Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

21/06/2024

Putin đến Việt Nam : Ai là đại diện chính thức ra đón tiếp ?

Tổng hợp

Tổng Trọng mời Tô Đại đón tiếp vì lý do sức khỏe Tổng bí thư rất yếu ?

Trà My, Thoibao.de, 21/06/2024

Hai giờ sáng 20/6/2024, Tổng thống Nga Putin đã đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam trong thời gian 2 ngày, theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đón đoàn tại sân bay Nội bài phía Việt nam có ông Lê Hoài Trung – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương.

caytre4

Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Vladimir Putin cùng nâng ly chúc mừng. 

Theo giới quan sát, tháng 9/2023, khi đón Tổng thống Mỹ Joe Biden tại sân bay, cũng là ông Lê Hoài Trung. Nhưng tháng 12/2023, khi đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay, lại là Thủ tướng Phạm Minh Chính – một thành viên "Tứ trụ". Điều đó cho thấy, trong mối quan hệ với các cường quốc, lãnh đạo Việt Nam coi trọng nhất là mối quan hệ với Bắc Kinh.

Trước chuyến thăm của Tổng thống Nga đến Hà Nội, giới phân tích đánh giá, ông Putin muốn thể hiện với phương Tây rằng, Nga không hề bị cô lập. Đồng thời, theo giới quan sát, đây là cơ hội để kiểm chứng về sức khỏe và quyền lực của Tổng Trọng, vì, theo dự kiến ban đầu, ông Trọng đưa ra lời mời, và cũng sẽ là người chủ trì lễ đón tiếp ông Putin.

Ngay trước khi ông Putin đến Việt Nam, sau chuyến thăm cấp nhà nước tới Triều Tiên, truyền thông Nga đưa tin, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ chủ trì lễ đón chính thức, với nghi lễ cấp nhà nước. Sau đó, 2 bên sẽ hội đàm song phương và trao đổi các văn kiện ký kết. Tiếp theo, ông Putin sẽ trao đổi công việc với ông Phạm Minh Chính – Thủ tướng Việt Nam, trong bữa sáng, và tập trung thảo luận về các vấn đề kinh tế.

Vẫn theo truyền thông Nga, sau cuộc gặp với Thủ tướng Chính, Tổng thống Putin sẽ có cuộc trò chuyện với Tổng Trọng. Cuối cùng, là cuộc tiếp kiến với Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn. Cũng trong ngày, ông Putin còn có cuộc gặp gỡ với sinh viên đã tốt nghiệp các trường đại học của Liên Xô và Nga.

Đáng chú ý, theo giới quan sát, truyền thông nhà nước Việt Nam dường như đã nhận được chỉ đạo, rằng : "chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Vladimir Putin, trong hai ngày 19 và 20/6, là theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, chứ không phải của Chủ tịch nước Tô Lâm như giao thức quốc tế thông thường".

Trong 3 chuyến thăm Việt Nam trước đây của Tổng thống Putin, từ năm 2001, đều là theo lời mời của các nguyên thủ quốc gia Việt Nam, tức Chủ tịch nước. Tuy nhiên, chuyến thăm vào tháng 6/2024 này, người đưa ra lời mời lại là Tổng Trọng.

Theo đó, BBC Việt ngữ đã đưa ra một bình luận gây tranh cãi :

"Ngay cả khi ông Tô Lâm lên vị trí Chủ tịch nước, thì ông Trọng vẫn đảm trách việc mời và tiếp nguyên thủ các nước lớn. Điều này tô đậm vai trò của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Một số nhà quan sát cho rằng, điều này cho thấy, ông Tô Lâm vẫn chưa xoay chuyển được tình hình hiện nay".

Thực tế, chiều 20/6, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Trọng đã hội đàm với Tổng thống Putin. Đồng thời, người chủ trì lễ đón Tổng thống Putin tại Phủ Chủ tịch theo nghi thức cấp nhà nước, là Chủ tịch nước Tô Lâm. Diễn biến này đúng theo lịch trình mà truyền thông Nga đã đưa.

