Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

31/05/2024

Lấy dân là gốc qua xây dựng đại trà nhà chung cư ?

RFA tổng hợp

‘Dân là gốc' – bài học chưa hề được áp dụng ?

RFA, 31/05/2024

Ban Dân vận Trung ương hôm 30/5/2024 đã có buổi làm việc với Trung ương Đoàn để khảo sát việc thực hiện bài học "Dân là gốc", "Dân là trung tâm". Đồng thời cơ quan này cũng nhấn mạnh vấn đề phát huy sức mạnh Nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc…

danlagoc1

Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội hôm 5/10/2020 – AFP Photo

Xem ‘Dân là gốc', 'Dân là trung tâm'… ngày nay có còn được đảng viên, đoàn viên và cán bộ thực hiện ? Một người dân không muốn nêu tên vì lý do an toàn ở miền Trung Việt Nam, hôm 31/5/2024 khi trả lời RFA nhận định :

"Nhà triết học Nho giáo Trung Quốc Mạnh Tử (372-289 trước công nguyên) từng nói : "Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh" (dân quý hơn hết, lãnh thổ thứ nhì, vua là nhẹ). Nguyễn Trãi (1380-1442) là anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam cũng từng khẳng định : "Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân, sức dân như nước" ! Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nói : "Tất cả đường lối, phương châm, chính sách của Đảng đều không ngoài mục đích phụng sự Tổ quốc và Nhân dân, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân" !

Như vậy, từ ngàn xưa cũng như hiện tại, các triết gia, nhà văn hóa, chính trị gia cũng đều khẳng định "dân là gốc", có nghĩa là bài học "dân là gốc" không phải mới mẻ, bây giờ mới có".

Rất tiếc theo vị này, là thời gian qua có nhiều cán bộ, quan chức nhà nước đã không thuộc bài học này, mặc dù các lớp học chính trị tại Học viện chính trị-quốc gia Hồ Chí Minh đều dạy. Ông nói tiếp :

"Vì vậy, nhiều chính sách mà nhà nước đưa ra không phù hợp lợi ích của dân, thậm chí các chính sách đó chỉ có lợi cho "lợi ích nhóm", nhất là trong lĩnh vực liên quan đến đất đai. Bên cạnh đó, không ít cán bộ có thái độ hành xử với dân không đúng mực, không xem "mỗi cán bộ là đầy tớ phục vụ nhân dân" nên đã gây mất lòng dân mà mất lòng dân thì đến một lúc nào đó sẽ mất chế độ".

Theo người dân này, nhận rõ điều đó nên Ban Dân vận Trung ương mới khảo sát thực hiện bài học "Dân là gốc", "Dân là trung tâm" ! Như trên đã nói, vấn đề này không mới, bài học xưa nay thì cũng đã có rồi, có điều là cán bộ, đảng viên, các đoàn thể của nhà nước có thực hiện được hay không và muốn thực hiện thì cần đưa ra giải pháp như thế nào ? Ông này cho rằng nên đưa ra giải pháp thực hiện, chứ không cần khảo sát gì nữa, khi mà bài học "Dân là gốc" đã có sẵn từ lâu !

Đồng quan điểm, ông Trần Anh Quân, một người trẻ hoạt động xã hội ở Sài Gòn, hôm 31/5/2024 khi trao đổi với RFA cho biết, từ xưa đến nay các nước Á Đông đều tuyên truyền với người dân về vấn đề lấy dân làm gốc, đây là quan điểm nho giáo tử hàng ngàn năm nay chứ không phải mới đây. Nhưng nói lấy dân làm gốc nhưng chính những nước đó lại theo chế độ quân chủ, độc tài. Ông Quân nói tiếp :

"Thời phong kiến, vị vua nào cũng nói lấy dân làm gốc, nhưng vua mới là lãnh đạo tối cao của đất nước. Bây giờ cũng vậy, Đảng cộng sản nói lấy dân làm gốc, nhưng quyền lực chính trị thì nằm trong tay đảng, thì có khác gì vua chúa ngày xưa, đều là những lời tuyên truyền mị dân. Hoặc một ý khác, họ nói dân là gốc thì đảng ở trên nóc, trên ngọn, cái gốc cái rễ phải có nhiệm vụ hút nước hút chất dinh dưỡng nuôi cái ngọn. Thời đại này phải để dân là chủ, thì mới gọi là nước dân chủ được. Nhưng dưới những lời lẽ hoa mỹ của người cộng sản thì cho dù họ nhận họ là đầy tớ, dân là chủ thì cũng chỉ là trên giấy, trên tivi. Còn trên thực tế thì chẳng có người đầy tớ nào dám hành hạ chủ nhân như đảng cộng sản như vậy".

