Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

12/06/2024

Vụ VEAM nghiêm trọng đến mức nào khiến toàn bộ Ban Giám đốc bị bắt ?

RFA tiếng Việt

Bắt tạm giam Tổng giám đốc VEAM Phan Phạm Hà

RFA, 12/06/2024

Ông Phan Phạm Hà – Tổng giám đốc Tổng Công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (Vietnam Engine and Agricultural Machinery Corporation, Joint Stock Company VEAM) ) – vừa bị Công an Thành phố Hà Nội bắt giam với cáo buộc tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

veam01

Ông Phan Phạm Hà - VEAM

Theo truyền thông Nhà nước, cùng bị bắt giam với ông Hà còn có ông Nghiêm Trọng Thăng (phụ trách Văn phòng VEAM) với cùng cáo buộc.

Theo kết luận điều tra của công an được báo trong nước trích đăng, ông Phan Phạm Hà đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới kê khống giá trị hợp đồng, chỉ đạo lập hồ sơ thanh toán chi phí tiếp khách sai quy định, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng cho Tổng công ty VEAM.

Hai cấp dưới của ông Hà là Thái Đức Minh, Trưởng ban kinh doanh và phát triển thị trường ; Nguyễn Thị Mai Hương, Kế toán trưởng và nhiều nhân viên mua, sử dụng hóa đơn tiếp khách khống để "rút" tiền của Tổng công ty, gây thiệt hại cho Tổng công ty VEAM là hơn một tỷ đồng.

Hiện, ông Thái Đức Minh và bà Nguyễn Thị Mai Hương đã bỏ trốn và Công an Thành phố Hà Nội đang truy tìm.

Trước đó, vào tháng 10/2023, ông Nguyễn Thanh Giang, cựu tổng Giám đốc VEAM, và Hồ Mạnh Tuấn, Phó Tổng giám đốc VEAM cũng bị Công an Thành phố Hà Nội khởi tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí hơn 26 tỷ đồng.

Vào giữa năm 2022, hàng lãnh đạo của VEAM đã lãnh án tù do sai phạm trong việc vay ngân hàng trái quy định, gây thiệt hại gần 183 tỷ đồng.

Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) có đại diện chủ sở hữu là Bộ Công thương (trong đó vốn nhà nước hơn 88%), với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ và xuất khẩu trực tiếp các loại máy động lực, thiết bị máy móc phục vụ cho các ngành nông, lâm, ngư nghiệp.

Nguồn : RFA, 12/06/2024

**************************

Nhà máy ô tô VEAM tồn kho hơn hai ngàn xe tải nhiều năm, bán giảm giá nhiều lần vẫn không có người mua

RFA, 11/06/2024

Truyền thông Nhà nước mới đây có phóng sự cho biết Nhà máy ô tô VEAM ở Thanh Hóa (thuộc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam) có hàng ngàn xe tải tồn kho nhiều năm và qua nhiều lần đấu giá với giá rẻ mà không có người mua.

veam2

Khu đất rộng hơn 28 ha tại nhà máy ô tô VEAM Thanh Hóa có hàng ngàn xe ô tô VEAM hoen gỉ.

Phóng sự của VietnamNet hôm 10/6 cho biết, nhà máy này đã để ra một khoảng đất rộng mênh mông để chứa gần 2.200 xe tải. Công ty này đã tiến hành đấu thầu bốn lần và giảm giá liên tục mà cũng không có người mua.

Lần đấu giá gần nhất là ngày 13/5/2024, công ty thông báo đấu giá tài sản 2.177 xe với giá khởi điểm là hơn 503 tỷ đồng. Hồi tháng 8/2023, công ty cũng thông báo đầu giá cho 2.122 xe với giá khởi điểm là hơn 626 tỷ đồng. Lần đấu giá vào tháng 2/2022, số xe được thông báo đấu giá là 2.257 xe với giá khởi điểm 931 tỷ đồng. Lần đấu giá đầu tiên vào năm 2021, giá khởi điểm cho lô xe 2.290 xe là 971 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của VietnamNet, xe thượng hiệu VEAM hiện còn tồn 2.622 xe với giá vốn lên tới 966 tỷ đồng. Trong số này, có tới 2.221 xe tồn từ 2017 trở về trước với giá vốn là 878 tỷ đồng.

Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) có đại diện chủ sở hữu là Bộ Công thương (trong đó vốn nhà nước hơn 88%), với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ và xuất khẩu trực tiếp các loại máy động lực, thiết bị máy móc phục vụ cho các ngành nông, lâm, ngư nghiệp.

Các xe tồn kho của VEAM liên quan đến dự án đầu tư của VEAM vào nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô ở Thanh Hóa. Trong dự án này, VEAM đã mua nguyên một nhà máy cũ của Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) chuyên sản xuất xe tải vào đầu năm 2004. Tổng vốn đầu tư cho dự án là gần 2.000 tỷ đồng, lỗ lũy kế tính đến ngày 31/12/2018 là 343 tỷ đồng, theo báo của VEAM vào ngày 7/5/2019 gửi Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.

Trong những năm vừa qua, một loạt các lãnh đạo của Tập đoàn đã phải hầu tòa và chịu các án tù với cáo buộc vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí liên quan đến đất đai và vốn đầu tư.

Vào giữa năm 2022, hàng lãnh đạo của VEAM đã lãnh án tù do sai phạm trong việc vay ngân hàng trái quy định, gây thiệt hại gần 183 tỷ đồng.

Nguồn : RFA, 11/06/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA,
Read 333 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)