai bên cãi nhau, và người đàn ông xưng là chồng của người phụ nữ đe dọa hành hung vị tu hành, xô người phụ nữ vào sư trụ trì.
Ngày 21/5 dương lịch (tức ngày 14/4 âm lịch), trong lễ Phật đản tổ chức tại chùa, nhóm người này lại quay lại. Khi đó người phụ nữ hôm trước lại đến chùa thắp hương, và "người chồng" cùng một số người khác làm ra vẻ không muốn người phụ nữ đến chùa.
Vị sư trụ trì cho hay, họ chửi bới om sòm trước sự chứng kiến của nhiều Phật tử. Sau đó, ông còn thường xuyên nhận được lời đe dọa "ra đường coi chừng bị tông xe" từ một số điện thoại di động.
Phóng viên gọi vào số điện thoại di động này thì một người đàn ông cầm máy. Khi phóng viên đề nghị người này bình luận về tố cáo của Hòa thượng Thích Vĩnh Phước, thì người này hỏi lại "ông biết gì mà ông nói ? Nói thế anh cũng nghe à ?" rồi cúp máy.
Hòa thượng Thích Vĩnh Phước chưa báo chính quyền địa phương về các vụ việc trên, nhưng có nói chuyện với một sĩ quan công an trong ngày 14/4 về sự việc xảy ra ngày hôm đó, viên công an này thường xuyên được cắt cử tới chùa.
Phóng viên gọi điện nhiều lần cho Công an huyện Xuyên Mộc và Ủy ban Nhân dân xã Phước Thuận để kiểm chứng thông tin nhưng không có ai nghe máy.
Liên kết các sự việc gần đây, hòa thượng Thích Vĩnh Phước cho rằng ông và chùa Phước Bửu đang là nạn nhân của một kế hoạch tinh vi nhằm xóa sổ cơ sở tu hành này, hoặc buộc họ phải rời bỏ Tăng đoàn để gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, một tổ chức tôn giáo là thành viên của Mặt trận Tổ quốc.
"Mình sinh hoạt trong Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, hay giúp đỡ cho tù nhân lương tâm và dân oan. Vì những cái đó cho nên là mình bị 'chiếu tướng' thôi".
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là một tổ chức tôn giáo có từ thời Việt Nam Cộng Hòa. Đến năm 1981, chính quyền cho thành lập và công nhận duy nhất Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Năm 2014, một số sư thầy thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã tách ra thành lập Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Trước ngày Tăng đoàn tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568 và lễ Hiệp kỵ (lễ giỗ) ở Tổ đình Quốc Ân - thành phố Huế (vào ngày 15/5), các băng-rôn bị xịt sơn, buổi lễ bị phá sóng không thể phát trực tiếp trên mạng xã hội.
Chùa Phước Bửu được xây dựng từ năm 1989. Chùa đã xuống cấp và cần được sửa chữa nhiều hạng mục xây dựng, tuy nhiên, chính quyền địa phương không cho phép.
Giữa tháng 3 vừa qua, khi chùa thuê người đến trám và sơn lại vách tường bị nứt, thay ngói vỡ thì một đoàn cán bộ địa phương đến yêu cầu dừng công việc và bảo "chờ xin ý kiến cấp trên".
Một người trong đoàn cán bộ đã đe dọa hành hung sư trụ trì khi bị chất vấn.
Năm ngoái, nhà chùa sử dụng cây gỗ để dựng một nhà kho chứa củi đốt, chính quyền đến buộc phải làm bản tường trình để xin phép.
Đặc biệt, từ năm 2019, chính quyền địa phương đã lắp đặt một camera ở ngay cổng ra vào để theo dõi nhà chùa, kèm theo một đèn pha công suất lớn chĩa vào sân chùa.
Nguồn : RFA, 03/06/2024