Bởi vậy, theo ông Trần Anh Quân, không thể tin những gì Đảng cộng sản tuyên truyền, mà phải nhìn vào những gì họ làm thì mới thấy được bộ mặt giả tạo, gian trá và lưu manh của họ.

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 ghi rõ : "Nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân"… Nhưng thực tế cho thấy, người dân không hề biết và cũng không có quyền gì trong việc lựa chọn người lãnh đạo đất nước, kể cả việc tham gia giám sát quyền lực nhà nước.

Giáo sư Nguyễn Đình Cống, người có hơn 30 năm tuổi đảng, đã từ bỏ Đảng vào năm 2016, khi trao đổi với RFA liên quan vấn đề này trước đây từng cho rằng :

"Những điều ghi trong Hiến pháp thì người ta (chính quyền) ghi cho vui mà thôi, chứ người ta làm là theo ý của người ta chứ. Người ta ghi một đằng, nhưng họ làm lại là một nẻo chứ họ có làm theo Hiến pháp thế đâu. Làm gì mà có chuyện người dân làm chủ, dân đâu có biết gì. Dân mà làm chủ thì phải thông qua các tổ chức của mình chứ ? Nhưng mà các tổ chức ấy lại đặt dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng thì thôi chứ còn làm chủ gì nữa ? Chứ làm gì có chuyện dân làm chủ".

Theo Giáo sư Cống, hiện nay Đảng cộng sản Việt Nam coi dân chúng là bức bình phong trong việc sử dụng quyền lực, điều đó là chính xác và là thực tế. Cũng bởi vì dân Việt Nam đang bị lừa dối và mê hoặc nhiều quá, người ta không hiểu rõ được. Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này, là do nhà nước đã vô hiệu hóa quyền được lên tiếng của người dân.

Lợi ích quốc gia – dân tộc là vấn đề tối hệ trọng của mỗi quốc gia trong chính sách phát triển và bảo vệ đất nước. Còn nhân dân có thể hiểu là tập hợp đông đảo những người dân thuộc mọi giai cấp, tầng lớp, thành phần xã hội, tôn giáo… đang sống trong một khu vực địa lý nhất định, chẳng hạn như ‘nhân dân Việt Nam’.

Nguồn : RFA, 31/05/2024

*****************************

Hà Nội khống chế dân số khi lập dự án nhà chung cư

RFA, 29/05/2024

Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 34/2024 quy định về phương pháp xác định chỉ tiêu dân số với nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp và một số công trình có lưu trú khác trên địa bàn thành phố này. Theo đó, nếu diện tích căn hộ từ 45 mét vuông đến 75 mét vuông tính hai người ở ; căn hộ từ 70 mét vuông đến 100 mét vuông tính ba người ở.

danlagoc2

Một chung cư cao cấp ở Hà Nội - AFP

Quy định không phù hợp thực tế

Khi thông tin trên được truyền thông nhà nước đăng tải, dư luận cho rằng quy định này không thực tế, không xét đến thu nhập và nhu cầu người dân. Có độc giả đăng bình luận nêu rằng, tính như vậy là có lợi hơn cho chủ đầu tư khi xây dựng chung cư, giải được bài toán trước đây bị khống chế số lượng dân cư. Còn thực tế ở bao nhiêu dân đâu có khống chế, nên sẽ tăng mật độ dân số hơn chứ không tránh được quá tải về mặt dân số như Quyết định số 34/2024 ban hành.

Ông Nguyễn Quanh Vinh, một người dân Hà Nội nêu quan điểm của ông với RFA :

"Vừa rồi tôi cũng tìm và mua căn hộ chung cư nên cũng biết được mô hình tiêu chuẩn ở các chung cư "cao cấp" hiện nay ở Hà Nội là như vậy. Nhưng để tiếp cận được nhu cầu mô hình căn hộ như thế này chắc chắn chỉ một phần rất nhỏ cư dân, vì giá trung bình chung cư ở nội đô Hà Nội hiện nay khá cao dao động từ 60 triệu/m2 - 80 tr/m2, ở vị trí đẹp có thể còn cao hơn nữa. Với giá cao như vậy thì số đông cư dân không có khả năng tiếp cận. Nên việc ban hành quy định này rất không phù hợp với thực tế có nghĩa là rất khó khả thi".