Theo giới quan sát, như vậy, Tổng Trọng là người đưa ra lời mời đối với Tổng thống Putin, nhưng Chủ tịch nước Tô Lâm lại là người đứng ra đón tiếp. Điều đó cho thấy, quyền lực nhà nước đang có xu hướng chuyển dịch từ Đảng sang nhà nước, thông qua vai trò của Chủ tịch nước Tô Lâm, như thông lệ quốc tế.

Đây là sự khác biệt so với chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, vào tháng 9/2023, hay chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình, vào tháng 12/2023. Khi đó, quyền lực nhà nước vẫn còn tập trung trong tay Tổng Trọng, và ông Trọng đã thay mặt cả Đảng và nhà nước, chủ trì trong việc tiếp đón. Điều đó đã làm lu mờ 3 nhân vật "Tứ trụ" còn lại.

Để xảy ra tình trạng Tổng Trọng mời, nhưng lại là Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp đón, là một sự bất thường, khác với trước đây. Trên Thông Tấn xã Việt Nam đăng một tấm hình, chụp Tổng Trọng bắt tay Putin ở tư thế ngồi, dựa lưng vào ghế, với dáng vẻ hết sức yếu ớt. Đây là câu trả lời cho câu hỏi "vì sao Tổng Trọng không đón tiếp Tổng thống Nga Putin".

Liệu đây có phải là chỉ dấu báo hiệu, tương lai chính trị của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ chấm dứt, và ông Trọng sẽ buộc phải rút lui khỏi chính trường ?/.

Trà My

Nguồn : Thoibao.de, 21/06/2024

*****************************

Ông Putin thăm Việt Nam : Tại sao có hai cuộc hội đàm ?

BBC, 21/06/2024

Trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam lần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có hai cuộc hội đàm : với Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

daidien1

Trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam vừa rồi, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có hai cuộc hội đàm

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam  - diễn ra trọn trong ngày 20/6.

Trong chuyến thăm này, ông đã lần lượt có các cuộc gặp mặt với "Tứ Trụ" của Việt Nam, gồm : hội đàm với Chủ tịch nước Tô Lâm, hội kiến với Thủ tướng Phạm Minh Chính, hội đàm với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và hội kiến Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Trước đó, trong lễ đón chính thức do Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì, Việt Nam đã bắn 21 phát đại bác chào mừng Tổng thống Putin.

Ông Putin tới thăm Việt Nam với tư cách là tổng thống Liên bang Nga, tức nguyên thủ quốc gia. Ông đã không còn là người đứng đầu Đảng Nước Nga Thống nhất (United Russia) từ năm 2012, nên theo các quy định của Việt Nam, ông không thuộc diện là người đứng đầu chính đảng lãnh đạo một quốc gia nước ngoài.

Mục 3, Điều 6 (Đón, tiếp Nguyên thủ quốc gia thăm cấp nhà nước), Nghị định 18/2022/NĐ-CP của Chính Phủ về nghi lễ đối ngoại, quy định về "Gặp hẹp và Hội đàm cấp nhà nước" như sau :

- Chủ tịch nước và Nguyên thủ quốc gia nước khách gặp hẹp trước khi hội đàm theo thỏa thuận của hai bên ;

- Chủ tịch nước và Nguyên thủ quốc gia nước khách đồng chủ trì hội đàm ;

- Thành phần tham dự phía Việt Nam tương ứng với thành phần chính thức của đoàn khách và yêu cầu của nội dung hội đàm ;

- Trong thời gian gặp hẹp và hội đàm, bố trí gác tiêu binh danh dự.

Mục 4, Điều 6 nghị định này về "Tiếp xúc cấp cao" nêu :

- Thu xếp Nguyên thủ quốc gia nước khách tiếp xúc cấp cao với Tổng bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và một số lãnh đạo khác theo yêu cầu và điều kiện cụ thể của chuyến thăm.

