Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

06/06/2024

Hè về với điệp khúc "học thêm" !

RFA tiếng Việt

Học sinh phải học cả mùa hè để chuẩn bị cho năm học tiếp theo là bài toán chưa có lời giải từ mấy chục năm qua, dù Nhà nước từng đưa ra nhiều giải pháp cho thực trạng này.

hocthem1

Một lớp học ở Hà Nội - AFP

Trong kỳ nghỉ hè, học sinh theo học những lớp mà giáo viên dạy trước một phần chương trình năm học tới, rồi vô năm học mới lại tiếp tục dạy thêm trước cho học sinh phần kiến thức chưa đến tiết học.

Thúy Liễu, học sinh lớp 8 cho RFA hay :

"Trong năm học thì con học ở trường từ sáng tới chiều. Học 8, 9 tiếng một ngày. Trưa về nghỉ rồi chiều khoảng 4, 5 giờ con qua lớp học thêm. Tối con về con mới ăn. Mùa hè thì con không phải học ở trường nhưng vẫn phải đi học thêm buổi tối. Không muốn cũng phải đi học, vì nếu không học thì vô năm học không theo kịp bạn. Coi như mùa hè là học kỳ 3 của con. Năm nay cũng vậy".

Bà Thảo, một phụ huynh ở Sài Gòn có hai con nhỏ trong độ tuổi đến trường, nói với RFA nhận định của bà hôm 5/6/2024 :

"Bây giờ phải gọi là ‘kính thưa các loại học thêm’. Học thêm từ toán, lý, hóa… nói chung là học hết các môn chính. Bắt đầu tháng 6 là học hè rồi. Học chương trình mới của năm tới, lớp kế tiếp luôn. Tới nhà cô để học. Nếu không cho đi học thêm hè thì vô năm học con mình sẽ không học kịp với các bạn khác. Lý do vì ai cũng đi học thêm hết, biết trước hết nên họ dạy chương trình rất nhanh. Tiền học thêm khoảng 500.000/môn/tháng.

Hồi con tôi học mẫu giáo không cho đi học thêm trước khi vào lớp 1, nên khi lên lớp 1 không theo kịp bạn nên ngày nào cũng bị cô giáo mắng vốn. Do đó, tôi nghĩ nếu được thì phải dẹp chuyện dạy thêm, học thêm. Tất cả đều không đi học thêm dịp hè thì tốt hơn. Hè chỉ nên tham gia các lớp năng khiếu như đàn, vẽ, học bơi… nhưng ở Việt Nam thì không thể có chuyện không cho con đi học thêm, vì nó đã là một cái dây chuyền rồi. Phải theo thôi !".

Mấy năm gần đây, trước khi học sinh chính thức nghỉ hè, một số tỉnh, thành đã ra văn bản yêu cầu không tổ chức học thêm. Năm ngoái, Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội yêu cầu các trường không tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào ; không tổ chức dạy trước chương trình. Sở Giáo dục và đào tạo Hải Phòng yêu cầu trường học các cấp không tổ chức dạy hè, không dạy trước cho trẻ 5 tuổi chuẩn bị vào lớp 1 dưới mọi hình thức. Sở Giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành cũng yêu cầu các trường không tổ chức dạy thêm, học thêm trong dịp hè dưới bất kỳ hình thức nào, chỉ ôn tập văn hóa cho học sinh, học viên có học lực yếu, kém.

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa nhận định với RFA sáng ngày 6/6/2024 rằng, dù có văn bản cấm hay không thì chuyện học hè vẫn diễn ra. Ông nói :

"Tình trạng học sinh vừa nghỉ hè đã phải bắt đầu học hè đang diễn ra tại nhiều nơi trên cả nước. Cháu ngoại tôi vừa học xong mầm non, sang năm vào lớp 1, các cô giáo đã truyền đạt đến gia đình "mời" cháu đi học chữ trước khi vào lớp 1, trong khi Bộ Giáo dục và đào tạo thì cấm dạy chữ dịp hè dưới mọi hình thức. Tình trạng này diễn ra ở mọi cấp học.

Theo tôi có một số nguyên nhân sau : Nguyên nhân thứ nhất là do lòng tham của người dạy. Nguyên nhân thứ hai là do phụ huynh học sinh kỳ vọng con mình, ép con học thêm các kiểu mong con đỗ cao để nở mày nở mặt phụ huynh. Nguyên nhân thứ ba là từ chính các em học sinh. Các em học trên lớp thì chểnh mảng, không có thói quen tự học mà phụ thuộc vào học thêm nhiều. Nếu không học thêm thì không theo kịp bạn bè. Nguyên nhân thứ tư là do chính quyền. Chính quyền các cấp đã không xử lý triệt để khi xảy ra chuyện thầy cô giáo ép học sinh học hè hoặc mời học thêm "tự nguyện" với những kiểu rất tinh vi.

Đây là tệ nạn diễn ra rất lâu nhưng không xử lý đến nơi đến chốn".

Để học sinh không bị mất một kỳ nghỉ hè đúng nghĩa, nhiều năm qua ngành giáo dục đã ban hành các văn bản, quy định nhằm chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm ngay khi vừa kết thúc năm học. Thế nhưng, theo nhận định của một số chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, những văn bản dường như chỉ nằm trên giấy. Hoạt động dạy thêm, học thêm dịp hè vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau.

Lý giải cho vấn này, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, mức lương giáo viên quá thấp so với mức sống của toàn xã hội là nguyên nhân dẫn đến chuyện dạy thêm bất chấp lệnh cấm. Phải tăng lương cho giáo viên thì mới giải quyết được chuyện dạy thêm khi mùa hè vừa bắt đầu.

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng thì cho rằng, cho dù mức lương giáo viên có tăng đến mức đủ sống thì cũng khó chấm dứt chuyện dạy thêm, nếu giáo viên các cấp không thay đổi tư duy của chính mình. Ông nói :

"Theo tôi, tăng lương cho giáo viên chỉ là một biện pháp. Cái quan trọng hơn là phải thay đổi tư duy giáo viên, thay đổi chính sách giáo dục sao cho có tinh thần khai sáng, tinh thần dân tộc, tinh thần nhân văn. Việc này đang khiếm khuyết trầm trọng. Cho nên tôi nghĩ rằng, sự thay đổi đó cần một kiến trúc sư về giáo dục ở bên ngoài hệ thống, chứ một người đang nằm trong hệ thống không thể thay đổi được những gì trong hệ thống".

Theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, từ ngày 1/7/2024, lương giáo viên sẽ được tính theo chính sách cải cách tiền lương. Do đó, lương giáo viên trung bình sau khi thực hiện cải cách tiền lương có thể sẽ tăng hơn 32% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương.

Làm thế nào để dạy thêm và học thêm đáp ứng quy luật cung cầu của thị trường, được quản lý hợp lý, có ích cho học sinh, là bài toán mà ngành giáo dục Việt Nam đến nay vẫn chưa thể nào giải được.

Nguồn : RFA, 06/06/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 345 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)