Theo nghiên cứu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), tính chung năm 2023, nguồn cung căn hộ mới chỉ đạt xấp xỉ 11.000 sản phẩm, bằng 66% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng trong quý 1/2024, toàn thị trường Hà Nội chỉ ghi nhận khoảng 3.000 căn hộ mở bán mới. Như vậy, từ nay đến năm 2025, trung bình mỗi năm, theo VARS, Hà Nội thiếu hụt khoảng 50.000 căn hộ và thị trường cũng vắng bóng hoàn toàn các căn hộ giá bình dân ; số lượng căn hộ đóng góp vào thị trường mỗi năm vẫn rất ít so với nhu cầu.

Định hướng cho tương lai ?

Quyết định số 34/2024/QĐ-UBND nêu rõ, phương pháp xác định dân số đối với nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp, căn hộ lưu trú… trên địa bàn thành phố Hà Nội phải đảm bảo nguyên tắc kiểm soát dân số theo chỉ tiêu đã được xác định tại quy hoạch cấp trên được phê duyệt. Đồng thời phải phù hợp với dự báo và thực tiễn phát triển dân số trên địa bàn thành phố và bảo đảm hiệu lực hiệu quả quản lý Nhà nước.

Cùng lúc, trang web của Đài Truyền hình Việt Nam hôm 28 tháng 5 đăng kết luận của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Theo Bộ Chính trị, quy hoạch Thủ đô cần có tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội, tạo ra cơ hội mới - giá trị mới trong phát triển Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại cả trước mắt và lâu dài ; Nghiên cứu dự báo, tính toán kỹ lưỡng vấn đề dân số, phù hợp với tốc độ đô thị hóa và phát triển của Thủ đô trong từng giai đoạn.

Còn ông Vũ Minh Trí, một cư dân Hà Nội cho rằng, quy định một căn hộ từ 45 mét vuông đến 75 mét vuông tính hai người ở ; căn hộ từ 70 mét vuông đến 100 mét vuông tính ba người ở chỉ là định hướng cho tương lai. Ông nói :

"Họ nêu ra quy định đấy để định hướng cho việc quy hoạch đô thị. Họ tính mức độ xây dựng một khu chung cư thì có bao nhiêu căn hộ, mỗi căn hộ bao nhiêu mét vuông để ước chừng số người ở trong đấy là bao nhiêu. Từ đó xây dựng hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, chợ cho phù hợp.

Tôi cho rằng Hà Nội ra quy định này chỉ có tính định hướng chứ họ không có quy định cụ thể. Nó chỉ là chính sách để quy hoạch đô thị. Thế nhưng tại thời điểm này thì định hướng của họ không thật sự phù hợp với thực tế do điều kiện nhà cửa đang khan hiếm, nên hầu hết các căn hộ có mật độ chung cao hơn mức định hướng của UBND thành phố Hà Nội".

Cũng theo ông Trí, trong tương lai, khi đời sống kinh tế người dân khá hơn, tầm nhìn phát triển hơn thì những quy định như thế lại phù hợp.

Theo khảo sát, hiện mật độ dân số một số quận ở Hà Nội được cho là thuộc loại cao nhất thế giới, như quận Hai Bà Trưng là 29.000 người/km2, Đống Đa gần 38.000 người/km2. Tại Hội thảo quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tổ chức ở Hà Nội tháng 11 năm ngoái, Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Văn Cường cho rằng, việc gia tăng dân số và tình trạng nhập cư khá đông vào Hà Nội tạo ra sức ép rất lớn đến hạ tầng kỹ thuật, xã hội, môi trường và chất lượng sống của người dân. Hạ tầng đô thị luôn ở tình trạng quá tải kéo theo ô nhiễm không khí trầm trọng.

Theo dự báo, dân số Hà Nội đến năm 2030 đạt khoảng 11 triệu và đến năm 2050 khoảng 14 triệu. Dân số Thành phố Hà Nội trong năm 2024 là khoảng 8,5 triệu người.

Nguồn : RFA, 29/05/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 258 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)