Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

12/06/2024

Thi tuyển lãnh đạo sở tại Thành phố Hồ Chí Minh : "trò chơi dân túy"

RFA tiếng Việt

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức thi tuyển ba vị trí lãnh đạo sở, gồm phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, phó giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội, phó giám đốc Sở Khoa học và công nghệ. Mục đích được nói nhằm thực hiện chương trình cải cách hành chính, công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính và chế độ công vụ trên địa bàn.

thituyen1

Ảnh minh họa thi tuyển công chức - Photo : Báo Chính Phủ

Theo ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, đây là lần đầu tiên thành phố tổ chức thi tuyển lãnh đạo các sở, thay vì bổ nhiệm, với mục đích được nói là để tạo sự cạnh tranh, chọn được người có tài, có tầm và có mong muốn cống hiến.

Một nhà quan sát chính trị trong nước, yêu cầu ẩn danh, nói với RFA sáng 12/6/2024 :

"Dân Việt Nam đã từng chứng kiến việc Nhà nước tổ chức cho dân ứng cử tự do ở vị trí đại biểu quốc hội, và người ta đã chứng kiến những trò hề của chuyện ngăn chặn những người bước vào vị trí ứng tuyển cuối cùng, qua việc sách nhiễu, tổ chức đấu tố địa phương, và thậm chí bỏ tù với những tội danh mơ hồ như những trường hợp của Lê Trọng Hùng hay Nguyễn Thúy Hạnh...

Ở trong một xã hội độc tài mà chủ nghĩa lý lịch cùng với sự thù hằn quá khứ còn quá nặng nề, cụ thể như việc vợ chồng Ngọc Mai đang chờ bị xét xử khi quay trở về Việt Nam, do căn phòng họ tạm trú ở Mỹ có lá cờ Việt Nam Cộng Hòa, thì liệu ai có thể tin đây là một cuộc thi tuyển vị trí lãnh đạo có thể công bằng và minh bạch ?

Ngay cả năm 2013 khi Đảng cộng sản Việt Nam mở rộng việc góp ý thay đổi Hiến pháp, những trí thức tên tuổi có ý kiến loại bỏ điều 4 quyển pháp, tức không công nhận việc cầm quyền tuyệt đối của Đảng cộng sản, đã phát hiện sự trả đũa một cách thầm lặng suốt thời gian dài sau đó. Nói một cách nào đó các kiểu thi tuyển như vậy chỉ là những trò chơi dân túy, để che đậy một phương án nào đó của nhà cầm quyền mà thôi".

Tại buổi giám sát Ủy ban nhân dân thành phố về việc thực hiện chương trình cải cách hành chính, công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính và chế độ công vụ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vào sáng ngày 12/6/2024, ông Võ Văn Hoan cho hay, từ cuối năm 2022, thành phố đã bắt đầu tổ chức thi tuyển 13 chức danh lãnh đạo cấp phòng và tương đương tại sáu sở, ngành, quận, huyện.

Người được đăng ký dự tuyển phải là cán bộ, công chức, viên chức là nhân sự tại chỗ; từ nơi khác; và được đề cử. Hai nhóm đầu phải nằm trong quy hoạch của chức danh tuyển chọn hoặc tương đương, còn người được đề cử có thể không nằm trong quy hoạch nhưng được cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm đề cử. Ngoài ra, cán bộ, công chức không nằm trong quy hoạch của chức danh tuyển chọn nhưng được lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền đề cử cũng có thể thi tuyển.

Còn theo Nghị định số 06/2023 của Chính phủ về kiểm định chất lượng đầu vào công chức, từ ngày 1 tháng 8 năm 2024, cơ quan tuyển dụng công chức chỉ tuyển công chức đối với người đạt kết quả kiểm định.

Một nhà hoạt động xã hội ở Sài Gòn, anh Trần Anh Quân nêu nhận định của anh với RFA sáng 12/6/2024 :

"Theo tôi, cuộc thi này được tổ chức chỉ để qua mắt người dân thôi. Nó cũng như việc bầu cử Hội đồng nhân dân hay đại biểu quốc hội vậy thôi. Dân thường muốn ứng cử đâu có được. Trước đây họ làm rất lộ liễu nên người dân nhìn vô là biết ngay con ông cháu cha mới được làm lãnh đạo. Bây giờ Đảng cộng sản phải bày ra cái trò thi cử này để người dân họ tưởng là công bằng, công khai, chứ tôi nghĩ họ cũng sắp xếp, "mua ghế" hết rồi. Muốn làm lãnh đạo trong cơ quan nhà nước thì phải xét lý lịch mới được tuyển dụng. Mà trong chuyện này, người thi cũng là họ, người ra đề thi cũng là họ, người coi thi, chấm thi cũng là họ thì rõ ràng đây là một quy trình khép kín của Đảng cộng sản rồi".

Anh Quân phân tích thêm, bản chất việc thi tuyển này cũng giống như một công ty tuyển dụng nhân sự. Muốn tuyển được người tài đưa công ty phát triển thì ban lãnh đạo phải là những người có tâm, có tài. Anh nói tiếp :

"Cho nên, việc đầu tiên là những lãnh đạo cấp cao phải được người dân bầu ra bằng lá phiếu công khai, trung thực trong một đất nước dân chủ, đa đảng. Khi dân chọn ra được những người tài đứng đầu một địa phương thì những người này mới chọn tiếp những người khác. Chứ bây giờ có bày ra thi cử mà cấp trên là những người vô đức, vô năng thì không có ý nghĩa gì".

Một số người cho rằng, sở dĩ nhà nước bày ra chuyện thi tuyển mấy năm qua là để tránh tiếng "con ông cháu cha" trong hệ thống nhân sự tất cả các cấp từ nhiều năm qua. Nhưng với cách lựa chọn "thí sinh" là những người trong bộ máy thì bản chất sự việc không thay đổi, như lời bà Nguyễn Thị Quyết Tâm từng nhìn nhận : "Việc con em lãnh đạo được giao trọng trách quản lý là điều hạnh phúc của dân tộc, không có gì phải nghi ngại !".

Trong một lần trao đổi với RFA về cách thức tuyển dụng cán bộ, công chức cho các chức vụ lãnh đạo từ thấp đến cao trong bộ máy nhà nước, Giáo sư Nguyễn Đình Cống nhận định :

"Điều hạn chế của đảng Đảng cộng sản Việt Nam là họ tự cho mình có quyền quyết định 100% công tác cán bộ, cái quy trình đào tạo cán bộ, quy hoạch cán bộ của họ phạm phải 3 điều : phản dân chủ, phản khoa học và phản tiến bộ".

Giáo sư Nguyễn Đình Cống là một đảng viên đã từ bỏ đảng, và từng nộp đơn tự ứng cử Đại biểu quốc hội khóa XV. Ông bị loại sau một cuộc họp cử tri kín với lý do được nêu là đã trên 80 tuổi không đủ sức khỏe để phục vụ, làm việc cho Quốc hội.

Cách lựa chọn nhân sự của Đảng cộng sản Việt Nam từ hàng chục năm qua bị coi độc quyền, độc đoán theo cách đảng cử dân bầu. Tức đảng đưa ra cho dân, bắt dân phải bầu cho những con người ấy, chứ dân không có lựa chọn nào khác, bởi đảng chỉ muốn dùng những cán bộ trung thành với họ, trung thành với đường lối Mác Lênin.

Nguồn : RFA, 12/06/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 354 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)