Căn cứ theo nghị định nêu trên, Tổng thống Putin chỉ có hội đàm với Chủ tịch nước Tô Lâm, không hội đàm với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tuy nhiên, trên thực tế thì cuộc gặp giữa ông Putin và ông Trọng được chính thức công bố là "hội đàm".

Xét tiền lệ thì chuyến thăm cấp nhà nước gần nhất của ông Putin tới Việt Nam là vào năm 2013, cũng chỉ với tư cách tổng thống Nga.

Khi đó, ông Putin chỉ có một cuộc hội đàm duy nhất với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc bấy giờ chỉ hội kiến với Tổng thống Putin.

Chuyến thăm cấp nhà nước từ Mỹ và Trung Quốc

daidien2

Ngày 11/9/2023, ông Võ Văn Thưởng, khi đó là chủ tịch nước Việt Nam, có cuộc hội kiến với ông Joe Biden

Vào tháng 9/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Theo Mục 3, Điều 6, Nghị định 18/2022/NĐ-CP của Chính Phủ, người hội đàm với ông Joe Biden là chủ tịch nước, lúc bấy giờ là ông Võ Văn Thưởng. Trên thực tế, người hội đàm với ông Biden là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chỉ có cuộc hội kiến với ông Biden.

Ông Trọng khi đó cũng là người chủ trì lễ đón, dù Mục 2, Điều 6 của nghị định nêu trên về "Lễ đón cấp nhà nước" nêu rõ chủ tịch nước là người chủ trì lễ đón.

Sự vênh nhau giữa thực tế và quy định được đánh giá là thể hiện quyền lực và ảnh hưởng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tới tháng 12/2023, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam, theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.

Khác với hai chuyến thăm của ông Biden và ông Putin, ông Tập Cận Bình đến thăm cấp nhà nước với tư cách nguyên thủ quốc gia và đồng thời là người đứng đầu đảng cầm quyền.

Lễ tiếp đón dành cho chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập Cận Bình được xét theo Điều 7 (Đón, tiếp Nguyên thủ quốc gia đồng thời là người đứng đầu Đảng cầm quyền thăm cấp nhà nước theo hai chức danh), Nghị định 18/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Mục 4, Điều 7 Nghị định 18/2022 về "Gặp hẹp và Hội đàm cấp nhà nước" nêu :

- Tổng bí thư và Trưởng đoàn nước khách gặp hẹp trước khi hội đàm theo thỏa thuận của hai bên ;

- Tổng bí thư và Trưởng đoàn nước khách đồng chủ trì hội đàm ;

- Thành phần tham dự phía Việt Nam tương ứng với thành phần chính thức của đoàn khách và yêu cầu của nội dung hội đàm.

Mục 5, Điều 7 nghị định này về "Tiếp xúc cấp cao" nêu :

- Thu xếp Trưởng đoàn nước khách tiếp xúc cấp cao với Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và một số lãnh đạo khác theo yêu cầu và điều kiện cụ thể của chuyến thăm.

Trong chuyến thăm này, ông Tập Cận Bình đã có cuộc hội đàm với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và hội kiến với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, theo đúng như Nghị định 18/2022.

Về mặt đảng, Điều 6, Quy định 02-QĐi/TW năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương về "Lễ tân đối ngoại đảng" nêu :

- Thăm cấp nhà nước, thăm chính thức : Trường hợp người đứng đầu đảng cầm quyền là nguyên thủ hoặc lãnh đạo các nước thăm cấp nhà nước, thăm chính thức, áp dụng các biện pháp lễ tân, nghi thức tương ứng theo quy định của nghi lễ ngoại giao nhà nước.

Do đó, chuyến thăm của ông Tập Cận Bình được đón tiếp theo quy định tại Điều 7, Nghị định 18/2022.

BBC, 21/06/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trà My, BBC
Read 435 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)